Tôi rất tâm đắc với bài Giáo dục nông thôn – Đừng chỉ tạo những giấc mơ… vâng lời của Di Linh trong Chuyên đề Nông thôn Việt Nam : Hiện thực và sự lựa chọn trên Vietimes. Nhưng theo tôi, vấn đề đáng bàn trên không chỉ đang diễn ra phổ biến ở nông thôn…

Chỉ có 5% số người dự tuyển qua được vòng sơ tuyển

 
Trong Diễn từ Nobel Văn học năm 1996 của mình, Wislawa Szymborska – nhà thơ nữ người Ba Lan – viết :

“Phần lớn cư dân trên trái đất này đều làm việc để mà kiếm sống, làm việc bởi phải làm. Họ chọn công việc không phải theo sở thích của mình, mà chính hoàn cảnh cuộc đời đã chọn thay họ. Một công việc tẻ nhạt, không được ưa thích, nhưng vẫn được coi trọng chỉ vì thậm chí ngay ở dạng tồi tệ ấy cũng có nhiều người không kiếm được. Đó chính là một trong những nỗi bất hạnh nặng nề nhất của con người.”

Đó là phần lớn, là số đông những người bình thường, học sinh bình thường trong cuộc mưu sinh. Điều đáng nói và tác giả Di Linh đang nói là chỉ vì những ưu tiên vật chất bình thường mà để những học sinh giỏi – nguồn nhân lực quý hiếm tương lai cuốn hút vào vòng xoáy của cái số đông chỉ vì miếng cơm manh áo, trong khi họ có điều kiện để làm được nhiều hơn cho mình và cho xã hội.
Đó là : Cứ khối trường Quân sự, Công an… là nhất, là ước mơ của biết bao gia đình và học sinh phổ thông. Theo tôi, thực trạng trên không chỉ đang phổ biến với học sinh nông thôn, miền núi khi chọn khối trường đại học để nộp hồ sơ thi vào, mà còn phổ biến đối với cả học sinh thành phố thuộc tỉnh và các thị xã nữa.

Được vào những trường khối Quân sự, Công an… không phải đóng học phí, không phải thuê nhà trọ. Ra trường không phải xin việc, không phải hợp đồng, không phải thi công chức, lương lại cao… Thế chẳng phải là ước mơ sao? Xin thưa! Đó chính là ước mơ. Nhưng lẽ ra, ước mơ ấy tạm thời để cho số đông, số đông những học sinh có sức học bình thường, những bậc cha mẹ quá khó khăn về kinh tế, mà nếu con mình không vào được trường Công an, Quân sự… thì không thể đi học đại học.
Sự thực đang diễn ra lại không hẳn như vậy. Nhiều học sinh giỏi, nhiều gia đình kinh tế hoàn toàn không eo hẹp, chứ không muốn nói là khá giả, cũng đang nhất nhất phải cho con thi vào Công an, Quân sự… Thậm chí, họ sẵn sàng bỏ một số kinh phí không nhỏ (nếu được) để đạt nguyện vọng này.

Khi thí sinh đổ xô thi vào các trường thuộc khối ưu tiên, do đặc thù ấy đã đẩy điểm chuẩn lên chót vót. Đến mức học sinh có học lực khá cũng không dám thi vào khối trường này vì nguy cơ trượt rất cao. Chính vì thế mà những học sinh trúng tuyển vào các trường Công an, Quân sự hiện nay đều là những học sinh có học lực giỏi ở bậc phổ thông. Như vậy, không phải số đông có sức học bình thường đăng ký thi vào khối trường này, mà sự thực đang hút vào đây rất nhiều học sinh giỏi. Chỉ vì lợi ích vật chất trước mắt mà các bậc phụ huynh định hướng, mà thực ra là ép con em mình, phải nộp hồ sơ thi vào các trường Công an, Quân sự… Rất hiếm học sinh tự quyết trong việc chọn trường, chọn ngành nghề cho mình.

Xin kể ra đây vài trường hợp :

Năm 2004, ngành Công an tuyển dụng một số thanh niên bổ sung cho lực lượng Cảnh sát Giao thông, chuẩn bị cho công tác bảo vệ Seagames lần thứ 22. Mấy người bạn tôi có con đang học đại học ở Hà Nội lập tức gọi con về xin vào lực lượng này. Sau Seagames, con của họ đi học sơ cấp rồi về được vĩnh viễn gắn với công việc cầm vợt đứng đường của Cảnh sát Giao thông. Đó là niềm kiêu hãnh của họ, là ước mơ của biết bao các bậc làm cha, làm mẹ!?

Lại có trường hợp một anh con trai là công an, yêu một cô gái đang học một trường đại học ngành khác. Khi báo cáo gia đình để được cưới cô gái này làm vợ, bố mẹ anh công an ra điều kiện : Nếu cô gái kia muốn làm con dâu họ thì phải bỏ trường đại học mà cô ta đang học để về ôn thi vào Công an, kể cả trung cấp hay sơ cấp Công an cũng được. Và kết cục vì tình yêu, cô gái đó phải theo quyết định của bố mẹ chồng tương lai. Sau khi được gọi vào trường trung học Công an, đôi trai gái đó đã cưới nhau.

Bao giờ đến lượt mình?

Lại có những học sinh trúng tuyển 2 – 3 trường đại học, trong đó có cả Đại học Bách khoa, thế mà rồi vì sức ép của gia đình, học sinh đó đã vào học ngành Công an hay Quân sự cũng chỉ vì những lẽ rất bình thường thuộc miếng cơm, manh áo như đã nêu. Khi ra trường, về công tác tại một đơn vị công an địa phương, những sỹ quan trẻ này ân hận với việc vào nhầm trường của mình.

Lại có những em là học sinh giỏi đoạt giải cấp quốc gia nên được chọn vào thẳng trường đại học. Gia đình hướng ngay cho các em nộp hồ sơ vào trường Công an, Quân sự. Lúc đó là do người lớn chọn, chứ các em thì bảo sao nghe vậy. Học xong, ra trường công tác, cơ hội thực hiện ước mơ bay bổng thủa học sinh phổ thông của họ không còn nữa. Những sự đáng tiếc nêu trên là do cái tư tưởng “Sơ học Công an, Quân sự còn hơn đại học ngành khác” là có thật. Bởi vì cứ được vào học Công an hay Quân sự là được vào biên chế.

Với trào lưu hướng nghiệp, chọn nghề đang diễn ra như nêu, chúng ta rất cần sự phân tích cho thấu đáo. Và, không chỉ dừng ở phân tích thấu đáo, mà chính Nhà nước cũng phải có cơ chế, chính sách ở tầm vĩ mô để hạn chế được sự phí phạm tài năng. Tôi nghĩ, nếu các em học sinh giỏi ấy được tự do thi vào các trường mà mình yêu thích, được học tập một cách thoải mái để phát huy tối đa khả năng sáng tạo, để biến tố chất của các em thành chất xám của xã hội thì quý giá biết nhường nào!

Còn một khi các em đã là chất xám rồi, mà một cơ quan nào đó sử dụng các em không thỏa đáng, thì các em có quyền tìm đến chỗ khác để được phát huy khả năng sáng tạo của mình. Kể cả ai đó rời khỏi cơ quan Nhà nước ra làm cho các doanh nghiệp hay ra làm việc ở nước ngoài, thì cũng là chất xám được sử dụng, cũng là làm lợi cho xã hội nói chung.

Nhưng ở đây, các em học sinh giỏi bị áp đặt thi vào khối trường đặc thù một cách cứng nhắc, những khối trường do đặc thù mà được ưu ái trong quá trình học tập, rồi ra trường không phải lo tìm việc làm… thì những khả năng, tố chất của các em không có điều kiện biến thành chất xám. Như vậy, chúng ta đã làm phí đi những tài năng. Điều tôi muốn nói ở đây là những em học sinh giỏi phải được thi vào các khối trường thuộc các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật công nghệ, tin học và các trường mà chính các em hứng thú. Để sau khi ra trường, các em được về công tác ở chính các ngành, môi trường cần nhiều đến sự sáng tạo, đến vai trò cá nhân và chuyên cần những kiến thức đó.

Nói như thế, không phải ngành Quân sự hay Công an… không cần người giỏi. Tôi khẳng định ngay là rất cần. Nhưng cái cần người giỏi, cái tiêu chí giỏi của công việc Quân sự, Công an không giống như các công việc khác của xã hội nói chung. Cái khác này chính là cái hạn chế của việc phát huy tính sáng tạo của con người cá nhân nằm trong tổ chức ấy. Anh có giỏi tin học, ngoại ngữ đến mấy thì khi anh vào Công an, Quân sự, anh cũng chỉ phục vụ cho công việc của Công an, Quân sự mà thôi.

Tôi đã có dịp gặp gỡ, tìm hiểu một số sỹ quan trẻ Công an, Quân đội vừa ra trường về nhận công tác ở các địa phương, đơn vị. Lúc đầu, họ không dám thổ lộ những tâm tư thật của mình. Cũng đúng thôi, vừa mới ra trường đi làm, ai lại bảo không yêu ngành, yêu nghề. Nhưng sau một thời gian, phần vì họ mạnh dạn lên, phần vì thực tế công việc đã làm cho họ dám nói. Và sự thật là có em nhận ra sai lầm của gia đình và bản thân ngay từ khi vừa vào trường Công an, Quân sự.

Tôi phải nói thẳng một điều, những anh công an, bộ đội khá giả phần lớn là do chính những công việc đặc thù tạo điều kiện cho anh ta, chứ không phải xuất phát từ tài năng của anh ta. Với chế độ hệ số lương theo cấp hàm hiện nay dễ dẫn tới sự cào bằng trong lực lượng vũ trang. Một người không qua đại học chỉ được đeo quân hàm đến đại uý, nhưng vẫn được hưởng lương tương tương với anh đeo hàm trung tá. “Đến hẹn lại lên” là chuyện đương nhiên, không có gì phải bàn cãi trong lực lượng vũ trang. Miễn là anh không vi phạm kỷ luật, không bị khiển trách, cảnh cáo.

Hai anh cùng học phổ thông, một anh học rất giỏi thi vào Đại học Cảnh sát, một anh học kém đi nghĩa vụ quân sự, phục vụ trong Công an, sau khi hết nghĩa vụ được tuyển vào biên chế Công an. Sau này, họ cùng về công tác một đơn vị, sau một số năm công tác, lương của họ bằng nhau. Đó là sự thật. Tôi muốn nói kỹ như thế hoàn toàn không dám chê ngành Công an, mà muốn nói lên cái đặc thù để các bạn trẻ có học lực giỏi và tố chất tốt tỉnh táo trong việc chọn trường đại học. Tôi nhắc lại một điều : Học giỏi, các bạn phải được trở thành chất xám, chứ học giỏi mà không có cơ hội trở thành chất xám thì lãng phí vô cùng.

Tuấn Hải ( Vietimes)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *