(Nhật ký du lịch)
23/5
Tự nhủ, du khách sẽ hiểu về người Đài Loan nếu hiểu thêm lịch sử của họ. Mảnh đất bị Nhật đô hộ năm chục năm trở thành nơi nương náu của một đoàn quân thất bại. Sự tự trọng đã làm cho họ trở nên đứng vững trong thế giới này.
Khi ra đảo, cái xã hội Dân quốc bị thu nhỏ lại. Không còn đất đai, không còn thành quách, di sản, nhưng còn con người. Trước tiên là những gì trong đầu óc con người và hiện ra ở sách vở, ở những hiện vật trong Viện Bảo tàng Cố cung. Tức còn văn hóa, thứ văn hoá Trung Hoa cổ điển đã đồng hóa được những ảnh hưởng phương Tây từ đầu thế kỷ XX. Thứ văn hóa này, có thể nói, có trong dòng máu mỗi người. Trong thói quen sinh hoạt. Trong khao khát có mặt trên thế giới.
Trong bước đường cùng, thế là người ta vẫn có một cõi riêng để tiếp tục làm người. Đài Loan vì thế có lẽ là ví dụ nổi bật về sự có mặt và sức mạnh của văn hoá.
***
Đang từ một nơi phố xá chen chúc những xe, đến Đài Bắc sao thấy như là văng vắng. Dân số 23 triệu, mà xe ở Đài Loan đến hơn 4 triệu gì đó. Năm người một xe. Xét tỷ lệ thì hình như đã quá nhiều. Nhưng sự dư thừa đó không gây khó chịu vì người ta vẫn làm chủ được nó, không đẩy giao thông lên thành hỗn loạn. Nhất là là không gây cảm giác xe che lấp người, xe trở thành người, hỗn hào lộn xộn mà lại hung hãn cuồng bạo như ở Hà Nội.
Xe trên đường không thấy có các loại hàng hiệu bóng lộn như vừa chở thẳng từ máy bay tới. Hướng dẫn viên cho chúng tôi biết : Do Đài Loan là một trong những cơ sở lắp ráp của Toyota và Nissan, nên xe chạy ngoài đường chủ yếu chỉ có hai loại này, rặt một màu trắng hơi ngà ngà, cốt được việc hơn là khoe của.
Họ bảo quản xe thế nào? Buổi sáng, trong lúc chờ xe, tôi bắt gặp một phụ nữ để cái Vespa lên vỉa hè, khoá lại, rồi bình thản rẽ vào nơi làm việc là một khách sạn ở một ngõ nhỏ gần đấy.
Người hướng dẫn nói với chúng tôi, cứ để thế cả đêm cũng chẳng sao. Ở đây không có chuyện hở ra một phút là mất cắp.
Tại sao như vậy? Tôi cho rằng, điều này không chỉ chứng tỏ dân Đài Bắc giàu, mà còn là dấu hiệu cho thấy đây là một đô thị có bề dày lịch sử.
Còn Hà Nội của chúng tôi, Hà Nội luôn luôn ở trong cái thế chưa hình thành. Lúc nào cũng dang dở, nhốn nháo, tạm bợ thì làm sao có thể nẩy nở nên một cuộc sống an lành.
Trước mắt tôi là hai công chức trẻ đi làm. Họ ăn mặc giống nhau. Kiểu đồng phục công sở. Sự bình thản của thành phố cũng là sự bình thản trên nét mặt họ.
Nhìn họ thấy trở lại một cảm giác chung : Đài Bắc thì giống như Sài Gòn, còn Đài Trung thì giống như Quy Nhơn, Đà Nẵng trước 1975, cố nhiên có được nâng lên một chút. Cũng những vùng đất không có quá khứ, và con người nghiêm cẩn và khắc khổ sống để bắt kịp xã hội hiện đại.
Người ta buổi sáng yên tâm đi làm vì đồng lương đủ nuôi sống gia đình, vợ ở nhà cơm nước, con cái đi học, mọi nhu cầu đều thoả mãn ở mức tàm tạm.
