(TuanVietNam) – Chuyên đề "Nạn nhân bạo hành và tiếng khóc sau cảnh cửa gia đình" mở ra với mong muốn làm vơi đi phần nào, dù rất nhỏ bé, sự vô tâm có trong xã hội đối với những cảnh sống u buồn còn ở quanh ta.

Chiếc xích chó từng được người chồng dùng để xích cổ vợ, cái bếp lò dùng để ném vào vợ vì vợ đã không đáp ứng nhu cầu sinh lý cho chồng, chiếc vồ đập đất dùng để bổ lên lưng vợ… Đó chẳng còn là những vật vô tri, mà chính là những lời tố cáo đau đớn nhất, được trưng bày tại một cuộc hội thảo về nạn bạo hành gia đình có tên gọi “Vì một thế giới không bạo lực”.

Cuộc trưng bày và hội thảo do mạng lưới phòng chống bạo lực gia đình tại Việt Nam DOVINET phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội và Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tổ chức đã không khỏi khiến người xem phải ứa nước mắt.

Kết quả khảo sát của Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội : Ở Việt Nam, cứ khoảng 2 – 3 ngày có một người bị giết liên quan đến bạo hành gia đình (năm 2006).

Và bạo hành cứ thế tiếp diễn…

Chiếc điếu cày đã khiến một người phụ nữ nửa đêm tỉnh giấc và chỉ nhớ lại được câu chuyện…  …khi chị ở trong bệnh viện cùng với những vật chứng khác của bạo hành gia đình (Ảnh: VNN)

 
Có một nghịch lý là chỉ khi nào người vợ bị chồng nhốt vào chuồng chó dữ, hoặc bị tâm thần phải đến bệnh viện, hoặc bị hành hạ đến chết… thì báo chí mới lên tiếng (nhưng cũng chưa đưa vấn đề đi đến đâu).

Thậm chí, khi và chỉ khi bạo hành trở thành một vụ nghiêm trọng, hoặc thủ phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chính quyền và công an đã can thiệp, thì báo chí mới dễ dàng tiếp cận nạn nhân.

Bởi lẽ, cả nạn nhân và thủ phạm của các cuộc bạo hành đều không muốn "Vạch áo cho người xem lưng", xã – phường không muốn công nhận (vì còn phải thi đua lập thành tích văn hoá). Hàng xóm thì quan niệm "Đèn nhà ai nhà nấy rạng", chuyện vợ chồng đánh nhau cãi nhau là bình thường trong cơn nóng giận, người ngoài không nên can thiệp vào, rồi "Không phải đầu cũng phải tai". Hội Phụ nữ sẽ đến hoà giải nếu trong gia đình có xô xát vợ chồng.

Còn Luật Hôn nhân và Gia đình quy định : Nạn nhân phải có tỉ lệ thương tật trên 10% và có đơn tố cáo thì mới tiến hành thủ tục buộc tội thủ phạm, nếu nhẹ hơn thì chỉ lập biên bản, cảnh cáo và phạt hành chính.

Nhưng thực tế, không phải lúc nào nạn nhân cũng được đưa đi giám định (cơ sở y tế địa phương không đủ khả năng làm điều này). Phạt hành chính cũng chẳng răn đe được ai, vì nhiều trường hợp thủ phạm không có tiền để nộp, mà có khi chính nạn nhân lại là người phải mang tiền đi nộp thay.

Và tất nhiên, cả Hội Phụ nữ hay Đoàn Thanh niên hay tất cả các cán bộ địa phương đều không thể đưa ra một hình phạt hay một ràng buộc, cam kết nào với những thủ phạm của các vụ bạo hành.

Người viết bài này cũng đã được chứng kiến một phụ nữ phải chịu cảnh sống với người chồng ngoại tình gần 10 năm trời mà không thể ly dị, vì “Toà án chỉ hoà giải”.

Còn các nạn nhân, họ không thể tự bảo vệ được mình. Vậy là, bạo hành cứ thế tiếp diễn.

Thực trạng bạo hành ở Việt Nam

Thời gian gần đây, báo chí liên tục thông tin về các vụ bạo hành gia đình gây bức xúc dư luận : những người vợ bị bạo hành đến mức bị điên, bị bỏng toàn thân, gãy đốt sống, có nguy cơ bị liệt toàn thân…

“Nếu ai đó có dịp chứng kiến một người chồng ở miền Tây Nam Bộ, nhậu say rồi trói vợ vào cột nhà đánh, mới thấu hiểu vì sao mơ ước lấy chồng ngoại, chồng Việt kiều lại có ở nhiều cô gái xứ này đến thế.

Nếu nhìn cảnh những người phụ nữ ở ngoại thành dậy từ 4 giờ sáng, đạp xe đạp cách 30 km về Hà Nội bán hàng rong, đến 6 giờ tối về nhà là “đâm sầm” vào bếp rơm nấu cám heo, trong lúc ông chồng đi đánh tổ tôm, mới thấy việc các cô gái sẵn sàng chịu khổ, chịu nhục ở xứ người để lấy ít tiền cho mẹ mình đỡ bị cha đánh cũng không có gì là lạ… " (Theo VietNamNet)

Kết quả khảo sát chọn mẫu ở 8 tỉnh, thành phố (năm 2008) của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho thấy :

Theo Hội thảo “Thông tin đại chúng với việc hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân của bạo lực gia đình và buôn bán người" ngày12/12/2007 tại Hà Nội, do Trung tâm phụ nữ và phát triển – Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức

 
Con số này chắc chắn chưa phản ánh đúng thực tế, bởi quan niệm về bạo hành gia đình ở mỗi người một khác. Có rất nhiều trường hợp nạn nhân bị bạo hành mà không biết, chưa kể có rất nhiều người không dám nói lên sự thật vì e ngại, sợ bị xấu hổ.

Có đến hàng trăm kiểu bạo hành, nhưng phổ biến nhất vẫn là vợ (hoặc chồng) bị bạn đời bạo hành về thể xác (đánh đập), bạo hành tinh thần (gây tổn thương nặng nề về tâm lý), bạo hành tình dục (ép buộc khi bạn đời không muốn).

Định nghĩa về bạo hành gia đình trên Wikipedia :

Bạo hành gia đình là thuật ngữ dùng để chỉ các hành vi bạo lực giữa các thành viên trong cùng một gia đình. Hành vi bạo lực thường thấy nhất là giữa vợ và chồng, nhưng bạo lực giữa cha mẹ với con cái hay ông bà, anh em ruột với nhau, hoặc giữa mẹ chồng và con dâu cũng có xảy ra và được xếp vào nhóm các hành vi này.

Nạn nhân của bạo lực thân thể thường là phụ nữ – vợ hoặc mẹ của đối tượng; với nam giới, họ là nạn nhân của bạo lực tinh thần nhiều hơn. Bạo lực gia đình xảy ra ở mọi quốc gia, nền văn hóa, tôn giáo không ngoại lệ giàu nghèo và trình độ học vấn cao hay thấp.

Theo một số chuyên gia, cái gốc của bạo hành gia đình ở Việt Nam xuất phát từ bất bình đẳng giới. Và hầu hết những nạn nhân bị bạo hành là những người cam chịu, tự ti, thiếu hiểu biết (đặc biệt là hiểu biết về pháp luật).

Ở những gia đình trí thức, bạo hành vẫn thường xảy ra, chỉ là với hình thức mà người ngoài khó nhận biết hơn mà thôi.

Theo báo cáo của Ủy ban Dân số – Gia đình và Trẻ em (năm 2008), 97% nạn nhân của các vụ bạo hành đều là phụ nữ – những người đã bị lấy đi cuộc sống bình an trong chính gia đình của mình, thậm chí bị mất cả mạng sống bởi người mình yêu thương.

Tuy nhiên, sự tuyệt đối hoá bạo lực giới một chiều cũng là nguyên nhân khiến cho các nghiên cứu và giải pháp về bạo hành gia đình thiếu toàn diện, khách quan. Đúng là bạo hành gia đình phần lớn do nam giới gây ra với phụ nữ, nhưng cần nhận thấy rằng có nhiều trường hợp bạo hành mà nguyên nhân từ phụ nữ.

Sự thiên vị giới trong nghiên cứu bạo lực gia đình khiến nhiều công trình chỉ nhìn thấy bạo lực giới một chiều. Trong rất nhiều gia đình, phụ nữ không chỉ là nạn nhân của bạo hành gia đình, mà còn là thủ phạm, ngay cả khi họ bị chồng sử dụng bạo lực.

Thêm vào đó, theo các nhà khoa học, bạo hành xuất phát từ cảm giác bất lực của người bạo hành, dẫn đến những hành vi thị uy và điều khiển người bạn đời.

Như vậy, có thể lý giải : Chính bản thân các thủ phạm cũng là những người gặp vấn đề về tâm lý, kém tự tin, thiếu thốn tình cảm hoặc từ nhỏ họ đã là nạn nhân của một gia đình bạo hành. Và như vậy, họ vừa đáng trách, nhưng cũng rất đáng thương và cần được giúp đỡ.

Đinh Phương Linh – TVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *