(TuanVietNam) – Nước Mỹ hay bị lên án về việc sử dụng quyền lực một cách đơn phương, đôi khi mang tính áp đặt, hung hãn. Tuy vậy, không riêng Mỹ, mà thực tế là các nước lớn trên thế giới như Nga, Trung Quốc cũng thường xác định quyền lợi dân tộc của họ trên những phạm vi ngày càng lớn và phủ lên nhiều lĩnh vực : kinh tế, chính trị, văn hóa…

Bá quyền "kiểu Mỹ" : Brand America

Robert Jervis khẳng định trong một bài viết trên tờ Foreign Policy rằng, phổ biến trên toàn thế giới các giá trị – nhất là dân chủ và tự do cá nhân theo kiểu Mỹ – luôn là mục tiêu chính sách của nước này.

(Nguồn ảnh: image.google.com)

Một khái niệm được nhiều chính trị gia và học giả Mỹ ưa dùng là "thương hiệu Mỹ" (Brand America). Nó đã trở thành biểu trưng của một xứ sở – nơi bất kỳ ai cũng có quyền làm chủ vận mệnh của mình, bất kỳ ai cũng được tưởng thưởng cho sự lao động cần cù và lòng can đảm, dám chấp nhận rủi ro, và đặc biệt, nơi những khác biệt về sắc tộc, màu da không phải là rào cản chính yếu của sự thăng tiến.

Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Mỹ – theo học giả Derrick Daye – xuất phát một phần từ những giao dịch không tạo ra giá trị thực và không đòi hỏi nỗ lực lớn. Nói cách khác, làm giàu mà không phải từ nỗ lực và mạo hiểm mà không tính toán là một điều mâu thuẫn hoàn toàn với tinh thần của "Brand America".

Nước Mỹ cũng nổi tiếng với lối sống tốc độ, tôn sùng tuổi trẻ, sức mạnh và sáng tạo, nổi tiếng với nước uống có ga, với những món đồ ăn nhanh hợp khẩu vị đại chúng (nhưng mỡ màng và dễ khiến người ta béo phì)… Tất cả làm thành một phong cách Mỹ, được phổ biến tới toàn thế giới thông qua phim ảnh, sách báo.

Những năm gần đây, mặc dù thương hiệu Mỹ đã suy yếu nhiều, nhưng so với các nước khác, nó vẫn còn khá hấp dẫn. Derrick Daye cho biết : "Mỗi năm, có hơn một triệu người "mua" thương hiệu Mỹ bằng cách nhập cư vào nước này. Động lực của họ là tìm kiếm một cuộc đời mới ở đây. Họ mang tới niềm lạc quan, say mê và sự tin tưởng sâu sắc rằng, nước Mỹ là nơi họ nuôi con cháu đời đời".

Sự hấp dẫn của thương hiệu Mỹ, lối sống và phong cách Mỹ đã đưa việc chấp nhận dân chủ theo kiểu Mỹ tới nhiều nơi trên thế giới. Phổ cập giá trị Mỹ thông qua "Brand America" trở thành một hình thức bá quyền hay "quyền lực mềm", "sức mạnh mềm" rất tinh vi và hiệu quả.

Bá quyền "kiểu Nga" : năng lượng và quân sự

Sau những biến cố cuối thập niên 80 thế kỷ trước khiến khối XHCN ở Đông Âu sụp đổ, Liên bang Nga chẳng những phải từ bỏ vị thế đại cường, mà còn đánh mất ảnh hưởng ở khu vực này. Đối với Moscow, đây là một "thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ XX" như Thủ tướng Putin từng tuyên bố.

Tuy nhiên, từ bấy đến nay, chưa bao giờ Nga thôi ý định nối lại ảnh hưởng trong quá khứ của mình đối với khu vực. Moscow từng đặt vấn đề có cần tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, từng mượn cớ bảo vệ Nam Ossetia để đưa quân "tiễu phạt" Gruzia, tiến hành trừng phạt kinh tế với một loạt nước Cộng hòa Xô-viết cũ như Kazakhstan, Uzbekistan, Lithuania, Latvia và Estonia.

Sau Chiến tranh Lạnh, nước Nga – về mặt quân sự – không còn đáng sợ như trong các thập niên 50 – 60. Dầu vậy, với ưu thế về địa kinh tế, Moscow đã nhanh chóng tìm ra con bài hữu hiệu để đạt được sức mạnh kiểm soát đối với khu vực : năng lượng.

Dân chúng châu Âu vừa trải qua một mùa đông chật vật và lạnh giá vì thiếu khí đốt do khủng hoảng khí đốt Nga – Ukraine. (Nguồn ảnh: baovietnam.vn)

Đặc biệt, là "người khổng lồ khí đốt", Nga không khó khăn gì để có thể gây sức ép với toàn châu Âu trong lĩnh vực này. Không chỉ các nước XHCN (cũ), mà nhiều quốc gia khác như Đức, Áo, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ cũng phụ thuộc Nga, hoặc cũng được Nga chọn làm bạn hàng (và do đó, nghiễm nhiên có sự phụ thuộc ở mức độ khác nhau) trong các khâu trung chuyển và phân khối khí đốt.

Sức mạnh bao trùm của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Gasprom của Nga đã khiến từ nhiều năm nay, Nga làm mưa làm gió trên "mặt trận" khí đốt. Trước mắt, khí đốt từ Nga qua hệ thống Blue Stream (Hải lưu Xanh) và South Stream (Hải lưu phía Nam) vẫn là sự lựa chọn bắt buộc của rất nhiều quốc gia EU, cho dù họ biết rằng, làm như thế là phụ thuộc nặng nề vào nguồn năng lượng Nga.

Trước sự "bành trướng" rất rõ rệt này, từ nhiều năm nay, Bruxelles đã phải lao tâm khổ tứ để giải quyết được những nan đề, như nâng cao sự an toàn trong cung ứng năng lượng, giảm thiểu sự phụ thuộc năng lượng một chiều từ phía Nga và đảm bảo những nguồn năng lượng khác để có khả năng lựa chọn.

Tuy nhiên, đề án Nabucco do EU và các tập đoàn Tài chính châu Âu hỗ trợ, trước mắt, vẫn chỉ nằm trên giấy tờ. Thực tế này cho thấy, dù không muốn và ý thức được sự nguy hiểm đến từ điện Kremlin trong vấn đề năng lượng, song châu Âu hiện tại vẫn chưa thể làm gì khác ngoài… chấp nhận hình thức bá quyền rất thẳng thừng của Moscow!

Bá quyền "kiểu Trung Quốc" : văn hóa nghệ thuật

Trung Quốc – đất nước có hơn 5.000 năm lịch sử – đã mau chóng nhận thấy sức mạnh của văn hóa như một thứ "quyền lực mềm" đầy quyến rũ, đặc biệt là từ thế kỷ XX, khi ngoại giao văn hóa ngày càng nở rộ và dần dần sẽ trở thành hình thức bá quyền chủ yếu.

Với vai Hoàng đế Càn Long trong series phim truyền hình Tể tướng Lưu Gù, diễn viên Trung Quốc Trương Quốc Lập (và cả nhân vật của ông) được khán giả Việt Nam rất mực yêu thích. (Nguồn ảnh: photobucket.com)

 
Tháng 3/1987, sau một hội nghị của ngành truyền hình trên cả nước, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra chính sách mới : tích cực, chủ động dồn lực sản xuất những bộ phim "giai điệu chủ" (cách gọi của cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân) nhằm mục đích truyền bá lịch sử, văn hóa, tư tưởng và thẩm mỹ Trung Hoa tới mỗi người dân Trung Quốc và thế giới.

Trong số những nước mà Trung Quốc hướng tới, Việt Nam có một vị trí quan trọng, như lời tác giả Hạo Kiện trong cuốn Phim truyền hình Trung Quốc – nghiên cứu văn hóa và nghiên cứu loại hình (NXB Điện ảnh Trung Quốc – 2008). Bởi lẽ : "Đây là nước Đông Nam Á duy nhất chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc thay vì văn hóa Ấn Độ" – Hạo Kiện viết.

Phần lớn các phim "giai điệu chủ" đã được giới thiệu ở Việt Nam, khán giả nước ta chẳng xa lạ gì với chúng: Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử, Khang Hy, Tể tướng Lưu Gù, Thái Bình Thiên Quốc, Tôn Trung Sơn, Tống Khánh Linh và các chị em… Các phim đều được xuất khẩu với giá hết sức ưu đãi sang Việt Nam, thậm chí, một số phim cho không (Khát vọng, Tây du ký, Vương triều Ung Chính) theo thỏa thuận hợp tác giữa các đài truyền hình hai nước.

Ngày nay, phim truyền hình Trung Quốc chiếm sóng các đài ở Việt Nam, cả trung ương lẫn địa phương. Nhiều khán giả thuộc sử Trung Quốc hơn sử Việt Nam.

Trên sân khấu âm nhạc, nhiều bài hát Việt Nam được “Tàu hóa”, nghĩa là mang phong cách âm nhạc Trung Hoa rõ rệt. Các ca sĩ thời thượng rành rẽ về trang phục của đời Thanh và chắc chắn là sẽ không trả lời được câu hỏi vua chúa nhà Nguyễn ngày xưa ăn mặc như thế nào.

Khái niệm bá quyền văn hóa – tư tưởng mãi tới thập niên 30 của thế kỷ XX mới ra đời. Trên thực tế, Trung Quốc đã thực hiện bá quyền văn hóa – tư tưởng với các nước láng giềng suốt mấy nghìn năm qua.

Lời kết

Áp-phích cho một chương trình Ngày Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc. (Nguồn ảnh: VnExpress)

Khi quyền lực lớn lên, định nghĩa về lợi ích quốc gia cũng rộng hơn. Nói cách khác, khi đã vươn lên thành một lực lượng trên sân khấu chính trị thế giới, Mỹ, Trung Quốc, Nga hay bất kỳ một nước lớn nào khác, một cách rất tự nhiên, đều khao khát trở thành bá quyền. Tham vọng đó được thực hiện bằng cách khống chế thế giới và khu vực trên nhiều phương diện : kinh tế, chính trị, văn hóa – tư tưởng…

Nhưng bá quyền không bao giờ đơn thuần là sức mạnh bạo lực, vì vậy, để thực thi bá quyền, không thể thiếu được cách cư xử mang tính đồng thuận, chấp nhận và góp phần của những kẻ bị bá quyền.

Như thế, việc các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc có tiến hành bá quyền thành công hay không còn phụ thuộc cả vào cách cư xử của các "đối tượng" : các quốc gia ở châu Mỹ La-tinh, Châu Âu, các nước Cộng hòa Xô-viết cũ, các nước trong khu vực Thái Bình Dương.

Cách cư xử đó phải cực kỳ khôn khéo, mềm dẻo, linh hoạt, ví dụ bằng việc tạo thế liên minh với các nước khác. Giới phân tích cho rằng, sau thất bại trong cuộc chiến với một đối thủ mạnh hơn bội phần, Gruzia đã tiếp tục "đánh" Nga bằng chính trị thay vì quân sự : thu hút sự ủng hộ của nhân dân trong nước và cộng đồng quốc tế, nhất là phương Tây, vẽ nên hình ảnh một nước Nga hành xử hung hãn và vô lý v.v…

Với riêng Việt Nam thì một thái độ và ứng xử phù hợp càng trở nên cần thiết. Chẳng hạn, nên có sự trao đổi văn hóa song phương với Trung Quốc một cách tương xứng hơn.

Hành xử thích hợp, "biết mình biết người", mở cửa với thế giới và những mối hợp tác, liên minh cùng có lợi sẽ là giải pháp của các nước nhỏ, có nguy cơ bị bá quyền trước sự bá quyền tự nhiên của các đại cường trên thế giới!

Nguyễn Hoàng Linh – Đoan Trang – TVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *