Tuần Việt Nam giới thiệu 5 cuốn sách không thể bỏ qua trong danh sách Best Non-fiction books 2008 (Sách thể loại phi hư cấu xuất sắc nhất năm 2008) của tạp chí Time bình chọn 2008. 

6. Hurry down sunshine – Tác giả : Michael Greenberg (tạm dịch : Chạy về phía mặt trời)

Từ nhỏ, Sally đã là một cô bé không bình thường. Cô ăn mặc kỳ dị, thường xuyên chìm đắm trong những tác phẩm của Shakespeare và hay nguệch ngoạc nhiều thứ vô nghĩa trong sổ tay. Đến ngày mồng 5 tháng bảy năm 1996, những triệu chứng lạ đã âm ỉ trong nhiều năm mới bùng phát thành một cơn động kinh dữ dội khi Sally mới bước sang tuổi 15.

Với cuốn hồi ký dị thường này, Greenberg – một cây bút tự do – đã lần theo hành trình của con gái anh qua những cơn điên và cả những cuộc điều trị liên miên hòng trở lại trạng thái tâm lý bình thường.

Qua đó, ông cũng giãi bày câu chuyện của chính mình, của một người đàn ông nghị lực đã phải tự động viên bản thân không ngừng trong khi hàng ngày hàng giờ vẫn phải chứng kiến con gái mình bị những cơn động kinh hủy hoại dần dần.

7. Factory girls – Tác giả : Leslie T.Chang (tạm dịch : Nữ công nhân)

Hiện nay, con số nhân công di cư ở Trung Quốc đã lên tới 130 triệu người. Rất nhiều người trong số đó là những cô gái trẻ, làm việc trong những công xưởng khổng lồ với số giờ vượt xa mức quy định và được trả công vô cùng rẻ mạt.

Những công xưởng này giống như những thế giới thu nhỏ, với khu nhà ở riêng, các tiệm ăn, rạp chiếu phim và bệnh viện riêng.

Nữ phóng viên Leslie Chang đã thâm nhập cuộc sống của những nữ công nhân này và phát hiện ra rằng nhiều người trong số họ đã trốn khỏi vùng nông thôn nơi họ từng sống để đến đây, đơn giản vì điều kiện ở đây vẫn còn tốt chán so với cuộc sống ở những vùng quê nghèo.

Những dấu vết của cuộc sống tối tăm đó mà thế giới biết đến là những sản phẩm xuất khẩu rẻ mạt do chính các nữ nhân công này tạo ra.

Đó là một xã hội phức tạp với những luật lệ tàn nhẫn của riêng nó, và là yếu tố quan trọng quyết định tương lai của nền kinh tế Trung Quốc và rộng hơn nữa là nền kinh tế toàn cầu mà nó đang phục vụ.

8. John Lennon – Tác giả : Philip Norman

Trong những năm qua, đã có không ít cuốn sách về John Lennon lần lượt ra đời, tựu trung, những cuốn sách này ngả về một một trong hai hướng : hoặc lên án, chỉ trích John Lennon thậm tệ, hoặc thần thánh hóa ông quá mức. Norman cùng một lúc dung nạp cả hai quan điểm đó trong cuốn sách của mình, cũng nhờ thế, ông đã tiến gần đến con người thực của John Lennon hơn ai hết.

Chưa một tác gia nào đủ táo bạo để sáng tác câu chuyện về cậu bé mồ côi mẹ sinh ra trong hoàn cảnh bần cùng đã vươn lên để trở thành tượng đài của nền nhạc pop thế giới ra sao.

Bằng những tác phẩm đầy tâm huyết, sâu sắc, ca ngợi tình yêu thương nhân loại, lòng bao dung nhưng lại ẩn chứa nỗi cô đơn khôn cùng, có thể nói, Lennon đã vượt qua chính mình trên nấc thang của danh vọng.

Chỉ đến những năm ngắn ngủi cuối đời, ông mới được tận hưởng ít nhiều cảm giác bình yên mà những bài hát của ông vẫn luôn đề cập đến trước khi một hành động bạo lực điên rồ khiến ông phải câm lặng mãi mãi.

9. The magician’s book – Tác giả : Laura Miller (tạm dịch : Cuốn sách của nhà ảo thuật)

Biên niên sử Narnia là tác phẩm kinh điển của nền văn học viễn tưởng. Nhưng đó cũng là tác phẩm mang nhiều mâu thuẫn : nó vừa bảo vệ quan điểm ngưỡng vọng Thiên chúa giáo, nhưng lại là một câu chuyện sử dụng nhiều hình ảnh ẩn dụ mang hơi hướng tâm lý tính dục. Nó vừa là bản ngợi ca tâm hồn trong sáng của trẻ thơ, lại vừa nhuốm bóng đen của những định kiến chủng tộc và sự mạ lị nam giới.

Miller đã dấn thân vào khu rừng rậm của văn học viễn tưởng với mong muốn tìm ra phương cách để hiểu về tác phẩm này sao cho có thể bảo toàn những giá trị của nó mà không động đến những tầng nghĩa phức tạp bên trong.

Sự xoắn bện khăng khít giữa chủ thể người viết – Laura Miller với tư cách là độc giả trung thành của cuốn Biên niên sử Narnia và chủ thể tác giả – Clive Staples Lewis trong vai trò một độc giả, một nhà văn, một tín đồ Thiên chúa giáo, một cựu chiến binh thời Thế chiến Thứ nhất, một người bạn hữu của giáo sư J.R.R. Tolkien (tác giả bộ tiểu thuyết Chúa tể của những chiếc nhẫn) và người tình của một phụ nữ hơn ông 20 tuổi, đã không chỉ làm sáng rõ thêm vẻ đẹp của Biên niên sử Narnia, mà còn tôn vinh chính nghệ thuật đọc và cảm thụ tác phẩm.

10. Outliers – Tác giả : Malcolm Gladwell (tạm dịch : Kẻ ngoài cuộc)

Đến nay, tác giả Gladwell đã rất nổi tiếng với phong cách làm việc của mình : Ông chọn những viên đá quý mà mọi người đều xưng tụng, rồi dẫn những con số thống kê cùng những giai thoại từ nhiều nguồn khác nhau để chứng minh những báu vật kia chỉ là đồ giả hiệu.

Lần này, mục tiêu mà Gladwell nhắm đến là những "điển hình tiên tiến" về thành công ở Mỹ. Dựa trên câu chuyện của những cá nhân đã đạt thành công vang dội như Bill Gates hay Robert Oppenheimer, xen giữa là thất bại thảm hại đáng kinh ngạc của một số người khác (đáng chú ý nhất trong số đó là Christopher Langan, người đàn ông có chỉ số thông minh cao hơn Einstein, nhưng rốt cục lại quay về làm việc trong một trại ngựa!), Gladwell đi đến kết luận là thành công không bị chi phối bởi thiên tư cá nhân hay tài năng mà chủ yếu dựa vào hoàn cảnh : gia đình, văn hóa và giai đoạn lịch sử mà cá nhân đó sống.

Ý kiến của Gladwell nếu không bóc trần những huyền thoại Mỹ về những con người tự gây dựng sự nghiệp bằng hai bàn tay trắng thì cũng là một cái nhìn mới lạ rất đáng lưu tâm.

Kim Ngọc (Theo Time) – TVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *