Một buổi sáng thức dậy, nghe Đài thông báo mùa thu bắt đầu từ hôm nay. Một cảm giác lạ lùng, thú vị. Tôi sinh trưởng ở miền nhiệt đới, có hai mùa mưa và nắng, chưa bao giờ nghe Đài thông báo hôm nay bắt đầu mùa nắng, hay mưa, một cách long trọng như vậy. Người xướng ngôn trên Đài mặt mũi hớn hở, đứng trong phông cảnh những cây bắp đã khô bó lại dựng bên vách, rơm và cỏ khô rải khắp sàn, hai ba gã bù nhìn te tua nón áo và những trái bí lồng đèn cố ý để ngổn ngang như thể người ta bạ đâu vứt đấy. Mùa thu bắt đầu rồi, thưa quí vị! Lá phong trên đường Cây phong đã chớm đổi màu. Khắp nông thôn đang thu hái. Cuối tuần này, nông trại Joe&Jill sẽ mở cổng cho các gia đình đưa trẻ con đến hái bí.
Trái bí lồng đèn (Jack O’lantern) màu cam, vỏ cứng, ruột hơi bộng, ăn không ngon, người ta không dùng như thực phẩm, mà để làm đồ chơi, vật trang trí. Đầu tháng mười, bí chín, to nhỏ đủ cỡ, trung bình bằng trái dưa hấu. Các siêu thị chất đống ngoài hành lang, y như mấy đống dưa Tết, cũng lót rơm bên dưới, cũng chồng trái này lên trái kia, năm bảy lớp. Và người ta cũng xúm xít lựa bí như người mình lựa dưa. Có người ôm một trái tổ bố. Có người chất năm bảy trái lên xe đẩy. Giá rẻ mà không rẻ, 25 xu một pound, một kí chừng mười ngàn đồng, nhưng trái nào trái nấy cả chục kí.
Như trái dưa hấu, dù gì thì Tết nhứt cũng phải có một cặp chưng trên bàn thờ tổ tiên. Ban đầu, tôi không tán thành cái trò bày biện bí lồng đèn này. Nghĩ xem, bao nhiêu tài nguyên (đất, nước, nắng, phân bón, công sức) bị hoang phí cho một cuộc chơi. Người ta chưng bí đến xong lễ Halloween thì đem vụt thùng rác! Tôi xót hàng triệu triệu tấn thực phẩm bị bỏ đi, trong khi ở nơi khác trên thế giới, người ta không có mà ăn. Nhưng rồi dần dà, tôi cũng chấp nhận thói phù phiếm chung của con người, đem cái ăn ra làm cái chơi. Ở xứ mình cũng vậy, hàng năm, bao nhiêu là hoa trái làm ra chỉ để chưng mấy ngày Tết, rồi bỏ.
Nhưng không thể bỏ một quan niệm tập thể, một tục lệ thấm sâu trong cộng đồng, một truyền thống với những giá trị tinh thần được tạo ra cho ký ức con người. Mâm ngũ quả hay cặp dưa hấu là ký ức mặc định về ngôi nhà Tết của mỗi người Việt, thì trái bí lồng đèn là ký ức tuổi thơ, mùa thu, quê nhà của người Mỹ. Khi trời sang thu, bí chín, trẻ con chạy tung tăng trên đồng, lật những lá bí già úa lên để “khám phá” những trái bí bự mà chúng khệ nệ bưng không nổi. Chúng hò reo khi tìm được một trái có vẻ to chưa từng thấy, hì hục vần cho được trái bí đến chỗ Ban giám khảo mới hay có thằng bí khác to hơn bí mình. Khuân bí về nhà, chúng đục đẽo, cắt gọt trái bí thành những đầu lâu, mặt quỉ, thắp đèn cầy trong ruột đã khoét rỗng, bày biện từ đầu ngõ đến thềm nhà, ban đêm ánh sáng lung linh chập chờn.
Chiều thu nắng tắt vội, những trái bí lồng đèn thắp lên vẻ huyền bí hư ảo trong bóng tối, gọi về quá khứ, những bóng ma và Halloween. Nhà nào chơi Halloween kỹ thường là nhà có trẻ em, cố tình bày biện bàn ghế xộc xệch, trang trí như nhà mồ hay nhà hoang. Để tăng thêm vẻ rùng rợn, người ta cắm những bia mộ trên bãi cỏ trước nhà, biến nó thành bãi tha ma, treo lủng lẳng trên cành cây những bộ xương khô, vải liệm, cửa sổ chăng mạng nhện, xịt thêm keo bụi tạo ra vẻ hoang phế điêu tàn. Mỗi đứa trẻ nhứt định phải sắm một bộ đồ ác chiến hóa trang thành quỉ dạ xoa, phù thủy, ma cà rồng hay các nhân vật quái đản trong phim và sách đang ăn khách. Chờ đến đêm Halloween, chúng kéo nhau đi gõ cửa từng ngôi nhà để tống… kẹo.
Bọn trẻ chỗ tôi ở nói chung rất ngoan, thấy nhà nào không chơi Halloween thì chúng tránh làm phiền, không gõ cửa. Nhưng đứng ngoài cuộc chơi buồn chết! Nên dù không trang trí nhà cửa thành nhà hoang, nghĩa địa, tôi vẫn phải sắm một thúng kẹo để sẵn trong nhà và một trái bí lồng đèn bự chảng, cũng đục lỗ, thắp đèn cầy, để trên thềm, như một tín hiệu, rằng tôi cũng chơi, vô chơi với tôi! Đây là dịp để trẻ con (và phụ huynh) tìm hiểu nhà trong xóm của mình. Cánh cửa mở ra, con mắt tò mò dưới mặt nạ ngụy trang của đứa nhỏ đảo nhanh ghi lấy ấn tượng tức thì : bàn thờ với tấm chân dung một người Á châu bí ẩn, mùi trầm thoảng trong không khí, nụ cười xởi lời của bà già, giọng ồm ồm cố tình hù dọa sau tiếng đằng hắng hay giả ho khọt khẹt của ông già. Nếu không có cảnh này, người ta tưởng ngôi nhà hoang quanh năm, vì chủ nhà sống lặng lẽ kín đáo giữa một khu vườn mọc rậm rì những bụi cây dâu đen.
Trẻ con lớn rất nhanh. Chẳng mấy chốc, người lớn cũng già. Khi rừng phong nhuộm màu thu đỏ au, những trái bí chín vàng trên đồng và lá bắp khô xám ngoét, tôi thấy một ông già Mỹ đổi tánh, trở nên đa cảm. Ông hay nhắc lại kỷ niệm ấu thơ trong ngôi nhà nhỏ trên đồi, cây táo đầy trái chín đỏ sau khi rụng hết lá, mùi bánh mì ủ men đang nướng trong lò. Ông cãi, không phải cơn thu cảm nổi lên từ ý thức xế thu của đời mình. Nhưng mùa thu khiến người ta nhớ quê. Những trái bí bày trên các bậc thềm dẫn người ta về ngôi nhà của tuổi thơ. Như những trái dưa hấu chưng trên bàn thờ nhắc tôi nhớ Tết. Nhớ Tết là nhớ nhà. Sao mình đang ở nhà mình nơi này lại còn nhớ về nhà ở đâu nữa?
Nhà là, theo định nghĩa của Michael J.Rosen, tất cả mọi thứ mình biết rõ tên : chạn bát với chén dĩa mình dùng mỗi ngày, tủ quần áo, cây chổi, góc tường. Nhà cũng là tất cả mọi thứ biết mình rành rẽ : thói quen vứt nón quăng giày khi bước qua cửa, chỗ hay ngồi, những lúc nổi cơn khùng. Khi một người đi khỏi nhà, dù họ để lại tất cả vật dụng của mình, họ vẫn mang đi một phần của nhà. Một ngôi nhà hoang không phải là ngôi nhà không có người ở, mà là ngôi nhà người ta đã bỏ đi. Tập quán xứ này, người trưởng thành không sống trong nhà cha mẹ, dù có gia đình riêng hay chưa. Phải ra riêng để sống cuộc đời của riêng mình trong nhà riêng của mình, dù “nhà riêng” ban đầu có thể là một căn phòng trọ trong ký túc xá, phòng thuê trong nhà người khác hay cái gác xép phía trên nhà xe. Ở những chốn tạm bợ đó, khó tạo lập sự cảm thông giữa người và vật như ở nhà mình. Cho dù mình dọn hết đồ đạc riêng tư vào chỗ ở mới, vẫn không thể nhập ngay hồn nhà vào. Dù háo hức ra riêng như thế nào đi nữa, người ta vẫn cảm thấy mình đã bỏ lại một phần của mình nơi có ký ức tuổi thơ.
Cái nhà mình tạo lập sau này, khi lập gia đình riêng, là để nuôi nấng tuổi thơ con cái mình, để chúng lớn lên có một ký ức gia đình. Để cái nhà đó thành nhà chúng, nơi chúng sẽ ra đi, nhớ đến, và quay về. Đành rằng không phải ai cũng có những kỷ niệm tuổi thơ tuyệt vời trong ngôi nhà hạnh phúc. Nhưng người ta đâu nhứt thiết chỉ nhớ nhà với tâm trạng ấm cúng rộn rã yêu thương. Chỉ cần một tuổi thơ có một mái nhà là đủ để người ta có nơi bám víu trong suốt phần đời trôi nổi sau này.
Nhà văn Lý Lan (st)