Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ có loài người mới biết tìm kiếm và chiêm ngưỡng vẻ đẹp trong thiên nhiên. Nhưng không phải vậy. Các nhà khảo cổ và tự nhiên học đã chứng minh rằng, vẻ đẹp trong thiên nhiên xuất hiện sớm hơn cả sự xuất hiện của loài người trong Trái Đất. Một bông hoa nở rực rỡ dùng để làm gì? Phải chăng vẻ lộng lẫy của chúng chỉ dùng mời gọi ong bướm để thụ phấn? Một con hươu với bộ gạc sừng tuyệt đẹp dùng để làm gì? Phải chăng bộ gạc đó chỉ dùng để thu hút con cái?…

Sắc màu thiên nhiên. nguồn ảnh: rcee.org.vn

 

Bắt đầu từ các loài hoa. Vẻ lộng lẫy của hoa được nhiều nhà nghiên cứu tự nhiên cho là dùng để thu hút ong bướm. Khi ong bướm xuất hiện, quá trình thụ phấn sẽ diễn ra. Như vậy vẻ đẹp của bông hoa chính là dùng để duy trì khả năng sinh sản của loài hoa đó. (Điều lạ lùng là với hầu hết các loại cây cối, bộ phận sinh sản luôn luôn đẹp nhất, đó chính là hoa). Do không chủ động thụ phấn được nên tự nhiên đã “chọn lọc” và tạo ra hình thức rực rỡ của những bông hoa để nhờ sự giúp đỡ của các loài khác.

 

Nhưng nhiều thí nghiệm hiện đại cho thấy một điều ngược lại rằng không phải vẻ đẹp đó đã cuốn hút ong bướm. Nhà tự nhiên học Wessley Korin người Anh đã bắt đầu với những thí nghiệm này từ đầu thế kỷ XIX. ông che mắt một số con bướm, con ong lại rồi thả chúng vào vườn hoa. Trong khu vườn, có những bông hoa thật và những bọc hương thơm nhân tạo giống y mùi hoa. Nhưng con bướm tìm đến cả những bông hoa và bọc hương. Thí nghiệm tiếp tục. Những com bướm được "mở mắt” ra, nhưng những bông hoa thật đã bị vặt hết cánh hoa, chỉ còn giữ lại đài hương. Không có vấn đề gì nghiêm trọng cả. Những con bướm, con ong vẫn theo mùi hương mà tìm đến các đài hoa. Như vậy ngay từ thế kỷ XIX, Korin đã chứng minh rằng, vẻ đẹp của loài hoa không hề có liên quan đến sự sinh sản của loài cây đó.

 

Thêm nhiều chứng cứ nữa được tìm thấy. Các nhà khoa học phát hện ra một số loại cây sinh sản bằng lá, hoặc bằng rễ cây. Những chiếc lá rụng xuống đất rồi bắt rễ, đâm chồi thành cây con. Nhưng ở những loài cây này, những đóa hoa của chúng vẫn rất lộng lẫy và nhiều màu sắc. Như vậy, màu sắc kỳ diệu của các loài hoa nếu có đóng góp vào quá trình sinh sản của thực vật thì cũng chỉ đóng góp một phần rất nhỏ và không phải là “sứ mệnh” chủ đạo. Như vậy, chúng ta đứng trước một câu hỏi thú vị và không kém phần bí ẩn. Vẻ đẹp của các loài hoa sinh ra từ đâu và đặc biệt hơn là vẻ đẹp đó dùng để làm gì?

Vẻ đẹp của hoa sinh ra từ đâu? Ảnh: thanglongdl.com.

 

Cây cối xuất hiện trước con người hàng tỉ năm nên chúng ta không thể trả lời hài hước rằng những bông hoa lộng lẫy là để cho con người ngắm và tặng cho nhau. Như vậy thiên nhiên đã vận động và “biết làm đẹp” từ rất lâu, dù vẻ đẹp ấy không có ích cho việc sinh sản. Thế thì nó có ích cho việc gì? Thật khó giải thích khi thiên nhiên lại tạo ra một bộ phận của cây đẹp vượt trội hơn các bộ phận khác như lá, cành, thân cây. Hoa chiết xuất từ những gì tinh tuý nhất của cây, và trong đa số trường hợp, chúng mau tàn hơn những chiếc lá rất nhiều. Tại sao thiên nhiên lại “phí phạm” những gì tinh tuý nhất của thực vật để tạo ra một bộ phận mỏng manh và mau tàn như những cánh hoa? Nếu như đó là điều sai lầm thì chọn lọc tự nhiên qua hàng tỷ năm đã phải khắc phục được điều ấy. Nhưng như chúng ta thấy mỗi ngày, Trái Đất hiện nay vẫn ngập tràn các loài hoa. Như vậy, thiên nhiên rõ ràng có nhu cầu “tự thân” trong việc sản sinh và chiêm ngưỡng vẻ đẹp. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, thiên nhiên cũng có một linh hồn giống như ở động vật sống. Chỉ có điều linh hồn của thiên nhiên không hoạt động và luôn “mơ màng”.

