Nhớ một chiều Tây Bắc
Họa sĩ Phan Kế An không thể nhớ nổi và cũng không thể đếm nổi số lượng tác phẩm hội hoạ của mình trong gần 70 năm gắn bó với cây cọ vẽ. Được hỏi về tác phẩm mà ông tâm đắc nhất, họa sĩ mỉm cười và trả lời một cách dí dỏm:
– Nhiều, vài chục, thậm chí vài trăm. Nhưng có lẽ đến bây giờ giới hội họa, người yêu tranh và cả tôi đều nghĩ rằng, một trong ba bức tranh sơn mài được trao giải nhất trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1955 là tác phẩm gắn bó với tên tuổi Phan Kế An nhiều hơn. Giới bạn bè mỹ thuật của tôi cho rằng, tác phẩm ấy không chỉ có giá trị về nghệ thuật mà còn là một sự phục hiện những kỷ niệm không thể nào quên từ một chặng đường tham gia kháng chiến. Cũng phải nói thêm rằng, ba tác phẩm đoạt giải năm ấy, một đã trở thành sứ giả của tình hữu nghị, hiện được treo ở bảo tàng Cố cung Trung Quốc. Đó là bức "Du kích trên đỉnh Khau Luông". Hai bức còn lại hiện đang được trưng bày ở viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Tôi sốt sắng ngắt lời họa sĩ:
– Dạ thưa, có phải 2 bức tranh "Nhớ một chiều Tây Bắc" và "Gặt ở Việt Bắc" không ạ?
Đôi mắt họa sĩ ánh lên niềm vui:
– Không hiểu sao, mỗi khi nhắc đến cụ Nguyễn Phan Chánh, người ta thường nhớ ngay đến tác phẩm "Chơi ô ăn quan". Nói đến tranh của ông Bùi Xuân Phái, người đời thường ghép luôn tác phẩm với tên người thành "Phố Phái".
Với ông Tô Ngọc Vân là "Thiếu nữ bên hoa huệ", còn nói đến tôi, nhiều người đọc luôn tên bức tranh "Nhớ một chiều Tây Bắc"… Nhờ bức tranh đó, có người còn sáng tác thơ và nhạc. Bài thơ của ông Đoàn Việt Bắc có đoạn: "Chiều Tây Bắc trong veo ngà ngọc/ Trời như cầm được trên bàn tay/ Người lính già trầm tư nỗi nhớ/ Anh thả chiều vào tranh…".
*
Trên căn phòng nhỏ chiều đông, ngổn ngang tranh treo, tranh dựng, tranh đang vẽ trên giá, họa sĩ và chúng tôi như chìm đắm trong những kỷ niệm về bức tranh "Nhớ một chiều Tây Bắc" ấy. Họa sĩ kể: Bức tranh được ông "sinh" ra chính tại căn phòng số 72 phố Thợ Nhuộm này. Nhưng để có nó là sự chắt lọc tư liệu cùng những thăng hoa cảm xúc sau những năm đi kháng chiến trở về.
*
…Mùa đông năm 1950, với tư cách là đặc phái viên của báo Sự thật, Phan Kế An bắt đầu cuộc hành trình đi kháng chiến và sáng tác. Chàng họa sĩ 27 tuổi chọn hướng Tây Bắc, nơi mà cấp trên thông báo chuẩn bị có đánh lớn để xuất hành.
Nhờ tấm giấy giới thiệu được đi theo bất cứ đoàn quân nào mà Phan Kế An đã có mặt trong Trung đoàn 165, chuẩn bị tham gia Chiến dịch Biên giới. Ngoài balô quần áo tư trang và khẩu súng Gioop 3 được phát giống như người lính ra trận, họa sĩ còn phải cõng theo giá vẽ và lỉnh kỉnh những cọ, những màu.
Cho đến một ngày, Trung đoàn 165 được lệnh đánh nghi binh đồn Bắc Hà nhằm thu hút địch về hướng Tây Bắc, chia lửa với các đơn vị chủ lực của ta đang chiến đấu ở mặt trận Đông Bắc. Chiều hôm đó, Trung đoàn 165 ém quân trên một quả đồi cách đồn địch vài cây số. Trung đoàn trưởng lệnh cho mỗi chiến sĩ phải tự đào một căn hầm trú ẩn.
Trong khi cả đoàn quân, người nào cũng hoàn thành công việc của mình thì anh chàng họa sĩ mảnh khảnh vẫn đang loay hoay với cái xẻng và hố đất nông choèn. Nào ngờ xế chiều, máy bay của địch phát hiện được nơi ém quân của bộ đội ta. Chúng quần đảo trên bầu trời quanh ngọn đồi rồi liên tục dội bom.
Để tránh bom rơi đạn lạc, họa sỹ chỉ còn một cách duy nhất là xin được ngồi chung hầm với tiểu đoàn trưởng Lê Kỳ. Khi bom đạn đã dứt và bọn giặc trời bay xa, ngọn đồi trở lại yên tĩnh, từ dưới hầm bò lên, phía sườn núi trước mặt họa sĩ như rực rỡ hơn trong ánh chiều dần tắt nắng.
Cả một miền rừng như đang chuyển động cùng bước chân của đoàn quân du kích đi về phía Bắc Hà. Một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp! Họa sĩ tự nhủ lòng như vậy và lập tức dựng giá hối hả vẽ. Cho đến khi hoàng hôn buông, bức phác thảo "Chiều Tây Bắc" hoàn thành, họa sĩ mới sực nhớ ra rằng căn hầm trú ẩn của mình vẫn còn dang dở. Tiểu đoàn trưởng Lê Kỳ ngắm tranh rồi mỉm cười với anh:
– Thôi, chẳng cần phải đào hầm nữa. Đêm nay có lệnh đánh Bắc Hà rồi.
Đêm ấy xuống núi, Trung đoàn 165 công đồn thắng lợi ngoài dự kiến. Cấp trên lệnh chỉ đánh nghi binh rồi rút ngay, nhưng trước đòn tấn công bất ngờ và dũng cảm của bộ đội ta, kẻ địch hoảng sợ bỏ đồn chạy tán loạn về Lào Cai…
Suốt những tháng năm kháng chiến, dọc đường hành quân họa sĩ còn gặp lại cảnh sắc chiều Tây Bắc như thế nhiều lần. Theo họa sĩ đó là phong cảnh đặc sắc của núi rừng Tây Bắc giai đoạn kháng chiến gian lao nhưng cũng đầy thi vị.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi lắng lại ít phút. Họa sĩ mở tập album lớn lật tìm những bức ảnh mà các nhiếp ảnh gia chụp lại tranh của mình. Ông phàn nàn rằng, chưa có một bức ảnh nào chụp được đúng tông màu của bức tranh gốc.
Rồi ông phân tích đôi điều về bức tranh với chúng tôi. Rằng tác phẩm là những kỷ niệm với Tây Bắc, là sự gửi gắm tâm hồn của người nghệ sĩ khi qua miền Tây Bắc. Rộng hơn nữa là tâm hồn của những người tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
![]() |
Bức tranh "Nhớ một chiều Tây Bắc" của họa sĩ Phan Kế An. |
Toàn cảnh bức tranh là rừng núi Tây Bắc hùng vĩ vào một buổi chiều đông có nắng. Ánh sáng mặt trời từ phía tây chiếu vào sườn đông của các dãy núi khiến cả vùng non nước hoang vắng sáng bừng lên. Trong ánh sáng huy hoàng ấy, đoàn quân du kích địa phương từ khoảng tối phía bên kia của dãy núi đi ra.
Đoàn quân cũng trùng điệp như núi, như rừng. Họ là những người dân đầu trần, chân đất, áo chàm bình dị, vũ khí thô sơ nhưng tất cả đều bước đi trong tư thế đầy kiêu hãnh. Họ cùng hướng về phía trước, về phía chân trời – chân trời của ánh sáng. Bằng những hình khối vạm vỡ, người vẽ đã cố lột tả tinh thần lạc quan và niềm tin vào thắng lợi của quân và dân ta giữa những ngày còn đang kháng chiến gian khổ.
Nhớ những chiều kháng chiến năm xưa
Tất cả những tác phẩm đạt giải cao tại triển lãm mỹ thuật toàn quốc chỉ là một phần rất nhỏ trong sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Phan Kế An. Giới phê bình mỹ thuật cho rằng cùng với những bức tranh sơn mài nổi tiếng, hàng trăm tranh sơn dầu, tranh lụa, tranh khắc gỗ đang được lưu giữ tại các bảo tàng trong nước và thế giới, Phan Kế An và thế hệ họa sĩ cùng thời ông đã làm nên một nền hội họa kháng chiến đầy bản sắc và rất đáng tự hào. Nhưng ông lại cho rằng chính 9 năm kháng chiến gian khổ đã tạo nên hoạ sĩ Phan Kế An tràn đầy nhiệt huyết và gặt hái được nhiều thành công như thế.
Và họa sĩ Phan Kế An kể:
…Một chiều đầu mùa đông năm 1946, anh Trần Đình Thọ đến nhà và nói: "Hội Văn hóa cứu quốc có chỉ thị triệu tập An và nhóm họa sĩ bạn bè đang ở nhà cậu đi làm nhiệm vụ đặc biệt". Theo chỉ thị của cấp trên, ngay đêm hôm đó, nhóm họa sĩ trẻ gồm Mai Văn Hiến, Thân Trọng Sự, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Hữu Cát và Phan Kế An gói ghém tư trang, vội vã đến nhà anh Nguyễn Đình Thi ở Thái Hà ấp.
Thì ra nhiệm vụ đặc biệt mà mấy chàng họa sĩ trẻ phấp phỏng chờ đợi, đoán già đoán non là vẽ tranh cổ động, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc sẽ bùng nổ trong ngày một, ngày hai. Giữa những ngày nhóm họa sĩ trẻ hối hả bắt tay vào công việc sáng tác thì có một vị khách đến thăm. Vị khách ngắm tác phẩm của anh Mai Văn Hiến nhận xét rằng: "Tranh đẹp, nhưng tay người cầm súng trong tranh còn yếu đuối quá. Cần phải thể hiện những bàn tay thật mạnh khỏe, gân guốc mới có thể chiến đấu và chiến thắng được đội quân viễn chinh Pháp".
Trước khi ra về, vị khách nói với anh em: "Chúc các anh sáng tác thành công. Tranh của các anh sẽ có tác dụng rất lớn động viên toàn quân, toàn dân lao vào cuộc kháng chiến chống Pháp sắp tới". Khi vị khách lên xe đi khuất, anh Bùi Công Trừng nói với mọi người: "Đồng chí Đặng Xuân Khu đấy!". Thì ra, đó là đồng chí Trường Chinh – vị Tổng Bí thư của Đảng mà anh em lâu nay mới chỉ biết tên.
Chừng một tháng sau, tiếng súng ở Pháo đài Láng vang lên báo hiệu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ. Trên một số tuyến phố của thủ đô Hà Nội xuất hiện những tranh áp phích của chúng tôi. Những bức tranh chúng tôi bí mật vẽ, bí mật treo, như một khẳng định sự chuẩn bị chu đáo về vật chất và tinh thần của toàn Đảng, toàn dân ta cho cuộc trường chinh gian khổ. Và cũng từ đây, anh em họa sĩ chúng tôi bắt đầu cuộc sống mới, cuộc sống của những người kháng chiến.
Cuộc sống và những kỷ niệm kháng chiến đã trở thành hàng chục, hàng trăm tác phẩm để đời của họa sĩ. Và cho đến tận bây giờ, dẫu đã bước sang tuổi 85, nhưng họa sĩ vẫn cho rằng, những kỷ niệm ấy vẫn còn đấy ắp trong tâm hồn để ông tiếp tục vẽ về nó. Chúc họa sỹ, người lính già Phan Kế An mạnh khỏe để tiếp tục "thả" thêm nhiều chiều đất nước vào tranh.
Theo Nguyễn Xuân Hải – CAND Online