SGTT.VN – Với thu nhập bình quân hơn 2 triệu đồng một tháng, nếu có tăng ca, cũng chỉ trên 3 triệu đồng, những công nhân nhập cư sẽ làm thế nào để duy trì được cuộc sống của mình?
Đi tìm câu trả lời, phóng viên SGTT đã xin ở cùng với mấy công nhân trong một phòng trọ gần Khu chế xuất Tân Thuận. Ở cùng họ một tuần, chứng kiến họ đi chợ, tính toán, lo toan, suy tư mới thấy hết được mưu sinh là một cuộc vật lộn khắc nghiệt đối với công nhân.
Chiều muộn. Chợ Bùi Văn Ba ở Quận 7 đìu hiu. Sạp rau đã héo sau cả ngày phơi mình giữa chợ. Sạp thịt còn lèo tèo vài miếng đã hơi thâm. Thỉnh thoảng, vài con ruồi bu xuống, bà chủ hàng cầm cái giẻ xua đi, nhưng cũng có khi bà mặc kệ, để chúng tự do, thoải mái. Chợ chiều đã vắng khách, nhưng các sạp hàng vẫn chưa ai thu dọn để chuẩn bị về như nhiều chợ khác, mà dường như, họ vẫn còn đang chờ những người khách đã hẹn. Và hơn 6 giờ, chợ bỗng ồn lên khi từng tốp người mặc đồng phục nhiều màu kéo vào. Họ là những công nhân vừa tan ca từ Khu chế xuất Tân Thuận. Theo chân chị Trần Thị Như Quỳnh, một công nhân của khu chế xuất, tôi vào chợ.
Phiên chợ công nhân
Đi quanh chợ một vòng, chị Quỳnh ghé vào một hàng thịt. Trên sạp chỉ còn mấy miếng thịt đùi và thịt mông nhiều mỡ. Chị hỏi giá 100 gr. Bà hàng thịt trả lời 8.000 đồng. Chị thốt lên sao mắc vậy, cách đây hai tuần mới có 6.500 đồng thôi mà. Bà chủ hàng nhìn chị rồi trả lời : Bây giờ cái gì cũng tăng!
Trả giá 6.000 đồng, nhưng bà không đồng ý. Đứng tần ngần một hồi, chị Quỳnh không mua và đi sang hàng khác. Ghé hàng rau quen, chị mua 2.000 đồng, nhưng cô hàng rau không bán và giải thích, bữa nay 3.000 đồng mới bán, 2.000 đồng ít lắm. Chị đành tặc lưỡi mua 3.000 đồng rồi đi sang hàng trứng. Vừa lựa trứng, chị vừa phân trần với tôi : Thịt mắc quá, mua trứng cho rẻ, lại để được, đỡ phải đi chợ nhiều. Chị lựa mười quả trứng vịt giá 30.000 đồng rồi cười bảo đủ cho bốn người ăn trong vòng mấy ngày.
Mon men qua mấy hàng thịt trong chợ, tôi hỏi mấy bà tình hình buôn bán. Bà hàng thịt heo lắc đầu nói dạo này ế lắm, mỗi ngày, bà phải lấy hàng ít đi một chút mới bán hết. Chợ này chủ yếu dành cho công nhân, mà mỗi lần họ mua cũng chỉ 200 gr đến 300 gr, thậm chí 100 gr, nên tiêu thụ rất chậm. Bà chủ hàng thịt bò thì càng ngao ngán vì thịt bò là thứ xa xỉ phẩm, có mấy công nhân dám mua và có mua để cải thiện bữa ăn thì họ chỉ mua nửa trăm, hoặc một trăm gram về xào kèm rau.
Đi quanh chợ một vòng có thể nhận thấy thức ăn ở đây không được tươi và ngon. Chị Quỳnh giải thích, chợ này dành cho công nhân, nên họ thường lấy những thứ không ngon cho rẻ, bán dễ hơn. Về gần khu nhà trọ, ghé mấy sạp hàng càng thấy rõ điều này. Dưa leo, cà chua, trái nào cũng èo uột. Rau muống thì già. Trái cây cũng là những trái bé xíu, hoặc còn non, hoặc còi cọc. Sạp hàng này bán chủ yếu cho những công nhân, nhất là công nhân nam ngại đi chợ, tạt qua mua nhanh rồi về. So với ở chợ, giá không đắt hơn, nhưng chất lượng thì không bằng. Chị Lan bán hàng bảo hàng này, chị lấy từ chợ. Mà bán cho công nhân, do không thể bán giá cao, nên phải lấy những thứ kém chất lượng, giá rẻ, bán bằng giá chợ mới có lời. Muốn mua một trái dưa hấu mang vào làm quà cho phòng chị Quỳnh, nhưng đi hai hàng trái cây, tôi chỉ thấy những trái dưa hấu nhỏ và chỉ cần nhìn cũng biết là còn non, ruột không đỏ, ăn vào lạt nhách. Nhưng chị Quỳnh nói, công nhân mà, cốt là rẻ, không ngon cũng đành chấp nhận thôi.
Những bữa cơm khó nuốt
Bữa cơm đạm bạc |
Chị Quỳnh đưa tôi về phòng. Căn phòng trọ nhỏ xíu chưa tới 10 mét vuông, có thêm cái gác nhỏ dành cho bốn người ở. Chỉ 20 phút sau, mâm cơm đã dọn ra. Cũng chẳng có gì cầu kỳ để phải mất thời gian. Rau luộc lấy nước làm canh, một dĩa trứng chiên, một chén nước mắm. Mỗi người ăn hơn lưng chén cơm rồi đứng lên. Nguyễn Thị Mỹ Diễm giải thích : Cả tuần ăn trứng, hết trứng chiên, rồi đến trứng luộc dầm nước mắm, ngán không nuốt nổi. Hình như trứng là món ăn vừa rẻ, vừa dễ chế biến nên được công nhân ưa chuộng. Ghé sang phòng của mấy nam công nhân bên cạnh, tôi cũng thấy tương tự. Một dĩa đậu bắp luộc, mấy cái trứng luộc dầm nước mắm. Thấy cái nhìn ái ngại của tôi, Trần Thế Vinh giải thích, tiêu chuẩn đi chợ mỗi bữa của ba người là 15.000 đồng, nên chỉ có thể ăn như vậy thôi. Phải ăn như vậy thì thu nhập ít ỏi mới đủ trang trải cuộc sống với hàng trăm thứ chi tiêu khác. Vinh cho tôi xem quyển sổ ghi chép của mình. Tôi đọc thấy trong đó có những cột ghi : muối – 2.000 đồng, đi chợ – 10.000 đồng… Vinh cười nói phải ghi tỉ mỉ như vậy mới kiểm soát được chi tiêu để mà điều chỉnh, cân đối.
Diễm cho biết, căn phòng mấy chị em ở lúc trước là 1 triệu đồng, nhưng ra tết đã tăng lên 1,2 triệu đồng. Tiền điện cũng mới tăng mỗi ký 1.000 đồng, nước cũng tăng, nên chắc tháng tới mỗi người phải đóng gần 400.000 đồng mới đủ. Chị lắc đầu, thở dài : “Cái gì cũng tăng, sao mà sống nổi”.
Chỉ sang phòng đối diện, chị kể đó là phòng của một gia đình mới chuyển về quê cách đây mấy ngày. Hai vợ chồng cùng làm công nhân, lương cộng lại được hơn 6 triệu đồng, cả tăng ca. Tiền nhà, tiền ăn, tiền gửi con, tiền sữa và hàng trăm thứ tiền khác nên cả gia đình sống rất chật vật, hầu như không có tiền tích luỹ. Giờ thứ gì cũng tăng, dè sẻn đến mấy cũng không đủ sống. Mà có thể tiết kiệm được thứ gì, chứ tiêu chuẩn sữa cho con thì không thể cắt, tiền gửi con, tiền nhà cũng không thể giảm. Lỡ con có bệnh, thì cũng chẳng có tiền tích luỹ mà cho đi bệnh viện. Tính đi tính lại, hai vợ chồng quyết định về quê. Ở quê còn có ruộng, có ông bà giúp trông con, nên chắc không chết đói. Hôm về, chị vợ nói với mấy chị em phòng Diễm : “Cả hai vợ chồng vào Sài Gòn làm công nhân gần mười năm, giờ về quê vẫn là hai bàn tay trắng. Đời công nhân thật bạc”.
Người về ngậm ngùi, người ở lại cũng lắm suy tư, băn khoăn. Đời công nhân triền miên trong thiếu thốn. Tồn tại thôi cũng đã khó, chứ đừng nói gì đến sống cho đúng nghĩa. Vào thành phố làm công nhân, họ mang theo giấc mơ thay đổi cuộc sống. Nhưng bao nhiêu năm sống ở thành phố là bấy nhiêu năm họ vật lộn với những lo toan. Cuộc sống mòn mỏi khiến họ dần quên đi những giấc mơ.
Bài và ảnh : Hà Dịu – SGTT