Bài thơ "Làng quan họ" của ông từng được nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ thành ca khúc "Làng quan họ quê tôi" nổi tiếng, hiện được không ít người xem như "tỉnh ca" của tỉnh Bắc Ninh.
Đây là một thi phẩm có những liên tưởng đẹp, ngôn từ trau truốt, và chỉ nội 4 câu Sông cầu làm bao xanh/ Ngang lưng làng quan họ/ Những cánh buồm nhớ thương/ Câu ca đầu ngọn gió đã cho thấy ở ông một cách nhìn, cách cảm rất thi sĩ.
Với tập thơ "Vô tình"- tập thơ có lẽ là "quy mô" nhất của Nguyễn Phan Hách từ trước tới nay, chúng ta càng thêm dịp "kiểm chứng" tố chất thi sĩ của ông qua tư duy hình tượng và cách tạo lập tứ thơ.
Tập thơ gồm cả thảy 135 bài, nội dung chủ yếu xoay quanh hai chủ đề:
Chủ đề thứ nhất là về tình yêu – tình yêu của một người từng trải trong cuộc đời với những cung bậc giận hờn, nhớ nhung, yêu thương và… lo lắng. Nó đồng thời cũng là khát vọng sống, khát vọng dâng hiến và khám phá chính mình của một người từng thổ lộ bằng thơ rằng Tình yêu ở tuổi lục tuần/ Mạnh gấp ba lần ở tuổi hai mươi.
Chủ đề thứ hai là những chiêm nghiệm về cuộc đời, về lẽ sống, kèm đó là triết lý của tác giả về thế giới và ý nghĩa của phương thức tồn tại… Điều đó được diễn đạt một cách giản dị, gần gũi với mọi người và ở một số điểm, tác giả có những ý khá bất ngờ.
Ở chủ đề thứ nhất, tác giả đã thể hiện một… sức trẻ đáng kinh ngạc. Sức trẻ thể hiện ở niềm khao khát: Ta đói khát tình yêu/ Niềm cô đơn khôn tả/ như con sói lang thang/ Giữa đồng hoang tuyết giá (Sói đồng hoang); ở nỗi cô đơn Từ ngày tình vỡ tan/ Mô bai phôn mất sóng/ Những điểm hẹn ngày xưa/ Đã đi vào quá vãng (Điểm hẹn); ở sự tự vấn: Tình yêu là gì, là gì nhỉ/ Chính trái tim ta chế tạo nên/ Tại sao bị nó điều khiển lại/ Làm chính ta khốn khổ đảo điên (Tình yêu là gì); ở nỗi khắc khoải: Con chim có hai cánh, chim bay giữa trời cao/ Nếu anh lẻ chiếc, anh sẽ bò sát đất (Hai và một).
Đặc biệt, sức trẻ của tác giả thể hiện rõ nhất ở những bài thơ mang hơi thở đời thực, gắn với những con người và bối cảnh cụ thể. Ý tứ, giọng điệu của ông trong những bài này rất khoáng đạt (các bài "Một mình em", "Đợi", "Xa", "Bic Ban", "Không có em"…). Thậm chí, một số chỗ, trong câu chữ còn "hăng nồng" hương vị của một cuộc tình mới chớm nở hoặc đang hồi dạt dào hạnh phúc…
Ở chủ đề thứ hai, tác giả luôn tìm cách kết hợp giữa bề dày trải nghiệm với sự quan sát tinh tế các góc cạnh của cuộc sống để rồi từ đó, nâng lên thành những quan niệm mang đậm triết lý nhân sinh.
Bài "Tự nhủ", tác giả rút ra một quan điểm sống sao cho thật bình tâm: Đời có thế mà thôi/ Cố mà yêu lấy nó/ Đời chẳng chiều ai đâu/ Làm gì phải đau khổ.
Bài "Soi gương" cũng là một cảnh báo con người phải sống đúng với giá trị thực của mình và phải biết quý những gì tạo hóa đã ban cho mỗi người khi xuất hiện trên thế gian: Soi gương nhìn mái đầu bạc trắng/ Ngỡ tóc ai, không phải tóc mình/ Ngỡ như chưa sống đời ta có/ Mà sống đời ai đó, trôi nhanh.
Ở bài "Nỗi lo", tác giả lại nghiệm ra Nỗi lo là hành trang định mệnh của mỗi kiếp người và động viên mọi người phải tìm cách Vượt qua những nỗi lo/ Như nhảy qua từng tảng đá trơn trong lòng suối/ Để mà về đích mới…
Nếu như ở mảng thơ tình, bên cạnh những tứ thơ bất ngờ, những liên tưởng thú vị, Nguyễn Phan Hách còn để "hở" những câu thơ có phần thật thà, thật thà đến độ… dễ dãi, thì ở mảng thơ thế sự này, vì mải sa đà vào triết lý nên ông cũng đã để "lọt lưới" những bài thơ có phần manh mún, với những đúc kết có thể nói là khá…thường tình (Như khi ông viết: Con người sinh ra đời/ Ngẫu nhiên của tạo hóa/ Chẳng có khoa học nào/ Giải thích được rõ cả, hoặc: Mỗi người chỉ một lúc/ Trong cuộc đời này thôi).
Một đôi chỗ tác giả còn có cách triết lý hơi… thô, như khi ông viết: Sương đè lên lá/ Trăng đè lên sao/ Ngẫu nhiên đâu phải/ Ta đè lên nhau…
Với mạch thơ giàu cảm xúc, cách diễn đạt tự nhiên, cộng với khả năng liên tưởng phong phú, nhà thơ Nguyễn Phan Hách đã tạo nên một "từ trường thơ" có sức hút nhất định đối với một số đối tượng độc giả.
Giá như ông biết tiết chế hơn nữa, hoặc mạnh dạn gạt bỏ một số bài có đề tài trùng lặp, có nội dung manh mún, vô thưởng vô phạt, hẳn tập thơ sẽ tạo được hiệu quả cảm xúc cao hơn.
Nhưng biết đâu, với ông đây lại như một thứ nhật ký ghi lại những sự việc cùng những ý nghĩ thoảng qua của mình trong một thời điểm nhất định mà ông cần giữ lại làm kỷ niệm?
***
Nhà thơ Nguyễn Phan Hách: "Với tôi, thơ tình phải là thơ ghi dấu những kỷ niệm cụ thể…"
![]() |
– Tập thơ có hai bài "Vô đề", một bài "Vô nghĩa", song không có bài nào tên gọi "Vô tình" cả. Vậy ông có thể "bật mí" cho bạn đọc biết nội dung bài "Vô tình" ra sao? Và từ đâu ông chọn nó làm tên của tập thơ?– Tập thơ có hai bài "Vô đề", một bài "Vô nghĩa", song không có bài nào tên gọi "Vô tình" cả. Vậy ông có thể "bật mí" cho bạn đọc biết nội dung bài "Vô tình" ra sao? Và từ đâu ông chọn nó làm tên của tập thơ?
+ Đúng là cả tập không có bài nào là bài "Vô tình", nhưng câu thơ nhắc đến chữ "vô tình" thì có đấy. Vô tình có mặt trên đời/ Vô tình tôi có một người để yêu – đó là hai câu trong bài "Vô đề 1". Tôi viết nó để tôn vinh tình yêu. Thú thật, khi chọn tên tập thơ tôi rất lúng túng. Rồi tự nhiên tôi nghĩ đến câu thơ ấy, thấy nó diễn tả được những cái bâng quơ nào đó. Tôi nghĩ, tên tập thơ không nhất thiết phải lấy từ tên một bài cụ thể.
– Độ dày của tập thơ dễ làm người ta nghĩ tới một tập… tiểu thuyết. Đây là tập thơ tuyển hay là thi phẩm mới nhất của ông?
+ Không. Đây là những bài mới hoàn toàn. Về thơ, đến nay tôi đã xuất bản 3 tập. Và cả 3 tập tôi đều không cho in lại một bài thơ cũ nào. Có người nói "Sao ông để dày thế? Nếu "san" ra thì một tập cứ gọi là đổi được… 3 tập". Nhưng tôi vốn lười, rất ngại in nên đã in là in gộp luôn.
– Có thể dễ dàng nhận ra ở bìa 1 của tập sách là hình ảnh một Nguyễn Phan Hách khi còn… tương đối trẻ. Và ảnh in đen trắng. Trong khi ở bìa 4 lại là ông Giám đốc Nguyễn Phan Hách (nhà văn Nguyễn Phan Hách hiện là Giám đốc NXB Hội Nhà văn – NV) đã luống tuổi, và ảnh màu. Hẳn ông có hàm ý gì khi cho in một lúc 2 tấm ảnh này?
+ (Cười) Tôi chủ ý chọn như thế để đánh dấu một đoạn đời từ lúc trung niên cho tới khi về… già. Bìa 1 tôi cho in ảnh chìm, bức ảnh năm tôi 40 tuổi, và chỉ đen trắng, là vì tôi không muốn khoa trương cái ảnh mình to quá. Chỉ để lờ mờ. Tuổi trung niên tôi cũng "lờ mờ" thế thôi (cười). Còn ảnh bìa 4, đấy là bức tôi chụp đúng vào hôm làm bìa. Tôi gọi đứa làm bìa vác máy ra chụp cho một kiểu ở hồ Thiền Quang – ấy thế mà xem ảnh, có người, như ông Đỗ Chu chẳng hạn, lại ngỡ tôi chụp bên… sông Cầu đấy. Và ông ấy còn khen bức ảnh thể hiện được nội tâm.
– Ngay ở phần mở đầu tập thơ, ông đã có những bài đề tặng "em" này, "em" nọ rất cụ thể. Thậm chí, bài "Đợi", ở dòng cuối cùng ông còn đề rõ "Quán Trúc Vàng đợi H.Y.2002". Phải chăng, làm thơ – với ông là để ghi dấu những kỷ niệm?
+ Anh nói đúng! Với tôi, thơ tình phải là thơ ghi dấu những kỷ niệm cụ thể với những người cụ thể, không hề tưởng tượng. Bài "Đợi" là bài thơ tôi ghi lại giờ phút tôi ngồi đợi trong quán Trúc Vàng ở phố Nguyễn Chí Thanh. Lúc bấy giờ đài báo trời sắp có bão….
– Trong bài "Trút", ông nói ở ngoài đời ông "sống nghiêm", còn bao nhiêu cái "dở dở điên điên" ông "trút vào sách vở". Tôi thì tôi lại thấy, trong thơ, ông có cái hồn nhiên của một chú bé. Một chú bé thông minh, nghịch ngợm. Có lúc nào ông nhận thấy như vậy, và có ai đã nói với ông như vậy?
+ Đúng đấy! Tôi rất thích cái "phát hiện" này của anh. Trong tôi có chú bé hồn nhiên, nghịch ngợm, ngây thơ. Chưa ai nói với tôi như thế cả. Khi làm thơ, tôi không thích dùng những thủ pháp hoa mỹ, uốn éo. Tôi rất sợ những câu thơ trừu tượng, khó hiểu. Thi sĩ Lục Du của Trung Quốc có nói "Công phu thâm xứ thi bình dị", đại ý cái khó nhất là làm thơ cho giản dị.
– Ông có hay đọc thơ Béctôn Brếch?
+ Tôi rất thích thơ Béctôn Brếch. Thơ ông có tứ hiện đại. Những bài như bài "Đợi" của tôi đều có tứ. Tôi cho rằng khi làm thơ, cái khó là tìm được tứ. Tôi nghĩ, nếu có một tứ hay, bài thơ có thể dịch ra tiếng nước ngoài được
– Bài "Đối mặt" của ông là một bài có tứ đáng để suy ngẫm. Bài thơ cho thấy cánh bướm vàng tưởng chỉ nhởn nhơ, "toàn mộng mơ" kia kỳ thực đang phải lo đối mặt với việc "tìm đâu ra những bông hoa có mật". Và "Sư tử chúa sơn lâm" thì đối mặt với việc "muông thú hiếm, đồng cỏ khô". Cuối cùng là ông, ông ví mình hiện như "sư tử, bướm vàng" bị "Thượng đế thả rông trên mặt đất". Như vậy, đằng sau vẻ "thanh cảnh" hoặc "oai phong" kia là nỗi lo rất đời thường. Hẳn ông muốn khái quát về tâm trạng của một lớp người hiện nay?
+ Nói trắng ra là, cái nỗi lo đời thực nó luôn thường trực, váng vất trong đầu của hầu hết chúng ta. Cả anh, cả tôi, để tồn tại trên đời này đều khó khăn vất vả, đều chật vật. Có nghĩ như thế, chúng ta mới đồng cảm được với nhau hơn…
– Có người nói, bài "So sánh" viết về tình yêu như thế là quá "mạnh bạo". Và đó là một trong những lý do để ông cho in tập thơ của mình ở chính NXB ông quản lý, vì rất có thể ở nơi khác, người ta chưa chắc đã duyệt in bài thơ nói trên?
+ Tôi nghĩ, với thơ – mỗi người một quan niệm. Như tập thơ của tôi, biết đâu khi đưa nơi khác, họ sẽ vặn vẹo bỏ đi một số bài. Ở đây tôi tự duyệt. Và với kinh nghiệm hơn chục năm làm lãnh đạo, đọc duyệt nhiều, tôi nghĩ tập thơ của tôi không có bài nào sai trái, hoặc gây phản cảm với người đọc.
– Xin cảm ơn ông!
Theo Phạm Khải – CAND Online