"Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển/ Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa/ Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/ Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa", những vần thơ được Nguyễn Việt Chiến viết ra từ năm 2009, đang được lan truyền mạnh mẽ trong cộng đồng.
– Sau khi được đăng tải trên báo Thanh Niên, bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của ông được lan truyền mạnh mẽ trên mạng. Ông có thể chia sẻ về sự ra đời của bài thơ?
– Sau khi bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” đăng trên báo Thanh Niên ngày 29/5, tôi cũng không ngờ nó lại có sức lan tỏa nhanh đến thế. Bài thơ đã được rất nhiều trang mạng điện tử trong và ngoài nước cùng hàng nghìn blog đưa lại.
Người ta vẫn nói, nhà thơ thường có những câu thơ tiên tri. Tôi nghĩ giản đơn hơn, nhà thơ phải nói lên tiếng nói của nỗi đau và khát vọng dân tộc mình. “Tổ quốc nhìn từ biển” là bài thơ đầu tiên tôi viết sau chuỗi ngày hoạn nạn. Ba tháng sau khi trở về tiếp tục nghề báo tại Báo Thanh Niên, tháng 4/2009, tôi được mời đi dự trại sáng tác văn học của Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Hạ Long. Trại sáng tác do Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp với Cục chính trị quân chủng Hải quân tổ chức với đề tài sáng tác "Biển, đảo và người chiến sĩ hải quân” với sự tham gia của đông đảo các cây bút sung sức trong và ngoài quân đội. Hôm khai mạc trại sáng tác, một sĩ quan cao cấp của quân chủng hải quân đã nói chuyện cả một buổi sáng với các nhà văn về tình hình biển – đảo của chúng ta hiện nay. Có lẽ đã rất lâu, tôi và một số nhà văn mới tiếp cận được những thông tin có thể gọi là khá nhạy cảm và nóng bỏng từ nhiều phía về đề tài này.
Tôi nghĩ, đối với những người cầm bút hôm nay, vượt lên trên tất cả vấn đề thời sự nhạy cảm ấy là tình yêu Tổ quốc. Tình yêu đó được nuôi dưỡng trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam qua nhiều thăng trầm, và hình như lại đang được khơi dậy trong những tháng năm này. Chính tình yêu đó đã thôi thúc tôi viết bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” ngay trong ngày đầu dự trại sáng tác văn học Hạ Long.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trong một chương trình đọc thơ. |
– Ông sáng tác bài thơ trong bao lâu?
– Tôi viết bài thơ khá nhanh. Tôi dự trại viết có một ngày, hôm sau phải về Hà Nội vì có công việc báo chí. Trên đường về, có nhà văn quân đội hỏi tôi: “Ông đi dự trại sáng tác có một ngày thì liệu viết được gì?”. Tôi tự tin nói: “Tôi sẽ có một bài thơ để đời về đề tài biển – đảo vì tôi đã nghĩ ra một tứ thơ khá hay và độc đáo. Điều quan trọng là vốn sống văn học đã được tích lũy nhiều năm và trên hết là tài năng, sự hứng khởi và tấm lòng của người cầm bút đối với đất nước”. Chỉ cần một buổi sáng nghe lãnh đạo hải quân thuyết trình về những hiểm họa đang rình rập đất nước, tôi đã thấy mình như lên cơn sốt, muốn viết ngay một khúc tráng ca về những người con của Tổ quốc đã hy sinh ở Hoàng Sa và Trường Sa. Bài thơ tôi hoàn thành trong có một ngày.
– Tâm trạng của ông khi viết ra những câu thơ trong "Tổ quốc nhìn từ biển"?
– Đó là sự thao thức, bồn chồn trước những hiểm họa đang đến gần trên các vùng biển đảo của Tổ quốc thân yêu. Đất nước của chúng ta liên miên trận mạc suốt bao đời, những nỗi đau thương chiến tranh còn ghi dấu nơi rừng sâu, biển thẳm. Và qua nhiều thế kỷ, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc chúng ta đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình, đã vĩnh viễn nằm dưới cỏ để gìn giữ non sông này, để mang lại tự do và hạnh phúc cho thế hệ mai sau… Những cảm xúc trên đã thao thức trong tôi suốt một ngày dài ở trại sáng tác văn học Hạ Long.
– Những câu thơ nào khiến ông phải day dứt nhất khi viết ra?
– Ngay câu thơ đầu tiên mở đầu bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” tôi đã phải cân nhắc rất kỹ, nâng bút lên, đặt bút xuống nhiều lần. Câu thơ nguyên bản ban đầu là: “Nếu Tổ quốc bị xâm lăng từ biển / Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa” – ba chữ “bị xâm lăng” ở đây nghe có vẻ rất phù hợp vì Hoàng Sa của ta bị chiếm cứ rồi. Nhưng sau khi xem xét lại, tôi cho rằng, nếu để ba chữ “bị xâm lăng” ở đây thì câu thơ nghe có vẻ hơi nặng nề, nên tôi quyết định thay ba chữ ấy bằng “đang bão giông”. Do vậy khi in ra, câu thơ chính thức trên mặt báo là: “Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển / Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa”. Tương tự như vậy, có nhiều câu thơ khác tôi cũng phải suy ngẫm và xem xét khá kỹ trước khi cho công bố.
Bản nhạc phổ lời bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển". |
– Bài thơ đã được nhạc sĩ Phạm Minh Thuận phổ nhạc. Ông nhận xét thế nào về bản nhạc này?
– Thật ra, tôi không biết ký xướng âm và cũng chỉ nghe nhạc sĩ Phạm Minh Thuận hát cho nghe đôi câu qua máy điện thoại nên cũng chưa dám có nhận xét gì về bản nhạc phổ bài thơ của tôi. Điều quý giá là tấm lòng của người nhạc sĩ phổ thơ tôi. Nhạc sĩ Phạm Minh Thuận cho rằng “Bài thơ này đã quá nổi tiếng rồi nên khi phổ nhạc cũng phải cân nhắc lắm”. Tuy nhạc sĩ đã cắt bỏ một số đoạn trong bài thơ và có sửa một số chữ, nhưng nhìn chung vẫn giữ được cái tinh thần cốt lõi của bài thơ.
– Tổ quốc và đất nước là nguồn cảm hứng lớn trong thơ ông. Sau “Thời đất nước gian lao”, ông lại tiếp tục gây xúc động với “Tổ quốc nhìn từ biển”. Theo ông, điều quan trọng nhất để những bài thơ Tổ quốc trở nên gần gũi, đi vào lòng người là gì?
– Có người cho rằng, có thể tình yêu Tổ quốc đồng nghĩa với trách nhiệm công dân của mỗi một con người trước số phận của dân tộc, của đất nước mình. Thôi, xin hãy bớt nói những điều lớn lao, những lời vĩ đại như vậy. Chúng ta là con dân của đất Việt, ông cha ta từ ngàn năm trước đã lên rừng, đã xuống biển để khai phá, dựng xây non nước này. Và, biển đảo ấy là một phần gia tài nghèo khó mà ông cha ta tự ngàn xưa đã không tiếc máu xương, công sức để giữ gìn, để truyền đời lại cho cháu con hôm nay.
Có thể nói, khi viết bài thơ này, tôi đã vượt được qua nỗi đau đời thường của riêng mình để nghĩ về Tổ quốc, để xúc động theo cách một nhà thơ khi cảm nhận tự do trong mỗi ngày đang sống. Không hiểu đấy có phải là điều đáng mừng hay đáng lo, bởi bài thơ đầu tiên khi tôi trở lại cầm bút lại là bài thơ viết về Tổ quốc – một đề tài lớn lao. Tôi nghĩ rằng hình tượng Tổ quốc trong thơ tôi (và trong thơ của nhiều nhà thơ Việt Nam yêu nước) là một chủ đề bất tận, có tính sử thi xuyên suốt qua nhiều năm tháng. Điều quan trọng là nhà thơ phải thở hơi thở đời sống của dân tộc mình và trái tim nhà thơ phải đập cùng nhịp với những khổ đau, mơ ước của nhân dân mình.
Theo Lưu Hà (VnExpress)