(TuanVietNam) – Ba cuộc chiến tranh trong vòng hơn 30 năm đã giết chết quá nhiều người dân nơi đây, vì vậy, một nửa dân số của thành phố cảng miền Nam Iraq là trẻ em – những đứa trẻ đang mơ sẽ thoát khỏi đói nghèo và sống một cuộc sống bình thường với công việc, niềm vui và hoà bình.
Trẻ con ở Iraq già hơn tuổi và không có một tuổi thơ bình yên. Trong suốt 6 năm qua kể từ khi cuộc chiến do Mỹ khởi xướng nổ ra, cuộc sống và việc học hành của chúng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Giờ đây, khi Basra đang dần bình yên trở lại, những đứa trẻ của thành phố cảm thấy tự do hơn những nhóm người khác trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ, khi nói về cuộc sống và ước mơ của mình.
Trong số khoảng 1,5 triệu người dân ở Basra, có gần một nửa là trẻ em. Nếu số liệu này được xác nhận qua kết quả điều tra dân số trong năm nay thì Basra chính là thành phố có dân số trẻ nhất Iraq.
Những đứa trẻ bị bỏ lại sau chiến tranh
![]() |
Trẻ em ở Basra với vòi nước sạch mới (Ảnh: iwo.org.uk) |
Ở một thành phố mà trong nhiều thập kỷ dường như không hoạt động thì rất khó mong chờ những chỉ số xã hội có ý nghĩa. Tuy nhiên, số liệu về y tế và giáo dục cho thấy hai lĩnh vực này – những lĩnh vực ảnh hưởng nhiều nhất tới trẻ em – đã không được quan tâm bằng các lĩnh vực dịch vụ khác trong suốt những năm tháng chiến tranh.
Năm 2006, các chuyên gia y tế địa phương cho biết, các bệnh truyền nhiễm qua nước ở trẻ em đã tăng 30% kể từ khi cuộc chiến tranh bắt đầu. Tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cũng tăng mạnh.
Số trẻ em mồ côi trong và xung quanh thành phố cũng tăng đột biến, phần lớn là do cuộc chiến tranh Iran – Iraq – cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân thành phố trong gần một thập kỷ cho đến năm 1988 mới kết thúc. Khu vực tiền tuyến của cuộc chiến này nằm ngay phía Đông Bắc của thành phố.
Hơn 600.000 người Iraq đã bị giết hại, đa phần là người dân Basra. Cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991 đã gây thêm nhiều tổn thất nữa do sự trả thù của Tổng thống Saddam Hussein nhằm vào thành phố trong nhiều năm liền.
Ngày nay, trẻ em có ở khắp nơi ở Basra. Chúng đứng siêu vẹo bên các khung cửa, quần áo rách rưới, trở thành những đứa trẻ bị bỏ rơi của thành phố, biểu tượng của đói nghèo và dường như không còn mấy tia hy vọng vượt lên số phận.
Những dự án hỗ trợ và những kế hoạch tái xây dựng mới vẫn còn nhỏ giọt và chưa đến được những khu dân cư nghèo nhất thành phố. Đó là những khu vực tập trung nhiều trẻ em nhất.
Trước mắt, có thêm nhiều miệng ăn hơn sẽ trở thành gánh nặng cho những gia đình thu nhập thấp, nhưng đó cũng là một chính sách bảo hiểm bởi trẻ em sẽ lớn lên và trở thành những người lao động.
Taha Yassen mới 12 tuổi nhưng đã bỏ học để đi thu nhặt chai lọ tái chế. “Cha cháu không thể làm việc. Ông đã bị tàn phế do chiến tranh” – cậu bé kể.
“Cháu phải làm việc để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Nhà cháu nghèo lắm. Cháu thu nhặt các vỏ lon Pepsi rồi bán với giá 250 dinar một kg. Cháu làm việc từ 6 giờ sáng đến khoảng 7, 8 giờ tối. Cháu mà không làm việc được thì cả nhà sẽ bị đói”.
Những câu chuyện nhỏ
![]() |
![]() |
Cuộc sống đã bình yên hơn với những đứa trẻ ở Basra (Ảnh trên: Một lính Mỹ cùng với 2 em bé Iraq trên đường phố Basra tháng 1/2009 – blackfive.net) và chúng đã được chơi những môn thể thao yêu thích (Ảnh: BBC) |
Câu chuyện của những đứa trẻ đó luôn bắt đầu với đói nghèo và nỗi sợ hãi chiến tranh, nhưng cách nghĩ của chúng về tương lai lại lạc quan hơn thế hệ già cả rất nhiều.
*Fadil Hassan, 15 tuổi, làm việc cho Hội đồng thành phố :
“45 ngày trước, cháu kiếm được một công việc trong Hội đồng thành phố và cháu rất hạnh phúc. Ơn trời, cuộc sống của cháu giờ đây sẽ thay đổi. Cháu kiếm được 200USD/tháng, đây sẽ là một nền tảng tốt để xây dựng cuộc sống. Mọi thứ đang dần phát triển ở đây".
"Khi xã hội phát triển hơn nữa, sẽ có thương mại, đầu tư và nông nghiệp. Giờ đây, cháu cảm thấy an toàn hơn và tự do hơn gấp 70 lần, và cháu đang mơ sẽ có một gia đình và xây dựng một ngôi nhà cho riêng mình”.
*Khawater Sadeq, 13 tuổi, trẻ mồ côi tại Tổ chức Al-Zahara :
“Cháu đã sống ở đây kể từ khi cha cháu mất cách đây bảy năm. Cháu có 7 chị em gái và khi chiến tranh xảy ra, mọi thứ trở nên khủng khiếp với chúng cháu.
Nhưng giờ đây, cháu đang học về máy tính ở trường, cháu cảm thấy an toàn khi nghe nhạc và những bài thánh ca cháu yêu thích. Cháu cũng có thể tham dự các lễ hội và những lễ kỷ niệm khác. Cháu muốn trở thành một chuyên gia máy tính”.
“Cháu hi vọng rằng chúng cháu đã vượt qua khoảng thời gian tồi tệ nhất”.
*Mahdi Abudullah, 15 tuổi, công nhân xây dựng :
“Sáu tháng trước, cháu đã tìm được việc trong ngành xây dựng. Cháu kiếm được 130USD/tháng. Cháu bỏ học từ sớm vì cháu buộc phải làm thế. Gia đình cháu không có tiền".
“Basra nổi trên dầu mỏ và cháu mong sẽ có cách giúp người nghèo không bị chết chìm. Nếu có sự giúp đỡ của những bàn tay lương thiện, Basra có thể cải thiện và có một cuộc sống mới”.
*Noor Manai, 15 tuổi, học sinh tại trường cấp hai Al-Farahedi :
“Chúng cháu bỏ nhà ở al-Sha’ab ở Baghdad cách đây ba năm vì chiến tranh. Cha cháu nghĩ rằng ở Basra an toàn hơn. Ban đầu thì như vậy, nhưng sau đó, mọi thứ bị phiến quân phá hủy hết. Giờ đây, mọi thứ mới bắt đầu trở lại guồng quay vốn có của nó".
“Giờ đây, cháu có thể đi mua sắm và thăm bạn bè, nhưng vẫn không có các câu lạc bộ thể thao, rạp chiếu phim và nhà hát. Cháu muốn trở thành một nhà khoa học máy tính và giúp đỡ cha cháu”.
*Ali Najem, 15 tuổi, học sinh trường cấp hai Al-Kefah :
![]() |
Ali Najem, 15 tuổi, học sinh trường cấp hai Al-Kefah. Ảnh: Guardian |
“Mọi thứ hiện tại không phải đã tốt hơn 100%. Cuộc sống đã ổn định hơn, nhưng nhiều điều tồi tệ vẫn xảy ra. Chúng cháu có thể tổ chức các buổi lễ và cảm thấy tự do hơn trước. Nhưng cháu vẫn cảm thấy lo sợ. Cháu muốn góp sức biến thành phố này trở thành thành phố tuyệt vời nhất vùng Vịnh".
“Thành phố đã bị bỏ rơi trong hơn một thập kỷ và có quá nhiều việc cần phải làm ở đây. Chúng cháu cần thư viện, các câu lạc bộ thể thao và trường nhạc”.
“Tham vọng của cháu là trở thành một trung úy quân đội. Cháu yêu đất nước và cháu trung thành với đất nước. Cháu muốn đánh bại bất cứ kẻ thù nào trong tương lai”.
*Ammar Musa, 12 tuổi, bán rong kẹo cao su và khăn giấy :
“Cháu làm việc ở ngã tư này từ năm 2003 và giờ đây, mọi thứ đã tốt đẹp hơn rất nhiều. Thu nhập của cháu cao hơn và cháu có thể làm việc an toàn, không có những vụ nổ nữa. Cháu có thể ở đây từ tờ mờ sáng cho tới nửa đêm, suốt mùa đông và mùa hè. Cháu có thể mua quần áo và thực phẩm".
“Cháu sống với cha mẹ và bốn chị em gái nữa. Hiện cha cháu đang có việc làm hàng ngày. Trước năm 2007, ông ấy gần như không tìm được việc".
*Awas Fouad, 15 tuổi, học sinh tại trường cấp hai al-Kefah :
“Trước năm 2003, mọi thứ ở đây như một bi kịch. Chúng cháu đã sống trên chiến tuyến của ba cuộc chiến tranh và chịu đựng nhiều hơn bất kỳ tỉnh nào khác ở Iraq. Chúng cháu sống trong nghèo đói. Luôn có những vấn đề về y tế và giáo dục và chúng cháu không thể có đủ tiền để đi học. Cha cháu kiếm được việc làm ở trường Đại học Basra và lương của ông là 10USD/tháng".
“Cháu có ba em trai và hai em gái. Mẹ cháu bỏ đi vì tình trạng tệ hại của gia đình. Nhưng sau năm 2003, cuộc sống của gia đình cháu đã thay đổi. Cha cháu trở thành trợ lý của Hiệu trưởng trường Đại học Basra và lương của ông tăng lên 2.000USD/tháng. Anh chị em chúng cháu đã trở lại trường học".
“Mọi thứ được cải thiện nhiều kể từ sau năm 2008. Giờ đây, cháu có thể đi dã ngoại và ở bên ngoài cho tới 10 hay 11 giờ đêm. Cháu muốn trở thành một bác sĩ giỏi để chăm sóc các thế hệ trẻ em ở Basra tương lai. Chúng xứng đáng được đối xử tốt nhất”.
*Hamed Jassim, 11 tuổi, chuyên thu nhặt mảnh vụn kim loại :
“Cháu làm việc cùng những đứa trẻ khác để kiếm tiền cho gia đình. Cha cháu mất năm 2005 vì ốm. Em trai cháu, Ali, 9 tuổi, làm việc cùng cháu. Hàng ngày, chúng cháu làm việc từ 5 giờ sáng, bởi vì buổi sớm có nhiều mảnh vụn kim loại hơn. Chúng cháu có vừa đủ tiền để ăn".
“Chúng cháu sống trong tòa nhà Liên hợp quốc đã bị phá hủy. Nó thậm chí không có tường, nhưng chúng cháu vẫn sống tốt hơn hồi trước năm 2007. Cháu kiếm được 1-2USD mỗi ngày và cuộc sống của cháu bắt đầu được cải thiện.
Thu nhập của cả gia đình tốt hơn trước đây rất nhiều và nếu cháu làm việc chăm chỉ hơn, cháu có thể kiếm được nhiều hơn. Cháu muốn làm việc cho Hội đồng trong tương lai hoặc là trở thành một quân nhân".
“Hòa bình là tài sản quý giá nhất trong đời cháu. Điều đó có nghĩa là cháu có thể xây dựng lại mọi thứ và đôi khi có thể vui chơi với bạn bè”.
Hương Mai – Theo TVN