Kỳ 3: Hết mất đất lại mất nhà
Theo một quan chức của ngành ngân hàng tỉnh Cà Mau, hiện số dư nợ cho nông dân vay để chuyển đổi từ làm ruộng sang nuôi tôm trong toàn tỉnh đã lên đến 1.128 tỉ đồng, với 50.759 hộ nông dân đang mắc nợ.
Ngôi nhà tai hoạ
Cách đây hơn tháng, trên kinh Trâm Bầu mọc lên ngôi nhà tường lợp tôn. Đây là ngôi nhà tường thứ hai trên con kinh này từ xưa nay. Chủ nhân của nó là ông Lâm Văn Chánh, Út Chánh.
Ông Chánh là người xưa nay ốm yếu bệnh tật, vợ chồng ông sống trong căn nhà lá xiêu vẹo với vợ chồng người con trai út, nhưng gần đây do cơm không lành, canh không ngọt, cô con dâu bỏ nhà đi, anh con trai cũng thua buồn đi làm thuê, bỏ lại cho ông bà 3 đứa cháu nội nheo nhóc. Bù lại, ông có cô con gái lớn, chị Hạnh, làm việc ở Công ty thuỷ sản Cái Đôi Vàm. Là người hiếu thảo, sau nhiều năm tích luỹ, gom góp được hơn 60 triệu đồng, chị Hạnh quyết định mang về xây cho cha mẹ mình ngôi nhà, cũng là nơi thờ phượng ông bà tổ tiên. Vì biết cha mẹ còn đang nợ ngân hàng nên chị Hạnh không dám giao tiền cho cha mẹ mà đích thân đi mua vật liệu, thuê thợ từ Phú Tân về xây nhà. Nhưng từ khi ngôi nhà gạch ngang 5 m dài 12 m mọc lên trên mảnh đất của ông Út Chánh thì người của ngân hàng liên tục đến để đòi khổ chủ phải thanh toán khoản tiền vay cộng dồn cả vốn lẫn lãi trong nhiều năm, gần 50 triệu đồng. Giải thích cách nào cũng không xong, ông Út Chánh đành kêu bán 5 công đất, là một nửa diện tích đất của phụ ấm để lại. Cho đến hôm tôi về đây thì phần đất mà ông Út Chánh kêu bán vẫn chưa có người mua và nếu có bán được thì cũng chỉ trả được một nửa khoản tiền vay ngân hàng.
Đất của ai?
Có thể nói đất đai của toàn vùng Rạch Láng bây giờ là của ngân hàng. Trong gần một tuần ở đây, tôi lân la dọc các kinh Bờ Mía, Lung Lá, Chín Qui, Trâm Bầu… hỏi thăm nhà nào cũng đều trong tình trạng giấy đỏ nằm ở ngân hàng. Nhà ít nhất cũng nợ 20 – 30 triệu, nhà nhiều lên đến cả trăm triệu. Nợ nhiều ít là do diện tích đất trong giấy đỏ nhiều hay ít.
Anh Lâm Quốc Việt khởi đầu chỉ vay của ngân hàng 5 triệu đồng để làm cái cống xổ. Sau khi tôm chết, đến hẹn không trả được, anh được ngân hàng mách nước cho vay tiếp để trả nợ đáo hạn. Cứ thế, số nợ vay tăng dần lên, đến con số 28 triệu đồng thì anh Việt chỉ còn cách là… chây ì ra. Cái con số 28 triệu ấy cách nay đã mấy năm anh Việt cũng không nhớ và bây giờ nó là bao nhiêu thì anh cũng không biết.
Không còn vay được tiền ngân hàng, người nông dân xoay qua vay nóng lẫn nhau. Nhà nào may mắn trúng tôm thì cho nhà kia vay, sau một mùa không trả được thì đất của người này thành đất của người kia. Cái sự chuyển dịch đất đai cứ theo vòng luẩn quẩn ấy mà trôi chảy. Bây giờ hỏi người trong xóm miếng đất này là của ai, thì họ cũng ngờ ngợ, hôm trước là của ông A, nhưng bây giờ không rõ là nó có còn của ông A? Và cho đến bây giờ thì dòng chảy của đất lại dần dần tích tụ về tay những người… không cần đất. Đó là những người đang sống ngoài thành thị. Họ trước kia là dân ở đây hay có lúc từng ở đây. Khi có ít tiền dư, qua người thân quen, họ cho vay và sau một thời gian thì trở thành chủ từng phần hoặc toàn phần đất của những người đi vay và tiếp tục cho những người chủ cũ ấy thuê mướn, dù giá cả cũng rất bèo bọt. Cái sự làm chủ này cũng chỉ được thoả thuận bằng miệng giữa đôi bên. Giả sử ngành ngân hàng Cà Mau có ý định phát mãi những mảnh đất vay để thu hồi công nợ, thì sự tranh chấp sẽ trở nên rối tinh rối mù không biết đâu mà lần.
Ở trọ nhà mình
Ông Lâm Văn Đấu, Sáu Đấu, là người nổi tiếng nhiều đất đai không chỉ nhất kinh Trâm Bầu, mà cả toàn vùng Rạch Láng. Đất nhà ông rộng đến 160 công tầm lớn (tương đương 20 mẫu). Cái quyền sở hữu này kéo dài từ thời khai khẩn cho đến sau 30.4.1975. Câu chuyện người con gái hiến thân cho địa chủ Xã Phuông để dòng họ Lâm còn giữ được đất đai khai phá, đó chính là người chị ruột của ông. Hai sở đất của ông Sáu Đấu, một ở kinh Trâm Bầu, rộng 100 công và một ở kinh Ba Ngọt rộng 60 công. Cả hai sở đất này những năm chiến tranh ông Sáu Đấu dành phần lớn để cho các cơ quan kháng chiến đóng trong vùng làm cơ sở sản xuất tự túc. Nhà ông có trâu bầy, vào mùa vụ ông cày đất, gieo mạ, các cơ quan cứ thế cấy trồng và thu hoạch. Ông sống sung túc chủ yếu từ huê lợi cá đồng. Hai khẩu đìa trên hai sở đất của ông mỗi mùa thu hoạch ít nhất cũng 40 đến 50 tấn cá. Ngày xưa ở đầu kinh Trâm Bầu có tiệm tạp hoá của ông Chệt Biện. Cháu nội đích tôn của ông Sáu Đấu được mở ở tiệm tạp hoá này một cuốn sổ nợ, muốn mua gì, đãi ai tuỳ thích, cuối tháng chủ tiệm cộng sổ mang đến nhà lấy tiền.
Nhưng đến bây giờ, người cháu đích tôn của ông Sáu Đấu, là anh Lâm Quốc Việt, đã thành người không cục đất chọi chim. Sau 30.4.1975 tôi gặp anh Việt ở Cà Mau, trên ve áo là quân hàm thiếu uý công an vũ trang. Nhưng anh nói với tôi là anh đang xin nghỉ việc. “Ruộng sâu, trâu nái, hoà bình rồi tôi về làm dân cho nó sướng”, anh Việt nói đầy lạc quan và tự tin.
Nói cho đúng ra một phần đất đai trôi tuột khỏi tay anh Việt là từ thời kỳ tập thể hoá nông nghiệp. Do chia tách địa giới hành chính, sở đất nằm trên kinh Ba Ngọt của ông nội anh Việt để lại tự nhiên nằm ở xã khác, và cũng tự nhiên nó không còn thuộc về anh. Sau khi giải tán tập đoàn sản xuất, số đất phụ ấm của anh Việt được hồi cố chủ cũng còn trên 50 công. Anh chia một phần cho hai đứa con trai. Nhưng cả anh và hai đứa con đến nay đều phủi tay nhìn đất trôi theo dòng nước mặn. Năm vừa rồi huyện Phú Tân tặng cho anh Việt ngôi nhà tình thương, thì ngôi nhà ấy cũng phải tá túc trên phần đất mà anh đã cầm cố.
Theo Nguyễn Trọng Tín – SGTT