14/10
Trên VTV1 đưa tin ở TPHCM, xe bus không mấy ai buồn sử dụng, TP mỗi năm bù lỗ 600 tỉ (?).
Tôi nghĩ, đây là một thứ tự người dân họ tái cấu trúc đời sống của họ. Họ phải tìm cách thích nghi với sức ì và sự bất lực thay đổi từ hoàn cảnh.
(Nhưng mà không phải ai cũng thích nghi được. Nghe anh Thành, bạn tôi, vào Sài Gòn về kể, một số bà con vẫn chỉ có cách bám xe bus mà sống. Và xe vẫn đông nghịt).
Cũng Thành kể, anh em làm báo trong ấy không có lối đàn đúm như ngoài này. Mà rất dứt khoát trong công việc. Người ta trở lại với nhiều giá trị phương Tây chân chính mà người ta tiếp nhận được từ trước 1975.
15/10
Ông Hanh ngoài sông Hồng về quê ở Túy Lai – Thạch Thất ra tâm sự, có hai điều làm ông bực mình. Một là đám ma bây giờ toàn hoa giả và hai là có một thằng cháu đi bộ đội về đám ma mẹ nó, vung tiền như rác, tống cả đống tiền năm chục, một trăm xuống quan tài.
5/11
Cháu Đức ở Magdburg về. Đăng kể, nó tiêu tiền rất chuẩn. Tôi thì yêu nhất ở thằng bé là chịu khó việc gì cũng nhận làm. Chính trẻ con Việt Nam lại lười. Con trai tôi chẳng hạn, chẳng bao giờ chịu đi làm những việc lam lũ như lái xe hoặc bốc vác thuê như các cháu lớn lên ở xứ người.
Một so sánh khác. Ở Sài Gòn, thanh niên có gì không biết thì đi học, rất nhiều lớp học được mở. Ở Hà Nội, thanh niên không biết thì bó tay. Có muốn học cũng không có chỗ.
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn – st