“Đất Việt yêu thương – non sông gấm vóc – rừng vàng biển bạc” – đó là những gì mà tất cả những ai được sinh ra trên mảnh đất này đều đã thuộc lòng. Tất cả đều đã ăn sâu vào con tim của triệu triệu người con dân đất Việt. Nhưng nay, mảnh đất yêu thương ấy đang biến thành "Miếng da lừa"? Góc nhìn riêng của Phạm Hoàng Hải.

“Đất Việt yêu thương – non sông gấm vóc"

 
Và từ lúc nào chưa kịp nghĩ ra thì non sông gấm vóc đã trở thành “tấc đất tấc vàng” theo đúng nghĩa đen của nó. Chẳng những thế, mỗi tấc đất ấy tăng giá từng ngày để trở thành chục tấc, trăm tấc vàng. Thật là chóng mặt.

Bây giờ đây, tất cả 80 triệu người dân Việt Nam, từ trẻ con đến bà già, từ quan chức đến anh bần cố trên rừng, đều biết rất rõ rằng, chẳng có gì làm giàu dễ và nhanh như là đi buôn nhà đất. Mới phong thanh có một dự án mở một con đường bé tí bé teo nào đó tại Văn phòng xã tung ra, là lập tức người ta đã cắm đất, lấn chiếm, đã trao đi đổi lại, môi giới thì thụt và đã có thể giàu lên tức thì.

Còn các dự án cấp Nhà nước thì khỏi phải nói. Chỉ mới có tin đồn nhảm đã có thể làm sôi động cả một vùng đất, đã có thể đâm chém, đánh nhau và đã có thể lên chức, mất chức như chơi.

Thế là bất chấp nghèo khó, lạc hậu, chậm tiến, bất chấp các doanh nghiệp Nhà nước trì trệ thua lỗ triền miên, bất chấp ngành công nghiệp ô-tô đã mấy mươi năm vẫn chưa lắp nổi mấy cái xe hơi lạc hậu, bất chấp hệ thống đường giao thông lộn xộn nhất thế giới, bất chấp nền giáo dục lạc hậu bê bối thì các công trình xây dựng nhà ở của Việt Nam vẫn đang mọc lên như nấm, mọc lên khắp nơi không cần quy hoạch, không cần thiết kế, làm hoa mắt tất cả những nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô trên thế giới.

"Rừng vàng biển bạc… "

 
Giống hệt như anh chàng Valantin của Đại văn hào Balzac, trong lúc khốn quẫn đã nhặt được miếng da lừa mầu nhiệm có thể cho anh được mọi ước mơ giàu có, nhưng ác nghiệt thay, mỗi lần ước được giàu có, trúng quả là một lần miếng da lừa bị co bé lại. Và khi miếng da co hết thì anh ta cũng hết đời.

Non sông gấm vóc của đất mẹ Việt Nam như thế đã là bầu sữa ngon, là chùm khế ngọt cho tất cả những ai nhanh chân nhanh tay, khôn ngoan, tỉnh táo.

Trong cái không khí tưng bừng người người buôn đất, nhà nhà buôn đất, người người giàu lên, nhà nhà giàu lên, có mấy ai nhận được ra rằng chúng ta đang cùng nhau chơi trò đua nhau gặm vào “miếng da lừa” nguy hiểm hay không.

Mảnh đất Việt thân thương của chúng ta có vẻ thật là rộng lớn cho các dự án sân golf, resort, khu chế xuất, khu đô thị đơn lẻ, lại càng quá rộng so với các mảnh đất quy hoạch được trao tay buôn đi bán lại.

Nhưng xin các bạn nhìn lại mà coi. Chẳng mấy chốc nữa thôi, cả nước Việt sẽ bị băm nát, xé nhỏ tơi bời bởi những dự án nhà đất vô cảm, bùng phát và lạnh lùng của chúng ta.

Trên bản đồ thì diện tích đất nước vẫn không hề thay đổi, nhưng đó là một tấm áo rách, bị xé nhỏ tan tành. Tấm da lừa vẫn còn, nhưng là tấm da nát mủn, không thể hàn vá, sửa chữa được nữa. Muôn đời sau con cháu chúng ta sẽ phải lầm lũi chen chúc với các con đường chật hẹp, quanh co lộn xộn như đường làng ngõ xóm.

Chỉ vài năm nữa thôi, các bạn sẽ thấy là không có con đường nào không tắc nghẽn, vô phương cứu chữa, ô-tô không thể đi, mà xe máy xe đạp cũng không thể chen chân.

"Hà Nội giờ như một miếng da lừa… "

Không cần nhìn đâu xa, ngay sát biên giới phía Bắc, các tỉnh Nam Ninh, Vân Nam của Trung Quốc cũng đi lên từ nghèo khó. Thế nhưng hiện nay, quy hoạch đô thị, đường xá, cao ốc của họ thật đáng khâm phục. Không còn những con đường hẹp quanh co, không còn những khu lộn xộn cao thấp. Đường xá thì rộng rãi, xe chạy thì thông suốt.

Nếu dăm bảy năm nữa, ta muốn học tập họ thì không thể áp dụng được nữa rồi, bởi vì tất cả đã bị xẻ vụn ra, tất cả đã tràn ngập những con phố lô nhô, những dãy nhà siêu mỏng, những ngõ hẹp ngoằn ngoèo. Tất cả đều có sổ đỏ, đều đã đổ bê-tông kiên cố.

Bờ biển của ta dài hơn 3.000 cây số, bây giờ đã bị băm nát. Cái bờ vịnh Đà Nẵng đẹp vào hàng đầu thế giới bị quây chặt bởi con đường cao tốc. Bây giờ, ai muốn ra ngắm bờ vịnh thì phải xách giày dép liều mình trèo qua ba bốn hàng rào ngăn đường, băng qua sáu bảy làn ô-tô chạy vun vút. Một là chết vì tai nạn, hai là được ngắm vịnh biển. Muốn chọn cách nào thì chọn.

Còn men theo con đường thế kỷ ấy là hàng ngàn chiếc nhà con con khấp khểnh, bề ngang 4 mét, dài sâu hun hút. Thế đấy, để đổi đất lấy hạ tầng, người ta đã làm co bé đi miếng da lừa Đà Nẵng như thế đấy. Sau này, con cháu chúng ta muốn sửa lại lỗi lầm ấy cũng chỉ đành bất lực đứng nhìn mà thôi.

Chúng ta có Phú Quốc, có Sơn Trà là có thể trở thành một cái gì đó như Singapore hoặc Hongkong. Thế nhưng, giờ đây tất cả đã bị băm nát, mỗi ông chủ nhỏ một khoanh, mạnh ai nấy làm, y như một cái làng vô chủ. Thế là từ nay Việt Nam đã vĩnh viễn chấm hết giấc mơ có một miền đất có thể tự hào sánh vai với thế giới. Chỉ có mấy anh đầu nậu buôn đất buôn dự án là nhanh tay thu về được ít đồng tiền còm, còn mặc cho “miếng da lừa” co đi vĩnh viễn.

Mấy ngày qua thấy sôi động trên báo chí về tin mở rộng Hà Nội. Đã là phát triển thì phải có đột phá, phải dám nghĩ dám làm. Trung ương đã quyết thì nhất định phải ủng hộ và góp sức. Đó là ý thức công dân.

Thế nhưng trong lòng vẫn thầm lo lắng mà không biết làm sao. Chỉ mong rằng, chúng ta sẽ học được những bài học nhãn tiền về các quy hoạch đô thị đất đai vừa qua, để ít năm sau sẽ có được một Hà Nội đàng hoàng hơn và to đẹp hơn, chứ không phải một cái làng "Hà Lội" – lầy lội và rối như mê hồn trận.

Thành tâm mong ước. Bởi vì đây sẽ là miếng da lừa cuối cùng có tên Hà Nội. Nếu phá nát nó, tức là xóa sổ Hà Nội, đất thiêng nghìn năm sông núi.

Phạm Hoàng Hải – Vietnamweek

—————————————

Balzac viết "Miếng da lừa" vào mùa thu năm 1830, sau khi cuộc Cách mạng tháng Bảy vừa nổ ra, đánh gục giai cấp quý tộc, đưa tầng lớp tư sản tài chính Pháp, ngân hàng Pháp lên nắm chính quyền.

Nền quân chủ tháng Bảy được thiết lập (1830 – 1848) với thực chất là "triều đại của bọn chủ nhà băng" với khẩu hiệu nổi tiếng "Hãy làm giàu".

Lý tưởng duy nhất ngự trị xã hội đương thời là chạy theo đồng tiền. Nó chà đạp mọi thứ từ danh dự, đạo đức, tư tưởng, tình cảm… và đời sống con người.

Cuốn tiểu thuyết của ông đã mô tả rất rõ xã hội đương thời đó. Tiểu thuyết này còn là tác phẩm đầu tiên mà Balzac bày tỏ thái độ phủ nhận của ông đối với giai cấp tư sản tài chính, ngân hàng vừa lên nắm chính quyền này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *