Tấm hình và những kỷ vật hiếm hoi mà chị Nguyễn Thị Thu để lại cho gia đình gợi nhớ thời kỳ nhiều đau thương nhưng cũng rất đỗi hào hùng. Đó là những năm tháng chị bị địch bắt và cầm tù từ năm 1958 – 1963.
Ông Nguyễn Văn Tỷ, nguyên chiến sĩ bảo vệ Huyện ủy Vũng Liêm, vẫn ghi khắc trong lòng cái ngày chị Thu sa vào tay giặc cách nay đã gần 50 năm. Hôm ấy, Huyện ủy Vũng Liêm và cán bộ các xã về họp tổng kết công tác ở Tân An Luông – nơi chị Thu làm Bí thư Chi bộ. Do bị chỉ điểm, địch bất ngờ kéo đến bao vây, đẩy các cán bộ vào tình thế nguy khốn. Chị Thu đã xung phong lao ra chặn đầu họng súng giặc, tạo điều kiện cho các đồng chí chạy thoát.
Sau khi bị bắt, chị bị nhốt vào khám đá Vũng Liêm. Địch đã dùng mọi cực hình tra tấn dã man, kể cả nhục hình, để khuất phục chị. Nhưng dù đã chết đi sống lại nhiều lần, chị Thu vẫn giữ vững khí tiết. Sau đó, chúng giải chị qua nhiều trại giam, lần lượt từ Trà Vinh, Vĩnh Long đến Phú Lợi, Thủ Đức, Chí Hoà… Ở bất cứ nơi đâu, chị cũng thể hiện tinh thần tiến công giặc, bảo vệ cơ sở cách mạng đến cùng. Cha mẹ đặt tên cho chị là Nguyễn Thị Thôi, nhưng vì tánh tình đa cảm, dễ xúc động, mau nước mắt, nên mọi người gọi chị là Lệ Thu. Thế nhưng, trước kẻ thù, chị không bao giờ rơi nước mắt, mà trở nên đanh thép lạ kỳ, làm kẻ thù khiếp sợ.
Năm năm sống ở chốn địa ngục trần gian đã khiến chị Thu tiều tuỵ, xác xơ. Cho rằng chị sẽ chẳng còn sống được bao lâu, chúng thả chị ra. Trở về quê hương, nhờ sự chăm sóc tận tình của gia đình, đồng chí và nhân dân, chị dần bình phục rồi trở lại công tác. Không lâu sau, chị được giao nhiệm vụ Hội trưởng Hội Phụ nữ huyện Vũng Liêm.
Thời gian này, cùng với Ban chấp hành Đảng bộ, hàng ngàn lần chị đã lãnh đạo các mẹ, các chị đi đấu tranh trực diện với giặc, phát động chị em hưởng ứng phong trào phá ấp chiến lược, vận động bà con trở về với ruộng vườn, tăng gia sản xuất, phục vụ cách mạng.
Ngày hôm nay, chị Nguyễn Thị Lài, em gái út của chị Nguyễn Thị Thu, đưa chúng tôi về thăm quê các chị, ở ấp Hiệp Trường – xã Quới An – huyện Vũng Liêm. Đây là nơi mà vào những năm đầu của thế kỷ XX, từ miền Trung, ông bà của các chị đã đến định cư. Trên mảnh đất nầy, gia đình chị đã được thừa hưởng thành quả của Cách mạng tháng Tám. Đó chính là 15 công ruộng mà đến nay, gia đình chị vẫn đang canh tác.
Nhớ ơn cách mạng, cha mẹ chị đã cho hai con trai theo Vệ quốc đoàn, còn ông bà ở nhà tham gia nuôi chứa bộ đội và cán bộ của Ủy ban hành chánh huyện Vũng Liêm. Cũng từ đó, chị Thu dần trưởng thành, đảm nhận những nhiệm vụ đầu tiên mà tổ chức cách mạng giao phó. Đặc biệt, mẹ chị rất quí mến thương binh – những người đã cống hiến một phần xương máu cho đất nước. Những chàng rể của bà đều là thương binh.
Mọi người kể rằng : năm 19 tuổi, chị Thu được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Lúc bấy giờ ở địa phương có cuộc vận động chị em phụ nữ lấy chồng thương binh. Nghe lời mẹ, chị kết duyên với một người cùng làng. Nhưng không lâu sau đó, theo sự sắp xếp của tổ chức, chồng chị cùng người anh thương binh chuyển quân tập kết. Chị ở lại quê nhà, dốc hết tâm trí vào cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, chờ đợi ngày xum họp đoàn viên.
Cũng tại nơi này, lần thứ hai, chị Thu chẳng may sa vào tay giặc. Nhưng thật diệu kỳ, chính vào lúc tưởng chừng đã cận kề bên cái chết, thì nhờ sự thức tỉnh kịp thời của một người lính bên kia chiến tuyến và sự cưu mang, giúp đỡ của bà con chòm xóm mà chị đã thoát khỏi bàn tay tội ác của kẻ thù.
Ông Nguyễn Thành Kính kể rằng, chính hành động gan dạ, anh hùng của chị Thu đã khiến người lính cảm phục và quyết định tha chết cho chị. Ít lâu sau, anh nầy cũng bỏ ngũ, đi theo cách mạng. Nghe nói sau hoà bình, anh có tìm về thăm gia đình chị Thu. Tiếc là chúng tôi không biết anh hiện ở nơi nào, để được nghe anh góp thêm những chi tiết sinh động về cuộc đời của người liệt nữ anh hùng Nguyễn Thị Thu.
Sau khi bình phục, chị Thu tiếp tục nhiệm vụ cách mạng. Lúc bấy giờ, chị là Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban phụ vận huyện Vũng Liêm. Huyện ủy Vũng liêm và cơ quan của chị cùng đóng tại mảnh vườn của ông Nguyễn Văn Bé, trong rừng Săng trắng thuộc ấp Quang Đức – xã Trung Hiệp, mà nay là ấp Rạch Dung – xã Trung Chánh. Nơi đã ghi lại một sự kiện đau lòng, một tổn thất rất nặng nề cho Huyện ủy và nhân dân Vũng Liêm.
Ngày 16 tháng 8 năm 1968, cơ quan Huyện ủy và Phụ nữ huyện bị địch phát hiện. Chúng huy động một lực lượng hùng hậu lên đến cả ngàn tên bao vây suốt mấy ngày đêm. Trong tình huống căng thẳng, các cán bộ và chiến sĩ bảo vệ đã chiến đấu dũng cảm, nhiều người trong số họ đã hy sinh. Bị địch xom trúng hầm, chị Thu quyết định xông lên nổ súng, kéo địch về phía mình cho đồng đội thoát thân. Chị đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh.
Chị Thu hy sinh khiến người thân, đồng bào, đồng chí vô cùng đau xót và tiếc thương. Mất chị, Đảng bộ Vũng Liêm mất một cán bộ tài trí, dũng cảm, mẫu mực; đồng chí, người thân mất một người đồng đội, một người chị dịu dàng, thủy chung. Cuộc đời ngắn ngủi của chị là tấm gương về sự kiên trung, bất khuất, sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ, hi sinh, quên mình vì đồng đội. Ba lần đối mặt với kẻ thù thì cả ba lần chị đều là người chiến thắng. Đồng chí , người thân hôm nay vẫn luôn nhớ đến chị.
Với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, chị Nguyễn Thị Thu đã được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quí. Năm 2005, chị được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngôi trường cấp II của xã Quới An được mang tên Nguyễn Thị Thu là một minh chứng về lòng tự hào và biết ơn mà thế hệ ngày nay đã dành cho chị. Chúng ta tin tưởng rằng, thầy cô và học sinh của trường sẽ dạy và học thật tốt để xứng đáng với tên tuổi của người liệt nữ anh hùng.
Tính đến nay, chị Thu hy sinh đã gần 40 năm, nhưng hằng năm, đồng chí và người thân đều có buổi họp mặt để tưởng nhớ đến chị. Lòng yêu quí và nhớ thương mà mọi người dành cho chị luôn bền chặt với thời gian.
Tuyết Mai