 

Trường hợp loài hươu cũng là một ví dụ điển hình. Bộ gạc sừng của hươu rất lộng lẫy và tạo ra một vẻ đẹp khó tả. Nhưng ngoài việc thu hút con cái ra, bộ gạc sừng đó nhiều khi làm hại con hươu nhiều hơn là bảo vệ nó. Với bộ gác sừng đẹp nhưng “kềnh càng” trên đầu, loài hươu thường thất bại mỗi khi chạy trốn những loài ăn thịt hung dữ. Rừng cây rậm rạp và những sợi dây leo liên tục vướng vào bộ gạc sừng và nhiều khi các chú hươu đã đứng chờ chết với bộ gạc đẹp của mình. Sự chọn lọc của giống nòi không thể để cho loài hươu mang mãi mãi trên đầu một bộ gạc kềnh càng như vậy, vì như thế chúng sẽ rất khó khăn khi chạy trốn. Nhưng các nhà tự nhiên học đã chứng minh rằng, loài hươu là một loài xuất hiện trên mặt đất từ rất sớm và bộ sừng đẹp như ngày nay đã được tiến hóa dần dần!

 

Trong tự nhiên còn rất nhiều ví dụ chứng minh rằng thiên nhiên có “nhu cầu” tự thân về vẻ đẹp thực sự. Vẻ đẹp không mang lại lợi ích duy trì sự sống mà chỉ tồn tại để… đẹp thôi. Có thể chúng ta đang hoài nghi rằng, những gì chúng ta nhắc đến là những vẻ đẹp theo chuẩn mực của loài người, còn thiên nhiên hay động vật thì không hề biết chiêm ngưỡng vẻ đẹp là gì? Khoa học hiện đại đã làm nhiều thí nghiệm để chứng minh quan điểm sai lầm này. Mới đây nhất, sau khi làm thí nghiệm, người ta phát hiện ra rằng những chú gà cũng biết đến vẻ đẹp khi cho chúng “lựa chọn” các gương mặt khác nhau của loài người.

 

 

Tại sao gà không biết hót? Ảnh: thegioivohinh.com.

Trả lời được câu hỏi này, chúng ta sẽ tiến vào một bí mật kỳ diệu của tự nhiên. âm thanh của họa mi và của các loài chim khác kỳ diệu như thế nào thì chúng ta đã biết. Không phải lúc nào hót là họa mi cũng muốn gọi bạn tình. Nếu chúng ta đã từng sống ở các vùng nông thôn trước đây, hoặc các vùng trung du thì thỉnh thoảng gặp được những hiện tượng rất kỳ lạ. Vào bình minh ít mây, khi mặt trời chưa ló ra, đoàn hợp xướng của chim chóc quanh nhà, trên các lùm cây cao bắt đầu. Có rất nhiều loại chim tham gia “đại hội âm nhạc” này. Đầu tiên bạn sẽ nghe thấy tiếng líu ríu của bầy sẻ ở mái hiên, rồi tiếng gù gù của chim bồ câu trên chuồng cao, tiếng lảnh lót của một con chim sơn ca nào đó…. Những loài chim không hót “tranh nhau” mà theo một tuần tự đáng ngạc nhiên. Cứ lần lượt từng loài một hót. Cho đến khi âm thanh chạy vòng kín những đỉnh cây, tiếng họa mi mới cất lên. Họa mi say sưa hót và âm thanh của nó đạt đến nhiều cung bậc hơn so với các loài chim khác. Tất cả lặng yên để nghe con chim được mệnh danh là “ca sĩ của bình minh” trổ tài. Khi tiếng họa mi dứt, tất cả lặng yên giây lát rồi chợt ùa ra tiếng líu ríu của lũ sẻ. Những con chim lần lượt rời cành bay đi kết thúc cuộc “đại nhạc hội”.

 

Bây giờ loài chim đã ít dần ở các vùng nông thôn nên chúng ta khó lòng còn được chứng kiến những màn trình diễn kỳ lạ như vậy của thiên nhiên. Nhưng điều đó chứng tỏ rằng không phải tiếng hót kỳ diệu của chim chỉ để tìm bạn tình mà dường như nó còn chứng tỏ sức mạnh và quyền uy đối với các loài chim khác. Những loài chim thực sự cũng biết đến vẻ đẹp trong những tiếng hót và rõ ràng chúng phân biệt điều đó rất chuẩn xác.

 

Thế còn loài gà, một trong những loài thuộc họ nhà chim, tại sao tiếng ò ó o hay tiếng cục ta, cục tác, tiếng quang quác của chúng lại khó nghe đến vậy? Chúng ta đang đề cập đến loài gà rừng được con người thuần dưỡng và trở thành vật nuôi trong nhà. (Còn ở nhiều loài gà rừng hoang dã, tiếng kêu của chúng cũng hay không kém tiếng hót của những loài chim khá). Cuộc sống của chúng được “đảm bảo” bằng sự chăm nuôi của con người nên sự cố gắng kiếm tìm thức ăn không còn mãnh liệt và “tự thân” như trước. Chúng được cho ăn, được lo cho chuồng ngủ và được bảo vệ trước những kẻ thù nguy hiểm trong thiên nhiên. Loài gà tỏ ra dễ thuần và thích hợp với kiểu sống “ký sinh” như vậy. Chính với điều kiện sống đó, cái bản năng sinh tồn đã từng giúp loài gà sống trong thế giới hoang dã đầy nguy hiểm đã dần dần mất đi. Tỉ lệ giữa số con trống và con mái bao giờ cũng rất hài hòa vì con người đã tự “ sắp xếp” thay cho chúng. Chính vậy mà loài gà được nuôi, đẻ rất nhiều và các con gà trống ít khi phải tranh đấu với nhau để giành giật con mái. Như vậy rõ ràng là các con gà trống, hay gà mái không cần phải “cố gắng” bất cứ một điều gì thì chúng vẫn có một môi trường sống rất tốt. Và như vậy cái tiếng hót mê say quyến rũ con mái kia, tiếng hót mãnh liệt chứng tỏ sức mạnh với cái loài khác kia còn dùng để làm gì nữa. Tiếng hót ấy phải dần mất đi và rõ ràng cho đến ngày hôm nay nó đã mất đi hoàn toàn.

 

Mới đây, trong một thám hiểm kỳ thú ở rừng rậm Amazon, một nhà sinh vật học người Pháp đã phát hiện thấy một loài chim kỳ lạ. Loài chim này giống như loài chim họa mi, nhưng rất to. Những con chim đã già, trước khi chết đều rời bỏ cái tổ của mình. Chúng bay đi, tìm lấy một mỏm đá cao và đậu xuống một mình. Bên dưới là một vực thẳm với dòng nước chảy xiết. Con chim già, xơ xác đột nhiên cất tiếng hót những âm thanh kỳ lạ và ngân vang. Giống như nó lấy hết sức hót một lần cuối cùng trong đời. Tiếng hót bị đứt quãng. Con chim già kiệt sức, lả đi và tự động rơi xuống dòng nước sâu. Lúc này tiếng hót không còn là dụng cụ “quyến rũ” sinh tồn nữa, không còn là sự biểu dương sức mạnh nữa, mà nó phải là một cái gì khác, đẹp đẽ hơn và đau đớn hơn. Vẻ đẹp của tiếng hót định mệnh này có thể sánh với bất kỳ vẻ đẹp nào tồn tại trên thế gian.

 

Sự tồn tại của vẻ đẹp trong thiên nhiên vẫn là một bí ẩn kỳ lạ đối với con người. Chúng ta có thể cảm nhận, có thể rung cảm với những vẻ đẹp đó nhưng thật khó khăn để hiểu cội nguồn sâu xa của chúng. Chỉ có điều chúng ta nên biết rằng, con ngưòi là một phần của tự nhiên. Nhu cầu kiếm tìm vẻ đẹp là nhu cầu “tự thân” của tự nhiên, do đó cũng là nhu cầu tự thân của loài người. Có nhiều vẻ đẹp không mang lại lợi lộc vật chất gì. Chúng chỉ lộng lẫy thôi. Hãy biết yêu quý những vẻ đẹp không có mục đích vật chất đó. Chính chúng sẽ khiến tâm hồn con người mạnh mẽ hơn, tốt đẹp hơn, và kiêu hãnh hơn.

Theo Vietimes.Vietnamnet.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *