Câu chuyện của chính giới trẻ nông thôn
Bất bình đẳng lớn nhất không phải là bất bình đẳng về miếng ăn, manh áo, xe máy, ti-vi, tủ lạnh… mà là chính là sự cách biệt về giáo dục và những cơ hội tiếp cận tri thức. Nếu đời sống văn hóa, tinh thần, giáo dục của nông thôn cứ nghèo nàn mãi như vậy thì cái hố sâu giàu nghèo sẽ ngày càng cách biệt, và những bất ổn xã hội sẽ bung phá từ những “hố sâu” không thể lấp này. Làm sao để bức tranh văn hóa, tinh thần của những người nông dân sáng sủa lên? Làm sao để trang bị cho thanh niên nông thôn những tri thức, kỹ năng làm chủ cuộc sống, chứ không phải là những đồng tiền bán đất biến mất sau một đêm. Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học) – một chuyên gia về “giới trẻ” và xã hội nông thôn – sẽ giải đáp phần nào những câu hỏi này…
PV : Có một thực tế mà chúng ta phải thừa nhận, rằng đời sống văn hóa tinh thần của thanh niên nông thôn ngày càng nghèo nàn, thậm chí ở một số nơi còn có biểu hiện suy sụp, xuống cấp. Một số ý kiến còn cho rằng, nông thôn không chỉ trở thành “bãi rác” của thành thị về sản phẩm vật chất, mà còn là “bãi rác” về những sản phẩm văn hóa, tinh thần. Ông có nhận định gì về ý kiến này?
![]() |
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình |
– Tiến sĩ (TS) Trịnh Hòa Bình : Xét về mặt hình thức của thực tiễn đời sống xã hội, nhận định đó có khía cạnh không thể chối cãi, nhưng tôi cho rằng không hoàn toàn đúng. Vì nói đến khu vực nông thôn, đến người nông dân, người ta thường nói đến óc thực tiễn, tính thực dụng, và lối hành xử trực quan cụ thể của họ.
Hình như ai đó vẫn chỉ ra sự thua kém của sinh hoạt nông thôn, nông dân, nếu so về cung cách sinh hoạt “hoa hoè hoa sói” của kiểu sống thị dân. Đương nhiên, sức mua của người dân nông thôn thấp hơn thành thị. Có chuyện là, khi tiếp cận nông thôn, dường như hỏi về nghề nghiệp chính, người ta vẫn nói là làm nông, hỏi về thu nhập chính, họ vẫn nói là nông nghiệp.
Bạn đang nhấn mạnh vào cái chuyện chợ nông thôn giống như bãi rác đô thị, theo khía cạnh người ta không mua những gì đắt tiền, mà là cái gì trực tiếp phục vụ cho đời sống hàng ngày. Ví dụ, người ta nghĩ một cái đầu đĩa nghĩa là phải chiếu được hình, người ta tính đến giá trị sử dụng trước, hơn là những vấn đề khác phát sinh.
Nói như thế cũng chưa hoàn toàn đầy đủ, vì dù sao, sức mua vẫn ít hơn, cái giá trị vật chất cụ thể của nông thôn vẫn không bằng được đô thị, và thị hiếu, mốt, tâm lý tiêu dùng đều được khởi phát từ khu vực trung tâm trước, và không có gì ngạc nhiên là nông thôn vẫn đi sau.
Nó không chỉ sử dụng cái lỗi mốt của đô thị đâu, lắm khi, nó song hành và như một bộ phận đồng thời, chấp nhận một sự “phân công” có tính tự nhiên, tự phát… góp phần làm “ổn” hơn đời sống thị trường hàng hoá.
Tôi cho rằng, một bộ phận mới nổi ở nông thôn, người ta cũng đủ khả năng để “đi tắt đón đầu”, để hưởng thụ, để tiêu dùng những gì là văn hoá có tính chất tiên tiến, cập nhật. Nhưng bộ phận đó còn ít và một bức tranh “văn hoá” tiêu dùng hổ lốn như vậy, chúng ta buộc lòng phải thừa nhận rằng có ở nông thôn.
PV : Vấn đề tôi muốn nhấn mạnh ở đây là thị trường tiêu dùng giá rẻ đó đang tác động như thế nào đến nhận thức, thị hiếu, từ đó là suy nghĩ, hành động của giới trẻ nông thôn. Ở những vùng sâu, vùng xa, phương tiện giải trí duy nhất của các em là chiếc ti-vi. Nhưng ngoài những thông tin có tính chất phổ cập, tuyên truyền, thì những thứ “thượng vàng hạ cám” còn lại có tác động gì đến giới trẻ nông thôn không?
– TS Trịnh Hòa Bình : Dù thế nào, chúng ta vẫn phải thừa nhận : mặt bằng dân trí của nông thôn không cao bằng thành thị. Và việc tiếp thu những sản phẩm văn hóa như vậy “có vấn đề” ở tất cả các khâu, đoạn, quá trình như chất lượng, quy trình sáng tạo, đến nội dung giáo dục, đến tư tưởng thẩm mỹ…, chứ không riêng gì phương tiện…
Khi nãy, chúng ta đã nói về phương tiện. Ở nông thôn, người ta chấp nhận không phải những thứ có tính chất cập nhật, thời thượng, mà cốt sử dụng tốt là được. Nhưng vẫn phải nói rằng, xung quanh câu chuyện này, khi liên quan đến dân trí ở nông thôn, là có nhiều vấn đề phải bàn.
Dân trí gắn liền với giáo dục. Chúng ta có thể yên tâm, thậm chí tự hào đến mấy về phổ cập giáo dục, về số năm học bình quân trên đầu người, nhưng thực ra, dân trí, hiểu theo nghĩa đích thực, tức là có hiểu biết và năng lực để lựa chọn việc tiếp cận và tiêu dùng văn hoá, lại là một vấn đề khác của văn hoá ở nông thôn. Đúng, đây thật sự là điểm đáng quan ngại và cần được chia sẻ.
Và như bạn nói, thì đó là một cái gì “hổ lốn”, thiếu định hướng và chuẩn mực. Tất nhiên, nếu nói câu chuyện về “định hướng” thì lại sang màu sắc quản lý Nhà nước và thực ra, nói giọng đó không thích hợp lắm ở đây. Chúng tôi cho rằng, có lẽ ở một khu vực mà mặt bằng dân trí có vấn đề, nó thấp hơn, các xu hướng lệch lạc cũng như tích cực, tiên tiến chà xát, đan xen vào nhau, thì rất cần sự định hướng.
Đương nhiên, người ta định hướng thông qua các công cụ quản lý là cả một vấn đề, và nếu chủ yếu thông qua bằng cách thức như vậy, thì nó “cứng”, nó có tính chất “cưỡng bức” và phải dè chừng sẽ làm nẩy sinh thêm những “bất bình đẳng”.
Có lẽ là nên chăng cần thiết phải huy động, phải trọng dụng cái dòng chảy thích hợp hơn, thiết thực hơn là văn hoá văn nghệ, dòng chảy của quá trình sáng tạo, tiếp biến, sử dụng, tiêu dùng văn hoá…
PV : Sự nghèo nàn trong đời sống văn hóa, tinh thần của thanh niên nông thôn liệu chỉ có thể đổ lỗi cho trình độ dân trí, giáo dục thấp kém? Tôi đã từng về những vùng quê nông thôn và thấy những phong trào “tự phát” của các em như bóng đá, bóng chuyền, văn nghệ thôn xóm… rất sôi động. Ph
ải chăng, chính quyền cơ sở, đặc biệt là Đoàn Thanh niên còn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc chăm lo đời sống văn hóa – tinh thần cho thanh niên nông thôn. Từ đó dẫn đến những biểu hiện lơ là, thậm chí “bỏ rơi”?
![]() |
Một buổi biểu diễn văn nghệ của thanh niên |
– TS Trịnh Hòa Bình : Chúng tôi không là người chuyên nghiên cứu về thanh niên, nhưng thanh niên quả thật đã thu hút sự quan tâm của chúng tôi trong tư cách một người làm công tác KH-XH. Trong đời sống nghiên cứu khoa học, khi để tâm đi sâu thêm một chút thì chúng tôi thấy rằng, quả là có điều gì đó đáng phải suy nghĩ và trăn trở. Người ta thấy, đời sống văn hoá tinh thần của nông thôn nói chung và của thanh niên nông thôn nói riêng còn rất nghèo nàn và đơn điệu, nó không được như mong muốn, kì vọng của chúng ta. Thẳng thắn mà nói, thì người ta phải gọi tên là nhạt nhẽo và thiếu nội dung.
Một trong những nghiên cứu chúng tôi thực hiện ở làng quê gần Hà Nội (chứ không phải nơi xa xôi, hẻo lánh), chúng tôi đã nêu một câu hỏi trong thảo luận của nhóm thanh niên : “Các bạn có bao giờ hình dung về một kịch bản phát triển tương lai của quê hương mình không?” thì các thanh niên trong nhóm chỉ cười hết cỡ mà rằng : “Bọn em sống đến đâu hay đến đấy, nước chảy thì bèo trôi, mọi người thế nào thì em thế đấy(!)".
Đáng lẽ ra, thanh niên phải dám tin, dám đảm đương vai trò người chủ quê hương đất nước. Vậy mà ngay cả việc suy nghĩ, xây dựng một kịch bản phát triển cho quê hương, đất nước cũng còn chưa có.
Vấn đề là, làm thế nào để thanh niên, để giới trẻ chúng ta hành động thật sự thay vì chỉ “trống dong cờ mở”, hình thức chủ nghĩa và “làm việc theo thời vụ”… Ở đây, cái có ý nghĩa, cái quyết định là nội dung hoạt động… là cái “văn hoá” theo nghĩa rộng. Vì thế, không phải ngẫu nhiên trong Diễn đàn các nhà khoa học trẻ gần đây được tổ chức trước thềm Đại hội Đoàn 2007, trong các thảo luận, các phiên làm việc từ trù bị cho tới chính thức, những tiếng nói đại loại như vậy vẫn cất lên để chỉ cho mọi người thấy rằng, sinh hoạt của giới trẻ nông thôn thực sự là nghèo.
Một bộ phận cũng biết lo làm ăn, có gương mặt này gương mặt khác trong lĩnh vực làm ăn kinh tế, sản xuất… nhưng để chăm lo cho đời sống tinh thần, đời sống văn hoá của giới trẻ sao cho toàn bích thì câu trả lời vẫn còn ở phía trước.
PV : Vậy phải chăng, sự nghèo nàn, nhạt nhẽo trong đời sống văn hóa, tinh thần của thanh niên nông thôn là do đời sống vật chất của họ còn nhiều khó khăn?
– TS Trịnh Hòa Bình : Không, tôi cho rằng, sự nghèo nàn có tính chất tạm thời trong đời sống văn hoá của giới trẻ nông thôn chúng ta hiện nay không thể cắt nghĩa, đổ là do quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá của chúng ta gây nên. Phải nói rằng, ở đâu đó có sự đứt gẫy nhất định.
Khi chúng ta nói về quá trình đô thị hoá một cách cưỡng bức, và câu chuyện xã thành phường chỉ sau một đêm bởi quyết định hành chính, đó là chúng ta chỉ rõ ra tính chất thiếu chuẩn bị, thiếu chủ trương thực hiện quá trình phát triển có tính chất tuần tự, thiếu một kịch bản, lộ trình thích hợp.
Nhưng nói gì thì nói, ở đây, chúng ta nhằm nhấn mạnh như vậy, chứ không phải vì thế mà đổ thừa là hậu quả dẫn đến đời sống văn hoá tinh thần nghèo nàn. Thực ra, suy cho cùng, có vấn đề là bản lĩnh của cả một cộng đồng, một nhóm xã hội đặc thù đông đảo – là thanh niên – trước những biến động, chuyển giao của một bước chuyển mình lớn lao. Vả chăng, cũng phải chỉ ra ở đây, có vấn đề là sự chăm lo, quan tâm của các cấp các ngành.
Nhưng dẫu sao, quan trọng hơn cả chính là câu chuyện của giới trẻ.
PV : Ông có nhấn mạnh, “đó chính là câu chuyện của giới trẻ”. Nhận định này khiến tôi liên tưởng đến câu chuyện xưng “tôi” của sinh viên với giảng viên trên các giảng đường đại học. Những cử nhân tương lai vốn được coi là tầng lớp trí thức trẻ của đất nước, có kiến thức, có bản lĩnh, luôn năng động, sáng tạo và một khát vọng dấn thân quyết liệt. Vậy mà việc xưng “tôi” với giảng viên tưởng là nhỏ, nhưng rất khó khăn khi thực hiện. Thế nên đòi hỏi ở thanh niên nông thôn một năng lực độc lập, tự chủ, một cái” tôi” chủ động, biết “cho và nhận” trong một xã hội làng xã với tính tập thể được đề cao, dường như là một việc “không tưởng”?
– TS Trịnh Hòa Bình : Nói như vậy dường như là đánh đố…!
Để khẳng định cái “tôi” cá nhân, nhân cách riêng không chỉ khó đối với sinh viên, mà còn đặc biệt không có gì dễ ngay cả với những ông thầy. Thiếu gì các ông thầy có thể đăng đàn nói rất hùng hồn chuyện này chuyện kia, nhưng từ trong thâm tâm, thật sự chấp nhận thì cũng chỉ có một bộ phận mà thôi.
Việc tán thành cho sinh viên bỏ phiếu đánh giá nhận xét thầy cô, thậm chí tán thành để học trò được lựa chọn giảng viên…. chẳng hạn, là một quá trình giao thoa
và có kiểm định, thể hiện sự xác tín với nhau, tức là bình đẳng, dân chủ với nhau hơn trong đời sống xã hội, mà thực chất là tuân thủ những phương pháp giảng dạy mới : lấy người học làm trung tâm và đi lên gần hơn với bản chất của khoa học… Câu chuyện đó không phải dễ gì với cả người thầy. Đó là một quá trình cùng đến với nhau vì lợi ích nhiều hơn của giáo dục, của đời sống xã hội nói chung. Đó là câu chuyện của văn hóa.
Thế nhưng, rất có thể chính thái độ của những “người lớn” đã khiến anh chị em sinh viên thu mình lại và suy nghĩ : rồi trước sau cũng đến lượt mình, tại sao lại không nhường nhịn các bậc cha chú.
Đó là tàn dư của truyền thống thủ cựu, của trật tự, tôn ti kiểu lão làng, của xã hội phương Đông, không chủ trương sáng tạo, đổi mới, chỉ thích san định và đào bới cái cũ, nhiều lắm là “ôn cố” để “tri ân”, chứ không phải là công phạt, cách mạng và sáng tạo… Tuy nhiên, chỉ nói vậy để thấy được hết những khó khăn để thay đổi những điều này.
(Còn tiếp)
Nguyễn Thu Phương (Vietimes) thực hiện