“Đến đây, đến đây, tôi sẽ chỉ cho anh thấy sự thay đổi khí hậu” – đó là câu nói của Mohon Mondal, một nhân viên tổ chức phi chính phủ địa phương ở miền Tây Nam, khi mặt anh đang hướng về phía cây cầu sắp sập xuống do mực nước biển đang tăng lên.

 

Bangladesh

Ở một mức độ nào đó, nhận thức này dẫn đến một lối suy nghĩ mà trong đó mọi con đê bị xói mòn đều trở thành một bản cáo trạng chống lại nước Mỹ về việc đã không tham gia Nghị định thư Kyoto. (Những người Bangladesh Hồi giáo cũng chẳng lấy gì làm ủng hộ Mỹ lắm – hệ quả của việc họ đã sẵn ghét nước Anh, nước đã từng đặt ách cai trị thực dân lên Bangladesh, và thái độ thù địch còn nhen nhóm đối với Pakistan bắt nguồn từ cuộc chiến tranh giải phóng năm 1971). Nhưng bất chấp tất cả những yếu tố trong trường hợp này, nước Mỹ không thể chỉ bảo vệ lập trường của chính mình. Là một cường quốc mạnh nhất thế giới, Mỹ phải được nhìn nhận là đi đầu trong sự nghiệp chống lại sự nóng lên toàn cầu.
Các tổ chức phi chính phủ đã không thể có một ảnh hưởng lớn như vậy ở Bangladesh nếu như không có sự xâm nhập của Hồi giáo vào đất nước này. Hồi giáo chỉ đến được Bengal vào khoảng cuối thế kỷ XII, khi mà những kẻ xâm lược Hồi giáo mang tôn giáo này đến từ phía Tây Bắc. Nó chính là một thành tố trong “cái bình văn hóa” phong phú và có mức độ Hinđu hóa cao của Bangladesh.

Mảnh đất màu của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan

Nhưng phiên bản còi cọc của Hồi giáo này đang nhường chỗ cho một khuynh hướng Wahhabi khắc nghiệt và quả quyết. Là một nước nghèo nên không thể ngoảnh mặt đi trước đồng tiền, với một đường bờ biển không được quản lý và nát vụn bởi những hòn đảo và cù lao, Bangladesh đã trở thành một nơi tập kết hoàn hảo cho các tổ chức trực thuộc al-Qaeda, trá hình như các tổ chức phi chính phủ được phương Tây hóa. Những trại trẻ mồ côi Hồi giáo và các trạm trú ẩn tránh lốc xoáy đang mọc lên như nấm ở khắp đất nước này, một phần nhờ vào những khoản quyên góp đến từ Ảrập Xêút cũng như từ các công nhân Bangladesh trở về nước từ bán đảo Ảrập đầy dầu mỏ.

Một thập kỷ trước, phụ nữ ở Dhaka và ở thành phố cảng Chittagong mặc quần jean và áo thun ngắn tay, nhưng ngày càng nhiều người đang tự choàng cho mình trang phục burka (trang phục Hồi giáo che kín người và mặt). Các madrasa (trường Hồi giáo) giờ đây đông hơn các trường trung học. Theo Anupam Sen, Hiệu phó của một trường đại học tư nhân mới mở ở Chittagong, người nói với tôi rằng một tầng lớp mới của xã hội đang nổi lên và tầng lớp này mang tính "Hồi giáo toàn cầu" hơn là "đặc thù Bengal".

Khi mà những người ở vùng nông thôn Bangladesh chạy khỏi một vùng nông thôn bị tàn phá bởi độ mặn ở miền Nam và hạn hán ở miền Tây Bắc, họ dồn vào các thành phố với mức độ 3 – 4% mỗi năm. Bị dồn vào rất nhiều các khu trại ổ chuột ngổn ngang, họ mất đi mối liên hệ với những người đồng hương và gia đình mình. Họ trở nên dễ bị nao núng hơn trước một dạng Hồi giáo có định hướng ý thức hệ sắc hơn. Đây là cách mà sự ấm lên toàn cầu gián tiếp tạo điều kiện cho chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Bạo động liên tục diễn ra trên đường phố

Atiq Rahman cảnh báo : "Chúng ta sẽ không có một tình trạng vô chính phủ ở cấp làng xã, nơi mà xã hội lành mạnh. Nhưng chúng ta có thể lâm vào tình trạng vô chính phủ ở ngay trong những vùng đô thị đang ngày một mở rộng".

Hiến pháp tốt nhất… nhưng không ai tuân thủ

Ở Bangladesh, các trí thức của xã hội dân sự hầu như không có vai trò gì trong quy trình chính trị, quân đội được tin cậy hơn so với bất kỳ đảng phái chính trị nào, và mọi người – ít nhất là mọi người mà tôi đã gặp – luôn khiếp sợ bầu cử, vì họ sợ bầu cử sẽ dẫn đến bạo lực phe phái.

Một thương gia nhận định : "Chúng tôi có Hiến pháp tốt nhất, những điều luật tốt nhất, nhưng không ai tuân thủ chúng". Ông này nói tiếp : "Hình thức chính quyền tốt nhất đối với một đất nước như đất nước chúng tôi là một chính thể quân sự ngay trong năm đầu nắm quyền lực. Nhưng sau đó thì đến cả chính quyền quân sự rồi cũng sẽ thất bại".

Barisal, một cảng sông lớn ở miền Nam Bangladesh, một thành phố cỡ trung bình luôn nồng nặc mùi hôi của rác và hệ thống cống rãnh thô sơ, bởi vì các nhà máy không thể đáp ứng đủ, trong khi các con kênh thì cạn khô, và bởi vì các tòa nhà cao tầng mọc lên trái phép đã đưa được nhiều người hơn đến với vùng trung tâm thành thị. Ahmed Kaisea, Giám đốc môi trường cấp quận, là một quan chức khác nói với tôi rằng : “Các điều luật thì tốt thôi. Nhưng chẳng có sự thi hành luật nào cả”. Tôi đã đến gặp ông ấy mà không hẹn trước. Ông ấy dường như chẳng lấy gì làm bận rộn lắm. Điện thoại của ông ấy im lìm, và chẳng thấy máy tính ở chỗ nào trong phòng cả. Với việc điện bị cắt suốt ngày, việc sử dụng Internet bị hạn chế nghiêm trọng ở Barisal, cũng như ở các thành phố khác của Bangladesh. Ông ấy cũng giống như mọi quan chức nhà nước mà tôi gặp, có một văn phòng sang trọng, nhưng không có thực quyền. Và khi mà thành phố của ông cứ ngổn ngang, bừa bộn xung quanh ông, sự tăng trưởng của nó được chi phối chủ yếu bởi những người di cư từ nông thôn đang chạy trốn khỏi vùng thôn quê đầy lũ lụt, thì công việc của ông còn trở nên khó khăn hơn nữa.

Đục nước béo cò

Quân đội đã trở thành quyền lực đằng sau một chính quyền dân sự lâm thời kể từ mùa thu năm 2006, khi mà hệ thống chính trị có vẻ như đã đi đến bờ vực của sự hỗn loạn, với những cuộc bãi công, biểu tình, giết chóc tràn lan và một nền kinh tế trì trệ.

