Câu chuyện của thanh niên nông thôn

Đời sống văn hóa – tinh thần nghèo nàn của thanh niên nông thôn liệu có thể coi là hệ quả tất yếu của một đời sống kinh tế khó khăn? Hay chính sự thờ ơ của các cấp quản lý và hình ảnh “mờ nhạt” của Đoàn Thanh niên – tổ chức gần gũi nhất với đời sống thanh niên – đã dẫn đến thực trạng đáng buồn này? Cuộc trò chuyện với chị Đặng Thị Phương Thảo – Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dưới đây sẽ “hé mở” về cuộc đồng hành của Đoàn với giới trẻ nông thôn những năm vừa qua…

PV : Đời sống văn hóa, tinh thần của thanh niên ở nông thôn hiện nay dường như đang tỷ lệ nghịch với những khởi sắc của đời sống kinh tế. Nó nghèo nàn, lạc hậu, thậm chí ở một số nơi có biểu hiện xuống cấp. Là một người đã lâu năm gắn bó với công tác Đoàn, lại phụ trách về mảng Tư tưởng – Văn hóa, chị đánh giá nhận định này như thế nào?

Chị Đặng Thị Phương Thảo

– Chị Đặng Thị Phương Thảo : Vietimes đã đặt trúng vấn đề khi phát hiện đời sống văn hóa, tinh thần của thanh niên nông thôn hiện nay khá là nghèo nàn trên mọi phương diện. Ngoài những “kênh” thông tin đại chúng như phát thanh, truyền hình, cả nước chỉ có 25 Nhà văn hóa, Trung tâm văn hóa – thể thao dành cho thanh niên và 306 Nhà thiếu nhi cấp tỉnh, cấp huyện do Đoàn quản lý và tất cả những trung tâm này nằm ở các thành phố, thị xã, thị trấn. Như vậy, cơ sở vật chất, điều kiện phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho thanh niên nông thôn chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.

Hiện nay, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong tình hình và điều kiện mới gặp nhiều khó khăn và thách thức, nhất là ở địa bàn nông thôn do một số đặc thù sau :

Một là, có hiện tượng thanh niên ở nông thôn ra các đô thị, vào các khu công nghiệp kiếm việc làm, nên ở nông thôn thiếu vắng hẳn lực lượng trẻ.

Hai là, chỉ có tổ chức Đoàn cơ sở cấp xã (Đoàn xã) có cán bộ chuyên trách nên duy trì được hoạt động, còn Chi đoàn tại các thôn, xóm hoạt động khá lỏng lẻo và không có sự gắn kết, thiếu sức hấp dẫn với thanh niên.

Ba là, trình độ văn hóa và kỹ năng lao động còn hạn chế. Theo một kết quả điều tra, có trên 70% thanh niên nông thôn không được đào tạo nghề.

PV : Nguyên nhân vì sao, thưa chị? Phải chăng Đoàn Thanh niên vẫn chưa xác định đúng tầm quan trọng của lĩnh vực này, nên vẫn chưa có một sự quan tâm thỏa đáng?

– Chị Đặng Thị Phương Thảo : Phải thấy rằng, qua hơn hai mươi năm đổi mới, bộ mặt đất nước đã có nhiều khởi sắc, nhưng điều kiện vật chất và sự đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, giải trí lành mạnh cho thanh niên nông thôn để nâng cao tri thức, kĩ năng, vốn sống, bản lĩnh vẫn chưa đúng tầm và chưa đáp ứng nhu cầu, thực tế hoạt động của thanh niên nông thôn.

Thời gian vừa qua, Đoàn đã quan tâm đến nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và đẩy mạnh các hoạt động của thanh niên ở nông thôn, tuy nhiên, kết quả đạt được chưa nhiều. Chúng tôi chỉ mới duy trì được những mô hình điểm, những câu lạc bộ văn hóa – thể thao như CLB hát dân ca, CLB bóng chuyền, CLB bóng đá trẻ, một số chương trình đầu tư tủ sách, mô hình đội tuyên truyền thanh niên, đội lưu diễn “Từ làng đến làng”, trang bị tài liệu, phương tiện truyền thông…

Một hoạt động mới là Đoàn cơ sở kết hợp với bưu điện – văn hóa xã tạo những điểm hoạt động trang bị kiến thức, hướng dẫn truy cập Internet lành mạnh cho thanh, thiếu niên. Tuy nhiên, việc này làm chưa được nhiều…

PV : Trong thực tế, những mô hình này dù ít ỏi nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều thanh niên nông thôn tham gia. Phải chăng, mô hình có vấn đề hay là đội ngũ cán bộ cơ sở còn chưa đủ trình độ và kinh nghiệm để lôi kéo thanh niên tham gia những hoạt động chung?