Còn chúng ta hôm nay? Đi làm “bằng một tai”, còn tai kia phải nghe ngóng, xem có chỗ nào buôn bán thêm được, chỗ nào cần gõ cửa để chạy dự án, để xin học cho con… Mọi chuyện cứ rối tung cả lên vì con người luôn luôn không yên tâm. Luôn luôn có những con đường có thể giàu nhanh hơn, sang nhanh hơn, dù đó là con đường bất chính. Song bây giờ, với chúng ta, chính – tà có đâu phân biệt nữa. Nếu ta không biết lo cho mình, thì chỉ có thiệt.
***
Một trong những đặc sản của Đài Loan là tắm nước khoáng. Những dãy nhà tắm mộc mạc. Các phòng chờ ken gỗ đơn sơ. Thành bể chỉ trát xi-măng chứ không phải các loại đá hoa trơn bóng. Hình như loại nhà nghỉ này đã có từ lâu đời, và dùng cho mọi người, chứ không phải mới nhập khẩu từ nước ngoài để trang trí cho cuộc sống đám dân nhà giàu như ở một số vùng bên ta.
Mấy người cùng đi với tôi, nhân việc nhà tắm quy định phải bỏ hết trang phục, mới kể là Hàn Quốc cũng có chuyện ấy. Nhiều người Việt Nam đến đó không chịu, lấy cớ không hiểu ngôn ngữ cứ mặc quần lội bừa xuống nước. Rút cục, cái sự bừa đi ấy cũng xong. Hai kết luận trái ngược :
– Dân mình tài lắm! Sáng tạo lắm!
– Tài gì, sáng tạo gì? Chỉ giỏi ngông ngạo, cứ người ta làm một đằng thì mình làm một nẻo, rồi lại bảo Việt Nam chúng tôi quen thế rồi. Khôn ranh đến độ nhưng cứ làm bộ thật thà, có ông lại e thẹn nữa, mới dễ lừa người ta chứ!
***
![]() |
Chinese dish |
Chiều, cả xe ghé vào một cửa hàng ăn. Thứ bẩy mà cửa hàng vẫn vắng, chỉ có một, hai bàn hoạt động, đâu như là các gia đình đến ăn thường xuyên, chủ khách đã quen nhau.
Hỏi ra mới biết, ngay ở các quán thuộc loại bình dân, người ta ăn uống vẫn khá lặng lẽ (ít ra là so với dân đại lục mà tôi biết). Nhưng đúng là dân Tầu, họ đều ăn rất khoẻ. Ở những quán tự chọn, họ lấy về những bát thịt to tướng quẳng vào nồi lẩu, rồi loáng một cái là hết.
***
Làm sao khác được, tôi cứ phải luôn luôn nhớ tới Việt Nam để so sánh!
Gia đình có dặn bọn tôi đi Đài Loan thì tìm mua cho một loại thuốc. Về sau, nhờ người hướng dẫn du lịch xem đơn mới biết loại thuốc đại lục này, Đài Bắc không có bán. Nhưng trước đó, bọn tôi ngồi trên xe đi ngang dọc thành phố và lúc ra phố chơi mới nhận ra đường phố Đài Bắc chỉ nhiều cửa hàng tạp hoá, hàng ăn, còn hiệu thuốc rất ít.
Lại nhớ, ở các đô thị Việt Nam bây giờ mua thuốc khá dễ, phố nào cũng có một hai cửa thuốc chất đầy tủ.
Quảng cáo trên T.V của mình hàng ngày thì đến gần nửa (có người nói hơn nữa) là quảng cáo về thuốc.
Nghĩa là người mình đang ốm đang bệnh nhiều. Ra khỏi chiến tranh đã bệnh tật đầy mình, lại cách làm ăn tổ chức ra một đời sống ô nhiễm như hôm nay, hỏi sao không bệnh?
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn