Kinh tế nông thôn và số phận những người nông dân

" …Con số 45.000 đồng/ người/ tháng là con số làm choáng váng tất cả những người không là nông dân. Chúng ta, những người đang sống ở các đô thị, hãy lặng lẽ về nhà tính thử một ngày tổng chi phí của mỗi chúng ta sẽ bằng bao nhiêu tháng chi phí của một người nông dân. Thậm chí, có không ít người chi phí một ngày cho riêng cá nhân họ sẽ bằng tổng chi phí từ 6 tháng đến một năm của một người nông dân… "

Kỳ 1 : Cây đũa thần “mảnh ruộng và cây lúa” có còn uy lực?

Người nông dân đang có gì? Họ chỉ có mảnh ruộng của mình. Ngoài ra, họ không có gì nữa. Người nông dân đang cần gì? Họ đang cần một cuộc cách mạng canh nông lần thứ 3 cho những cánh đồng ngàn năm của họ.

Có hai cuộc cách mạng vô cùng hệ trọng đối với người nông dân. Cuộc cách mạng thứ nhất : người nông dân được chia ruộng sau bao nhiêu đời cày thuê cấy mướn. Cuộc cách mạng này đã thay đổi kiếp người lần thứ nhất cho những người nông dân. Cuộc cách mạng thứ hai : người nông dân được toàn quyền quyết định việc canh tác trên thửa ruộng của mình. Cuộc cách mạng này còn gọi bằng một cái tên khác : khoán quản. Hai cuộc cách mạng nói trên là hai cuộc cách mạng về quyền con người.

Họ cần có cuộc cách mạng thứ ba : cuộc cách mạng của tư duy và công nghệ đối với mảnh ruộng của họ

Nhưng bây giờ, họ cần cuộc cách mạng thứ ba. Đó là cuộc cách mạng của tư duy và công nghệ đối với mảnh ruộng của họ. Nếu không có cuộc cách mạng này thì cuộc sống của người nông dân khó có khả năng có những thay đổi lớn lao như một bước ngoặt lịch sử. Và mãi mãi, họ cũng chỉ là người “cấy cây lúa nào ăn cây lúa ấy” mà thôi.

Trước kia, cây lúa là sự sống còn của người nông dân. Bởi lúc đó, người nông dân chỉ cần một thứ duy nhất là lương thực. Ngày đó, công thức quan trọng nhất cho bất cứ gia đình nào ở nông thôn Việt Nam là : gạo + vải + muối = Ấm no. Có được công thức đó thì tất cả những người nông dân có thể yên tâm sống mà không sợ hãi điều gì.

Nhưng bây giờ, xã hội đã phát triển và nhu cầu cho cuộc sống của một gia đình nông dân của thế kỷ XXI có thể nói là gấp 100 lần nhu cầu cho cuộc cống của họ cách đây một nửa thế kỷ. Nhưng thực tế, mảnh ruộng và cây lúa – cây đũa thần trước kia của người nông dân – đã bớt đi rất nhiều sức mạnh nếu không muốn nói nó đang trở lên bất lực.

Nếu chỉ trồng lúa với sản lượng như bây giờ,  dù người nông dân có chịu khó đến đâu, có mưa thuận gió hoà đến đâu, có không phải đóng bất cứ thứ thuế gì thì cũng không thể đổi đời họ được. Theo khảo sát tạm thời hiện nay thì mỗi một khẩu ở nông thôn trung bình có 1, 2 sào ruộng để canh tác. Mỗi năm, họ cấy hai vụ lúa với sản lượng trung bình là hai tạ/một sào. Mỗi tạ thóc bây giờ có giá là 250.000 đồng. Tuy rằng trong thời gian này, giá thóc đang rất cao. Nhưng giá thóc chỉ cao trong một thời gian không đáng kể. Đến mùa tới, đương nhiên là giá thóc sẽ cân bằng trở lại.

Như vậy, mỗi năm bằng trồng lúa, một khẩu sẽ thu nhập là một triệu đồng. Xen vào hai vụ lúa là một vụ màu (ví dụ là ngô). Sản lượng ngô trên 1, 2 sào lúc này tính ra tiền xấp xỉ lúa. Như vậy, tổng doanh thu của một người nông dân trong một năm từ lúa và hoa màu trên mảnh ruộng của họ là khoảng 1.400.000 đồng. Trong khi đó, chi phí cho tất cả các dịch vụ từ cày cấy, giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thu hoạch, chế biến… chiếm ít nhất 60% tổng doanh thu.

Thực thu còn lại của một người nông dân từ việc canh tác trên mảnh ruộng của họ mỗi năm là khoảng 500.000 đồng. Nếu chia ra 12 tháng thì mỗi người nông dân chỉ có khoảng 45.000 đồng cho toàn bộ chi tiêu trong một tháng. Việc cấy lúa trồng ngô của người nông dân hiện nay chỉ là việc lấy công làm lãi mà thôi. Họ đã tìm nhiều cách để thay đổi “bi kịch” này. Nhưng họ đều nhận thất bại về mình.

Con số 45.000 đồng/ người/ tháng là con số làm choáng váng tất cả những người không là nông dân. Chúng ta, những người đang sống ở các đô thị, hãy lặng lẽ về nhà tính thử một ngày tổng chi phí của mỗi chúng ta sẽ bằng bao nhiêu tháng chi phí của một người nông dân. Thậm chí, có không ít người chi phí một ngày cho riêng cá nhân họ sẽ bằng tổng chi phí từ 6 tháng đến một năm của một người nông dân.

Tất nhiên, ngoài nguồn thu nhập từ canh tác trên mảnh ruộng của mình, thì người nông dân phải tìm những nguồn thu nhập phụ khác như chăn nuôi, làm nghề phụ, làm thuê trong thời gian giáp hạt v.v… Nhưng những thu nhập phụ này không phải là nguồn thu nhập ổn định và cũng không đáng bao nhiêu. Chăn nuôi của hầu hết các gia đình nông dân cũng chỉ để cải thiện thêm đời sống của họ. Còn nghề phụ của hầu hết các làng nghề truyền thống đã và đang dần dần teo lại vì tính hiệu quả quá thấp.

Chăn nuôi của hầu hết các gia đình nông dân cũng chỉ để cải thiện thêm đời sống của họ

 
Số ruộng tính trên một đầu người mà tôi dẫn ra ở trên vẫn là một con số hơi lạc quan. Thực tế, có những gia đình nông dân tính đầu người không quá một nửa sào ruộng và có nơi còn ít hơn thế. Vì tất cả những người sinh sau năm 1993 không còn được chia ruộng nữa. Vì vậy, một gia đình có 2 vợ chồng trẻ và 3 đứa con, tổng cộng là 5 người chỉ có 2,5 sào. Số gia đình như vậy ở nông thôn càng ngày càng nhiều. Nhiều người nói, ruộng canh tác của nông dân càng ngày càng ít đi. Thực tế không hẳn là như thế. Nhưng vì dân số càng ngày càng tăng nên tất yếu số ruộng tính trên một đầu người càng ngày càng ít.

Trong khi đó, những chi phí cho sinh hoạt của người nông dân càng ngày càng nhiều. Họ phải trả tiền điện, tiền đóng góp trường học và tiền giấy bút cho con cái, tiền chất đốt, tiền chữa bệnh, tiền ma chay cưới xin, tiền sắm sửa đồ dùng, tiền sửa sang hoặc xây nhà cửa, tiền đóng góp xây dựng đường xá, cống rãnh trong làng… Tất cả những chi phí nói trên là những chi phí bắt buộc mà không một gia đình nông dân nào thoát khỏi. Họ thu nhập như thế và phải chi tiêu như thế. Bất cứ ai cũng có thể dễ dàng làm một phép tính cộng trừ đơn giản để thấy được đời sống thực sự của những người nông dân hiện nay như thế nào.

Nhiều gia đình nông dân được hỏi, họ cần bao nhiêu tiền để có thể có một chi phí tạm thời cho một miệng ăn trong một tháng? Một câu trả lời quá khiêm tốn nhưng lại quá đau lòng : 200.000 đồng/ người/ tháng. Nếu chỉ biết cấy lúa, trồng ngô như hầu hết các gia đình nông dân hiện nay thì sản lượng của họ cần một có một cú “siêu nhảy vọt” gấp khoảng 5 lần so với sản lượng hiện nay. Nhưng không một nhà khoa học nào giúp họ có được cú “siêu nhảy vọt” ấy. Họ sẽ suốt đời bay là là mặt đất với 2 vụ lúa (2 tạ/ sào) và một vụ mùa (80kg/ sào nếu trồng ngô). Họ không bao giờ có khả năng cất cánh được.

Do đời sống của những người nông dân như vậy, cho nên việc học hành của con em họ cũng rơi vào quá nhiều bi kịch. Việc thi đỗ đại học hoặc các trường cao đẳng hay dạy nghề là vô cùng khó khăn với học sinh ở nông thôn. Học sinh ở nông thôn không có tiền để học thêm. Chúng không có đủ thời gian học ở lớp và ở nhà vì chúng phải tham gia như một lao động chính cho sự sinh tồn của gia đình chúng. Và dù cho con em của ai đó trong số những người nông dân có đỗ, thì việc chi phí cho con em theo học từ 3 đến 5 năm thực sự là một nỗi kinh hoàng đối với hầu hết các gia đình nông dân. Nguyên nhân đó làm cho nhiều học sinh thi đỗ đại học phải bỏ giấc mơ trở thành cử nhân. Thế là khó khăn lại thêm khó khăn. Những người nông dân hoàn toàn bất lực trong cuộc trường chinh thay đổi cuộc đời họ.

Chúng ta không có đủ và cũng chẳng bao giờ có đủ các xí nghiệp, các nhà máy, các công ty ltd hay các cơ sở liên doanh để giải quyết công ăn việc làm cho con em những người nông dân. Mà thực tế thì chúng ta cũng không quan tâm đến họ, ngoại trừ “rủ rê” họ bán ruộng đất canh tác giá rẻ cho chúng ta. Ai sẽ giúp họ và sẽ giúp như thế nào? Không còn cách nào khác ngoài con đường giúp những người nông dân “lật ngược” cánh đồng của họ lên để tìm ra câu trả lời chẳng dễ dàng một chút nào này. Cây đũa thần “mảnh ruộng và cây lúa” của người nông dân giờ đã không còn uy quyền như trước nữa.

Cách đây mấy năm, người ta đã dựng lên giấc mơ Cánh đồng 50 triệu cho những người nông dân. Nghĩa là trên một ha ruộng, những người nông dân sẽ làm ra 50 triệu đồng trong một năm. Nhưng người ta lại không đưa cho những người nông dân câu thần chú để tìm ra cánh đồng ấy. Thế là, người nông dân quần nát ruộng của mình mà vẫn không tìm thấy 50 triệu đâu cả. Và trước đó, các nhà quản lý nông thôn, các chuyên gia nông nghiệp và các nhà kinh tế học đã từng tung ra nhiều “bảo bối” để giúp những người nông dân thoát khỏi tấm lưới gai của gã phù thủy Nghèo đói, nhưng tất cả những “bảo bối” này đều bị gã phù thủy Nghèo đói thu mất. Vì sao lại thế? Chúng ta cùng nhau đi tìm câu trả lời.

(Còn nữa)
Minh Luận (Vietimes)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *