(Nhật ký du lịch)

25/5

Trước khi đi, tôi đã lên mạng, đọc sơ qua các tài liệu trên đó viết về Đài Loan. Cả những ghi chép cá nhân của một số bạn trẻ. Và bây giờ mang ra hỏi người hướng dẫn. Hoá ra sai nhiều quá. Nghe tôi nói, mấy người ngớ ra rồi cười .

Có bạn trẻ viết là Đài Bắc có một cửa hàng bán sách mở cửa 24/24.

Có bạn lại chụp cái ảnh Cố cung, khiến tôi tưởng ở thành phố cảng này có một Cố cung làm phỏng theo nguyên bản ở Bắc Kinh.

Toàn chuyện giời ơi đất hỡi!

Theo chương trình, hôm nay, chúng tôi thăm “Dòng sông tình ái”, nhưng trong không khí oi ả của chiều hè, đoạn sông đào này chả có gì là mơ mộng.

May quá, người hướng dẫn cho chúng tôi đã tìm ra một địa điểm thay thế là ngôi nhà lãnh sự quán Anh lập từ thời nhà Thanh cuối thế kỷ XVIII.

Nhớ lần qua Malacca, chỗ Malaysia giáp sang Singapore, cũng có một khu vực người ta xác định là dấu vết đầu tiên của người châu Âu trên mảnh đất xa xôi này.

Họ coi sự tiếp nhận với phương Tây đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử xã hội của họ.

Còn ở ta – ở Việt Nam, những chỗ ấy thường bị bỏ qua, thành hoang phế, hoặc để cho cái mới chồng lên cái cũ một cách bừa bãi. 

*** 

Cũng như ở Việt Nam, bên ngoài các khu du lịch đại lục là hàng dãy các hàng bán đồ lưu niệm. Cả khu vực Phật Quang Sơn tôi không gặp. Khu vực Hồ Sen chỉ có một bà già ngồi lặng lẽ. Người ta trong lúc chờ đợi xúm quanh một ông già thổi kèn đồng. Trong tiếng kèn nghiệp dư, chất nhạc Đặng Lệ Quân vẫn toát lên gần gũi, đúng là cái vẻ trữ tình riêng thấy ở những bài ca thầm thì mà chúng tôi thường nghe trong đêm khuya.

Các đền miếu nơi đây chả đâu có hòm công đức. Hoặc là nếu bề ngoài hình như có thì nội dung khác hẳn. Trên đường vào đền Xuân Thu ở Cao Hùng, ở một quãng ngoặt cũng có đặt một cái hòm và có cả một bà già ngồi cạnh. Bà vui vẻ mời mọi người đặt vào vài đồng xu tiết kiệm nếu có, và để bù lại, bà đưa chúng tôi mấy tờ bưu ảnh. Còn ở một khu miếu gần đấy, anh bạn cùng đoàn ghé qua, thì sau khi đặt một khoản nho nhỏ tiền “công đức” như ta gọi, anh được nhận một cái vòng tràng hạt đeo tay, chắc là mua ngoài cũng khá đắt.

Tôi buộc phải dừng lại ở cái chi tiết này lặt vặt này vì không quên được cảm giác bên nhà. Vào nhiều đền chùa Việt Nam, những hòm công đức đặt trước chúng tôi như thầm vang lên những lời đe nạt :

– Có muốn yên lành tử tế, có muốn được Trời Phật phù hộ không? Liệu mà đóng góp vào đây đi!

Đằng này là một tinh thần hoàn toàn khác.

Đôi khi tôi muốn nói rằng, trong nhiều trường hợp, ở Hà Nội và các vùng chung quanh, nhiều người đã làm những công việc tôn giáo bằng một tinh thần phàm tục, bao gồm cả hợm hĩnh. Và tình thế xảy ra giống như một sự áp chế nhau. Tôi không tin đó là tinh thần hướng thượng chân chính.

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *