Một gia đình nông dân cách Hà Nội 40 km
Chúng ta thử lược bỏ từng thứ một những đồ tiêu dùng trong một gia đình nông dân thì gia đình đó còn lại những gì? Chúng ta bỏ chiếc tivi đi, bỏ tiếp chiếc quạt điện, bỏ tiếp chiếc xe máy rẻ tiền nhập của người bạn láng giềng… Và bây giờ chúng ta xem họ còn lại những gì? Xin thưa, họ còn lại một đời sống với chất lượng sống đúng nghĩa cần phải báo động ở mức cao nhất và với không ít điều không bằng trước kia.
Sẽ có những người phản đối nhận định đó của tôi và có thể nổi giận nói : “Hãy chứng minh cho nhận định của ông”. Và tôi sẽ chứng minh trong một hình thức như một bản thông cáo – một bản thông cáo buồn gửi từ những làng quê yêu dấu của chúng ta.
Chúng ta không thể chỉ lấy những tivi, quạt điện, nhà bê-tông và những chiếc xe máy nhập rẻ tiền… như những yếu tố nền tảng để mà mừng rỡ hay chứng minh về sự phát triển và chất lượng sống ở nông thôn hiện nay. Những thứ đó như là sự tất yếu ở bất cứ cộng đồng nào trên thế giới này. Một bản miền núi xa xôi và nghèo khó nhất ở Việt Nam cũng có thể có những thứ đó. Nhưng chất lượng sống ở những nơi đó mà các phương tiện thông tin đại chúng đã và tiếp tục đề cập lại là một hồi chuông báo động khẩn cấp.
Chúng ta đang nói về đất canh tác của những người nông dân ngày càng thu hẹp lại. Đúng là như vậy. Và trên những mảnh đất bị cắt vụn, những người nông dân bao đời nay không biết làm gì ngoài trồng lúa và hoa màu. Đã mười năm nay, tôi vẫn mang một ý nghĩ “nguy hiểm” rằng : Lúa, cây gậy thần của người nông dân Việt Nam trước kia lúc này lại có nguy cơ trở thành nỗi đe dọa với họ. Bởi họ chỉ có từng ấy ruộng, từng ấy thứ cây trồng, từng ấy phương pháp, từng ấy sản lượng… Bởi thế cho dù họ lao động quên ăn quên ngủ trên cánh đồng của mình thì cũng chỉ đủ để duy trì sự sống của họ mà thôi. Chúng ta phải thay đổi, hay nói đúng hơn, là phải có một cuộc cách mạng lớn của tư duy và một ý chí triệt để trên chính mảnh đất ấy thì mới có cơ hội thay đổi thực sự cuộc sống của họ.
Tôi đã nhiều lúc lẩn thẩn nhẩm tính rằng : từ năm 1954 đến nay, hàng năm, chúng ta đào tạo một số lượng kỹ sư nông nghiệp không nhỏ. Nhưng hơn 50 năm nay, chỉ tính những làng quê gần các thành phố lớn cũng rất hiếm thấy bóng dáng của những kỹ sư này trên cánh đồng cùng với những người nông dân. Tôi luôn luôn mang cảm giác chúng ta bỏ quên những người nông dân. Họ chỉ xuất hiện đâu đó trong lời nói của chúng ta khi cần thiết. Chúng ta đã không hành động một cách thiết thực cho họ.
Chúng ta phải có một cuộc cách mạng của tư duy về nền nông nghiệp của chúng ta. Chẳng lẽ chúng ta cứ để những người nông dân sống một cuộc sống bản năng và mòn mỏi như thế. Chẳng lẽ họ mãi mãi là đối tượng để chúng ta làm từ thiện. Chẳng lẽ phong trào Lá lành đùm lá rách, rồi Lá rách ít đùm lá rách nhiều lại là chiến lược của chúng ta. Phong trào ấy cho dù chứa đựng một phần của lòng nhân ái thì cũng chỉ là một giải pháp tạm thời.
Chúng ta đang nói về môi trường sống của những người nông dân. Chưa bao giờ, môi trường ở nông thôn bị tàn phá và ô nhiễm đến kinh hãi như bây giờ. Chỉ riêng nguồn nước mà những người nông dân và các thế hệ tương lai của họ đang uống ngày ngày với mức ô nhiễm như các cơ quan chức năng thông báo thì có thể gọi là nguồn nước của Thần chết. Một số người nông dân biết điều đó, nhưng đại đa số những người nông dân không biết. Nhưng biết thì họ cũng không thể nào làm khác được.
Chúng ta thi nhau xây công sở thật to và nhiều khi diêm dúa, sắm xe thật đắt tiền và tổ chức quá nhiều các lễ hội không ích lợi gì cho dân sinh và dân trí như một sự chơi trội. Tôi phải xin nói thẳng rằng : mỗi một thành phố, mỗi một tỉnh khi có một lý do nho nhỏ và thậm chí vô lý cũng lại tổ chức “linh đình” tiêu tốn hàng tỷ. Chúng ta thử đặt câu hỏi rằng, có cần thiết phải làm một buổi truyền hình trực tiếp về thị xã lên thành phố không? Làm thế để làm gì? Và chúng ta có biết phải tốn bao nhiều tiền cho một cuộc “vui chơi” như thế không?
Tiền để làm những việc đó là tiền của chính nhân dân chứ đâu phải tiền của một cá nhân nào. Nhưng thử hỏi chúng ta đã làm gì cho một làng cụ thể để có được một nguồn nước sạch? Hoặc để thông báo với những người nông dân rằng nguồn nước họ đang uống ngày ngày có quá nhiều nguy cơ giết chết họ bằng một cái chết chậm và họ cần phải làm gì để giảm bớt những nguy cơ đó. Trong thế kỷ văn minh với nhiều đột phá khoa học lại xuất hiện nh