– Chị Đặng Thị Phương Thảo : Tôi nghĩ, phần lớn do đội ngũ cán bộ Đoàn chưa sáng tạo và chưa coi đó là công việc cấp thiết để thúc đẩy phong trào. Vừa rồi, tôi có đi thực tế ở Tây Ninh và một số tỉnh miền Đông Nam bộ, thấy rằng chỉ cần có một chút sáng tạo, cán bộ Đoàn cơ sở có thể tạo ra những “sân chơi” hết sức bổ ích cho thanh niên. Ở một xã vùng xa thuộc tỉnh Tây Ninh, cán bộ Đoàn ở đây đã biết tổ chức những buổi chiếu phim bán vé với giá 3.000 đồng để phục vụ thanh niên.

Ngoài những bộ phim đang “hot” ở thành phố, các bạn còn chiếu những bộ phim lịch sử như “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, “Hồ Chí Minh – chân dung một con người”, lịch sử Đoàn Thanh niên… mang tính chất tuyên truyền rộng rãi.

Những buổi chiếu phim này không chỉ thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia, mà còn thu về được một số tiền không nhỏ cho quỹ Đoàn.

PV : Những hoạt động đó tỏ ra có hiệu quả, nhưng tại sao còn ít nơi tổ chức những hoạt động tương tự, thưa chị?

– Chị Đặng Thị Phương Thảo : Hình như chúng ta tập trung nhiều cho những “vấn đề vĩ mô” mà chưa chú ý đến những việc tưởng chừng là nhỏ, nhưng lại tạo ra sự gần gũi và gắn kết với thanh niên. Ở Đồng Nai, Bình Dương có những hội quán thanh niên do Đoàn cơ sở tổ chức và Trung ương Đoàn cũng có đầu tư hỗ trợ để lập ra những quán “cafe xanh” phòng chống tệ nạn xã hội…

Thanh niên đến đó được vui chơi, ca hát, chia sẻ nhiều kiến thức mà giá cả lại rất phải chăng, những bạn sinh hoạt thường xuyên còn được giảm giá. Những mô hình này rất nhẹ nhàng và phù hợp với thanh niên nông thôn. Qua việc đi cơ sở, khảo sát thực tiễn mới thấy vấn đề là tổ chức Đoàn vẫn chưa thực sự gần gũi với thanh niên, chưa đáp ứng được những yêu cầu mà thanh niên đang cần.

Từ đòi hỏi của thực tiễn và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX tổ chức tại Hà Nội vào tháng 12/2007 đã phát động c&aacute
;c phong trào mới là “Năm xung kích phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ Tổ quốc", "Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, trong đó có nội dung đồng hành nâng cao sức khỏe thể chất và đời sống tinh thần thanh niên. Rõ ràng, Đoàn đã nhận ra thiếu sót của mình là chưa chăm lo thanh niên, chưa đồng hành với thanh niên, chưa tạo cho thanh niên nhiều hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh.

Trong những năm tới, tôi nghĩ, phong trào đồng hành này sẽ là một điểm mới gắn kết thanh niên với tổ chức Đoàn. Sự tương tác giữa thanh niên với tổ chức Đoàn nhiều hơn, thanh niên biết đến Đoàn nhiều hơn, nhận diện những phong trào của Đoàn tốt hơn thì sẽ sát hơn với nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên.

Trong đó có chương trình “Một ngàn điểm truy cập Internet” cho thanh niên nông thôn, miền núi, là một chương trình lớn. Đồng thời, sẽ có nhiều mô hình hoạt động phù hợp với thanh niên nông thôn như câu lạc bộ, mô hình nhóm nhỏ, câu lạc bộ chiếu phim, tủ sách, truy cập Internet, tăng cường trang bị kiến thức kỹ năng cho thanh niên thông qua các ấn phẩm tuyên truyền : sách, báo, băng, đĩa…

PV : Những mô hình này khi triển khai liệu có đi lại “vết xe đổ” của những mô hình cũ? Và có khi những phong trào do Đoàn tổ chức lại bị “mang tiếng” là “giong cờ mở trống”, “nói hay hơn làm”?

– Chị Đặng Thị Phương Thảo : Tôi nghĩ, khó khăn lớn nhất là nguồn lực của tổ chức Đoàn chưa nhiều. Nếu có nguồn lực trong tay, Đoàn sẽ tổ chức đồng loạt trên nhiều lĩnh vực, nhưng do kinh phí hạn chế, chúng tôi phải từng bước tháo gỡ khó khăn, ví dụ sẽ ưu tiên cho Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam bộ trước, rồi sẽ đến những khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa, thanh niên tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…

PV : Ngoài những nguồn lực đó ra, vai trò của những cá nhân, cụ thể là thủ lĩnh Đoàn ở cơ sở cũng rất quan trọng. Một vài địa phương có nguồn lực rất thấp, nhưng cá nhân mà xuất sắc, sáng tạo thì phong trào sẽ rất sôi nổi và hiệu quả…

– Chị Đặng Thị Phương Thảo : Đúng thế, tôi nghĩ, vai trò của thủ lĩnh thanh niên, đặc biệt những người ở sát thanh niên thì càng cần sự nhiệt huyết, trách nhiệm, sáng tạo, dám làm, dám dấn thân để làm những việc có lợi cho thanh niên.

PV : Dường như sự phối hợp, ủng hộ của chính quyền cơ sở đối với các phong trào của Đoàn Thanh niên vẫn chưa hiệu quả. Một phần là do họ chưa xác định được tầm quan trọng của việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho thanh niên nông thôn, một phần họ nghĩ, những phong trào của Đoàn mang tính chất “cổ động” nhiều hơn là đem lại hiệu quả thiết thực. Chị nghĩ như thế nào về vấn đề này?

– Chị Đặng Thị Phương Thảo : Không thể khẳng định như vậy, bởi hiện nay, điều kiện tài chính của chính quyền cơ sở khó khăn, nguồn đầu tư cho hoạt động của Đoàn rất hạn chế. Chỉ cần chính quyền ủng hộ về nguyên tắc, ý tưởng cho thanh niên thực hiện đã là rất tốt rồi. Tuy nhiên, vẫn mong muốn có sự phối hợp, ủng hộ của chính quyền đối với hoạt động của Đoàn được nhiều hơn. Có thực tế là còn nhiều nơi, cán bộ Đoàn cơ sở chưa được bảo đảm những điều kiện tối thiểu như báo Đoàn, nơi sinh hoạt, hội họp…

PV : Ở nhiều nơi, thanh niên vẫn có những “định kiến” về tổ chức Đoàn. Họ cho rằng, phong trào của Đoàn phần nhiều mang tính chất hình thức, đôi lúc còn xa rời đời sống với những tâm tư, nguyện vọng thực sự của giới trẻ? Liệu đó có là một khó khăn cho những tổ chức Đoàn cơ sở?

– Chị Đặng Thị Phương Thảo : Thanh niên luôn luôn mong muốn được hoạt động, khát khao cống hiến, được tiếp thu những cái mới và thanh niên nông thôn cũng vậy. Nên cái chính là những thủ lĩnh thanh niên phải biết khơi dậy ngọn lửa nhiệt huyết và tổ chức những hoạt động phù hợp. Bất kỳ bạn trẻ nào cũng rất sẵn sàng tham gia những hoạt động do Đoàn khởi xướng.

PV : Vậy cần những giải pháp gì để khắc phục điều này, thưa chị?

– Chị Đặng Thị Phương Thảo : Một là, cần bám sát sự định hướng, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về phát huy nguồn lực của thanh niên nông thôn, lực lượng đông đảo chiếm 51,5% thanh niên cả nước. Nông thôn hiện nay đang có những bước đổi thay, không chỉ đơn thuần là nơi sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, Đảng và Nhà nước phải có sự chăm lo như thế nào để thanh niên nông thôn có việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống ngay trên chính quê hương mình theo phương châm “ly nông bất ly hương”.

Hai là, giải pháp thuộc về tổ chức Đoàn và đội ngũ cán bộ Đoàn. Cán bộ Đoàn cơ sở cần phải hiểu thanh niên hơn, sát thanh niên hơn để biết thanh niên cần gì ở Đoàn và thực sự có ý tưởng và cách làm sáng tạo.

Ba là, xã hội hóa hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Cộng đồng cùng chung tay chăm lo cho thanh niên. Công tác thanh niên không chỉ do một mình tổ chức Đoàn làm, mà cần sự hỗ trợ của tất cả các lực lượng x&atilde
; hội. Đặc biệt là việc huy động các nguồn lực để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của thanh niên nông thôn.

PV : Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.

Thu Phương (Vietimes) thực hiện

————————————

Hiện nay, dân số trong độ tuổi thanh niên của Việt Nam (từ 16 đến 30 tuổi) là hơn 22 triệu người, chiếm 26,99% dân số cả nước. Trong đó thanh niên nông thôn chiếm 51,5%, khoảng hơn 10 triệu người.

Trình độ học vấn, trình độ KH-KT của thanh niên nông thôn còn thấp. Trung bình khoảng 12% số lao động đã tốt nghiệp phổ thông. Tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật thấp hơn khu vực thành thị 4 lần. Trình độ CĐ-ĐH trở lên thấp hơn 6 lần so với khu vực thành thị.

(Theo Ban Thanh niên Nông thôn – TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh – Tháng 12/2007)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *