I – Trang viết bậc thầy

Nhà văn Tô Hoài ( trái) và nhà thơ Vân Long

 

Trước những năm 60  của thế kỷ trước, tôi cư ngụ ở một nhà số chẵn phố Nguyễn Gia Thiều. Bên dãy số lẻ trước mặt có một ông già nhỏ bé, luôn mặc bộ quần áo màu chàm. Nhờ đi họp khu phố, nghe bà con xì xào, tôi mới biết đó là cụ Vi Văn Định, từng là Tổng đốc Hà Đông, Tổng đốc Thái Bình khét tiếng một thời về tính hách dịch. Khi làm quan ở Thái Bình, buổi trưa ai lê guốc ngoài đường mà trong dinh nghe được là quan Tổng đốc cho lính bắt vào đánh, còn ở Hà Đông, quan ghét bèo Nhật, đến làng nào trông thấy bèo Nhật là quan bắt nọc lý trưởng, phó lý ra đánh đòn giữa sân đình. Cho nên nghe giai thoại Nguyễn Thế Truyền (một nhà trí thức Tây học) dám bạt tai “cụ lớn” ở bến phà Tân Đệ, mọi người đều thấy hả dạ (duyên do con phà chở Nguyễn Thế Truyền đã sắp cặp bờ bên kia, lại phải quay đầu lại vì lệnh cụ lớn, không muốn phải chờ đợi)… Nhân vật như từ “cổ tích” ai hay lại nhỏ bé, hiền khô, rất chăm đi họp với bà con dân phố chúng tôi. Tôi rời khu phố ấy đi ở nơi khác, nhân vật “cổ tích” ngỡ mất dạng, chỉ còn le lói trong ký ức, không ngờ, tôi vẫn được gặp lại cụ trong trang văn của Tô Hoài với một sắc thái lạ:

“Tôi trông thấy trong nhà thường đi ra một ông lão người nhỏ thó, mặt và râu nhợt nhạt, áo sơ mi trong áo vét tử tế nhưng đã cũ. Cụ ra vỉa hè, ngồi xuống vén ống quần. Mấy đứa trẻ như đã rình đằng kia, vừa chạy lại vừa la “Chúng mày ơi! Lại xem cụ đái… cụ sắp đái…”.

Nghe chúng nó gọi nhau thế, cụ lại đứng lên, thong thả đi vào trong. Nhưng quả là có hôm khác tôi trông thấy cụ ngồi xuống, vạch quần ra đái tự nhiên. Người già cũng như trẻ con, đứng đâu đái chẳng được.

Ta nhìn nhiều cũng đã quen. Chỉ còn ngượng, nếu khi nào đưa khách nước ngoài từ sân bay vào thành phố, thỉnh thoảng trông thấy các chị đi trên đê, đương gồng gánh tong tả, lại xắn quần, đứng giạng háng ra.

Cô Đàng công an hỏi tôi:

– Cụ ấy trước là cán bộ cao cấp đấy, bác đã bảo các cháu phải lễ phép chưa?

– Cô biết cụ là cán bộ gì…

– Trong sổ hộ khẩu tên cụ là Vi Văn Định…

– À thế thì cụ là quan đế quốc không phải cao cấp ta.

………………………………………………………………

Ra cái cụ gầy còm lù khù ấy là Vi Văn Định. Cụ lại ra vỉa hè, lừ đừ thong  thả đi.

– Chào cụ Vi!

Ông cụ ngước mặt. Tôi nói:

– Tôi đã đuổi đám trẻ con hỗn với cụ, cụ cứ đái tự nhiên.

(trang 219-220 "Chiều chiều" của Tô Hoài, NXB Hội Nhà văn, 1999) 

Nhà văn Tô Hoài

 Cách viết của nhà văn Tô Hoài cứ tưng tửng như đùa mà ý nghĩa nhân văn thật lớn. Cô công an hộ khẩu  quá trẻ, chưa biết Vi Văn Định là ai, đồng nghiệp của cô thấy cũng không quan trọng gì với ông “quan đế quốc”, mặt và râu đã nhợt nhạt như dĩ vãng của ông ta nên chưa cần nhắc nhở đó là “kẻ thù giai cấp ngày xưa”, nên chắc cô cũng nghĩ được như nhà văn “Người già cũng như trẻ con, đứng đâu đái chẳng được”.

Cho nên không lề luật gì với ông cụ đã lẫn (căn nhà tử tế như thế, có toa lét tiện nghi là tất nhiên, việc gì phải đái đường!), cô  chỉ quan tâm sự hỗn láo của trẻ nhỏ với người già nên nhắc nhở ông đại biểu dân phố Tô Hoài “bác đã bảo các cháu phải lễ phép chưa?”.

Cả hai vị có trách nhiệm với việc đẹp nhà sạch phố đều đặt sự tôn trọng người già lên trên hết. Ý nghĩa nhân văn lớn, nhưng ngôn ngữ giản dị, ngắn gọn đời thường của nhà văn khiến ta phải bật cười: “À! Thế thì cụ là quan đế quốc, không phải cao cấp ta!“ ông Đại biểu dân phố lại còn mời cụ… đái bậy: “Tôi đã đuổi đám trẻ con hỗn với cụ, cụ cứ đái tự nhiên!”. Nào phải chữ nghĩa to tát gì mới nói được điều nhân ái, nét đẹp thường ngày của người dân!

 

II – Bài học từ hai trang giấy nhỏ

Bên cạnh sự nổi tiếng về viết, nhà văn Tô Hoài còn nổi tiếng với sự đọc khá rộng các cây bút trẻ “mình đang bơi nên cũng muốn xem chung quanh các bạn bơi như thế nào?”.  Và hễ có dịp là nhắc nhở về sự tùy tiện chữ nghĩa cụ gặp phải.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn  đã được cụ hỏi “Nếu đảo câu “Tôi và Lâm Thị Mỹ Dạ đến thăm…” bằng “Lâm Thị Mỹ Dạ và tôi đến thăm…” thì có khác gì không? Thanh Nhàn (và tôi) giật mình: Ừ nhỉ! Đặt bạn lên trước, rõ ràng là tôn trọng Mỹ Dạ hơn, mình khiêm tốn hơn chứ!

Nhưng việc ấy chỉ thành ấn tượng, khi tôi được nhà văn đàn anh đích thân chỉ bảo. Tôi biết thì giờ của cụ rất quý nên khi tặng sách cụ, tôi phải nói thêm: “Vì được bác hỏi thăm đến cuốn sách nên mới dám tặng, lúc nào rảnh bác hãy đọc…”.   

Quả thật tôi cũng không dám mong đợi hồi âm gì. Thế mà chưa tới  mười ngày, đã nhận được hai trang giấy nhỏ, tôi đếm được đúng mười cái gạch đầu dòng, tức mười ý kiến cụ chỉ ra cho, cụ mở đầu:

“Tôi đã đọc xong Những gương mặt – những trang đời (*). Tôi đã được biết thêm nhiều chi tiết thú vị của các bạn văn dưới ngòi bút tình cảm của Vân Long. Có một số chi tiết bàn thêm với Vân Long, có thể nếu có cái đúng thì tốt cho khi tái bản”.

Thật cảm động về sự chí tình, sự khiêm tốn và cách động viên của nhà văn đàn anh. Sau đó, cụ nhặt ra từng hạt sạn ở từng chữ, từng dòng:

–Trang 39, trích câu của Trần Lê Văn: khăn xếp thay bằng khăn quấn, phải bỏ chữ bằng đi thì mới chính xác và rõ nghĩa, vì khăn xếp ra đời sau khăn quấn. Nhưng câu văn ấy lại không phải của Vân Long. (Quả nhiên khi tôi kể lại với nhà thơ Trần Lê Văn, ông thừa nhận ngay: Đúng! Tôi viết chữ bằng là thừa, ông này (Tô Hoài) tinh thật!). 

 

III – Hiện thực và… hiện thực

Ngày  25/11/2005, tôi dự buổi hội thảo khoa học Để có tác phẩm hay do Hội Văn nghệ và Chi hội Nhà văn Hải Phòng tổ chức. Nhiều nhà văn cho rằng sang giai đoạn mới, phương pháp hiện thực XHCN và cách viết hiện thực chưa đủ để các nhà văn sáng tạo.

Có người nhắc đến một tổ chức quốc tế đã bình tác phẩm Đôn Kihôtê của nhà văn Xecvăngtét là tác phẩm hay nhất mọi thời đại. Thế mà nhân vật Đôn Kihôtê được nhà văn “bịa” hoàn toàn từ đầu thế kỷ 17, nhà văn cần phải thông qua cái nhìn thấy để viết cái cảm thấy v…v…

Về Hà Nội, gặp nhà văn Tô Hoài, tôi kể sơ sơ tình hình hội thảo. Cụ cười hóm hỉnh, đại lượng: “Ông Xecvăngtét có được Đôn Kihôtê cũng nhờ làm nghề thu thuế đi khắp đất nước. Hiện thực bao giờ chẳng là cái gốc của đời sống. Cao Hành Kiện có Linh Sơn cũng do chuyến về thăm vùng phía bắc Trung Hoa. Có ngồi một chỗ mà bịa được đâu!…Vả lại, người ta có thể biến tôi với ông thành… quỷ cũng được, nhưng phải có cái gì nhận ra Tô Hoài, Vân Long chứ!”.

Rồi cụ nhận xét tình hình văn học của mình đang “phá ra” như Trung Quốc, nhưng khác Trung Quốc là chưa có được những tác phẩm định hình.

Dẫu có cuộc trao đổi đó, khi đọc Ba người khác (NXB Đà Nẵng, 12/2006) tôi vẫn ngạc nhiên vì sự mới mẻ trong  bút pháp này của Tô Hoài), ông tả thực đến mức tàn nhẫn, miêu tả nhục cảm rất tự nhiên…

Khi đến đặt bài cho số báo Tết Đinh Hợi, tôi hỏi ông:

– Thưa bác, phải chăng, cuộc CCRĐ đã có đủ độ lùi cần thiết, hoặc khi người ta mạnh lên (như văn học Trung Quốc đã mạnh dạn thừa nhận những sai lầm dĩ vãng…) mới dễ nhìn thẳng vào những khiếm khuyết đã qua? Có lẽ chỉ sau APEC 2006, sau khi nước ta gia nhập WTO mới dễ xuất bản cuốn đó chăng? Bác viết xong cuốn đó từ đầu những năm 90, vậy có phải chỉnh lại cho hợp với nhãn quan mới?

Nhà văn Tô Hoài thủng thẳng:

– Nếu những điều ông đoán định là đúng thì nó thuộc về khâu xuất bản, còn nhà văn thì cứ ghi chép đời sống trung thực theo cách của mình, tôi chả phải sửa lại gì… Cải cách ruộng đất là cuộc cách mạng rất lớn, đã nhiều người viết về nó, tôi là đội phó đội cải cách kiêm phụ trách tòa án đến 3 năm. Đó là điều tôi khác các nhà văn cực đoan không hiểu gì về CCRĐ mà lại lên án nó… nhất là khi họ đã ở nước ngoài!

Phòng viết của cụ ở Nghĩa Đô là căn phòng xây thêm ra ngoài vườn, trông ngoài như cái lô cốt, mùa rét đóng cửa trông bịt bùng lắm. Nhưng khi ngồi bên

bàn viết tiếp tôi, cụ mở cánh cửa sổ phía trong,  hóa ra bên ngoài là một con phố nhỏ, bên kia đường là một quán nước có mấy người công nhân xây dựng quần áo lấm lem vôi vữa, đang tranh luận gì hăng hái lắm. Nếu cụ mở nốt cửa kính, chắc sẽ nghe được họ nói gì.

Hóa ra nhà văn vẫn “đặt bàn viết giữa cuộc đời” như nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn đã viết về cụ, mặc dầu cụ không còn tham gia công tác đường phố như trước.  

Có lẽ cứ từng chút, từng chút một, bắt đầu bằng Dế mèn phiêu lưu ký niềm say mê thuở nhỏ của chúng tôi, qua giai đoạn hiện thực có xen bút pháp sử thi (như Vợ chồng A Phủ) trên 150 tác phẩm. Tưởng như vậy đã xum xuê tàn tán lắm rồi, cuối đời lại bật ra một nhành mới thật riêng và lạ: Cát bụi chân ai, Chiều chiều, bây giờ là Ba người khác, viết cứ như chơi, tưng tửng, đùa cợt… làm khuynh đảo cả những cách viết cũ mà vẫn hiện thực đến tận cốt lõi đời sống.

Giai đoạn này, nhà văn thực sự là một nhân chứng lớn của lịch sử, viết trực diện về con nguời xã hội, con nguời văn học, tôi cảm thấy cây cổ thụ Tô Hoài vẫn phủ bóng rợp lên thế hệ nhà văn chúng tôi.   

 Theo Vân Long ( Hội Nhà văn Việt Nam)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *