Qua đợt rét đậm rét hại mang tính lịch sử này, bộc lộ một số điều mà ta chưa lường tới. Ấy là ta chưa chủ động đón sự biến đổi khí hậu do chính chúng ta gây ra. Hiện nay ở miền Bắc, không chỉ trâu – bò, mà cả cây trồng cũng chết. Vụ cấy mà mạ chết hàng loạt. Việc nghỉ học của học sinh cũng rất bị động, khiến các trường vô cùng lúng túng vì không đồng bộ trong kế hoạch lên lớp. Rồi qua đó, sự phân hóa giàu – nghèo, nông thôn – thành thị cũng khá rõ…

Không còn là rét nữa rồi, mà là lạnh, lạnh thấu da thấu thịt, lạnh như trong… tủ lạnh.

Những người đã từng ở miền Bắc thường phân biệt lạnhrét. Lạnh khốc liệt hơn rét, dù có khi nhiệt độ là ngang nhau. Rét có vẻ thi vị hơn, người ta gọi là rét ngọt, rét tình nhân…

Nhưng bây giờ thì những gì đang diễn ra ở miền Bắc khiến ta không thể vô tâm để phân biệt rét ngọt hay lạnh buốt nữa.

Đã có nhiều người chết rét, chết rất thương tâm. Chỉ vì rau cần lên giá (cũng vì lạnh, người thành phố thích ăn lẩu cho ấm, mà lẩu thì cần rau cần để nhúng), một người phụ nữ đã chết cóng bên ruộng rau cần nhà mình vì sáng sớm đi cắt rau để kịp bán. Một cháu bé nữa được bố mẹ chở đi chúc Tết ông bà cũng đã bị chết cóng trên xe, chết trong tư thế ngồi giữa bố và mẹ. Rất nhiều người bị bỏng từ hệ lụy của rét, nhất là người già và trẻ em…

Trâu bò chết hàng loạt, vì rét, vì không có cái ăn. Mà đối với dân nghèo, con trâu là đầu cơ nghiệp. Vì thế, ta thấy cảnh người thì chịu rét co ro, phong phanh áo mỏng nhường tấm chăn duy nhất cho trâu; thấy cảnh cả nhà dăn deo đẩy ông trâu về xuôi trốn rét; thấy cảnh những gia đình ở Quảng Bình mang hết những gì có trong nhà ủ cho trâu, còn người thì quần xắn hết cỡ đi lội ruộng cắt cỏ phục vụ "đầu cơ nghiệp"…

Có một tấm ảnh rất cảm động : lạnh đến như thế nhưng các em học sinh ở nông thôn Lào Cai vẫn chân đất đến lớp, mà đường thì ướt lép nhép. Các em cười rất tươi trước ống kính. Trong khi đó, ở thành phố, những ông những bà, những cô những cậu… sù sụ trong những bộ đồ rét sang trọng, đắt tiền, mà vẫn luôn mồm kêu rét.

Nhiều gia đình khá giả ở thành phố "hành" phương Nam tránh rét. Bạn tôi ở Vũng Tàu điện cho hay : Vũng Tàu cháy phòng. Một nhà thơ bạn tôi vào Vũng Tàu ở ba ngày tại Nhà sáng tác của Bộ Văn hóa, đã được ưu ái giảm 20% giá phòng theo chính sách ưu ái với văn nghệ sĩ và 10% từ sự mến mộ riêng của ông Giám đốc, vẫn phải móc túi trả 2,1 triệu cho ba đêm, rên như sấm vì anh đi việc riêng chứ chưa đủ tiềm năng để đi trốn rét như các gia đình khá giả khác.

Qua đợt rét đậm rét hại mang tính lịch sử này, bộc lộ một số điều mà ta chưa lường tới. Ấy là ta chưa chủ động đón sự biến đổi khí hậu do chính chúng ta gây ra. Hiện nay ở miền Bắc, không chỉ trâu – bò, mà cả cây trồng cũng chết. Vụ cấy mà mạ chết hàng loạt. Việc nghỉ học của học sinh cũng rất bị động, khiến các trường vô cùng lúng túng vì không đồng bộ trong kế hoạch lên lớp. Rồi qua đó, sự phân hóa giàu – nghèo, nông thôn – thành thị cũng khá rõ. Ngay ở Sa pa thôi, trong khi nông dân đang bị lạnh làm cho trắng tay, thì các ông chủ khách sạn – nhà hàng hốt bạc vì người thành phố miền xuôi ùn ùn lên… hưởng rét và ngắm băng tuyết. Còn ở thành phố, nhân Ngày Valentine, người ta tặng nhau chuột Hamster, giá một cặp bằng… 1/3 con trâu…

Sáng nay, khi thức dậy, tôi quờ tay vớ chiếc nhiệt kế treo ở đầu giường : nhiệt độ trong phòng là hơn 13 độ. Cữ này, ở dưới làng lạnh phải biết. Đến cơ quan, ai cũng xù xụ một đống áo quần. Như thế, lạnh đâu chỉ là độc quyền của xứ Bắc mùa này.

Ở Pleiku, thi thoảng tôi vẫn hồi tưởng về rét Bắc với sự thi vị tiếc nuối, với những ký ức tươi đẹp. Nhưng giờ thì không dám phũ phàng thế. Tôi viết những dòng này để chia sẻ với những mất mát, với sự khốc liệt của lạnh mà đồng bào của tôi ở phía Bắc đang chịu đựng…

Phía ấy, trời xám ngắt và lạnh tê buốt cơ thể, như kim châm, như kìm cắt…

Phía ấy, những người nông dân đang hõm mắt vì lo đói.

Phía ấy, trẻ em và người già…

Nhà thơ Văn Công Hùng

Theo VNQĐ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *