Chỉ có cách thật thân thiện và công khai trên báo chí, tân Tổng thống Mỹ Barack Obama mới tránh được dấu hiệu của sự thất bại đầu tiên.

Richard Stengel, Tổng biên tập Tạp chí Time – (Nguồn : ischool)

Vài lời khuyên quan trọng của Tổng biên tập Tạp chí Time Richard Stengel dành cho Tổng thống Mỹ mới đắc cử trong việc quan hệ với giới báo chí. Ý kiến của ông được một đồng nghiệp ghi lại trên blog.

Thất bại của sự không thân thiện

Tôi đã gặp Obama vào tháng 10/2006 tại một khách sạn ở thành phố Phoenix khi tham dự hội nghị của một tờ tạp chí. Lúc đó, Obama vẫn chưa tuyên bố chính thức rằng ông sẽ chạy đua vào Nhà Trắng.

Obama xuất hiện tình cờ ở đại sảnh trong bộ quần áo thể thao màu trắng khi ông vừa kết thúc buổi tập quần vợt. Trên lối vào phòng riêng, ông đã chào và hỏi thăm các phóng viên, nhà báo có mặt tại đó.

Ông chủ Tạp chí Jason Binn quả là khéo chọn thời gian và địa điểm để tổ chức bữa tiệc tối cho các nhà báo tham dự hội nghị để họ có thể tình cờ gặp gỡ và trao đổi với nghị sĩ bang Illinois lúc đó.

Tốt nhất, tân Tổng thống Mỹ không nên xuất hiện trước truyền thông với khuôn mặt này một lần nữa – (Nguồn : bp2.blogger)

Obama khá thân thiện với cánh nhà báo, nhưng chỉ là những câu hỏi thăm chung chung. Tôi có lẽ là người thiếu kiên nhẫn nhất trong số các nhà báo ở đó. Tôi đã hỏi thẳng Obama rằng : “Ông có nghĩ đến việc sử dụng truyền thông để khuếch đại hình ảnh của mình trong công chúng?”

Obama nhìn tôi có vẻ khó chịu vì tôi đã hỏi một câu hỏi quá thẳng thừng trong một không khí thân thiện như bữa tiệc. Câu trả lời của ông rất ngắn gọn : “Không”. Bản thân tôi thấy mình như bị dội một gáo nước lạnh. Sau đó, ông giải thích rằng ông hoàn toàn tự tin để tiếp tục công việc một cách tốt nhất mà không cần sự “lăng-xê” của báo giới.

Rõ ràng, báo chí sẽ dễ chịu hơn với gương mặt thế này – (Nguồn : blogspot)

 
Obama đã đưa ra câu trả lời làm mếch lòng rất nhiều nhà báo nổi tiếng tại bữa tiệc. Có thể do thời điểm đó, tâm trạng của Obama không tốt, nhưng nó cũng phản ánh suy nghĩ của Obama về báo chí.

Trong suốt quá trình tranh cử, Obama luôn thể hiện mình là người rất kín đáo và thận trọng với báo giới. Học luật tại Harvard đã khiến ông trở thành người rất cẩn thận khi dùng câu chữ. Khi tranh luận với ứng viên Đảng Cộng hoà McCain, dưới máy quay truyền hình, Obama tỏ cảm giác không được thoải mái.

Hãy công khai càng nhiều càng tốt

Obama đắc cử Tổng thống hy vọng sẽ mở ra một thời đại mới, nơi mà sự công khai, minh bạch được thể hiện rõ nhất. Trong suốt 8 năm qua, báo chí đã quá mệt mỏi với việc Tổng thống Bush hiếm khi đưa ra những tuyên bố công khai.

Càng nhiều các cuộc họp báo càng tốt. Người dân và báo chí cần phải biết vị Tổng thống của mình đang làm những gì. Thậm chí, Obama nên công khai cả kế hoạch mỗi ngày của ông trên mạng Internet. Người dân luôn mong mỏi một ngày nào đó, họ còn biết được Tổng thổng đã ăn trưa với ai.

Bất cứ hoạt động nhỏ nhặt nào của Obama đều khiến
dân chúng Mỹ quan tâm – (Nguồn : barfblog)

Và lời khuyên của tôi dành cho tân Tổng thống là mong ông có cái nhìn thoáng hơn về các mối quan hệ với báo chí. Cách tốt nhất để Obama có được sự hậu thuẫn và thiện cảm của những người phản đối là nụ cười thân thiện và những câu nói đùa khi ông xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Mặc dù không mấy thân thiện với cánh nhà báo, nhưng Obama lại được cánh nhà báo yêu mến. Những đối thủ của ông như bà Hillary Clinton và John McCain đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc báo chí quá thiên vị ông.

Nhưng vị Tổng thống mới đắc cử cần nhớ một điều, báo chí có thể đưa ai đó lên thiên đường, nhưng cũng có thể ném họ xuống địa ngục. Điều này không chỉ đúng với các ngôi sao giải trí, mà còn cả với các chính trị gia. Báo chí luôn theo sát từng hành động của Obama. Chỉ một sai sót thôi, báo giới có thể khiến ông phải lao đao.

Điều tối kị nhất đối với Obama lúc này là phàn nàn về các bài báo bình luận về mình sau khi đắc cử Tổng thống. Báo chí có thể vẫn còn hoài nghi, vẫn còn những nhận xét (có lẽ) chưa đúng về ông, nhưng cái cần nhất là Obama thiện chí đón nhận và hợp tác hơn nữa với các nhà báo. Chỉ khi có sự hợp tác 2 chiều mới khiến các thông tin về ông trên các mặt báo trở nên chính xác.

Giới truyền thông đánh giá cao về kế hoạch tổ chức họp báo của ông trong một vài ngày tới. Nhưng kết quả sẽ mỹ mãn hơn nếu ông thực sự thoải mái và hợp tác. Còn nếu vẫn với thái độ “bị làm phiền” thì đây sẽ là thất bại đầu tiên của ông trong việc xây dựng mối quan hệ với báo chí sau khi đắc cử.

"Hãy luôn giữ mãi nụ cười, tân Tổng thống!" – (Nguồn : cache.boston)

 
Obama nên tận dụng thời điểm này, khi mà cuộc bầu cử vừa kết thúc và người dân Mỹ đang rất tin tưởng, yêu mến ông, để thể hiện sự thiện chí của mình. Ông có thể xuất hiện ở thị trường chứng khoán New York và rung tiếng chuông bắt đầu phiên giao dịch vào buổi sáng. Đây không chỉ thể hiện quyết tâm của ông trong việc giải quyết khủng hoảng tài chính, mà còn thể hiện sự thịnh vượng của nước Mỹ.

Không ai hiểu hết nỗi khó khăn khi “bỏ rơi” báo chí và bị báo chí “bỏ rơi” bằng Tổng thống Bush. Hãy coi đó là bài học để Obama luôn nắm trong tay báo chí và tận dụng mọi cơ hội mà báo chí mang đến. 

Richard Stengel – TBT Time, Vĩnh Hồng dịch – Theo TVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *