Đời này vốn có rất nhiều nghề. Tuy nhiên, dẫu là có bao nhiêu nghề đi nữa – tới mức đếm không xuể – thì tựu lại cũng chỉ có hai loại nghề : Những nghề có được bởi nhân chức (nghĩa là con người truyền dạy cho nhau (đào tạo), rồi thành các công việc mà bổn phận phải làm) và những nghề có được bởi thiên chức (còn gọi là thiên bẩm, đó là những nghề có được từ tạo hoá ban cho).

Và người nào có được khả năng thiên chức này, thời họ có bổn phận hành nghề một cách mẫn cán nhất. Cũng còn có một định nghĩa khác nữa, đó là những người làm việc theo bổn phận một cách rất có tài, rất là tài năng. Và tất cả những công việc trong lĩnh vực nghệ thuật và văn học, những người làm nghề ở lãnh vực này, đều hành nghề theo một thiên chức, người ta cũng gọi đó là tài năng giời cho. Vậy, sẽ có người cãi bảo rằng, các nhà toán học chả hạn, nhà toán học tài năng nữa, thì ra sao?

Vâng, đó cũng được gọi là thiên chức, là tài năng giời cho. Và khi đã có cái thụ bẩm giời cho đó, thì người ta học một mà biết mười biết trăm, đương nhiên trong nghề toán này cũng có nhiều người tài vừa phải thôi. Trong các nghề thuộc văn chương nghệ thuật, thiên chức là một cái gì đó toả rạng trong mỗi câu văn, trong giọng hát, trong nghệ thuật điện ảnh và sân khấu, trong múa, trong âm nhạc (giao hưởng).

Bởi vậy, trong hệ thiên chức riêng của nhà văn, có một thiên chức "chết người", đó là thiên chức cảnh báo. Rất nhiều người ghét cái thiên chức cảnh báo này của nhà văn. Và biểu lộ trong cái sự ghét đó, đầu tiên là họ bảo nhà văn bịa ra. Ngoài những người ghét, còn có những người đố kỵ, từ đố kỵ đến vu cáo, từ vu cáo đến lôi kéo cho thành một số đông ủng hộ với sự đố kỵ đó. Đấy là chưa kể đến những nhà văn nổi tiếng, thời danh, thì sự cảnh báo của những nhà văn này đều có nguồn gốc chắc chắn từ cái nhìn, cái thấy, cái cảm, cái nghĩ của từ rất nhiều chiều khác nhau, trong khi họ – những người thường – thì chỉ cảm, chỉ nghĩ, chỉ nhìn, chỉ thấy có đúng một chiều, và may lắm thì thêm một chiều ngược lại.

Và đã là nhà văn với thiên chức như kể trên, thì duy nhất chỉ có một thứ với nhà văn, chỉ có một thứ thôi, đó là tác phẩm. Còn bây giờ, khối ông nhà văn mà chả thấy ông nào có tác phẩm cả, hoặc là có thì cũng vậy vậy để lấy cớ vào Hội. Tác phẩm của nhà văn là tiểu thuyết. Tiểu thuyết là mục đích quan trọng số một của nhà văn, và là áng văn xuôi đầu nhất của nhà văn. Nhưng, trước khi nói đến tiểu thuyết – cái thế giới văn xuôi duy nhất ấy – thì các thể loại văn xuôi khác đã xuất hiện và trường tồn trong cái thế giới đa sắc mầu và thật là ngoạn mục của nó. Bắt đầu là phóng sự, rồi ghi chép, rồi bút ký, rồi ký sự, rồi tuỳ bút, rồi tạp cảm, rồi tạp văn v.v… Các thể loại trên đây chính là các ngả đường đi đến với tiểu thuyết. Mỗi một ngả đường đó đều tự nó có riêng một danh phận. Và các loại chất lượng của các thể loại văn xuôi đó, nó là một thao trường vô cùng hữu ích cho nhà văn, để nhà văn từ đây sẽ biết mình là thế nào trước khi đi vào viết một cuốn tiểu thuyết. Và, cho tôi được nhấn mạnh cái điều vô cùng hệ trọng này là : Nếu có ai đó muốn bỏ qua các thể loại văn xuôi đã kể ra ở trên đây, để cứ vậy mà đi thẳng đến tiểu thuyết, thì cầm chắc rằng khi người đó viết được ra một tiểu thuyết ư, làm sao mà đọc nổi cho được. Kiểu dạng của tiểu thuyết cực kỳ phong phú, và cực kỳ khác nhau.

Nói về chất lượng của tiểu thuyết thì có vô vàn cách nói. Nhưng tựu lại chỉ duy nhất một điều : Tiểu thuyết, đó là có tiểu thuyết hay không thì hãy đọc đi, và thử xem xem các nhân vật trong đó như thế nào. Vậy, tiểu thuyết là sự miêu tả nhân vật. Ở nước ta, nhà văn đến nay đã qua bốn năm thế hệ rồi, nhưng tiểu thuyết cho đúng với tiểu thuyết, thật quả chưa đếm đủ trên hai lần của mười đầu ngón tay. Nếu một tiểu thuyết mà các nhân vật trong đó đều là hình dung, rồi cả cách ăn nói như tác giả của nó hiện hình, thì không thể nào kể được đó là tiểu thuyết cả. Đến đây cũng nên nói cho hết nhẽ : Có nhà văn mà các tác phẩm của ông ấy, người ta chỉ kể được rằng : đó là thể loại văn xuôi mang tên ông ấy. Vậy cũng là siêu rồi. Như Nguyễn Tuân chả hạn. Thể loại văn xuôi Nguyễn Tuân, trong các thể loại văn xuôi như kể trên, thì có ba thể loại cực kỳ quan trọng, đó là : phóng sự, ký sự, ghi chép. Phóng sự là cách ghi nhanh các sự kiện xung quanh một chủ đề và tạo nên một tốc độ tiếp nhận cho người đọc. Chính cái cách tạo nên tốc độ, đã khiến cho chủ đề của phóng sự toả rạng ngay trước người đọc. Còn ký sự là trình bầy một cách sinh động các sự kiện, khiến cho sự tương tác của các sự kiện đã dẫn người đọc đến chủ đề. Còn ghi chép, hàm ẩn hơn. Bởi toàn bài ghi chép phải là sự tàng ẩn của sự kiện mà các nhân vật hoạt động, rồi cùng với sự kiện mà hiện ra trước người đọc. Bây giờ có lẽ là cái thời mà có tới 400 tờ báo, nhưng chả thấy có một bài phóng sự nào, ký sự nào, ghi chép nào cho ra hồn.

Các thể loại văn xuôi ở nước ta xuất hiện từ rất sớm. Vào thế kỷ thứ V tại Giao Châu (nước Việt xưa), có ba thiền sư tên là Đạo Cao, Pháp Minh và Lý Miễu đã viết thư cho nhau bằng chữ Hán để trao đổi về tình hình Phật giáo thời bấy giờ. Sáu bức thư bằng chữ Hán này là thể văn xuôi đầu tiên của nước ta. Tuy vậy, những thế kỷ sau đó, thể loại văn xuôi cũng ít lắm, so với thơ thì lại càng ít. Vì các thể loại thơ, không hiểu sao, bất cứ một nho sĩ nào được gọi là túc nho, thảy đều có làm thơ, ít thì một vài bài thơ, nhiều thì vài tập thơ, nhất là thơ Đường luật.

Nhà văn với thiên chức là cái mà trời cho, muốn gìn giữ để mãi mãi cái thiên chức ấy ngày càng xum xuê trong hồn mình, trong não bộ và con tim của mình, thời phải vô cùng nỗ lực mà tự học. Ở đời, người ta có thể đào tạo được vô khối nghề, nhưng nhà văn và nghề văn thì không. Mà chỉ có tự nhà văn đó rèn rũa ra sao để cho cái thiên chức ấy sinh sôi và phát triển. Thế cho nên, tự học hỏi là một cái nghiệp suốt đời người. Là công việc làm suốt một đời viết. Có một nhà văn lão thành nói với tôi rằng : "Đọc được một tiểu thuyết dở, có ích cho mình hơn cả việc đọc một cuốn tiểu thuyết hay… " Điều ấy rất đúng. Hồi còn đi làm, tôi thường làm biên tập. Tất cả các truyện ngắn, tiểu thuyết lai cảo mà Hội đồng biên tập tạp chí bỏ ra, không dùng, tôi đều sưu tập lại và đọc một cách nghiền ngẫm và trân trọng. Bởi tôi nghĩ, một truyện ngắn lai cảo, một tiểu thuyết lai cảo, tạp chí không dùng vì dở. Nhưng với người tác giả của những lai cảo này, thì sản phẩm này tựu lại là công sức to lớn của mỗi người trong số họ. Đọc xong, tôi thường đem hoàn lại cho người viết, đến thời có phô-tô-cóp pi, tôi đem chụp lại để giữ bản chụp, còn đưa cho tác giả bản chính.

Trong các thể loại thể truyện thì chỉ có truyện ngắn và tiểu thuyết, không có cái vẫn gọi là truyện vừa. Truyện ngắn là số lượng từ 20 trang đổ lại, còn dôi dư ra nữa, 30, 40, 50 trang thì đã là tiểu thuyết rồi.

Vậy giá trị của tiểu thuyết vì sao lại được đề cao như vậy. Cũng dễ hiểu, vì tiểu thuyết có được nhờ vào tác giả của nó đã biết cách bằng thể loại văn xuôi có danh phận đã tổng hoà được trong đó một diện mạo mới của tất cả các mối quan hệ giữa người với người, để rồi từ đấy mà gọi ra một chủ đề, một tư tưởng. Vậy, yếu tố tư tưởng của tác phẩm là tột bậc quan trọng. Không có nó, thiếu nó, tác phẩm sẽ mất hết ý nghĩa và việc làm của tác giả là công cốc công cò…

Thế còn truyện ngắn, loại hình truyện ngắn, danh phận và chức năng của nó là khiến cho tác giả đó, nhà văn đó thấy ngay ra được một nút thắt có ngay trong đời sống, trong quan hệ người với người. Cái điều mà người đời không thấy, không nhìn ra, thì nhà văn đã gợi ra và hoàn chỉnh nó. Những nhà văn chuyên viết truyện ngắn, một số tôi đã gặp, họ rất đáng mến và họ sống rất sinh động, phong phú. Và, điều này nữa, cũng khá quan trọng là họ sống kỹ càng lắm, chi chút lắm. Truyện ngắn, tôi thấy nhà văn nào mà viết thành công trong các cuốn tiểu thuyết của ông ấy, thì ông ấy cũng là tác giả của nhữ
ng truyện ngắn hay, đọc sướng cái lỗ nhãn lắm. Bởi vai trò của truyện ngắn còn là danh phận của các chương trong tiểu thuyết. Thử hỏi, trong tiểu thuyết nọ có mươi chương mà mỗi chương được kết cấu như những truyện ngắn, thì đấy là cuốn tiểu thuyết tuyệt hảo, và cũng là cái mà giời cho. Nhà văn Ma Văn Kháng là một người như thế.

Nhà văn và tư tưởng tác phẩm, làm thế nào để khi vào sáng tác một tiểu thuyết nào đó đạt được đến cái độ, tư tưởng của tác phẩm đồng hành với ngòi bút của nhà văn? Một nhà văn lão thành là cụ Nguyên Hồng, tôi thường có nhiều dịp cùng với cụ một phòng, mỗi người mỗi giường và mỗi người mỗi bàn. Tôi đã hỏi cụ cái câu tôi vừa viết ra ở mấy giòng trên, thì cụ bảo tôi : "Hãy biết sống cho kỹ lưỡng. Người đời họ hay sống qua quýt vì họ có mục đích của riêng họ. Họ chỉ nhăm nhăm vào cái mục đích đó, còn mọi cái khác họ qua quýt. Nhưng nhà văn thì phải khác, phải biết sống kỹ lưỡng trong từng ngày sống, trong từng cái nơi mình sống, dẫu chỉ đi qua. Vậy cái ý tứ của một truyện ngắn, của tiểu thuyết tự nó, nó sẽ hiện ra cho anh dắt đi". Phải nói thực là bấy giờ, khi nghe cụ xong, tôi ngợp luôn, như chìm nghỉm trong lời cụ. Nhưng rồi lời cụ cứ vậy đã dắt tôi đi. Bây giờ nhớ lại, lời ấy của cụ nói với tôi, là vào giữa năm 1970. Đã 40 năm.

Có một loại tiểu thuyết nữa, lại tiểu thuyết này chỉ "đọc" bằng tai là nghe bằng tai và rồi muốn hiểu được loại tiểu thuyết này thì người nghe phải rất có kiến thức : đó là nhạc giao hưởng. Khi nói đến âm nhạc, người ta bao giờ cũng nói đến Sanh-phô-ni (giao hưởng) chứ không ai nói đến ca khúc (bài hát), thứ này thường dành cho các ca sĩ họ sáng tác và rồi họ hát. Ở Mỹ có một ca sĩ vĩ đại, đó là Maicơn Giắcsơn. Ông là ca sĩ dân gian, lời và khúc thức của bài ông hát là lấy từ dân gian châu Phi. Và cái nhẩy của ông nữa, tuyệt hảo, cũng lấy từ vô vàn các điệu nhẩy từ châu Phi. Điều đặc biệt, mỗi ca khúc mà ông hát đều hàm ẩn một tầm vóc giao hưởng. Maicơn Giắcsơn là thần tượng của tôi. Các nhạc sĩ vĩ đại lại cũng thường có ca khúc và ca khúc của ông cũng rất nổi tiếng (ca khúc là truyện ngắn của văn). Như nhạc sĩ Sube, ông ca ngợi một cảnh đẹp chiều tà, nên ông đã có bài Sê-rê-nát của Sube vậy. Còn tiểu thuyết âm nhạc – giao hưởng – một nhạc sĩ vĩ đại nữa là nhạc sĩ Nga Sốttakhôvít : Ông có một tiểu thuyết âm nhạc mà khi nghe xong đã chấn động hàng triệu con tim, đó là bản giao hưởng có tên là Lêningơrát. Khi thành phố này bị phát-xít Đức bao vây trong 900 ngày đêm, ông sống trong thành phố đó cho đến ngày Hồng quân giải phóng. Ông đã nẩy ra ý định sáng tác một giao hưởng cho xứng với tầm vóc của hiện thực. Ông nói, sự kiện 900 ngày đêm vừa qua không thể miêu tả nó trong Moócsô hay Cuvéctuya được, mà phải là Sanhphôni. Thế là ông cắm cúi viết bên đàn dương cầm, và giao hưởng Lêningơrát với 4 chương, dài trong bốn mươi nhăm phút ra đời. Và buổi công bố đầu tiên của bản giao hưởng này xong, tất cả người nghe khi rời ghế của mình ra về, ai nấy đều đẫm nước mắt. Có một nhạc sĩ nữa người Tiệp khắc tên là Đờvoóczắc, khi qua sống ở Mỹ, ông đã sáng tác một bản giao hưởng – tiểu thuyết bằng âm thanh – có tên là "Thế giới mới". Bản giao hưởng sau cũng rất nổi tiếng.

Vậy, giao hưởng – tiểu thuyết bằng âm thanh với tiểu thuyết bằng ngôn từ, bằng chữ viết có quan hệ thế nào với nhau đây. Phải nói ngay rằng, rất có quan hệ, quan hệ cực kỳ mật thiết. Bởi âm thanh vốn nó có từ trước ngôn ngữ rất lâu. Và trong mỗi thanh âm nó đều hàm ẩn một hiện thực hiển nhiên, như nhiên. Và khi ta nghe đến một cái, tức thì ta hình dung ra ngay một hiện thực.

Nhà văn sẽ học được một cách đắc ý nhất khi ham thích nghe nhạc giao hưởng. Bởi không có bất cứ một hiện thực nào của đời sống dẫu nhỏ nhặt nhất, giao hưởng với một hệ thống âm thanh cực kỳ khoa học, không miêu tả được. Chẳng những vậy, giao hưởng bằng âm nhạc miêu tả được một cách trọn vẹn, xuất sắc. Và cũng chẳng những vậy, tác động của âm nhạc hơn rất nhiều tác động của ngôn từ, vì mỗi đơn vị âm thanh (âm nhạc) là đi thẳng, còn ngôn từ đi đường vòng. Âm thanh (âm nhạc) có tốc độ rất lớn, còn ngôn từ thì chậm và từ tốn.

Cho nên nhà văn nào mà yêu âm nhạc (giao hưởng) thì sẽ nhận được những gợi mở, những liên tưởng rất có ích cho nhà văn đó khi viết tiểu thuyết.

Có một nhà văn người Pháp rất kỳ lạ, ông tên là Mácsen Pruss. Ông là tác giả của cuốn tiểu thuyết cũng rất kỳ lạ, tên của tiểu thuyết là Đi tìm thời gian đã mất. Cả đời của Mácsen Pruss chưa bao giờ đi quá khỏi nhà một trăm mét. Ông sống hoàn toàn khép kín, không giao tiếp với bất cứ ai ngoài người thân. Bộ tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất của ông, ông đã viết bằng một bút pháp cực lạ
, là ở tác phẩm hiện diện tất cả các thể loại mà văn chương Pháp hiện có, và rất khó đọc nhưng hãy cứ nhẫn nại đọc, thì lạ nữa, đọc xong lại muốn đọc lại. Và đọc lần sau, thì càng thấy hay. Cũng vì thế mà độc giả Âu châu mê cuốn sách này, rồi ông được trao giải Nôben. Và nữa, khi viết, ông vặn các đĩa nhạc giao hưởng làm nền. Còn một nhà văn nữa cũng rất kỳ lạ, là bà Agatha Cơrítti, nhà văn Anh. Bà là tác giả của 27 cuốn tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng thế giới. Cả đời bà chưa khi nào bà đi thực tế với cảnh sát Anh. Bà chỉ đi và sống cùng chồng ở những nơi chồng bà được cử đến để tự nhận. Còn trên bàn viết của bà có một chồng các tập sách viết về tội phạm gọi là Tội phạm học.

Hình thành và sự tồn tại của nhà văn là rất kỳ lạ và cực kỳ khác nhau. Chỉ có một điều giống nhau, đó là nghề văn, nhà văn không thể có lớp lang đào tạo. Mỗi nhà văn, tự họ phải tự đi mà đào tạo mình.

Bùi Bình Thi
Nguồn : VNQĐ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *