Giáo dục nông thôn : Học trung cấp và làm… thầy giáo

Trong những ngày qua, con số 114.000 học sinh bỏ học trong năm 2007 đã làm xôn xao dư luận. Khi những người đứng đầu ngành Giáo dục giải thích trước báo chí về nguyên nhân học sinh bỏ học là do hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiên tai lũ lụt, nghỉ học để xây dựng gia đình… thì ông Đỗ Thành Tuấn, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh – địa phương có số học sinh bỏ học đứng thứ hai cả nước – đã thẳng thắn thừa nhận : Ngoài nguyên nhân hoàn cảnh gia đình học sinh khó khăn còn có nhiều nguyên nhân khác, trong đó phải kể đến chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên chưa thực sự tốt.

Những mẫu giáo án soạn sẵn bày bán khắp nơi nhưng chất lượng thì không dễ kiểm định

Toàn huyện Trà Cú hiện có 500 giáo viên, trong đó có tới trên 100 giáo viên cao tuổi chưa đạt chuẩn về trình độ. Số giáo viên mới ra trường nhiều người còn thiếu kinh nghiệm, chưa tạo được sự phấn khích trong học tập, khiến các em tự ti, chán học, dẫn tới bỏ học…

Câu trả lời của ông Đỗ Thành Tuấn bất chợt làm tôi nhớ đến câu chuyện của một người họ hàng làm giáo viên dạy Sinh học tại một trường THCS thuộc một huyện vùng cao tỉnh Phú Thọ. Bà bác này, ngoài nghề dạy học còn kiêm luôn cả “buôn phân đạm”- một ngành nghề kinh doanh rất thịnh hành ở những vùng quê. Trừ ba buổi sáng dạy học ở trường, còn lại, bà “đầu tắt mặt tối” cả ngày lẫn đêm ở cửa hàng với những doanh thu, sổ nợ…

Thấy tôi băn khoăn không biết vào thời gian nào bà sẽ soạn giáo án, chấm bài, theo dõi học sinh, bà tặc lưỡi : "Ôi chao, giáo án bán đầy ngoài hiệu sách, nào là “Giáo án mẫu”, “Giới thiệu Giáo án”, "Đề thi soạn sẵn”… lắp mỗi chỗ một đoạn là thành ngay giáo án “chuẩn” của mình. Bài kiểm tra của học sinh thì đã có khung đáp án, lắm lúc nhờ cả đứa con học cấp ba chấm hộ, cứ đứa nào đúng đáp án thì được điểm cao nhất.”

Năm 2007, khi đi thực tế tại xã vùng cao H.T thuộc Tuyên Quang, tôi đã chứng kiến vào lúc “nước sôi lửa bỏng” nhất của kỳ thi cuối năm, cả học sinh và giáo viên vào mỗi buổi chiều hay đầu giờ sáng vẫn chen nhau ngoài đồng gặt lúa cho kịp mùa thu hoạch.

Một giáo viên hơn 10 năm tuổi nghề tâm sự, lương và thu nhập của chị là gần hai triệu, nhưng không đủ nuôi bố mẹ già cùng ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Giáo viên thành phố còn có thu nhập thêm từ dạy thêm, nhưng giáo viên nông thôn thì chỉ biết trông vào luống rau, sào ruộng. Lúc nào bão lụt, hạn hán, miệng lo giảng bài cho học sinh mà trong bụng cứ ngay ngáy không biết ruộng vườn kiểu gì…

Trong số trên 100 giáo viên cao tuổi chưa đạt trình độ chuẩn như ông Đỗ Thành Tuấn thừa nhận kia, có bao nhiêu người vì quá kém không thi đỗ đại học đã trở thành giáo viên qua những hệ đào tạo 9+2, 9+3, 10+2? Có bao nhiêu giáo viên dù đã qua hàng chục lớp sát hạch, bồi dưỡng, nâng cao… nhưng khi giảng dạy vẫn phải đọc từng câu trong giáo án cho học sinh ngồi chép?

Lật lại lịch sử, có lẽ không ít người làm giáo dục phải giật mình khi nhìn lại giai đoạn 1986 – 1996, thời kỳ “bùng nổ” giáo viên, đặc biệt là các giáo viên tiểu học. Sự gia tăng dân số một cách đột biến đã khiến ngành Giáo dục lúng túng khi xử lý bài toán số học sinh đến trường ngày càng tăng, trong khi giáo viên đứng lớp chỉ có hạn. Chìa khóa giải quyết bài toán này là hàng nghìn lớp bổ túc, đào tạo giáo viên kéo dài trong vòng vài tháng đến hai năm đã được mở ra trên khắp các tỉnh thành.

Đầu vào dễ dàng, học phí thấp, ra trường được sắp chỗ làm việc… nghề sư phạm đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu của các học sinh nông thôn. Có làng quê, mười người trượt đại học thì có tới chín người học sư phạm.

Hậu quả của lối đào tạo “mì ăn liền” này là một thế hệ những giáo viên chuyên môn thấp, phương pháp giảng dạy thụ động, cứng nhắc. Hơn một thập niên sau, khi quy mô đào tạo thu hẹp, ngành Giáo dục có những quy định “siết” hơn về chất lượng, đội ngũ giáo viên này đã trở thành lực lượng thừa… vì không đủ tiêu chuẩn.

Theo thống kê mới nhất của Sở GD&ĐT Trà Vinh, toàn tỉnh hiện nay “dư” trên 1.300 giáo viên, hầu hết chưa đạt chuẩn. Tỉnh Kiên Giang tuy chưa có con số chính xác, nhưng cũng ước tính số giáo viên cần phải sắp xếp lại là vài chục phần trăm. Còn tại Bến Tre, thời điểm cuối năm 2006, chỉ tính riêng bậc tiểu học đã dư 1.300 giáo viên.

Điều đáng nói là rất nhiều số giáo viên “thừa” vẫn tiếp tục được đứng lớp, vì họ đã thuộc biên chế Nhà nước, được bảo đảm vĩnh viễn về quyền lợi, nên không thể sa thải hay chấm dứt hợp đồng. Và họ vẫn tiếp tục đứng lớp khi chuyên môn vẫn dậm chân tại chỗ, mà chương trình cải cách của Bộ GD&ĐT ngày càng “hàn lâm” so với chính trình độ của giáo viên. Nạn nhân phải hứng chịu nặng nề nhất những nghịch lý này, không ai khác, chính là học sinh.

Khi khảo sát một trường phổ thông trung học của một huyện thuộc tỉnh Hải Dương, gần 80% học sinh lớp 11 ở đây đã kêu với chúng tôi rằng, chương trình của Bộ quá nặng nề khiến các em không thể theo kịp. Đã vậy, phương pháp giảng dạy của đa số các thầy cô còn quá áp đặt và cứng nhắc. Đó là chưa kể còn có thầy cô yếu kém đến mức nhầm lẫn cơ bản những sự kiện lịch sử hay những tác phẩm văn học.

 
Trèo tường để ném bài giải vào phòng thi tại Trường
THPT Phùng Khắc Khoan (Hà Tây) – Ảnh : Tuổi trẻ

Năm 2006, dư luận sôi sục trước những bức ảnh phụ huynh học sinh vác thang ném bài thi tốt nghiệp ở hàng loạt các huyện nông thôn thuộc tỉnh Hà Tây. Năm đó, Hà Tây có số lượng học sinh đỗ tốt nghiệp cao nhất cả nước với con số trên 95%. Rất nhiều xã, thôn… thuộc diện nghèo nhất của cả nước cũng có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp rất cao.

Dư luận đồn rằng, giáo viên ở đây trình độ bổ túc, dạy chưa hết nửa ngày đã về nhà cấy lúa, trồng rau và cuối năm tập trung nâng điểm cho học sinh để đạt chỉ tiêu nhà trường đề ra. Trong các kỳ thi lên lớp, tốt nghiệp, có những giáo viên không ngần ngại “nhắm mắt làm ngơ” cho học sinh quay cóp, chép bài nhằm đem lại thành tích rực rỡ nhất cho tỉnh nhà.

Chỉ một năm sau, khi Bộ GD&ĐT bắt đầu chiến dịch “tiêu diệt” bệnh thành tích trong thi cử, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp ở một số địa phương đã tụt xuống vài chục phần trăm so với năm học trước. Hàng nghìn học sinh nông thôn, miền núi phải bỏ học (chủ yếu do ngồi nhầm lớp từ những năm trước) là hậu quả nặng nề của trình độ thấp kém và căn bệnh hình thức tai hại này.

Trong cuộc hội thảo do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 8/11/2006, theo con số thống kê của 20 tỉnh – thành đại diện cho các vùng, miền của cả nước, chỉ tính riêng những tỉnh – thành này đã thiếu 20.228 giáo viên, trong đó, giáo viên mầm non thiếu trầm trọng nhất (8.058 giáo viên), sau đó là giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và sau cùng là giáo viên trung học phổ thông. Trong khi đó ở nhiều nơi, đặc biệt ở các đô thị lớn, giáo viên có trình độ, chất lượng cao lại thừa thãi.

Giáo dục nông thôn nằm trong toàn cảnh vẫn là một bức tranh buồn bã, khi mà hố sâu ngăn cách ngày càng mở rộng. Và bất bình đẳng lớn nhất không phải là sự thiếu hụt về miếng cơm, manh áo, mà chính là sự thiếu hụt về tri thức và các cơ hội giáo dục.

Sơn Khê (Vietimes)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *