2009

2/10

TT&VH có bài nói rằng người Việt ít tính sáng tạo. Rồi thế nào cũng có người cãi lại đây. Cãi rằng không sáng tạo sao có đất nước này.

Tôi nghĩ, phải hiểu thế nào là sáng tạo cho đúng. Cái chính là người mình cũng hay sáng tạo lắm, chỉ có điều là những sáng tạo vặt, chứ ta lại theo lối mòn trên cái lớn.

Càng sáng tạo vặt, người ta càng rơi vào trì trệ. Ta cảm thấy kém người. Ta phải gồng mình lên cãi lại. Và sáng tạo vặt trở thành cái lý để người ta bảo mình không kém người khác.

8/10

Trong dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều luật của Luật Giáo dục được Bộ GD&ĐT công bố có điều nói rằng cần huy động sự tham gia góp ý kiến của học sinh về chính sách giáo khoa của mình.

Khi đăng tin này, báo NTNN nói rõ, nhiều giáo sư cho là “chưa thực tế, không hiệu quả”.

Tôi thì tôi thấy ghê sợ về cái lối mị dân quá đáng này. Làm sao mà học sinh có thể bảo giáo viên là dạy mình cái gì? Có khác gì đặt cái cày trước con trâu?

Nghe nói “lý luận” này là của một người Mỹ, nhưng tôi vẫn không tin là cách giải thích của chuyên gia Việt Nam đúng ý tác giả.

11/10

Mấy năm trước, đọc Jalinek, Naipaul đã thấy những nhà văn của thời nghịch lý.

Năm nay, Hertha Muleer (Nobel Văn học 2009) cũng vậy. Tôi ghi được mấy câu chắc ở Việt Nam nhiều người không thích nghe :

“Quê hương là thứ người ta không chịu đựng nổi mà cũng không dứt bỏ nổi”.

“Tôi nghi ngại ngôn từ vì tôi thường không rõ phải nói như thế nào những gì tôi thấy. Ngay cả trong cuộc sống thường nhật, ngôn ngữ cũng phải là một thứ mà con người phải thường xuyên sáng tạo lại từ những cái đã có”.

Hertha Muleer năm nay cũng lại là người của một quê hương không thuần nhất, đẻ một nơi, thành danh một nơi khác.

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn – st

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *