Văn hoá nông thôn : Ti-vi đừng "tủ lạnh" mọi thứ… 

Khi bài viết Nông thôn – một "thùng rác đẹp” đăng lên, một bạn đọc đã viết thư cho chúng tôi nói rằng : "Còn một bãi rác nữa không kém phần độc hại là rác “văn hóa”, mà nếu được đề cập thì sẽ rất hãi hùng”. Lời nhận xét của anh khiến tôi nhớ lại chuyến đi Mèo Vạc, Đồng Văn (Hà Giang) cách đây hơn một năm…

Hồi ấy, tôi đã rất ngạc nhiên khi tại một bản người Mông, cách trung tâm huyện 40 km đường núi, có tới gần một nửa số hộ gia đình sở hữu một chiếc ăng-ten chảo phát trên 80 kênh truyền hình trong và ngoài nước. Trẻ em thì xem Walt Disney, thanh niên say sưa với MTV, còn người già thì tò mò với những HBO, CNN…

Những sản phẩm văn hóa mà người dân nông thôn hiện nay đang được “hưởng thụ” từ chiếc ti-vi là gì?

Đối với người nông dân, dù ở miền núi hay đồng bằng, chiếc ti-vi vẫn là phương tiện giải trí tiện dụng và phổ biến nhất. Nhưng những sản phẩm văn hóa mà người dân nông thôn hiện nay đang được “hưởng thụ” từ chiếc ti-vi là gì? Giáo sư Tương Lai, người đã bỏ ra hơn chục năm nghiên cứu về nông thôn Việt Nam với hàng trăm chuyến đi khắp từ Nam ra Bắc, đã nhận định : "Chiếc màn hình ti-vi vừa có tác dụng giải trí và phổ biến thông tin, kiến thức, nhưng cũng vừa gây độc hại không kém qua những tiết mục quảng cáo giật gân, khuyến khích sự hám lợi và thích tiền và sự thiếu chọn lọc trong những pha kích động đối với thị hiếu và trình độ thưởng thức của thanh thiếu niên nông thôn".

Cách đây không lâu, khi bộ phim “Nhật ký Vàng Anh” được phát sóng, nó đã nhận được không ít lời chỉ trích, đa số là của những khán giả nông thôn. Điện thoại đời mới, xe máy sành điệu, thời trang hiện đại… những thứ của cải vật chất được “trưng” ra như một thước đo giá trị đã hoàn toàn phản giáo dục với trẻ em nông thôn – những đứa trẻ đến trường với cái bụng lép kẹp, chưa hết ngày đã phải lao ra đồng ruộng cày sâu, cuốc bẫm giúp bố mẹ.

Nếu bây giờ, thử hỏi một đứa trẻ nông thôn 7 tuổi về một nhân vật lịch sử, tôi chắc rằng chúng sẽ nhớ tên những anh hùng của Trung Quốc còn hơn là tên những anh hùng của Việt Nam. Phải chăng, đó chính là hệ quả trực tiếp nhất của những cuộc “xâm lăng” phim Trung Quốc, Hàn Quốc… lên sóng truyền hình từ Trung ương đến địa phương?

Ở những làng ven đô, nông dân được tiền đền bù, họ sắm sanh cho gia đình mình những chiếc đầu DVD Trung Quốc trị giá vài trăm nghìn, một vài chiếc đĩa VCD giá chưa quá 5.000 đồng đủ các loại phim từ kinh dị, hành động, tâm lý xã hội… đến phim “sex”.

Đi nhiều làng quê từ Nam đến Bắc, những điệu chèo, điệu lý đang dần biến mất, đâu đâu cũng nỉ non những bài tình ca não nề, nhức óc những bản nhác rap, nhạc chế, lời lẽ xuyên tạc không thiếu các ngôn từ “đầu đường xó chợ”.

Đọc đến đây, có lẽ sẽ nhiều người giật mình đặt câu hỏi, vậy thì bố mẹ, ông bà – thành trì bền vững và lắng sâu – đã làm gì để bảo vệ những đứa trẻ của họ? Hóa ra rằng, trong lúc con cái đang lai căng “đầu xanh tóc đỏ”, ăn mặc “dị hợm” bắt chước mấy bộ phim Hàn, ỉ ôi mấy bản nhạc chế “dung tục” thì bố mẹ lại mải mê với những đĩa phim chầu đồng, ngoại cảm “kỳ bí” được rao bán đến tận hang cùng ngõ hẻm…

Cách đây không lâu, tôi có nghe nói về một dự án tin học của Trung ương  Đoàn nhằm “tin học hóa” nông thôn. Sau vài năm thực hiện, hơn 37.000 thanh niên nông thôn được “nối mạng” đã thắp lên hy vọng về một cuộc “cách mạng phẳng”, san bằng hố sâu giàu nghèo giữa nông thôn, thành thị. Nhưng theo một báo cáo của Bộ Y tế, Tổng cục Thống kê, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) phối hợp điều tra về tình trạng sử dụng Internet trên cả nước thì thanh thiếu niên phần lớn đều biết Internet là một nguồn thông tin và giải trí. 90,3% thanh thiếu niên ở thành thị và 65,6% ở nông thôn đã nghe nói về Internet, tuy nhiên, tỷ lệ đã sử dụng còn thấp. Chỉ có 17,3% trên tổng số đã từng dùng Internet, trong đó thanh niên nông thôn sử dụng ít hơn thanh thiếu niên thành thị 4 lần (12,8% và 50,2%). Phần đông (68,7%) có sử dụng Internet để tán gẫu và 61,4% sử dụng máy tính/ Internet để chơi trò chơi điện tử trực tuyến.

Đưa Internet về làng

Trong những tháng cuối năm năm 2007, ngôn ngữ tìm kiếm cho chữ “sex” đều là Việt Nam. Tôi đồ rằng, không biết có bao nhiêu đứa trẻ nông thôn nhấp nhổm trong những hàng Internet ngoài kia đang tìm kiếm "chữ sex bí ẩn" này. Điều đáng nói là, môn học giáo dục giới tính vẫn còn quá mù mịt và xa vời với học sinh nông thôn. Thử hỏi, ở đằng sau lũy tre làng ngàn đời kiên cố cùng con trâu, cái cày, có bậc cha mẹ nào đủ can đảm trao đổi với con cái về những vấn đề giới tính, vốn được coi là “không hợp thuần phong mỹ tục”. Ở trường học, hầu như các bài giảng về giáo dục giới tính đều được thầy cô gác lại hoặc nói qua loa cho đủ trách nhiệm.

Tiếp cận quá dễ dàng đủ loại tạp phẩm “văn hóa”, trong khi không hề được trang bị một sức đề kháng “chống nhiễm khuẩn”, sự sa ngã của một số không ít những thanh niên nông thôn là điều tất yếu. Hơn một triệu số ca nạo phá thai hàng năm có tới hàng trăm nghìn là của thanh niên, trong đó có không ít những thanh niên nông thôn. Và bao nhiêu trong số hàng nghìn cô gái đó, có những người lựa chọn giữ lại đứa con trong búa rìu dư luận, có những người sa chân vào chốn lầu xanh với cái giá rẻ mạt 20 – 30.000 đồng cho một lần đi khách?…

Xung quanh những làng ven đô, ruộng đất đang mất đi, thay vào đó là nhà cửa bê-tông hóa, nhan nhản các quán café, karaoke, thịt chó, thịt thú rừng… lôi kéo một đám thanh niên nhà quê thất nghiệp vào những vòng quay rượu chè, trai gái, cờ bạc, tù tội…

Để cho đời sống văn hóa, tinh thần của thanh niên nông thôn ngày càng trở nên nghèo nàn, xuống cấp, không thể chỉ đổ lỗi cho quá trình đô thị hóa kéo theo những rác rưởi thành phố, không thể biện hộ rằng, cái nghèo kéo theo việc phải chấp nhận “hưởng thụ” một đời sống văn hóa thấp kém.

Nếu chứng kiến những trận đấu bóng sôi nổi, những buổi văn nghệ, ca nhạc sôi động, những cuốn sách, tờ báo cũ được nâng niu, trân trọng… mới thấy sự khao khát một đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh của thanh niên nông thôn đáng quý biết nhường nào!

Nhưng dường như, chính các cấp chính quyền và Đoàn Thanh niên đang coi nhẹ những khao khát giản dị mà hết sức cấp bách, ý nghĩa này. Năm 2008, được coi là năm “Nâng cao chất lượng Đoàn cơ sở và Đoàn Thanh niên”, tập trung vào những đề án như “Đoàn tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông”, “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm”, “Xây dựng mới 1.000 điểm tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học”… Trong tất cả những đề án “trọng điểm” này, không có một đề án nào liên quan đến đến việc nâng cao đời sống văn hóa, giải trí, tinh thần cho thanh niên nông thôn. Bà Đặng Thị Phương Thảo – Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương Đoàn TNCS cũng thừa nhận, trong những năm vừa qua, vấn đề này vẫn chưa được Đoàn thật sự chú trọng.

Khi viết những dòng này, tôi chợt nhớ lại hình ảnh một cậu bé nông thôn bị lạc giữa đô thị phồn hoa đã phải nhảy xuống dòng sông với hy vọng, dòng sông sẽ đưa mình trở về với đồng ruộng mà Maxim Gorki ví von cho cuộc đời nhà thơ Exenhin. Tôi chợt nhớ về hình ảnh nông thôn Việt Nam đang “đổi màu” nhờ những làn sóng hiện đại hóa gấp gáp. Nhưng dường như chính sự hiện đại đó đang biến những đứa trẻ nông thôn trở thành kẻ lạc loài trên chính nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình…

Sơn Khê (Vietimes)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *