(Nhật ký du lịch)

26/5

Có một chi tiết tí nữa quên :

Hai bên đường cao tốc từ Đài Bắc qua Đài Trung tới Cao Hùng, thỉnh thoảng chúng tôi cũng bắt gặp những nghĩa trang. Lạ một điều là mộ ở Đài Loan thường chỉ xây rất thấp, hàng gạch viền quanh mộ độ 20 cm, bia đặt đầu mộ chỉ nhỉnh cao hơn một chút, độ 30 – 40 cm gì đấy, dù là trên đó vẫn đọc được những dòng chữ Hán viết theo lối cổ.

Cũng lạ không kém là vào một cửa hàng kim cương, loại mặt hàng dành cho những người giàu, các cô nhân viên bán hàng mặc thuần một mầu đen, loại vải thô xoàng xĩnh. Phải nhận là ở chỗ này, phụ nữ Đài Loan thua xa những người cùng giới bán hàng ở các cửa hàng trên Tô Châu, Hàng Châu. Hình như ở nhiều nơi khác – kể cả Hà Nội – chúng ta đã chuyển qua một xã hội tiêu thụ, mà ở Đài Loan thì vẫn chưa, hoặc chẳng bao giờ đi theo hướng đó. Nhũn nhặn, chắc chắn, người dân nơi đây vẫn chỉ có lấy công việc làm vui. Họ bằng lòng với cái nhịp sống mà người ngoài như chúng tôi coi là khắc khổ.

Một người trong tua du lịch xướng lên :

Cốt sao cho dân được sướng.

Tôi muốn cãi lại :

– Cốt sao cho dân làm việc thì lẽ tự nhiên là có tất cả, kể cả sự sung sướng

Cảm tưởng về một sự thiết thực, cần mẫn, khắc khổ cũng trở lại với tôi khi ra sân bay Cao Hùng để trở về Hà Nội. Đọc các tài liệu hướng dẫn đã thấy nói Đài Loan là điểm dừng thuận lợi của các chuyến bay từ Âu Mỹ sang châu Á, song các sân bay ở đây chỉ gợi cảm giác là tiện dụng, không có những khoảng không to lớn choáng ngợp, không có những mảng trang trí với đường nét độc đáo… mà tôi thấy, chẳng hạn, ở Phố Đông – Thượng Hải.

Nên nói thêm là trên đường tới các điểm tham quan trong mấy ngày vừa qua, chúng tôi ít gặp khách du lịch Âu Mỹ. Không có những đám Tây ba-lô lợi dụng giá cả rẻ và một sinh hoạt buông thả đến tìm nơi hành lạc, Đài Loan hôm nay chủ yếu chỉ có khách từ đại lục ra. Hình như họ đến để hiểu rằng, có một Trung Hoa khác họ, mà vẫn làm cho thế giới vì nể. Có thể nhận biết đám khách ở đại lục ra qua cái nhìn tò mò và một chút gì hơi thô trong cách nói năng đi lại của họ. Người ta bảo đông nhất là khách từ Quảng Đông, Phúc Kiến. Trông họ, lập tức tôi liên tưởng tới các thím khách mà tôi thấy ở phố Hàng Buồm hồi trước 1954. 

*** 

Tôi đã nói rằng đến Đài Loan để tìm hiểu thêm về văn hoá Trung Hoa ở một điểm mà nó như bị dồn ép, bị bứng từ nơi này qua nơi khác, như người ta bứng một bồn hoa, một chậu cảnh.

Khía cạnh bảo thủ rõ nhất thấy ở nơi đây là vào các hiệu sách, thấy sách in ra chủ yếu vẫn theo lối in dọc từng cột chữ, không phải theo lối in ngang đã phổ biến khắp nơi.

Đọc thư mục một cuốn sách, đáng lẽ ghi là in năm 1984, thì người ta lại đề là năm Dân quốc 73.

Đi sâu vào cách nói cách trình bày của sách vở, thấy vẫn nhiều từ ngữ, nhiều câu cú, rộng ra là nhiều phương thức biểu hiện, người ta thấy ở nước Trung Hoa thời Lỗ Tấn, chứ không phải Trung Hoa đại lục hôm nay.

Có một nhận xét bất chợt đến trong đầu tôi, Đài Loan giống như một phòng thí nghiệm. Ở đó có sự kết hợp giữa văn hoá Trung Hoa và văn hoá phương Tây – một sự kết hợp nhuần nhị, chắc chắn, bền vững… Nhưng thôi vấn đề lớn quá, tôi xin tạm dừng lại chờ khi khác nghĩ tiếp.

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *