Quốc ngữ là ngôn ngữ hiện hành nhưng cũng có một phần đã đi vào quá khứ, đã trở thành di sản. Ngày 24-3 tới, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân sẽ nhận giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh. Đây là giải thưởng cho suốt 20 năm nghiên cứu biên khảo văn bản học – công việc mà ông gọi là “trục vớt” di sản văn tự của các tác gia Việt Nam.

 Say mê sự “không hoàn chỉnh” của văn bản gốc

Từ giữa những năm 1990 đến nay, ông đã nghiên cứu và biên khảo văn bản học theo nhiều hướng khác nhau: sưu tầm tác phẩm thuộc một phong trào văn học như bộ sách Thơ mới 1932-1945, tác giả và tác phẩm (in năm 1992, đã in lần sáu); sưu tập theo lối gần như phục chế mấy tạp chí chính của văn nghệ cách mạng kháng chiến thời đầu, các sưu tập theo từng tác gia: Lê Thanh (1913-1944), Vũ Trọng Phụng (1912-1939), Vũ Bằng (1912-1982), Hồ Dzếnh (1916-1991), Trần Đình Hượu (1927-1995), Lưu Trọng Lư (1912-1991), Hoàng Cầm (1922-2010) và nhất là Phan Khôi (1887-1959).

Với những tác phẩm của Phan Khôi, ông bắt đầu tìm hiểu sau chuyến thăm Quảng Nam-Đà Nẵng đầu năm 1996. Ông say sưa kể: “Tôi phải mất hàng năm trời mày mò trong Thư viện Quốc gia với những chồng báo cũ, tìm tới các kho tư liệu của nước ngoài để có bản gốc hoặc đọc các bản vi phim (microfilm) những tờ báo có đăng bài của Phan Khôi. Những bản in cũ trên báo có thể bị nhảy chữ, rồi bị mờ, nhòe, mối đục… Rồi từ ngữ có thể là từ cổ, là phương ngữ, là từ Hán-Việt ít thông dụng,… tất cả đều cần chú giải, lại phải dùng các loại từ điển khác nhau. Lao động trên văn bản từng bài viết của người xưa là loại lao động mệt nhọc nhưng say mê”.

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân và một số tác phẩm đã in. (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Để hoàn thành bộ sưu tập về Phan Khôi, ông còn tìm tòi, trao đổi với các nhà nghiên cứu khác, cả với thân nhân tác giả để xác định các tờ báo Phan Khôi đã đăng bài, các loại bút danh Phan Khôi đã dùng, v.v… Theo ông Ân, giới chơi sách báo cũ chia sẻ được với ông cái cảm hứng khác biệt khi tiếp xúc văn bản gốc – cái cảm giác khó lòng mà tìm được khi đọc những tác phẩm ở dạng sách tái bản.

Được đề nghị nêu một câu hoặc một đoạn văn xuôi đặc sắc của một nhà thơ như Lưu Trọng Lư chẳng hạn, ông trả lời: “Trong văn xuôi Lưu Trọng Lư hay Vũ Trọng Phụng đều có không ít những lỗi ngữ pháp – theo những đối chiếu quy tắc thông thường – nhưng độc giả là người Việt thì không thể hiểu lầm ý mỗi câu mỗi đoạn. Từng câu văn xuôi Lưu Trọng Lư thường bị dừng lại bằng những dấu chấm lửng (…). Cái dấu chấm lửng kia cho thấy mức dao động của tác giả trong hành văn, tức là trong “diễn ngôn”, nếu nói bằng thuật ngữ ngày nay. Tôi cho là có thể cảm thấy sự sống động của hành vi sáng tác qua những dấu vết của sự ngập ngừng ấy”.

Điều ông lo ngại nhất hiện nay là “phong trào” làm tuyển tập, toàn tập tác phẩm của các tác gia lớn một cách ồ ạt, thiếu thận trọng. “Tôi sợ nhất là tình trạng nhân viên đánh máy của các nhà xuất bản thiếu nghiêm túc, tự động “cập nhật” những từ mới vào những khoảng trống hoặc tự động thay từ mới cho các từ cổ trong văn bản của các tác giả thời trước, không cần hỏi ý kiến chuyên gia”.

Hành trình đơn độc

Ông vẫn lo ngại về sự mai một của rất nhiều văn bản Quốc ngữ… Trong tâm ông luôn thường trực nỗi lo: “Di sản của các tác giả Việt Nam, cụ thể là các tác gia Quốc ngữ thời kỳ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đang mai một dần. Tôi sợ rằng càng ngày tốc độ bị lãng quên càng khủng khiếp hơn. Rất nhiều tác phẩm có giá trị văn học, lịch sử, văn hóa… đang nằm trong những đống báo cũ phủ bụi”.

Theo ông, bảo tồn di sản văn hóa không nên chỉ dừng lại ở mảng thư tịch Hán Nôm. “Từ nửa sau thế kỷ 19 trở đi, người Việt chúng ta đã trứ thuật và sáng tác bằng chữ Quốc ngữ thì những sản phẩm ấy là của cộng đồng dân Việt, chúng cần phải được bảo tồn. Đã có Viện Âm nhạc lưu giữ di sản âm nhạc Việt, có Viện Hán Nôm ít nhiều đóng góp vào việc lưu giữ di sản Hán Nôm… Nhưng hiện nay vẫn chưa có cơ quan nào chuyên trách lưu giữ các di sản bằng chữ Quốc ngữ! Đây là một thiếu hụt rất đáng kể”.

Để bảo tồn các di sản chữ Quốc ngữ, theo ông, văn bản học phải trở thành một trong những chuyên ngành được đào tạo trong các ngành xã hội nhân văn ở trường ĐH. Ông đề xuất: “Khi một danh nhân nằm xuống thì không chỉ cần cử hành lễ tang trọng thể hay hội thảo lớn và các giải thưởng lớn, mà còn cần phải kiểm đếm những di sản để lại, đã công bố và chưa công bố, nhất là những văn bản còn lại, những thủ bút, cần lưu giữ cả những cuốn sách họ đã đọc với những dòng chữ họ ghi chú bên lề… Riêng về di sản ngôn ngữ, cần hành động để làm sao không xảy ra chuyện bản thảo của các tác gia bị bán làm giấy vụn hay việc những bản sách cũ quý giá bị “chảy” hết sang nước ngoài!”.

Ngày 24-3, đúng ngày giỗ của nhà yêu nước, chí sĩ Phan Châu Trinh, lễ trao tặng giải thưởng Phan Châu Trinh sẽ được tiến hành tại khách sạn Rex (TP.HCM). Nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch hội đồng khoa học giải thưởng Phan Chu Trinh, cho biết hội đồng giải thưởng đã chọn được sáu nhà nghiên cứu và dịch giả để trao bốn giải thưởng văn hóa năm 2010. Công trình của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân được giải là các tác phẩm: Nghiên cứu văn bản tiểu thuyết Giông tố (NXB Tri Trức, 2007) và bộ sưu tập các tác phẩm của Phan Khôi: Tác phẩm đăng báo 1928 (NXB Đà Nẵng, 2003), Tác phẩm đăng báo 1929 (NXB Đà Nẵng, 2005); Tác phẩm đăng báo 1930 (NXB Hội Nhà văn, 2005); Tác phẩm đăng báo 1931 (NXB Hội Nhà văn, 2007).

Được biết, ngày 23-3, nhà văn Nguyên Ngọc và TS Bùi Trân Phượng sẽ thuyết trình về “85 năm Phan Châu Trinh” tại ĐH Hoa Sen.

Theo Bảo Phượng ( Pháp Luật TP HCM)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *