GẶP TRẦN HỮU DŨNG VÀ… NGUYỄN NGỌC TƯ Ở MỸ
Trước khi sang Mỹ, tôi mail lộ trình của mình cho giáo sư Trần Hữu Dũng với hy vọng là sẽ gặp ông, nhưng ông đã mail lại rằng : “Rất tiếc là những nơi anh đến đều rất xa chỗ tôi. Tôi cũng là một con người khá… “hấp dẫn”, nhưng không “hấp dẫn” đến nỗi anh phải tốn $500 để mua vé qua chơi với tôi… ".
Nhưng thật bất ngờ, trong khi tôi lang thang đi “quay phim trộm” trong một sòng bạc ở Las Vegas thì nhận được điện thoại của ông Dũng : “Có vụ nầy hay lắm. Vợ tôi đang làm Giám đốc Trung tâm tư vấn sinh viên Á châu của Đại học Wright State University – nơi tôi đang giảng dạy. Bà ấy sẽ mua vé mời anh và đạo diễn Bùi Nam Yên sang giao lưu với sinh viên Việt Nam”. Tôi nhờ ông Dũng tìm giúp tôi địa chỉ của cộng đồng người Amish ở Ohio. Mấy ngày sau, chị Phương Mai – vợ ông Dũng – gởi mail báo tin, chị đã tìm ra địa chỉ của người Amish và đã liên lạc được với người hướng dẫn viên du lịch trong đó. Họ hứa sẽ đưa chúng tôi đến một số gia đình của người Amish để chúng tôi tiếp cận, chụp ảnh, quay phim, nhưng với điều kiện phải trả cho mỗi gia đình 150 USD/ ngày để bù lại tiền công lao động của họ.
![]() |
GS Trần Hữu Dũng và tác giả tại làng Amish – Ohio |
Một tuần sau, chúng tôi đáp xuống sân bay Dayton thì đã gặp giáo sư Trần Hữu Dũng đón ngay trước cửa. Trông ông vẫn giản dị, vẫn rất thuần Việt như ngày nào gặp ông ở Sài Gòn. Tôi gợi một câu chuyện để muốn tham khảo với ông rằng, trong những ngày rong chơi trên đất Mỹ, những người Việt mà tôi gặp có sự khác biệt rất dễ nhận ra : Những người học cao, hiểu rộng thì trông họ càng thuần chất Việt, còn giới bình dân thì có sự pha trộn một phần văn hóa Mỹ trong tính cách, trong sinh hoạt và cả trong giao tiếp. Ông Dũng giải thích, nếu nói pha trộn một phần văn hóa Mỹ thì cũng không đúng. Mỗi dân tộc có một tính cách, một nền văn hóa khác nhau, nếu bỏ cái văn hóa của mình để học theo cái văn hóa của người khác thì cuối cùng, mình cũng không còn là mình, mà cũng không bao giờ trở thành người khác được, chỉ thành một kiểu lưng lửng, không giống ai. Lạ một điều là sống ở đây càng lâu, chúng tôi càng ý thức rằng mình là người Việt sống xa quê, và càng mong muốn, gần như cảm thấy là “cần thiết”, giữ lại cái “hồn Việt” của mình.
Ông Dũng nhấn mạnh mấy tiếng người Việt sống xa quê và tâm sự rằng, ông cảm thấy xót xa khi người ta gắn cho ông hai chữ Việt kiều, nghe nó có cái gì đó lạc lõng, xa cách với tình dân tộc.
Thân sinh của giáo sư Trần Hữu Dũng là bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, nhà giáo nhân dân, sinh ra ở Ba Tri – Bến Tre, tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Hà Nội từ năm 1937, được học bổng đi tu nghiệp ở Paris. Về nước, bác sĩ Nghiệp mở phòng mạch ở Mỹ Tho, rất giàu có, nhưng ông đã từ bỏ tất cả để dấn thân theo kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, bác sĩ Nghiệp tập kết ra Bắc. Ông Dũng ở lại miền Nam sống với ông bà ngoại ở Bến Tre và Mỹ Tho. Khoảng giữa những năm sáu mươi, bác sĩ Nghiệp vào Nam, vừa mở trường đào tạo cán bộ y tế, vừa làm cố vấn cho Bộ Y tế của chính phủ cách mạng lâm thời. Lúc ấy, ông Dũng đang học ở Sài Gòn, rồi được học bổng sang Mỹ. Năm 1967, ông tốt nghiệp kỹ sư điện tử và về nước làm chuyên viên ở Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Năm 1972, ông lại được cấp học bổng sang Mỹ học ngành kinh tế, rồi trở thành nhà giáo ở xứ người. Ông nói, chiến tranh xô đẩy con người ta đến những nơi mà không thể lường trước được. Cái hạnh phúc nhất đời ông là ngày gặp lại cha. Hai thế hệ trí thức khác nhau, nhưng khoảng cách của không gian, thời gian và những biến động của lịch sử không làm cho cha con bất đồng chính kiến, phải chăng vì cha con ông cùng có chung một cái nhìn nhân ái. Ông nói, chính cái nhìn nhân ái sẽ xóa hết mọi định kiến, mà định kiến nhỏ nhặt chỉ làm khổ con người.
Trong ngôi nhà khá rộng nằm ở ngoại vi thành phố Dayton, chị Mai nói, hồi trước, con cái ở chung, rất vui. Giờ mỗi đứa một nơi, chỉ còn hai vợ chồng, có khi cả ngày không gặp nhau. Hết việc ở trường thì trở về. mỗi người bám vào máy tính, thậm chí khi cần trao đổi việc gì thì “meo qua meo lại”. Ông Dũng luôn ngồi trước hai màn hình, một để viết lách, một để lên net, đọc và link những bài viết mà ông cảm thấy cần giới thiệu với bạn bè. Ban đầu, ông nghĩ trang web Viet-studies.info của ông chỉ dành cho những bạn bè thân hữu, nhưng rồi, không biết tự khi nào, nó trở thành trang thông tin của hàng vạn độc giả mỗi ngày ở khắp năm châu (trong đó số độc giả từ Việt Nam đến hơn phân nửa). Hàng ngày, người ta chỉ cần vào đó để xem tình hình thời sự trong nước và quốc tế.
Chị Mai cho biết, chị có bốn người con, ba trai một gái : Trần Hữu Minh Duẩn là kiến trúc sư, làm việc ở Los Angeles; Trần Hữu Minh Dân là luật sư, làm việc ở Philadelphia; Trần Hữu Minh Văn là chuyên viên tài chính và thị trường chứng khoán, làm việc ở Chicago; đứa con gái là Trần Hữu Phương An đang học y khoa ở Cincinnati. Chị Mai tỏ ra rất hãnh diện về sự thành đạt của bốn đứa con. Theo quan niệm của chị, sự thành đạt của con người không phải là học vấn, đỗ đạt cao hay kiếm được nhiều tiền, mà cái chính là nhân cách và tấm lòng. Những đứa con của chị dù sinh ra và lớn lên ở Mỹ nhưng không bao giờ mang tên Mỹ, luôn luôn tự biết mình là người Việt, biết yêu văn hóa và ngôn ngữ Việt, biết gắn bó với họ hàng và người thân trong nước.
Ông Dũng nói, sáu mươi lăm tuổi đời, nhìn lại cũng không có gì hối tiếc, chỉ tiếc rằng, hồi nhỏ mơ trở thành nhà văn mà không làm được. Chính vì vậy mà ông yêu mến Nguyễn Ngọc Tư. Ông luôn có cảm giác như Nguyễn Ngọc Tư đã làm được những điều mà ông khao khát. Ông lặn lội về Cà Mau tìm thăm Nguyễn Ngọc Tư, rồi lập một trang riêng của Nguyễn Ngọc Tư trên website Viet-studies của ông bằng tất cả lòng trân trọng.
Ông nói, lần đầu tiên đọc Nguyễn Ngọc Tư, ông đã bị hốt hồn vì cái chất giọng Nam bộ trong từng câu từng chữ. Cứ nghĩ Nguyễn Ngọc Tư là một người đàn ông, cho nên, sau khi tìm được địa chỉ mail của Nguyễn Ngọc Tư, ông viết : ”K&iacut
e;nh gởi anh Nguyễn Ngọc Tư… ”
Sẽ vô duyên nếu hỏi Trần Hữu Dũng rằng vì sao ông ngưỡng mộ Nguyễn Ngọc Tư, bởi những ngày ở Mỹ, hầu như tất cả những người Việt mà tôi gặp – từ giới trí thức đến bình dân – đều hỏi thăm Nguyễn Ngọc Tư. Anh Minh – một nhân viên làm việc trong một hãng sản xuất vũ khí thuộc Bộ quốc phòng Mỹ – nói : “Em đã tìm mua và đọc hết những quyển sách của Nguyễn Ngọc Tư. Nhiều lúc khát khao muốn về nước để thăm cho biết mặt cô ấy, nhưng khổ nỗi cái nghề của em, chính phủ Mỹ không cho về… ”. Tôi kể cho Trần Hữu Dũng nghe những câu chuyện về độc giả ở Mỹ ngưỡng mộ Nguyễn Ngọc Tư, ông nói : “Cái giá trị đích thực của văn học là ở chỗ đó. Những nhà văn bất hủ của Mỹ xem ra lại là những tác phẩm gần gũi nhất với công chúng, ai biết chữ cũng đọc được, cũng hiểu được, cũng mê được. Trong bài viết : "Nguyễn Ngọc Tư – đặc sản miền Nam", Trần Hữu Dũng viết : "Nhiều người nghĩ rằng, nói chung, văn chương miền Nam (dù gì cũng là vùng đất mới) không thể so được với sự chỉn chu truyền thống của văn chương miền Trung, miền Bắc. Nguyễn Ngọc Tư sẽ làm những người đó phải nghĩ lại. Đọc truyện của Nguyễn Ngọc Tư, họ sẽ khám phá rằng, nếu dùng đúng chỗ, trong tay một tác giả cẩn trọng, phương ngữ mộc mạc miền Nam, giọng điệu dân dã miền Nam hoàn toàn có khả năng cấu tạo một nhánh văn chương đặc biệt, không giống, nhưng chuẩn mực không kém những miền khác. Mỗi truyện viết của Nguyễn Ngọc Tư là một bữa ăn văn chương thịnh soạn, dọn bày chu đáo, gồm toàn đặc sản miệt vườn, với những vật liệu hảo hạng, tươi sống".
Võ Đắc Danh – Theo SCLO