Mỗi khi gặp Phong Điệp, tôi thường đùa: “Không có nhà văn trẻ nào “đẻ” giỏi như chị đâu nhé”. Chỉ trong vòng 13 năm, Điệp cho ra đời 11 cuốn sách, ở các thể loại khác nhau: tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa, truyện thiếu nhi, bút ký, tản mạn văn chương… Đấy là tôi chưa cộng vào danh mục này hai “tác phẩm lớn nhất” của Điệp là hai cô con gái – Diệp Thảo 6 tuổi và Bảo Anh 4 tuổi. Diệp Thảo và Bảo Anh còn là nguyên mẫu trong bộ truyện thiếu nhi “Nhật ký Sẻ Đồng” của mẹ Phong Điệp mà cuốn đầu tiên có tên “Chào em bé” vừa được Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành.
Phong Điệp dường như lúc nào cũng tất bật bận rộn, lúc nào cũng có công việc gì đó để làm. Ít khi thấy Điệp ở trong những đám đông, nơi không ít nhà văn (cả già lẫn trẻ) coi đó như chốn lấy cảm hứng để sáng tạo, hay đơn giản là được “phô trương” cái tôi cá tính của mình. Điệp ngồi đâu cũng chỉ chốc lát. Đến giờ đón con là về đón con. Đến giờ làm việc là về làm việc. Tôi từng nghe hơn một nhà văn “phàn nàn” rằng, Phong Điệp chuẩn mực và nghiêm ngắn hơn cả một công chức, chả có tí “thái quá” nào của người cầm bút cả. Có người còn nói, Điệp sống đơn điệu quá, ít có những giây phút thăng hoa. Tôi đem chuyện này kể với Điệp, chị bảo: “Các đám đông nó “phản trắc” lắm, không ít người bị tổn thương vì đám đông. Mình cũng từng có những lần như vậy. Bạn ngồi trong một đám đông, nhưng khi bước chân ra khỏi cửa, bạn không thể biết người ta nói gì về mình. Tôi chỉ chơi trong một “đám đông” nho nhỏ mà tôi thích, và tôi cảm thấy rằng cái đám đông ấy hiểu mình mà thôi”.
Sự thật thì ở trong nhiều đám đông, đôi khi người ta mang một ai đó ra để “nhậu”. Sau một cuộc vui, đôi khi là cảm giác ê chề, trống rỗng. Nhưng đám đông vẫn có một sức hút nào đó khiến người ta không thể cưỡng lại được. Người trẻ hình như càng thích đám đông, là nơi họ có cơ hội “chém gió”, nơi họ bộc lộ hình ảnh, quan điểm, phát ngôn của mình. Phong Điệp hoàn toàn không bị cuốn vào sức hút ấy. Tất cả những gì cần bộc lộ, chị dồn vào trang viết. Một lý do khác, Điệp không có thời gian. Muốn tham gia vào một đám đông, bạn cũng cần phải “tiêu xài” thời gian cho nó. Nhưng ngày thì chỉ có 24 tiếng đồng hồ và Điệp thì có một gia đình với hai con nhỏ để chăm sóc và vô số ý tưởng trong đầu lúc nào cũng đòi được viết ra. Điệp nói, chị thiết lập cuộc sống theo cách riêng của mình. Những người không hiểu chị hay đơn giản chỉ nhìn bề ngoài thì thấy chị sống có vẻ “chán”, lúc nào cũng rất nghiêm túc, chỉn chu, chả “điên” tí nào. Không “điên” sao làm nghệ thuật được chứ. Điệp là người ít phát ngôn, thậm chí “lì” đến mức chả cần ai hiểu mình. “Mỗi người có một thân phận, một cuộc sống riêng đâu dễ gì bày tỏ. Có những hôm, mình “điên” đến nỗi một mình phóng xe lên chùa, ngồi dưới gác chuông rồi lại phóng xe về. Vui buồn, tâm trạng và cả những nỗi riêng tư chỉ "một mình mình biết, một mình mình hay” là đủ, sao cần phải nói ra”.
![]() |
Nhà văn Phong Điệp. Ảnh : Nguyễn Xuân Thủy |
Tôi và Điệp có những năm tháng cùng học chung một mái trường phổ thông. Điệp học giỏi và nổi tiếng từ rất sớm. Điệp viết văn từ lúc mới 12 tuổi. Khi đó, đã từng có hẳn một chương trình của Đài Truyền hình Trung ương về cô bé yêu văn chương Phong Điệp phát sóng, và Điệp trở thành thần tượng của không ít bạn bè. Nhưng rồi Điệp chọn ngành Luật để theo học. Và ngành Luật, với đặc thù riêng của nó, ít nhiều có ảnh hưởng lên tính cách của Điệp: khoa học, chuẩn mực, hợp lý. Điệp già dặn hơn tuổi của mình, hơn các bạn đồng trang lứa. Những trang viết của Điệp cũng nặng suy tư hơn. Điệp có khả năng viết song song cùng lúc nhiều cuốn sách. Tốc độ viết của Điệp rất nhanh. Điệp trẻ, mà lúc nào cũng như đang chạy đua với thời gian vậy. Khi tôi nói điều này, Điệp gật gù xác nhận: “Mình bị ám ảnh cái lần đi xem bói, thầy bảo tuổi thọ mình ngắn (cười), nên phải làm nhiều việc chạy đua với thời gian”. Tôi biết Điệp không tin thầy bói, nhưng câu nói đó dường như giúp chị nhận ra sự hữu hạn của thời gian dành cho một cuộc đời và chị học cách sử dụng thời gian cho có ích. Sau một vài cay đắng tuổi trẻ (mà ai cũng có), Điệp nhanh chóng giã từ những đám đông ồn ào, tự thiết lập cho mình một thái độ sống kiệm lời và viết. Nhìn vào danh mục tác phẩm của Phong Điệp có thể nhận ra chị đã cần mẫn như thế nào trên cánh đồng chữ. Tất nhiên, văn chương không tính số lượng. Nhưng số lượng cũng là một trong những thước đo tính chuyên nghiệp, tình yêu nghề của người cầm bút. Chúng ta không khó để tìm ra ví dụ về một người viết trẻ nào đó, nổi đình nổi đám chỉ bởi những phát ngôn gây sốc, những “pha” làm hàng hàng quái chiêu, những trò PR tiểu xảo để gây chú ý, những ngộ nhận, lầm tưởng một cách đáng thương về sự nổi tiếng mà không phải bằng tác phẩm. Còn Phong Điệp, chị đã chọn lấy một cách thể hiện mình đúng nhất, là viết, và thấm thía mọi giá trị của đời sống trong việc viết. Điệp không viết để lấy số lượng, không màng việc ngồi đếm đầu sách mình đã xuất bản. Chỉ là Điệp có nhu cầu phải được viết ra những điều mình suy ngẫm, trải nghiệm. Mặc dù: “Ai đó nói giây phút hạnh phúc nhất của họ là ngồi trước trang giấy và trải lòng lên đó, còn tôi thì không. Khi viết, có lúc mình phải lấy quá khứ của mình ra, hay những nỗi đời éo le xung quanh mình nên chẳng hề sung sướng chút nào. Có khi là đau buồn, là nước mắt. Nhưng không thể không viết”.
Văn chương nó có cách “ngốn” người viết rất khủng khiếp. Nó làm đau, nó ám ảnh, nó đè nặng tâm can, nhưng không thể xa rời. Người đàn bà viết văn, đan xen trong trăm thứ “bà rằn” của đời sống: công việc cơ quan, gia đình, chăm sóc con cái, viết có lúc cũng như là sự “đánh quả” với thời gian vậy. Mà Phong Điệp thì việc gì cũng muốn được chu toàn. Là Trưởng ban biên tập báo Văn nghệ trẻ, chị lo lắng bài vở cho từng số báo, không giấu giếm “tham vọng” ngày càng có nhiều bạn trẻ cầm bút coi đây là sân chơi thú vị của mình mà đến cho nhập cuộc. Trang phongdiep.net, từ một trang web cá nhân của Phong Điệp nay đã trở thành một diễn đàn về văn học nghệ thuật có uy tín, được nhiều người truy cập. Trên trang mạng này, Điệp chỉ dành một góc nhỏ cho mình, còn lại là chuyển tải những thông tin về đời sống văn nghệ mà chị cho là “có giá trị”. Với phương châm những gì mình đọc thấy có giá trị với mình thì sẽ có giá trị với người khác, Điệp tránh xa cái lối làm trang web cá nhân chỉ cốt để bắt mắt, câu khách, gây tò mò với những cư dân mạng hiếu kỳ. Điệp cảm thấy vui khi có nhiều nhà văn, nhà phê bình coi phongdiep.net là một địa chỉ tin cậy để họ gửi gắm những trang viết của mình. Ví dụ: “Nhà phê bình Lại Nguyên Ân có tư liệu văn học gì mới rất hay chia sẻ với phongdiep.net. Phongdiep.net còn được độc quyền đăng tải những tư liệu về nhà văn Xuân Sách do con trai nhà văn cung cấp. Tôi cũng rất vui khi phongdiep.net được xem là một trang tham khảo chính thống cho các sinh viên ngành xã hội – văn học làm luận văn.”
Trong phần lớn các trang viết của mình, Phong Điệp quan tâm đến đề tài người trẻ sống ở đô thị. Đọc các tác phẩm “Bloger”, “Lạc chốn thị thành” “Phòng trọ”, “Ma mèo”… thấy rõ Phong Điệp đang cố gắng khắc họa chân dung những người trẻ từ tỉnh lẻ về lập nghiệp và mưu sinh ở thành phố, và họ phải đối mặt với những cuộc vật lộn, những niềm vui, nỗi buồn và cả bi kịch để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi mình là ai, mình đang đi về đâu? Viết về những người trẻ, cũng là viết về chính mình. Phong Điệp chia sẻ: “Viết về tuổi trẻ đô thị mình có nhiều trải nghiệm. Trong văn chương, quá nhiều tác phẩm về đề tài này, nhưng mình thấy hình như vẫn chưa ai đào sâu đến tận cùng những vật lộn, những bi kịch mà những người trẻ tỉnh lẻ về đô thị mưu sinh đang phải trải qua. Mặc dù đã viết về đề tài này nhiều lần, nhưng mình vẫn luôn có cảm giác “mắc nợ”, và mình sẽ còn viết tiếp”.
Khi nói về những câu chuyện tuổi trẻ, chúng tôi đều thấy mình là người trong cuộc, đâu phải đứng ngoài. Tôi thấy mình trong những câu chuyện Điệp kể. Và chắc chắn là Điệp cũng vậy, không ít lần “soi gương” chính mình qua mỗi trang viết. Điệp bồi hồi nhớ lại, quá khứ vừa mới đây thôi, chưa đủ thời gian để nhòa đi một chi tiết nhỏ nào, cô sinh viên hồn nhiên rời khỏi cổng trường đại học và bước vào đời sống. Đi làm báo, vật lộn với những con chữ, nhận mức lương 500.000 đồng, sống tằn tiện trong căn phòng trọ tồi tàn 9 mét vuông, trần xi-măng. Mùa hè nắng như thiêu đốt, đổ một chậu nước ra sàn nhà, chỉ mấy phút sau cái nóng đã “nuốt chửng” nó. Những giấc ngủ chập chờn mộng mị vì bất an, vì nóng, vì cô đơn không bè bạn, không tình yêu. Và phải sống qua những giây phút đau đớn để tự hiểu rằng, ngay cả những người thân yêu nhất cũng có lúc làm mình tổn thương, suy sụp. Ngay cả những người thân tín cũng có lúc quay lưng lại với mình. Rằng đời sống nghiệt ngã, khốc liệt gấp hàng trăm ngàn lần mình tưởng tượng khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng, sau thất vọng, và cả tuyệt vọng là đứng dậy, bò ra viết báo để kiếm tiền, để bám trụ với đời sống đô thị.
Những câu chuyện, những cuốn sách lần lượt ra đời trong những không gian buồn xám như vậy. Cảm giác này, câu chuyện này đâu phải của riêng Phong Điệp, mà tôi biết rằng phần lớn những người cầm bút trẻ xuất thân từ tỉnh lẻ lứa chúng tôi đều đã trải qua như thế. Vì đã trải qua, nên Điệp ứa nước mắt khi nhắc về chuyện tình của hai bạn viết trẻ sau mình. Họ ra trường, may mắn có việc làm, nhưng với mức lương hơn một triệu đồng, họ loay hoay với đời sống đang ào ào chạy đua, và thậm chí là không dám nghĩ là có thể đến được với nhau, mang cho nhau hạnh phúc. Đằng sau những lộng lẫy, phù phiếm phố xá mà ta đang nhìn thấy ngoài kia, là biết bao cuộc đời, biết bao thân phận tuổi trẻ đang gồng mình với đời sống. Và không ít người trẻ tuổi, trong cuộc mưu sinh, đã không chiến thắng được chính mình, đã “bỏ quên” những lý tưởng ban đầu, những giá trị cần thiết để chạy theo những thực dụng tầm thường…
Bằng sự nhạy cảm của người phụ nữ cầm bút, và những vui buồn đã trải nghiệm, Phong Điệp nhận ra giá trị của hạnh phúc. Rằng, hành trình tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc thật chẳng dễ dàng gì, và nếu bạn đang “sở hữu” nó, hãy biết nâng niu, giữ gìn. Điệp thừa nhận, đây cũng là một sự “ngộ” cơ bản khiến chị luôn có ý thức “thiết lập một vành đai bảo vệ” những gì mình đang có. Gia đình, một người chồng để yêu thương và những đứa con ngoan luôn nhắc nhở Điệp, ngoài vai trò là một nhà báo, nhà văn, chị còn là một người phụ nữ của gia đình. “Có những lúc phải bớt cái tôi của mình đi để làm một người phụ nữ bình thường nhất có thể”.
Người cầm bút viết văn, nói lòng bình yên thì có lẽ không ai tin. Nhưng Phong Điệp đang có một cuộc sống bình yên, ít nhất là theo cách mà chị muốn tạo ra. Và chị chăm chút cho đời sống ấy, thậm chí bảo vệ nó, để mỗi khi ngồi vào bàn viết, trước trang giấy, chị thấy mình không bị vướng bận. Và, được “bay” hoàn toàn trong thế giới của riêng mình.
Bình Nguyên Trang – An ninh thế giới cuối tháng 5/2011