Ảnh minh họa: blog.yume.vn |
“Chưa bao giờ các bậc phụ huynh lại hoang mang, mất đi sự tin tưởng khi gửi gắm con em mình tại những cơ sở cả dân lập lẫn công lập như hiện nay”. Đó là nhận định của báo Người lao động khi nói về sự suy thoái đạo đức trong môi trường giáo dục. Nhận định đó đưa ra cách đây hơn một năm, đến nay còn mới nguyên, cho thấy tình trạng đó không hề được cải thiện, càng ngày càng trầm trọng hơn.
Nỗi lo lắng của phụ huynh là hoàn toàn chính đáng, khi họ gửi con cho nhà trường không chỉ để học chữ mà học làm người lại gặp phải môi trường phi giáo dục, phản sư phạm. Thôi không nói đến những chuyện to tát, chỉ riêng việc cô thầy đem ngôn ngữ hàng chợ vào lớp học cũng đủ khiến các phụ huynh phải rùng mình, phát hoảng.
Thực ra việc thầy cô văng tục và chửi bậy, mày mày tao tao với học sinh, chửi học sinh ngu như chó, ngu như lợn… thứ ngôn ngữ hàng chợ đó người ngoài khó có thể biết. Nó được giấu diếm bởi vẻ ngoài mẫn cán và mô phạm, kín đến nỗi chỉ khi các clip cô thầy chửi mắng học sinh được phát tán trên mạng người ta mới ngã ngửa ra: đó không phải sự lỡ lời của “một bộ phận giáo viên”, tuồng như nó là ngôn ngữ giao tiếp với học sinh hằng ngày của họ.
Theo Vietnamnet, một học sinh Trường PTTH A. cho biết: “Một hôm khi đọc một đoạn thơ, cô hỏi bạn B. nêu ý nghĩa của đoạn thơ đó, bạn B. không nói được, cô bèn mắng bạn là ngu như chó. Một học sinh lớp 6 đã khóc kể cháu bị cô chủ nhiệm “dạy dỗ” thế này: “Tội nghiệp ba mẹ mấy người, cho mấy người chỉ việc ăn, học mà học ngu như bò, thà nuôi chó còn sướng hơn!”. Thật kinh khủng.
Sư là thầy, phạm là khuôn thước, là mẫu mực, không ai không biết chiết tự nghĩa của từ sư phạm. Nhưng liệu “một bộ phận giáo viên” có biết rằng, tất cả những kiến thức họ truyền thụ cho học sinh phải được “bảo hành” bởi chính phẩm cách của họ hay không? Liệu họ có biết khi giáo viên dùng ngôn ngữ “vô giáo dục” để giao tiếp với học trò thì chẳng những họ không giáo dục được ai mà họ đang chống lại giáo dục, phỉ báng chính họ?
Bác Hồ đã từng nói: “Nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục, nhưng để thực hiện được vai trò vẻ vang của mình, trước hết, thầy giáo phải xứng đáng là thầy, thầy phải được lựa chọn cẩn thận vì không phải ai cũng làm thầy được”. Để làm theo lời Bác, thiết nghĩ Bộ GD-ĐT hằng năm nên thanh lọc “một bộ phận giáo viên” mất phẩm chất ra khỏi ngành. Không chỉ các giáo viên “bớt xén phần ăn của học sinh”, “đổi tình lấy điểm”, “gian lận trong thi cử”, “đánh đập” và “xâm hại tình dục học trò”… ngay cả những giáo viên quen dùng ngôn ngữ hàng chợ kia cũng cần phải loại bỏ, “để cho họ làm công việc khác thích hợp hơn”, như GS Ngô Bảo Châu đã nói.
Trong khi “ra sức thi đua” hết “hai tốt” lại “bốn tốt”… mà vẫn để cho “một bộ phận giáo viên” mất phẩm chất tồn tại và phát triển; trong khi giương cao khẩu hiệu: “Dân chủ – kỷ cương – tình thương – trách nhiệm” lại ngăn cấm học trò tuyệt đối không để cho những thông tin nói trên rò rỉ ra ngoài… thì chính là chúng ta đang phi giáo dục, phản sư phạm chứ không chỉ “một bộ phận giáo viên” kém phẩm chất kia đâu. Đó là một sự thật.
Theo Nguyễn Quang Lập (Phunuonline)