Những con số, những hình ảnh của Nếu thế giới là một ngôi làng khiến người ta biết trân trọng giá trị cuộc sống, nhắc nhở mỗi người trong mỗi hành động, đơn giản như khi ta cẩn thận vứt rác đúng nơi quy định, cũng có nghĩa là một người láng giềng nào đó trong ngôi làng sẽ được hít thở bầu không khí trong lành hơn…
![]() |
Tên sách : NẾU THẾ GIỚI LÀ MỘT NGÔI LÀNG
Tác giả : David J.Smith
Minh họa : Shelagh Amstrong
Dịch giả : Phùng Hà
Phát hành : Thái Hà Books & NXB Lao động – Xã hội
*****
Nghĩ đến từ Thế giới, tất yếu bạn sẽ liên tưởng thật nhanh đến những gì to lớn nhất, mênh mông và dường khó nắm bắt, khó tóm gọn. Ví như hiện tại, ai ai cũng rõ rằng trên thế giới có khoảng hơn 6,6 tỷ người sinh sống, nhưng không dễ dàng chút nào khi muốn biết và hiểu rõ hơn về đặc điểm của tất cả những nhóm người này cùng một lúc.
Khi ấy, cuốn sách Nếu thế giới là một ngôi làng sẽ đem lại rất nhiều điều thú vị và… tiện ích, với những số liệu, những hình ảnh được thu nhỏ, giống như quả địa cầu trong giờ địa lý vậy. Cuốn sách đưa người đọc vào một cuộc hành trình tựa như câu truyện cổ tích…
Ngày xửa ngày xưa, ở một làng nọ chỉ có 100 người sinh sống, và dễ dàng biết bao khi bạn có thể làm quen và tìm hiểu về tất thảy mọi người. Bắt đầu nhé, nếu ngôi làng thế giới chỉ có 100 người sinh sống, thì sẽ có : 61 người đến từ châu Á, 14 người đến từ châu Phi, 11 người đến từ châu Âu, 8 người đến từ Nam Mỹ, Trung Mỹ và vùng biển Caribe, 5 người đến từ Canada và Hoa Kỳ, 1 người đến từ châu Đại Dương…
Bạn muốn làm quen với mọi người trong ngôi làng, thì điều đầu tiên bạn phải biết ngôn ngữ riêng của họ để chào hỏi. Theo số liệu thống kê, trên thế giới có khoảng hơn 6.000 ngôn ngữ – một con số khổng lồ. Thế nhưng David J.Smith đã "thu nhỏ" bằng cách đưa ra 8 ngôn ngữ chủ yếu mà mà hơn một nửa số người trong ngôi làng này sử dụng. Phép thu nhỏ chỉ ra rằng : tiếng Trung Quốc được sử dụng nhiều nhất với 21 người, 9 người nói tiếng Anh, 7 người nói tiếng Tây Ban Nha, 4 người nói tiếng Ả-rập, 3 người nói tiếng Bồ Đào Nha và 3 người nói tiếng Nga.
![]() |
Ảnh chụp từ sách "Nếu thế giới là một ngôi làng" |
Cuốn sách về con người trên thế giới viết cho đối tượng chủ yếu là trẻ em, bởi vậy mà nó được David J.Smith đơn giản hóa hết sức có thể. Những con số khổng lồ và phức tạp được dụng công biến đổi thành những ví dụ sinh động và dễ hiểu, dễ nhớ. Bên cạnh đó, cuốn sách được họa sĩ Shelagh Amstrong minh họa với tông màu chủ đạo là màu xanh (cây cối, không khí), màu đỏ (lửa) và màu vàng (đất đai), tạo cho ngôi làng trái đất một không gian thật sinh động và bắt mắt, ấn tượng.
Không dừng lại ở việc liệt kê số dân, ngôn ngữ và tuổi tác của ngôi làng trái đất, tác giả còn thuyết phục được cả những độc giả là người lớn bởi những thông tin mới lạ và hữu ích nữa, như vấn đề tôn giáo, vấn đề thức ăn, không khí và nước, trường học và việc đọc viết, tiền bạc và của cải, điện…
Không bao giờ phải lo thiếu thức ăn trong ngôi làng trái đất cả. Nếu số thức ăn được chia đều thì mọi người đều có đủ thực phẩm để sử dụng. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là, thức ăn lại không được chia đều, và không phải ai cũng được ăn no : 50 người không có đủ lượng thực phẩm cần thiết và đôi khi hoặc thường xuyên phải chịu đói, 20 người khác luôn trong tình trạng cực kì đói khát, chỉ có 30 người luôn có đủ thức ăn mà thôi.
![]() |
Ảnh chụp từ sách "Nếu thế giới là một ngôi làng" |
Hay bạn có bao giờ tìm hiểu xem có bao nhiêu người trong 100 cư dân của làng được đi học? Và bạn có ngạc nhiên không, khi biết rằng chỉ có 30 người trên 36 cư dân trong độ tuổi đến trường (từ 5 đến 24 tuổi). Trong số 73 người trên 15 tuổi, chỉ có 64 người biết đọc, nhưng có đến 17 người chẳng biết đọc đến một chữ nào.
Suy nghĩ của bạn diễn biến thế nào khi đọc đến những dòng chữ này?
Nếu bạn biết 10 người nghèo nhất trong ngôi làng thế giới này chỉ có khoảng 1 đô-la một ngày, bạn thấy thế nào? 24 người trong ngôi làng thế giới này không được sử dụng điện, và chỉ có 15 người có máy vi tính…
Bạn là một trong 15 người có máy vi tính, là một trong 30 người có đủ thức ăn, không phải một trong 17 người không biết đọc tẹo nào, bạn có thấy mình rất hạnh phúc không?
Có một điều đặc biệt, khi bạn giở ngược cuốn sách từ cuối lên, có thể chúng ta sẽ lên tàu đến một cuộc du hành khác, từ tương lai trở về quá khứ và hiện tại, bạn sẽ thấy, góc nhìn khác đi, nhưng những con số vẫn nói lên vấn đề thực sự, rằng tương lai, chính là hệ quả trực tiếp của quá khứ và hiện tại.
![]() |
Ảnh chụp từ sách "Nếu thế giới là một ngôi làng" |
Nếu thế giới là một ngôi làng đưa người đọc bắt đầu cuộc hành trình và khi đi một vòng qua cả ngôi làng thế giới, chúng ta chợt nhận ra biết bao thông điệp ẩn sâu bên trong những con số tưởng chừng khô khốc kia.
Nhận ra giá trị của cuộc sống, khi có những điều mà ta coi là giản dị nhất lại chính là ước mơ của biết bao người khác… Những con số này dạy ta biết trân trọng giá trị cuộc sống, nhắc nhở ta trong mỗi hành động – đơn giản như khi ta cẩn thận vứt rác đúng nơi quy định, cũng có nghĩa là một người láng giềng nào đó trong ngôi làng sẽ được hít thở bầu không khí trong lành hơn…
Cũng bởi, chúng ta thường quên mất rằng, sẽ có ít nhất một ai đó phải hứng chịu hậu quả từ những việc làm không đúng của mình. Cuốn sách dạy chúng ta điều đó, từ góc nhìn của trẻ thơ, đến những hành động bảo vệ ngôi làng trái đất.
Còn một điều nữa, bạn biết gì về ngôi làng trái đất của chúng ta trong tương lai? Nó sẽ phát triển nhanh như thế nào? Có bao nhiêu người sẽ sống ở đó? Ngày nay có 100 người, và cứ mỗi năm sẽ tăng 1,2 người, như vậy, trước năm 2100 hoặc sớm hơn, sẽ có 200 người và con số đó còn tiếp tục tăng lên 250 người nếu đến năm 2150, đây là một con số không bình thường chút nào, vì các chuyên gia đã ước tính rằng, ngôi làng thế giới chỉ có có thể chứa tối đa được 250 người mà thôi.
Cho đến khi đó, tình trạng thiếu lương thực, nơi ở và ô nhiễm không khí sẽ lan tràn khắp mọi nơi, tương lai của con người, phải chăng sẽ là một màu xám xịt, và điểm kết thúc không xa – ắt hẳn là diệt vong?
Đó chính là câu hỏi và cũng là hồi chuông đánh thức mỗi người, rời khỏi ngôi làng giả tưởng, và trở về với thực tại, rằng trái đất của chúng ta đang ngày càng bị hủy hoại, bởi chính những hành động cố ý hoặc không cố ý của những cư dân đang tồn tại và sinh sống mỗi ngày nhờ vào những kho báu tưởng như dồi dào của ngôi làng ấy.
Và gấp cuốn sách lại, tác giả mong muốn gửi tới người đọc những thông tin bổ ích nhất, cũng như những thông điệp ngắn gọn mà ý nghĩa nhất, để bạn sẽ đắn đo, cân nhắc hơn với mỗi hành động của mình và tất nhiên, để có nhiều hiểu biết hơn, với cách diễn đạt sinh động hơn khi nói với những đứa trẻ về thế giới chúng ta đang sinh sống – một ngôi làng lớn với 100 cư dân mỗi người mỗi vẻ.
Tâm An – Theo TVN
—————————————
Thông tin về tác giả David J. Smith
David J.Smith là một giáo viên đã có trên 25 năm kinh nghiệm, là người thiết kế ra chương trình giáo dục nổi tiếng "Mapping the world by heart" (vẽ bản đồ thế giới bằng trái tim).
Hiện nay, ông là một cố vấn giảng dạy và đã tổ chức rất nhiều buổi hội thảo cho các trường học, các tổ chức chuyên ngành ở Hoa Kỳ và Canada, châu Mỹ La-tin, châu Âu và châu Á.
Ông luôn tâm niệm : Dạy dỗ trẻ em có tinh thần nhân loại là một việc làm cần thiết kế để mang lại sự thịnh vượng tốt đẹp cho hành tinh của chúng ta.