(TuanVietNam) – Nói tới Melinda Gates, trước đây, nhiều người thường nghĩ ngay tới Công ty Microsoft và tỷ phú giàu nhất thế giới Bill Gates, nhưng bây giờ, người ta lại chỉ nghĩ tới chính Melinda – nhà quản lý quỹ từ thiện lớn nhất toàn cầu.

Năm 2007, Melinda được tạp chí Forbes xếp hạng thứ 24 trong số 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới, sau Nữ hoàng Anh và trên cả Thượng nghị sĩ Hillary Clinton.

Bà Melinda Gates (Ảnh: AF)

 
Quyền lực lớn vì Melinda là đồng Chủ tịch Quỹ Bill & Melinda Gates (viết tắt BMGF) – Quỹ từ thiện có tài sản trên 33 tỷ USD, tương đương GDP của một quốc gia trung bình. Thời gian tới, tài sản của Quỹ sẽ còn tăng nhiều do được tỷ phú hàng đầu thế giới – Warren Buffett (76 tuổi, tài sản 52 tỷ USD) – cam kết sẽ góp tặng tổng cộng hơn 30 tỷ USD, năm đầu là trên 3,4 tỷ USD.

Buffet tuy có một quỹ từ thiện riêng mang tên bà vợ đã quá cố của mình, nhưng ông lại tặng số tiền lớn nói trên cho BMGF. Điều đó cho thấy, ông tin vào tài năng điều hành của Melinda Gates, người đứng đầu Quỹ này.

Người ta đã so sánh kinh phí do Quỹ Melinda lãnh đạo chi cho phòng chống bệnh tật trên toàn thế giới lớn hơn cả kinh phí của Tổ chức Y tế Thế giới WHO của Liên Hiệp Quốc. Do đó, công việc của Melinda cũng vinh dự chẳng kém gì Tổng Giám đốc WHO.

Tài tiêu tiền

Sử dụng tài sản 56 tỷ USD của mình thế nào để hữu ích cho nhân loại là một vấn đề làm đau đầu vợ chồng Melinda, khi Gates bắt đầu bước vào tuổi “tri thiên mệnh” (Gates sinh 1955).

Trước hết, họ dứt khoát tuyên bố : “Chúng tôi chỉ cho các con vài triệu đô-la thôi, còn bao nhiêu quyên tặng cho công tác từ thiện hết.” Có nhà báo tò mò : Làm như thế có sợ các cháu oán trách không?

Melinda trả lời : “Ba con chúng tôi còn nhỏ, cháu lớn nhất mới 12 tuổi. Sau này khi lớn lên, dĩ nhiên các cháu sẽ được hưởng một phần tài sản, nhưng chúng tôi đợi khi nào chúng trưởng thành mới bàn chuyện ấy. Chắc rằng nếu chúng tôi dạy con tốt thì các cháu sẽ có cùng suy nghĩ như bố mẹ.”

Vợ chồng tỷ phú tiền bạc và lòng nhân ái (Ảnh: businesspundit.com)

 
Với quyết định trên, vợ chồng Melinda đã nêu một tấm gương sáng cao thượng cho tất cả những người giàu trên trái đất. Nếu ai cũng làm như thế thì đời sống người nghèo khổ khắp năm châu sẽ được cải thiện rõ rệt, thế giới sẽ trở nên hạnh phúc, thái bình.

Kiếm được tài sản lớn đã rất khó, nhưng chi tiêu nó như thế nào để đạt mục tiêu cao cả nói trên lại càng khó, bởi lẽ việc này không chỉ phụ thuộc vào người có tiền, mà phụ thuộc rất nhiều vào những người liên quan, trong đó có nhiều người nước ngoài mà bạn chưa hiểu họ. Đặc biệt, chính quyền Mỹ quản lý rất chặt việc chi tiêu của các quỹ từ thiện, vì họ biết các khoản “tiền chùa” này thường hay bị người ta xà xẻo hoặc chi sai mục tiêu.

Hơn nữa, vợ chồng Melinda còn muốn tiền của BMGF phải sinh lợi, vì như vậy sẽ bảo đảm không bao giờ thiếu kinh phí làm từ thiện. Bởi thế, Quỹ BMGF không đơn giản chỉ làm công tác từ thiện, mà còn làm công tác kiếm tiền – một việc có nhiều rủi ro, đòi hỏi phải tính toán chi ly. Qua đó có thể thấy tính chất phức tạp của việc điều hành Quỹ này.

Vợ chồng nhà Bill & Melinda Gates với trẻ em châu Phi

 
Với tổng tài sản 33,120 tỷ USD (tính đến 31/12/2006), BMGF đã dùng 28,718 tỷ vào việc đầu tư thu lời, trong đó, 21 tỷ đầu tư tại Mỹ (thị trường chứng khoán, trái phiếu nhà nước … ). Năm 2003, các khoản đầu tư này mang lại lợi nhuận 3,9 tỷ USD.

Tháng 9/2007, Trung Quốc cho phép BMGF đầu tư tối đa 100 triệu USD vào thị trường vốn nước này, tuy nói chung các nước đều hạn chế cho loại tổ chức phi tài chính, phi kinh doanh như quỹ từ thiện được đầu tư kiếm lời, vì họ được ưu đãi về thuế.

BMGF đã mua cổ phiếu của 2 công ty Trung Quốc, sau đó, các cổ phiếu này lập tức lên giá, vì các nhà đầu tư Trung Quốc tin vào sự lựa chọn của BMGF.

Với cách làm như trên, dự tính trong thời gian vợ chồng Melinda còn sống, họ sẽ đóng góp cho công tác từ thiện khoảng 100 tỷ USD và dù họ qua đời thì quỹ này vẫn còn vốn để hoạt động! Chính vì thế trang bìa tạp chí Fortune in ảnh Melinda kèm dòng chữ : “Melinda Gates – người phụ nữ 100 tỷ USD”.

“Công việc của tôi đâu chỉ có ký séc”

Thực tế cho thấy, vợ chồng B.Gates biết sử dụng tài sản khổng lồ của mình một cách hữu hiệu nhất vào mục đích từ thiện, và “công việc của tôi đâu chỉ có ký séc” – Melinda nói.

Quả vậy, hai vợ chồng bà hàng năm đi khắp năm châu để tìm hiểu nhu cầu của những người nghèo, và họ đã xác định được 3 vấn đề bức thiết nhất cần giúp giải quyết : đói nghèo, thất học và bệnh tật. Vì thế, BMGF tập trung vào lĩnh vực y tế – sức khỏe và giáo dục.

Melinda Gates trong những chuyến đi từ thiện (Ảnh: dallasobserver.com)

 
Ai cũng tưởng là vợ của người giàu nhất thế giới chắc phải thích ăn diện, hay mua sắm, và hay xuất hiện trước công chúng. Thực ra ngược lại. Melinda không ưa mua sắm, không thích ăn diện và tránh gặp nhà báo, thường dặn chồng khi ra trước công luận đừng bao giờ nhắc tới tên vợ.

Một lần, Melinda mặc rất đẹp để đi dự một cuộc họp của Công ty Microsoft. Khi gặp nhà báo, bà cứ xin lỗi hoài chỉ vì bộ cánh của mình, khiến nhà báo rất ngạc nhiên sao lại có người khiêm tốn thế.

Melinda vốn dĩ giỏi chuyên môn và có tài lãnh đạo. Năm 23 tuổi, Melinda tốt nghiệp cử nhân hai chuyên ngành máy tính và kinh tế học, tiếp đó lại lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh.

Sau khi vào làm ở Microsoft, tài năng của cô gái trẻ này lập tức được Chủ tịch Bill Gates để ý : Melinda được cử làm giám đốc bộ phận tiêu thụ sản phẩm, chỉ huy hàng trăm nhân viên.

Chính Melinda đã cứu Microsoft tránh khỏi thiệt hại lớn khi phát hiện ra một lỗi nghiêm trọng trong phần mềm Windows của công ty. Tuy không xinh đẹp bằng ai, nhưng tinh thần hăng say công tác và tính tình hiền dịu của Melinda đã làm cho Bill Gates từ cảm phục đi tới yêu quý và cuối cùng ngỏ lời cầu hôn Melinda.

Gates thường quan tâm những việc xa xôi, còn Melinda chú ý tới việc thiết thực nhất (Ảnh: nwsource.com)

Làm vợ một người có cá tính mạnh, quá thiên về lý trí mà thiếu tình cảm, quá yêu cầu nghiêm túc trong công việc và khó sống chung như Gates, rõ ràng, Melinda phải chịu nhẫn nhịn thì mới có thể làm cho gia đình thực sự là cái tổ ấm.

Bà rất chú ý giữ cho các con mình được sống yên ổn, không bị người khác, nhất là cánh nhà báo, nhòm ngó. Bà luôn dạy các con hiểu rằng chúng phải sống cuộc đời như mọi trẻ em khác. Con nhà giàu thường hay hư hỏng, nhưng Melinda biết cách nuôi dạy 3 đứa con được khỏe mạnh, ngoan ngoãn và có chí tiến thủ.

Thông thường, phụ nữ Mỹ khi lấy chồng nhà giàu đều lập hợp đồng hôn nhân, riêng Melinda thì không – nghĩa là bà không màng gì đến chuyện chia tài sản khi ly dị hoặc khi chồng chết. Gates hiểu được tấm lòng cao thượng của vợ, và quỹ từ thiện của họ lấy tên cả hai người.

Gates thường nói, nếu không có Melinda thì chưa chắc đã có Quỹ này. Hai người cưới nhau năm 1992, Bill hơn vợ 9 tuổi. Khi được hỏi có phải Melinda khó khăn lắm mới lấy được ông hay chăng, tỉ phú Bill Gates trả lời : “Phải khổ công lắm tôi mới lấy được cô ấy đấy !”

Nếu so về bằng cấp thì Melinda hơn chồng, vì bà có bằng BA và MBA từ Đại học Duke, còn Gates bỏ dở đại học. Bạn bè của hai người cho biết, nhờ có bà mà ông đã hăng say với công việc từ thiện, và bà đã giúp ông trở thành một người cởi mở, biết nhẫn nhịn hơn và giàu lòng trắc ẩn hơn trước đây.

Chú ý tới việc thiết thực nhất

Làm bà chủ dinh thự trên mảnh đất mấy hec-ta trang bị hệ thống thiết bị điện tử thông minh và nuôi dạy ba con nhỏ là một việc rất vất vả và đòi hỏi trí tuệ đối với Melinda.

Sau khi sinh con đầu lòng (1996), Melinda xin thôi chức Giám đốc Kinh doanh ở Microsoft để làm nội trợ và chuyên trách làm từ thiện – lĩnh vực duy nhất bà thể hiện vai trò xã hội của mình. Khi con bé nhất bắt đầu đi học, Melinda quyết định mỗi tuần làm 30 giờ tại Quỹ BMGF.

Với trực giác bẩm sinh của phụ nữ, Melinda đã xác định được phương hướng đúng cho công tác của BMGF. Gates thường quan tâm những việc xa xôi, còn Melinda chú ý tới việc thiết thực nhất.

Tác phong thân thiện, giản dị của gia đình Melinda (Ảnh: woopidoo.com)

 
Như khi lập kế hoạch phòng chống bệnh tiêu chảy và sốt rét ở châu Phi và Ấn Độ, Gates chỉ lo nghiên cứu vắc-xin, còn Melinda thì lo trước hết cứu tính mạng của những người dân đang bị bệnh tật đe dọa từng ngày từng giờ. “Anh chẳng thể cứu họ bằng vắc-xin trong khi họ cứ để trâu bò ỉa vào lạch nước ăn của dân làng, khi họ ngủ không có màn chống muỗi… ” – Melinda nói.

Cuối cùng, Gates đồng ý trước hết phải tổ chức tuyên truyền lối sống vệ sinh cho dân nghèo và cung cấp màn cho từng gia đình, đồng thời triển khai nghiên cứu chế tạo vắc-xin phòng bệnh AIDS, tiêu chảy và sốt rét.

Để làm tốt công việc ở BMGF, Melinda đã chịu khó học thêm nhiều kiến thức y học, tìm hiểu tính năng các thiết bị y tế dùng cho việc phòng chống bệnh AIDS và sốt rét, lao phổi.

Khi được dư luận khen về thành tích làm từ thiện, Melinda nói đó chỉ là muối bỏ biển. Bà thực sự mong mỏi những người nghèo có thể nắm được kỹ năng tự cải thiện cuộc sống, vì thế, bà rất chú ý giúp họ kinh phí giáo dục. Cách làm như vậy chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả thiết thực, cứu được nhiều người nghèo đói trên khắp năm châu.

Nhờ những thành tích to lớn trong hoạt động từ thiện, Melinda Gates đã được tặng “Huy chương vàng Tự do Tây Ban Nha” năm 2006.

Trước đó, Tạp chí Time số tháng 1/2006 đã bầu chọn bà là một trong ba nhân vật của năm 2005 vì những hoạt động đóng góp trong cuộc chiến chống lại nghèo đói và bệnh AIDS.

Nguyên Hải – TVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *