![]() |
Người Mông ở Mai Châu đang sử dụng những phương tiện cá nhân cũng như tiện nghi gia đình có thể xem như “rất sành điệu” |
Tôi cùng nhà thơ người dân tộc Thái Lò Cao Nhum vào Trường tiểu học Hang Kia đúng ngày sương mù. Nghe các thầy cô giáo kể về việc lấy vợ, lấy chồng của người Mông mà chúng tôi hoang mang quá. Hoang mang bởi chúng tôi nhận ra còn một thứ “sương mù” khiếp sợ hơn đang đặc quánh đầu óc bà con.
Nhớ khi còn nhỏ, trẻ con nông thôn chúng tôi (không hiểu trẻ con thành phố có thế không) thỉnh thoảng có trò chơi giả vờ làm vợ chồng, lớn chút nữa thì gán ghép nhau, biết thêm chút nữa thì xấu hổ không dám ngồi cạnh nhau trong lớp học. Thế mà sang đầu thế kỷ XXI, ở Hang Kia và Pà Cò của huyện Mai Châu, nơi cách thủ đô Hà Nội chưa đầy 100 km, những đứa trẻ con tuổi ấy lấy nhau là chuyện hoàn toàn thật chứ không có một tý nào giả vờ.
Đợi giờ ra chơi, chúng tôi nhờ thầy Hiệu trưởng Hà Văn Cường cho gặp một số em học sinh vừa bắt vợ. Thầy Cường cho biết, chỉ có thể gặp các ông chồng trẻ con thôi, còn các bà vợ trẻ con thì bỏ học ngay sau khi hai gia đình tổ chức cưới cho họ rồi. Sau một thoáng ra ngoài, thầy Cường cùng một cô giáo đưa hai học sinh nam vào văn phòng Hội đồng. Đó là Vàng A Nhà và Khà A Sếnh đều sinh năm 1993. Nhà bắt vợ là Khà Y Gánh 14 tuổi, Sếnh bắt vợ là Giàng Y Dế cũng 14 tuổi. Những đứa trẻ con này được gia đình tổ chức cưới cuối năm âm lịch.
Ngồi trước mặt chúng tôi, Nhà và Sếnh không chút xấu hổ. Chúng tôi hỏi chuyện, các em không nói mà chỉ thỉnh thoảng cười. Nhờ sự động viên của thầy Hiệu trưởng và cô giáo chủ nhiệm, một lúc sau Nhà đáp gọn lỏn : “Mình thích nó thì mình bắt thôi!”. Tôi vội hỏi : "Bắt nó về thì làm thế nào?" – "Thì bảo bố mẹ cưới cho rồi mình lại đi học" – Nhà đáp.
Chưa hết bàng hoàng vì những đứa trẻ 14, 15 thành vợ chồng, chúng tôi lại được thầy Đinh Công Thành – giáo viên chủ nhiệm lớp 6B, Trường Nội trú – kể : Vừa rồi, lớp em làm chủ nhiệm thấy vắng học sinh Khà A Sếnh, sinh 1995, mà không có lý do. Hai tuần sau, Sếnh lại tới lớp. Hỏi ra mới biết, Sếnh ở nhà đi bắt vợ, nhưng chưa bắt được, nên lại đi học.
Trầm trọng hơn, ngay Vàng A Của – giáo viên trường này – cũng vừa cưới vợ cho con trai là Vàng A Cua mới 12 tuổi và đang học lớp 5 tại trường Dân tộc nội trú liên xã Hang Kia và Pà Cò.
Chúng tôi – những người lớn có mặt – hết nhìn các em lại nhìn nhau mà không biết trách ai đây? Hình như biết sự bức xúc của chúng tôi, thầy Hiệu trưởng Hà Công Cường phân bua : Khi các em học sinh cưới vợ, gia đình mời các thầy cô giáo tới ăn cưới làm chúng tôi rất khó xử. Đi ăn cưới thì đương nhiên mình công nhận việc các em tảo hôn, mà không đi thì không được vì mình đang sống với dân. Cuối cùng, chúng tôi đành phải tự động viên nhau, thôi mình đến, mình làm dân vận để các em khỏi bỏ học vậy!
![]() |
Vàng A Nhà và Khà A Sếnh đều sinh năm 1993 |
Tệ tảo hôn của một số vùng đồng bào dân tộc miền núi Tây Bắc tôi cũng đã nghe, nhưng không ngờ nó lại trầm trọng và hiển nhiên như ở hai xã vùng Mông này. Mặc dù thời tiết không ủng hộ, sương mù ngày càng dày đặc, có lúc nặng hạt thành mưa, nhưng tôi và Lò Cao Nhum vẫn quyết định ở lại tìm hiểu thêm chuyện này.
Hà Công Dựa là cán bộ Công an người dân tộc Thái, phụ trách hai xã vùng Mông đã hàng chục năm trời. Với chiếc đèn pin nhỏ trong tay, Dựa xuyên mưa sương đưa chúng tôi đi trong đêm tối. Chúng tôi chỉ biết bám nhau qua thấp thoáng ánh đèn mờ ảo và tiếng nói trong màn đêm. Hết vườn lại vườn. Thỉnh thoảng, Dựa lại cất vài câu tiếng Mông thì chúng tôi mới biết lại đi qua sân, hè của một gia đình.
Khi chân đã nặng bởi bùn đất bám chặt vào giày, mũ áo đã thướt lướt bởi mưa sương, chúng tôi dừng chân trước hiên nhà cụ Giàng A Gia, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Hang Kia (đã nghỉ hưu). Sau một hồi gọi, cụ Gia bật đèn và mở cửa bếp cho chúng tôi vào. Vừa thổi lửa, vừa pha nước mời chúng tôi, cụ Gia phân bua nhà có khách Tây đang nghỉ nên mời chúng tôi ngồi tạm ở bếp. Chưa biết ý định của khách vừa tới sao, cụ bảo cứ phải uống rượu cái đã!
Quả thật, nếu không có người thạo địa bàn và thân thuộc với bà con người Mông đưa đường thì chúng tôi, nếu không bó tay cũng chỉ đành “cưỡi ngựa xem hoa” rồi trở về thành phố mà thôi, chứ nói gì đến tìm hiểu những vấn đề “đụng chạm” mà người Mông không muốn nói ra ấy. Bằng tất cả “bài bản” có trong nhiều năm công tác miền núi, lại được người biết tiếng Mông hỗ trợ, thế mà chúng tôi cũng không thể bỏ qua rượu. Không uống rượu, không vui rượu thì chưa ra chuyện được. Uống đến khi chủ nhà tay trái cầm hai chén, tay phải cầm chai và rót đầy hai chén rồi uống theo cái lý “ai thích ai thì uống cho người ấy”, cứ thế quay vòng cho hết từng lượt… thì chủ đề lấy vợ, lấy chồng của người Mông mới chạm mạch.
…Từ xa xưa, người con trai Mông để ý người con gái nào thì tối tối đến gần nhà cô gái đó mà thổi khèn lá. Tiếng khèn tình tứ cất lên theo những điệu dân ca Mông trong thanh vắng núi rừng. Người con gái tiếp lời thì cũng thổi khèn lá đáp lại. Thế rồi chàng trai được tiếp cận, trò chuyện với bạn tình qua khe vách. Người trong nhà, người ngoài vườn, cứ thế họ tâm tình với nhau. Lúc nào cô gái bảo em buồn ngủ rồi thì họ chia tay. Khi đã mến nhau, người con trai có thể một mình hoặc nhờ bạn bè bắt người con gái bất kể lúc nào mà không cần báo trước. Địa điểm bắt có khi ngay tại nhà cô gái, trong đám cưới hoặc lễ hội ném còn, ném pao.
Người con gái bị bắt đưa thẳng về nhà chàng trai qua cửa chính đối diện với bàn thờ rồi vào buồng riêng của chàng trai đó. Kể từ lúc này, người con gái không thể quay về nhà mình được nữa. Nhà trai nhanh chóng cử người đến thông báo “con trai tôi đã bắt con gái ông bà rồi!”. Sau ba ngày từ lúc thông báo, nhà trai mang lễ đến nhà gái ăn hỏi và bàn việc tổ chức cưới. Mùa cưới của người Mông kéo dài khoảng trên dưới hai tháng trước và sau Tết Nguyên đán.
Truyền thống của người Mông thường vợ nhiều tuổi hơn chồng để về nuôi chồng, sau này vợ già thì chồng nuôi vợ. Như thế, tục bắt vợ là một nét văn hoá trong hôn nhân của người Mông. Được bắt về, giá trị của người con gái như tôn lên. Còn người con trai suốt cuộc đời phải nhớ, mình đã bắt người ta về, người ta đã thành ma nhà mình thì mình không được bỏ người ta, không được phụ bạc người ta. Chính vì thế, dù người vợ nhiều tuổi hơn, nhưng vợ chồng người Mông gần như không bao giờ bỏ nhau.
![]() |
Tục bắt vợ là một nét văn hoá trong hôn nhân của người Mông. Được bắt về, giá trị của người con gái như tôn lên. |
Phong tục bắt vợ của người Mông được duy trì đến nay. Chỉ có điều, bây giờ họ bắt nhau sớm quá. Được hỏi vấn đề này, cụ Giàng A Gia trầm ngâm : Từ sau ngày Hoà bình lập lại (1954), thực hiện nếp sống văn hoá, người Mông lấy vợ, lấy chồng đủ tuổi Nhà nước quy định, thỉnh thoảng có cặp, anh con trai ít tuổi hơn vợ, hoặc tảo hôn một phía. Nhưng rồi cũng từ ngày những người buôn bán ma tuý có tiền, họ mua ô-tô, xe máy cho con đi chơi, mua băng, đĩa cho con thưởng thức… thế là sinh ra tảo hôn. Khi mới, số người tảo hôn còn ít, rồi cứ thế tăng dần và đến nay thì phổ biến. Đến nỗi, con gái 18 tuổi mà chưa có ai bắt thì coi như bị ế rồi. Cho nên, nhà ai có con gái cũng lo con mình không có người bắt.
– Các cháu còn nhỏ thế, khi lấy nhau, người lớn có biện pháp gì quản lý hay hướng dẫn về chuyện ăn ngủ không? – Tôi hỏi.
– Chả có quản lý gì. Chúng nó bắt nhau rồi đưa thẳng vào buồng riêng. Chúng nó làm gì ở trong ấy thì ai mà biết được! – Cụ Gia giải thích rồi cười ngặt nghẽo.
Lúc đầu, để được việc, chúng tôi cũng hăng hái với những chén rượu ngô, cũng chén đôi quay vòng, và có lúc cái vui cũng đến thật. Nhưng khi đã rõ sự tình làm vợ, làm chồng của những đứa trẻ có khi còn đái dầm thì những chén rượu chúng tôi phải uống trở nên đắng ngắt.
Cụ Gia kể tiếp : Thỉnh thoảng, có trường hợp do đêm tối, sương mù nên đi bắt vợ đã bắt nhầm người. Người bị bắt nhầm thường là chị dâu trong nhà. Khi bị bắt nhầm, người bị bắt kêu lên "Tôi đã có chồng rồi!", những người đi bắt sẽ buông ra, sau đó bên trai phải mang đồ lễ đến cúng cho khỏi mất vía người bị bắt nhầm. Có trường hợp kéo ra đến đường mới phát hiện ra là nhầm. Nhưng chưa có trường hợp nào bắt mang về nhà rồi mới biết. Nếu có chuyện đó xảy ra thì tình hình trở nên hết sức phức tạp. Phức tạp ở chỗ, người con gái đã bị bắt đưa vào nhà ai là thành ma nhà người ấy rồi.
Chuyện những đứa trẻ con đi bắt trẻ con làm vợ còn đang ám ảnh, chúng tôi lại được nghe câu chuyện em chồng phải lấy chị dâu sao mà đau đến thế!
Đó là trường hợp Khà A Dơ, con ông Khà A Tủa ở xóm Thung Mài xã Hang Kia. Năm ấy, Dơ 15 tuổi và đang học lớp 9 thì người anh là Khà A Tráng cũng đang học PTTH ở thị trấn huyện Mai Châu bị tai nạn giao thông mà chết. Lúc ấy, vợ của Tráng (chị dâu của Dơ) đã có 2 con và hơn Dơ khoảng 7 – 8 tuổi. Thấy gia đình ép mình lấy chị dâu, Dơ rất buồn nên đã bỏ học và trốn vào rừng. Tưởng gia đình đã hiểu nên khoảng một tuần sau Dơ trở về nhà, nhưng gia đình Dơ không thay đổi ý định. Thương thay, đứa trẻ 15 tuổi ấy làm sao chống lại quyết định của người lớn. Thế là Dơ phải đồng ý lấy chị dâu. Đến nay, họ có thêm 2 đứa con với nhau. Và người ta cũng thấy không mấy khi Dơ ở nhà.
Câu chuyện Khà A Nhà, Khà A Sếnh, Vàng A Cua – những đứa trẻ con tự do đi bắt vợ – và Khà A Dơ – đứa trẻ con không được tự do đi bắt vợ, mà buộc phải lấy chị dâu – có lẽ không chỉ là nỗi buồn, mà còn là nỗi đau – một nỗi đau chẳng của riêng những chàng trai Mông, mà là của tất cả chúng ta. Và, như thế, cái nhiệm vụ “Đưa miền núi tiến kịp miền xuôi” cứ mãi chỉ là khẩu hiệu.
(Còn nữa)
Lê Va (Vietimes)