(TuanVietNam) – Mô hình "xưởng đọc" được một số trường tiểu học Mỹ áp dụng gây tác động mãnh mẽ tới việc ham thích đọc sách của các em. Điều này giúp phá bỏ phương pháp giáo dục đã lỗi thời của giáo dục Mỹ.

"Xưởng đọc" cho học sinh lựa chọn

Nhiều năm qua, cô giáo Lorrie McNeill rất thích dạy tác phẩm “Để giết một con chim nhại” (To kill a mocking bird), một tác phẩm cổ điển của Harper Lee mà nhiều người Mỹ xem như một cách chính thức chuyển tải thông điệp qua văn học.

Nhưng mùa thu năm ngoái, lần đầu tiên trong suốt 15 năm, cô McNeil, 42 tuổi, không ấn định “Con chim nhại” hay bất cứ quyển tiểu thuyết nào khác cho học sinh đọc. Thay vào đó, cô quyết định trao quyền lựa chọn sẽ đọc quyển sách nào cho học sinh lớp 7 và lớp 8 trong các giờ tiếng Anh ở trường Trung học Jonesboro, thuộc vùng ngoại ô Nam Atlanta.

Học sinh cô lựa chọn rất nhiều thứ : James Patterson chọn những quyển sách gay cấn “Maximum ride” (tạm dịch : Chuyến đi lớn nhất), nhiều em chọn những quyển tiểu thuyết dành cho trẻ mới lớn và thậm chí là bộ tiểu thuyết được viết dưới phong cách truyện tranh “Captain underpants” (tạm dịch : Đội trưởng quần đùi).

Nhưng cũng có nhiều em như Jennae Arnold – một học sinh lớp 8, ăn nói nhỏ nhẹ – chọn những quyển có tựa đề giật gân như "A lesson before dying" (Một bài học trước khi chết) của Ernest J.Gaines và “The bluest eye" (Con mắt xanh nhất) của Toni Morrison.

Phương pháp mà cô McNeil sử dụng là học sinh được tự chọn sách mà mình thích, thảo luận riêng với giáo viên, bạn bè và ghi nhật ký về việc đọc đó. Phương pháp này là một phần của trào lưu đổi mới cách dạy học văn tại các trường học ở Mỹ. Trong khi vẫn chưa có một sự nhất trí rõ ràng giữa các giáo viên thì việc đa dạng hóa cách tiếp cận sách (gọi là "Xưởng đọc") đang được mọi người ưa chuộng.

Ở thành phố New York, nhiều trường tiểu học tư và công, kể cả một số trường trung học, đã áp dụng các hình thức khác nhau của “Xưởng đọc”. Kể từ mùa thu này, trường học của Chappaqua – N.Y. sẽ dành ra 40 phút mỗi ngày cho tất cả các học sinh lớp 6,7,8 đọc những quyển sách mà các em lựa chọn.

Tháng 9 này, các học sinh ở trường trung học công Seattle cũng sẽ bắt đầu được chọn đọc sách theo sở thích. Và ở Chicago, các trường công đã có một chương trình thí điểm từ năm 2006 tại 31/483 trường tiểu học cho phép học sinh lớp 6, 7, 8 nhiều quyền chọn lựa hơn cho những gì họ đọc. Các quan chức Chicago sẽ cân nhắc liệu có nên mở rộng chương trình khi họ xem xét xong kết quả thí điểm.

Tuy nhiên không có trường nào lại đi xa như cô McNeil.

 
Cô McNeil đang tạo cơ hội cho học trò được lựa chọn quyển sách mình thích – (Nguồn: Nytimes)

 
Kinh điển tốt kiểu kinh điển, mới tốt kiểu mới

Theo phương pháp truyền thống, toàn bộ lớp học đọc cùng một cuốn tiểu thuyết, thường là tác phẩm kinh điển, cùng nhau rút ra chủ đề và nghiên cứu những thủ pháp văn học được sử dụng. Cách học này, theo những người đề xướng, xây dựng một nền văn hóa văn học chung cho các học sinh, giúp tất cả người đọc tiếp cận với những tác phẩm chất lượng và phức tạp. Họ cho rằng đây là cách tốt nhất để chuẩn bị cho học sinh tham gia những bài kiểm tra đúng chuẩn.

Nhưng những người ủng hộ “Xưởng đọc” thì nói rằng, việc ấn định những cuốn sách phải đọc làm cho nhiều học sinh thấy buồn chán và không thể hiểu chúng nói gì. Hãy để cho học sinh tự chọn sách cho mình, điều đó có thể giúp xây dựng một tình yêu đọc sách lâu dài.

Trước khi đưa vào thực nghiệm vài tháng, cô McNeil phát biểu : “Tôi cũng giống như mọi học sinh trong lớp đều bận rộn với cuốn tiểu thuyết mà chúng đang thực sự tiếp cận. Tôi biết khi nào tôi dạy “Để giết một con chim nhại”, có vài em không hứng thú với tác phẩm này".

Các nhà phê bình phương pháp này thì nói rằng việc đọc sách theo nhóm nhìn chung sẽ giúp học sinh tìm ra nhiều tình tiết có ý nghĩa hơn. Họ cũng đặt ra câu hỏi, liệu các giáo viên có thực sự bắt kịp với một lớp mà mỗi em lại chọn đọc một quyển sách khác nhau hay không. Vấn đề quan trọng hơn là sự mất đi kiến thức nền dựa trên những tác phẩm kinh điển, thật không may, đó lại là những tác phẩm mà ít khi học sinh tự chọn đọc.

Diane Ravitch, một giảng viên Đại học New York – trợ lý cho Bộ trưởng giáo dục dưới thời Tổng thống George H.W.Bush – nói : “Bọn trẻ sẽ thu nhận được gì từ ‘Moby-Dick’ (một cuốn sách mới)? Các em sẽ chọn lựa những thứ hợp mốt và phổ biến. Nhưng đó chỉ nên là những thứ mà các em lựa chọn trong thời gian rỗi.”

Thực tế, một số trường đang có xu hướng đi theo chiều ngược lại. Boston đang phát triển một khung chương trình cơ bản quy định những sách bắt buộc cho học sinh lớp 6 và cân nhắc việc ấn định các cuốn sách cho mỗi lớp từ lớp 7 đến lớp 12.

Joan Dabrowski – Giám đốc thư viện các trường công ở Boston – cho rằng, nên khuyến khích giáo viên trao cho các em học sinh quyền lựa chọn sách. Thực tế, nhiều trường học đang dùng phương pháp kết hợp, vừa quy định những tác phẩm bắt buộc, vừa cho phép học sinh được lựa chọn các cuốn sách khác.

Thậm chí, những người trung thành với phương pháp truyền thống trước đây cũng đang dung hòa hai quan điểm truyền thống và hiện đại. Mark Bauerlein – giáo viên tiếng Anh Trường Đại học Emory, đồng thời là tác giả của công trình nghiên cứu “Thế hệ trầm lặng nhất : Thời đại kỹ thuật số làm u mê giới trẻ Mỹ và hủy hoại tương lai chúng ta như thế nào” – nói :

“Trước đây, tôi thực sự là một người luôn trung thành với những tác phẩm vĩ đại, những đỉnh cao văn hóa của loài người, một người say mê những tác phẩm của Dickens. Những giờ đây, trong thời đại của Game Boys và Facebook, tôi nghĩ nếu học sinh đọc nhiều tiểu thuyết Conan, Harry Potter hay bất cứ cái gì cũng đều tốt. Chúng ta chỉ cần duy trì thói quen đọc sách ở trẻ em càng nhiều càng tốt".

Thanh Huyền – TVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *