Con gái út nhà văn Nguyễn Tuân – họa sĩ Thu Giang – vẫn nhớ như in từng lời dạy dỗ, chỉ bảo của cha. Với con chữ, cụ Nguyễn rất “ngông”, nhưng với các con, cụ lại là một người rất hồn hậu và thương con.
Hồi nhỏ, tôi theo mẹ là nhiều, bởi tôi sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đặc biệt của dân tộc – tản cư thời kỳ kháng chiến chống Pháp – nên phải xa cha từ rất sớm. Khi ấy, cha tôi đang hoạt động trên chiến khu Việt Bắc, tôi cùng mẹ và các anh chị đi tản cư vào Thanh Hóa. Cuộc sống thời kỳ ấy rất vất vả. Đến giờ ngẫm lại, mẹ thật là người phụ nữ kiên cường.
Mấy mẹ con đã phải làm việc khá vất vả để duy trì cuộc sống, từ việc đồng áng – mất mùa liên miên, đến việc đi chợ buôn bán. Sau đó, gia đình chúng tôi mở một quán ăn nhỏ có tên là Giang Quyên – mang tên tôi và người chị lớn. Quán ăn nhỏ được mở ra tại cầu Thiều – Thanh Hóa, phục vụ từ cháo giò, bánh cuốn… cho đến giải khát. Nhờ có quán mà việc duy trì cuộc sống trở nên dễ dàng hơn.
Tôi không thể nhớ hết được, nhưng phải có đến 7 – 8 cái Tết, cha không có ở nhà, chỉ có mấy mẹ con cùng ông nội đón Tết. Cái Tết có mất đi chút không khí trọn vẹn, nhưng không vì thế mà mất đi cái nếp sống – cái dư âm của cha trong cách sinh hoạt của gia đình.
Cha tôi là người coi trọng những gì đặc trưng của dân tộc, bởi thế mà trên ban thờ ngày Tết không thể thiếu đi chiếc bánh chưng xanh, khúc giò lụa, con gà và mâm ngũ quả. Cụ là người cầu kỳ, nên con gà nhất thiết phải là gà ri, bưởi cũng phải là loại bưởi Đoan Hùng. Ngày Tết là thế, bữa cơm ngày thường, cụ rất thích món thịt rim hoặc rán, món rau muống luộc với bát tương Bần. Ngoài ra, cha tôi đặc biệt thích món cá diếc om khế mà mẹ tôi nấu. Cái món cá diếc om khế, nó ngon đến đặc biệt. Ngay cả một người ghét ăn cá, khi ngửi thấy mùi thơm ấy cũng không thể cưỡng lại được.
Nhà văn Nguyễn Tuân |
Cụ là người có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời và con người của tôi, từ cách ăn mặc đi đứng đến cách đối nhân xử thế. Hồi trẻ thường hay thích những cái gì màu mè, bắt mắt, những cái gì giống người ta, nhưng cha tôi luôn dạy : Người con gái phải mặc phù hợp với không gian và thời gian; khi mặc thì trang điểm thật nhẹ nhàng, tươi tắn. Cũng như vào chùa phải thật trang nhã và quan trọng nhất, tâm phải thành kính, không nhất thiết phải mang đồ lễ.
Cha tôi là người yêu – ghét rõ ràng. Cụ không thích những gì nửa chừng. Cụ có ý thức dạy cho con cái cách đối nhân xử thế từ rất sớm. Nhiều khi, cụ không trực tiếp dạy ta phải làm gì, mà luôn cố gắng thể hiện những bài học qua cách cụ xử sự hàng ngày. Cũng như trong quan hệ xã hội, cụ yêu quý ai thì đặc biệt rất chân tình và hết lòng, nhưng ngược lại, những người cụ không thích thì thẳng tưng nói không thích. Nếp sống của cụ truyền lại và tự nó đã thấm vào tôi, trở thành nếp sống rất Hà Nội.
Năm 1987, cụ mất. Lúc đó, tôi ở độ tuổi 40. Trong quãng thời gian 40 năm ấy, tôi hầu như là một đứa con vô dụng, bởi tôi nhờ cậy cha mẹ mình rất nhiều. Đến nghiệp vẽ cũng là do cụ định hướng cho tôi. Cụ thường dẫn tôi sang nhà họa sĩ Thế Ngọc để học từ khi tôi còn bé. Có một điều cụ nói với tôi : “Đừng bao giờ chọn nghề văn”, bởi phàm đã vướng vào cái nghiệp này, một là ở trên đỉnh cao, hai là chẳng có gì.
Đến khi tôi đi về nhà chồng, là con gái nên cụ thương lắm, cụ nói : “Nếu có chuyện gì thì con cứ về nhà, ngôi nhà này luôn mở cửa đón con”. Có lẽ, khi sinh con mình ra, cha mẹ luôn hiểu rất rõ những khiếm khuyết của con mình. Chắc rằng tôi cũng có tính cách không được thuần, nên từ lâu, cụ đã có những “vòng luật” để quản giáo tôi. Nghe cụ nói, tôi cảm thấy thương cha mẹ rất nhiều, cảm thấy mình có lỗi khi không làm tròn bổn phận của người làm con.
Sau này, khi cuộc sống vấp nhiều sóng gió, cụ tâm sự : “Nếu không ổn thì thôi, đừng cố!”. Sau mỗi lần như thế, cụ thường bảo tôi về nhà và cụ chấp nhận vì cụ rất hiểu con mình. Ngày cụ ra đi bởi cơn đột quỵ, tôi không có mặt ở đó. Tin ấy giống như một cú sốc quá lớn mà cuộc đời tôi phải chịu, giống như một sự sụp đổ lớn trong mình. Phải mất một thời gian khá lâu, tôi mới lấy lại được cân bằng.
Bây giờ, nghĩ đến cha, tôi vẫn luôn có cảm giác như cụ đang ở bên cạnh mình. Thực ra, nói cha tôi “ngông” hay cha tôi “kiêu” cũng không hẳn đúng, bởi cụ “ngông” với chữ, với đời. Nhưng bản chất con người cụ là người rất hồn hậu và đặc biệt rất thương con. Đối với tôi, cụ rất thương và quan tâm. Khi tôi gặp phải chuyện khó khăn, chỉ cần nhìn tôi thôi, cụ cũng có thể hiểu được. Vì thế mà hai cha con rất gần gũi. Cụ giống như điều may mắn mà cuộc đời đã ban cho tôi.
Theo họa sĩ Thu Giang, Vân Anh – Đức Chính ghi – VNN