Hình như tất cả các chương trình đó như “muối bỏ bể”, tính tích cực không được bao nhiêu, tỉ lệ nghèo cho dù có thuyên giảm trong một chừng mực, một vài năm, thì lại luôn chực chờ trở về “nguyên trạng” nghèo.
Ngày 31/8/2010, tại cuộc họp báo nhân chuyến thăm và làm việc ở Việt Nam, chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền và đói nghèo Magdalena Sepulveda cho rằng, nghèo đói tại Việt Nam sẽ tăng từ 10% năm 2010 lên 13% nếu chiếu theo chuẩn nghèo mới.
Tháng 4 – 5/2011, một thông tin tưởng như đùa của đất nước có sản lượng gạo xuất khẩu đứng thứ nhì thế giới làm cho nhiều người giật mình : Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa xin Chính phủ cứu đói khẩn cấp dân qua mùa giáp hạt. Theo một thống kê mới nhất, tình hình thiếu đói đã tăng cao trong tháng 1, tháng 2/2011. Số lượt nhân khẩu nông nghiệp thiếu đói đã tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2010 với 838.600 lượt. Đây cũng là số lượng nhân khẩu thiếu đói nhiều nhất kể từ năm 2007 đến nay.
Ai là người nghèo?
Để trả lời cho khái niệm "nghèo", trước hết phải hiểu nghèo được biểu hiện ở những khía cạnh nào, các chỉ tiêu và chuẩn mực để xác định và đánh giá mức độ nghèo, thực trạng nghèo của Việt Nam trong những năm gần đây, các nhân tố tác động đến tình trạng nghèo.
"Chuẩn" nghèo được quy định của Chính phủ Việt Nam dựa trên một số quy tắc về chuẩn nghèo của Liên Hợp Quốc (UN): Giai đoạn 2000 – 2006, hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn miền núi, hải đảo từ 80.000 ĐVN/ người/ tháng trở xuống là hộ nghèo, nông thôn đồng bằng là 100.000 ĐVN/ người /tháng, thành thị là 150.000 ĐVN/ người/ tháng.
Quyết định của Thủ tướng chính phủ số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08/7/2005 "Về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 – 2010": Khu vực nông thôn, hộ gia đình có thu nhập bình quân từ 200.000 ĐVN/ người/ tháng (2.400.000 ĐVN/ người/ năm) trở xuống là hộ nghèo. Khu vực thành thị: từ 260.000 ĐVN/ người/ tháng (dưới 3.120.000 ĐVN/ người/ năm) trở xuống là hộ nghèo.
Dự kiến chuẩn nghèo cho giai đoạn 2010 – 2015: Thành thị là 812.500 ĐVN/ người/ tháng, nông thôn là 562.500 ĐVN/ người/ tháng.
Nhóm hộ nghèo ở Việt Nam đa số là những người dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa thuộc biên giới hải đảo, vùng miền núi. Nông dân ở vùng nông thôn, nhất là những vùng đất canh tác ít, hay gặp thiên tai. Người làm công ăn lương, người hưu trí, hoặc kinh doanh nhỏ lẻ….
Ngoài ra ở thành thị, là lớp thị dân nghèo, sống trong các ngôi nhà "ổ chuột", hay ngoại ô thành phố. Nguồn thu nhập chính của người nghèo chủ yếu là từ canh tác nuôi trồng nông, lâm, thủy sản, chiếm 55,5% tổng thu nhập, tiền lương tiền công chiếm 23,8% tổng thu nhập.
Thu nhập ít ỏi, nên phải dành ưu tiên chi tiêu cho những nhu cầu tối thiểu để duy trì sự sống như mua lương thực thực phẩm, chất đốt… luôn chiếm tỷ lệ cao nhất, tới 65,1%. Còn chi cho những nhu cầu phục vụ chất lượng sống như nhà ở, điện, nước, vệ sinh, y tế, giáo dục, giải trí… chỉ chiếm 34,9%.
Do đó, khi giá cả tăng cao, người nghèo sẽ phải dồn khoản tiền kiếm được chỉ để duy trì cuộc sống, như phải tăng thêm 0,5% tiền để mua thực phẩm, lương thực, thêm 0,5% tiền cho thuốc chữa bệnh và 1,4% cho đi lại (giai đoạn 2006 – 2008). Các nhu cầu may mặc, giáo dục, mua sắm đồ dùng, nhà ở bị co lại từ 0,2 – 0,7%, dù nhóm người nghèo luôn được hưởng nhiều chính sách miễn giảm của Nhà nước.
Đặc biệt, với những người lao động nhập cư, họ phải đối diện với nhiều khoản chi ngoài các chi tiêu cơ bản như: Tiền thuê nhà thường tăng từ 20 – 30%, tiền điện, tiền nước thường cao hơn 2 – 4 lần so với dân địa phương (mà còn luôn tăng thêm do giá điện, nước tăng)…
Những con số không vô tri
Theo ông John Hendra, Trưởng phái đoàn UN tại Hà Nội cho biết, tìm hiểu của UN thu thập từ các nghiên cứu về kinh tế Việt Nam cho thấy tình trạng đói nghèo tăng 2,1% kể từ sau đợt lạm phát cao hồi năm 2008. Thông tin nhanh của UN Việt Nam cho biết, lạm phát trong tháng 4/2011 tại Việt Nam ở mức 17,5% – cao nhất kể từ tháng 12/2008, tức tăng 3,3% so với tháng 3/2011 và vẫn tiếp tục gia tăng.
Ông Hendra cũng cho biết Việt Nam là một trong số 5 quốc gia có tỉ lệ lạm phát cao nhất trên thế giới, cao hơn so với các nền kinh tế ASEAN khác và gọi đây là "tình trạng nghiêm trọng"."Nó sẽ gia tăng tỉ lệ nghèo đói, 1 hay 2% hoặc cao hơn thế", ông nói trong một cuộc gặp gỡ phóng viên tại Hà Nội, ngày 10/5/2011.
Tỉ lệ lạm phát ở Việt Nam tăng đến chóng mặt, trong tháng 1/2011, giá lương thực đã tăng 2,28%, thực phẩm tăng 2,74%, đến tháng 2/2011, lần lượt các nhóm hàng này tăng 1,51% và 4,53%. Theo Dự báo năm 2011 của Bộ KHĐT, CPI bình quân năm sẽ cao hơn tới 5,4 – 6,4% so với mặt bằng trên.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng 1,75%, tháng 2 tăng 2,09%, tháng 3 tăng 2,17% và tháng 4 tăng 3,32% so với tháng liền kề trước. So với tháng 12/2010, chỉ số giá tháng 4/2011 tăng 9,64%. Bình quân 4 tháng năm 2011 so với cùng kỳ năm 2010, CPI tăng 13,95%.
Các chuyên gia cho biết khi đó, giá trị thực tế của chuẩn nghèo 5 năm tới sẽ bị mất khoảng 7 – 8% giá trị, tức khoảng 30.000 – 40.000 đồng/ người/ tháng. Vì thế, số hộ nghèo vừa vươn lên… ngưỡng hộ cận nghèo về bản chất, vẫn hoàn nghèo như cũ.
Một con số thống kê, khá "đắng". Hiện, cả nước có 3,1 triệu hộ nghèo, chiếm 14,42% và 1,65 triệu hộ cận nghèo, tỷ lệ 7,69%. Các tỉnh có hộ nghèo nhiều nhất là Lào Cai, Điện Biên (trên 50%), Lai Châu, Hà Giang (trên 40%), Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Sơn La, Hòa Bình, Kon Tum (trên 30%).
Người nghèo không muốn làm giàu?
Chính phủ đã có một chương trình khá lớn và lâu dài "xóa đói giảm nghèo" mang tên "Chương trình 135". Ngoài ra còn có Quyết định số 07/2006/QD-TTg ngày 10/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 – 2010 và một số quyết định khác cho các vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, các vùng núi nhiều dân tộc ít người… gặp khó khăn.
Thế nhưng, hình như tất cả các chương trình đó như "muối bỏ bể", tỉ lệ nghèo cho dù có thuyên giảm trong một chừng mực, một vài năm, thì lại luôn chực chờ trở về "nguyên trạng" nghèo.
Phải chăng các chính sách xóa đói giảm nghèo chưa mang tính chiến lược, xây căn nhà từ móng thật chắc chắn, mà chỉ là đưa "con cá" cho người dân, không dạy cách "câu con cá" như thế nào để tạo tính vững bền dài lâu? Ăn hết lại cho tiếp. Chính tính ỷ lại sự trợ cấp của Chính phủ nên những người nghèo "há miệng chờ… trợ cấp xóa đói giảm nghèo" của Chính phủ và lấy đó làm kế sinh nhai chủ yếu của mình, mà như thế cũng chỉ bữa đói bữa no, làm sao thoát nghèo?
Phải chăng người dân ở các vùng đói nghèo, càng nghèo thêm vì thiên tai, mà khoản trợ cấp của Chính phủ chỉ là biện pháp tạm thời, giải quyết tình thế cấp bách không có tính lâu dài, bền vững. Và nếu một cơn giận dữ của ông trời giáng xuống tiếp thì "ngôi nhà" lại bay mất, lại cảnh "màn trời chiếu đất & nước", thiếu đói rã ruột. Lại lặp lại điệp khúc "cứu trợ". Điều này có thể chứng thực rất nhiều lần qua những lần cứu trợ thiên tai cho người dân.
Ngoài ra cái nghèo còn liên quan đến sự phân tầng xã hội. Những người giàu có điều kiện đầu tư cho việc học tập và nâng cao chất lượng cuộc sống, nhờ vậy họ có kiến thức, năng lực để tiếp cận thị trường và kiếm được công việc có thu nhập cao. Trong khi đó, người nghèo không có điều kiện học tập, chất lượng cuộc sống không tốt, trình độ năng lực ảnh hưởng, nên khó tìm được việc làm có thu nhập cao mà thường phải làm những công việc ít tiền với vị thế xã hội thấp. Thu nhập không cao, trong khi lạm phát như "ngựa phi nước đại", thiếu thốn đủ bề, nên khả năng làm giàu cực khó bởi hệ lụy của một chữ "nghèo".
Chất lượng cuộc sống làm người nghèo, nghèo hơn
Bà Magdalena Sepulveda, chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền và đói nghèo nhận định: "Hiện nay vẫn có nhiều người sống trong vùng đói nghèo và không tiếp cận được với các dịch vụ xã hội". Đó có thể cũng là một trong nhiều nguyên nhân để cho người nghèo vẫn hoàn nghèo ở Việt Nam.
Ngoài những khó khăn về môi trường thổ nhưỡng mang tính địa lý (vùng sâu, vùng xa, vùng hay có thiên tai, vùng hoang hóa, khu ngoại vi TP…), người dân nghèo ở các vùng này còn phải chịu nhiều thiếu thốn và thua thiệt hơn hẳn. Do vị trí địa lý không thuận lợi, việc cung ứng các điều kiện cơ bản đảm bảo chất lượng cuộc sống cũng ách tắc, không những không đầy đủ mà còn lạc hậu.
Ở các khu dân cư nghèo sinh sống, điều kiện vệ sinh tối thiểu như nước sạch nhiều khi cũng là một loại hàng "xa xỉ". Các điều kiện dân sinh cơ bản khác như y tế, giáo dục, văn hóa càng hạn chế. Khi người dân không có được những dịch vụ xã hội cơ bản, chất lượng cuộc sống thấp, kéo theo nhiều hệ lụy khác, mà cơ bản nhất là chữ "nghèo".
Ngay cả với những người nhập cư vào các đô thị lớn cũng phải chịu nhiều thiệt thòi. Họ nghèo mới tìm đến đô thị để kiếm sống để mong thoát nghèo, nhưng sống ở đô thị, làm việc và đóng góp cho sự phát triển của xã hội nhưng lại chưa được thụ hưởng đầy đủ những thành quả đó. Họ chỉ sống ở đô thị chứ chưa được xem là người đô thị. Họ thiếu nhiều thứ, kể cả những dịch vụ cơ bản như quyền được dùng điện, nước, con cái được học hành như dân thành phố…
Bà Sepulveda cũng khuyến nghị : "Các chiến lược về giảm nghèo của Việt Nam cần xây dựng trên quan điểm chung là mọi người dân Việt Nam cần được hưởng đầy đủ quyền dân sự, kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa. Chính phủ cần nhận thức việc đầu tư vào những người đói nghèo cùng cực không phải hành động của tình thương, mà là nghĩa vụ về nhân quyền".
Và khi kết thúc bài viết này, tôi lại nhớ một câu đồng dao của người Nam Bộ nói về cái nghèo đến tận mạng: Nghèo xơ nghèo xác/ Nghèo nát xương mông/ Nghèo không gạo nấu/ Nghèo thấu Ngọc Hoàng/ Nghèo tàn nghèo mạt/ Nghèo khạc ra tro/ Nghèo ho ra bụi/ Nghèo lủi trong bờ/ Nghèo mờ con mắt/ Nghèo thắt ống chân/ Nghèo sưng ống quyển…
Phương Nam – Theo TVN