Tuần dự án là hình thức dạy và học đặc biệt thú vị, nhất là với các môn khoa học có ứng dụng như Vật lí. Tuần dự án thường được tổ chức vào tuần học cuối cùng của năm học với chủ đề dự án được học sinh tự đề xuất và lựa chọn.
Dạy học dự án : là một hình thức tổ chức giờ học theo các bước thực hiện một dự án, trong đó người học tùy theo khả năng và sở thích của mình được phép tự lựa chọn tìm hiểu về những vấn đề không chỉ để nhằm lĩnh hội kiến thức, mà còn nhằm có được những năng lực cần thiết để thành công trong các lĩnh vực cuộc sống, công việc và xã hội. |
Hình thức này tuy quen thuộc với nhiều nước trên thế giới nhưng vẫn còn ít nhiều xa lạ với Việt Nam. Vì thế, chuyện thầy giáo Nguyễn Cao Cường cùng 20 học sinh lớp 11 ở Trường PTTH Đội Cấn – Vĩnh Phúc thực hiện thành công tuần dự án với đề tài “Chế tạo một thiết bị đơn giản sử dụng năng lượng mặt trời’’ đã trở thành một câu chuyện thú vị về những bài học khoa học giản đơn và kỳ diệu.
Từ xa xưa, cha ông ta đã biết sử dụng năng lượng nhiệt mặt trời để hấp sấy nông sản, sản xuất muối… Phát triển ý tưởng đó, 20 bạn học sinh sau khi thảo luận đã tự chia thành 5 nhóm, mỗi nhóm thực hiện một nhiệm vụ riêng. Các thành viên cử ra nhóm trưởng, thư kí để bao quát, phân công và ghi lại những bước thực hiện công việc của đề tài.
![]() |
![]() |
Gương parabol từ tre | và vỏ lon đang được hoàn thiện – Ảnh: NC |
Các thành viên trong nhóm đã tích cực tìm nguồn tài liệu trên Internet về những kiến thức liên quan đến đề tài rồi cùng nhau trao đổi để thực hiện nhiệm vụ. Sau khi trao đổi, mỗi nhóm chọn một phương án để chế tạo một thiết bị riêng cho nhóm mình, đồng thời phân công nhiệm vụ cho mỗi thành viên trong nhóm tìm kiếm nguyên vật liệu sẵn có để chế tạo thiết bị.
TS.Nguyễn Văn Biên (ĐHSPHN) : "Hình thức dạy học theo dự án không những nâng cao hứng thú cho học sinh với môn học, mà còn giúp cho học sinh phát triển những năng lực toàn diện. Đó là khả năng tự đặt vấn đề, tự lập kế hoạch giải quyết vấn đề, tự đánh giá và khả năng làm việc theo nhóm." |
Đúng lịch đã hẹn, các thành viên gặp nhau tại nhà của bạn nhóm trưởng với các nguyên vật liệu được phân công chuẩn bị. Theo chân nhóm Quả cầu lửa – tên do các bạn tự đặt – chúng tôi đã ghi được hình ảnh làm việc hăng say đầy sáng tạo của các bạn học sinh khi chế tạo một gương parabol để tạo ra bếp năng lượng mặt trời từ những tấm vỏ lon ghép lại và khung tre.
Sau nhiều lần thử nghiệm, Quả cầu lửa đã chế tạo thành công thiết bị của mình và đem tiến hành thử nghiệm với việc luộc trứng chim cút. Các bạn đặt gương parabol đã chế tạo hướng về phía mặt trời, ánh sáng mặt trời hội tụ tại tiêu điểm của gương và làm sôi lon nước có chứa trứng chim cút đặt ở đó. Sau hơn chục phút, dưới ánh nắng trưa hè, quả trứng đã chín như có phép lạ.
![]() |
Báo cáo kết quả – Ảnh: NC |
Sau ba ngày, về cơ bản, các nhóm đã hoàn thành nhiệm vụ do mình tự đề ra và tập trung trên phòng máy tính của trường để tổng kết và chuẩn bị báo cáo cho buổi trình bày kết quả diễn ra vào hôm sau. Buổi trình bày được Ban Giám hiệu nhà trường và các thầy cô giáo trong tổ bộ môn Vật lý tới dự.
Nhóm Quả cầu lửa giới thiệu bếp parabol và trình bày nguyên tắc hoạt động của các nhà máy điện mặt trời trên thế giới. Nhóm Tương lai là vĩnh hằng giới thiệu sản phẩm máy “Chưng cất nước ngọt”, nhóm Niềm tin ánh sáng trình bày sản phẩm “Máy hấp sấy nông sản”. Các nhóm đều trả lời các câu hỏi của các vị khách tham gia và của các nhóm khác một cách tự tin, chững chạc. Lan -một thành viên trong nhóm Niềm tin ánh sáng – nói : “Em rất vui khi được tham gia Tuần dự án. Qua Tuần dự án này, bọn em thấy mình tự tin hơn vào bản thân và thấy môn Vật lý gần gũi hơn với cuộc sống". Còn Quân, thành viên trong nhóm Quả cầu lửa – thì hồ hởi: “Năng lượng mặt trời là một trong những nguồn năng lượng thay thế thân thiện với môi trường, nước ta có tiềm năng rất lớn".
![]() |
![]() |
Các tác giả hồ hởi bên "chảo" |
và "bếp" đun dạng hộp đã thành hình – Ảnh: NC |
Vật lí là một môn học có nhiều ứng dụng quan trọng trong các lĩnh vực khoa học và đời sống. Những hiện tượng vật lí trong tự nhiên diễn ra vô cùng phong phú và thú vị. Tuy nhiên,việc dạy học Vật lí hiện nay ở trường phổ thông mới chỉ dừng ở mức độ dạy những kiến thức khô cứng và tập trung vào việc luyện giải bài tập. Điều đó phần nào khiến cho học sinh giảm hứng thú với môn học, khiến cho kiến thức học được ở trường của học sinh trở thành xa lạ với thực tiễn. Hình thức dạy học giúp gắn liền tri thức được học ở trường với những ứng dụng trong cuộc sống như thế này rất đáng được nhân rộng.
Mạn Nhi – Theo TVN