Đảng Dân tộc (National Party) cầm quyền của Bangladesh đang trong quá trình ấn định một cuộc bầu cử sắp tới, và Đảng đối lập Awami League đang lập kế hoạch tiến hành một loạt những cuộc tấn công bởi các băng nhóm có vũ trang để trả đũa. Cho đến thời điểm đó, những cuộc bầu cử về căn bản là sự ganh đua giữa hai triều đại phong kiến này : Awami League, được lãnh đạo bởi Sheikh Hasina Wazed, con gái của Sheikh Mujibur Rahman – một trong những nhân vật khai quốc công thần của Bangladesh bị ám sát trong một cuộc đảo chính quân sự năm 1975 và Đảng Dân tộc chủ nghĩa Bangladesh, được lãnh đạo bởi Khaleda Zia, vợ góa của một nhân vật khai quốc công thần khác của nước này là Tướng Ziaur Rahman – người bị ám sát trong một cuộc đảo chính quân sự khác vào năm 1981. Sự thù địch giữa hai người phụ nữ này được truy nguyên về mối thù truyền kiếp giữa hai gia đình họ trong việc quyết định gia đình nào có vai trò lớn hơn trong cuộc đấu tranh giành độc lập của nước này.

Bởi vì mỗi chính Đảng đều quá yếu để có thể điều hành độc lập, nên mỗi Đảng đều đã tìm kiếm quan hệ liên minh với các tổ chức Hồi giáo khác nhau.

Tháng ba năm ngoái, khi Chính phủ lâm thời được quân đội hậu thuẫn đã treo cổ sáu chiến binh của tổ chức Jama’ atul-Mujahideen – một tổ chức Hồi giáo địa phương khác chịu trách nhiệm về hàng trăm vụ tấn công khủng bố từ năm 2003 đến hết 2005 – thì ai cũng có thể nhận thấy rằng không một Đảng nào trong hai Đảng trên có thể thi hành hình phạt này, mà đứng sau đó chỉ có thể là sự dàn xếp của các đối tác liên hiệp Hồi giáo của mỗi Đảng.

Trong sự êm đềm đến kỳ lạ của thời khắc hiện tại, với việc nước này tỏ ra có trật tự hơn so với trước kia qua năm tháng – không có tấn công khủng bố, không có biểu tình tại cảng, trạm kiểm tra quân sự được dựng lên ở mọi nơi, hàng trăm chính trị gia bị bắt vì tội tham nhũng – không một người nào mà tôi gặp muốn trở lại hệ thống hai Đảng trước đây. Mặc dù vậy, cũng không ai muốn quân đội đóng một vai trò công khai đến như vậy trong các vấn đề quốc gia.

Giờ đây, nỗi sợ rằng Hồi giáo cấp tiến sẽ lợi dụng một khoảng trống chính trị để duy trì các
hoạt động rộng khắp của quân đội. Mahmudul Islam Chowdhury, nguyên Thị trưởng Chittagong, nói với tôi rằng : "Nhưng về lâu dài, chúng ta là những con tin của nền dân chủ. Hệ thống Westminster – Capitol Hill của Mỹ sẽ không phát huy được ở đây. Nhưng chúng tôi nghèo và cần viện trợ, vậy nên chúng tôi được yêu cầu phải tổ chức bầu cử".

Ở Bangladesh, chính quyền Trung ương thấy khó có thể để cho Đảng đối lập giành quyền kiểm soát tại một trong hai thành phố lớn nhất hay tại một vài thành phố nhỏ hơn, tất cả mọi quyền lực được đổ dồn về Dhaka. Do đó, xuất hiện một khoảng trống để các Ủy ban làng xã lấp đầy ở cấp chính quyền thấp nhất, và các tổ chức phi chính phủ và các phần tử Hồi giáo đang ganh đua nhau để lấp vào những khoảng đất giữa rộng lớn và có ý nghĩa quan trọng.

Nền kinh tế của "xe ba gác"



Xe ba gác là phương tiện phổ biến

Chỉ riêng Dhaka thôi, một thành phố của hơn 10 triệu dân, đã có vài trăm nghìn chiếc xe ba gác. Một người lái xe ba gác thường phải trả cho một Nghiệp đoàn (mustan) xe ba gác (nghiệp đoàn này là một băng nhóm kiểu như mafia, thường được hậu thuẫn bởi một Đảng chính trị) một khoản tiền tương đương với 1,35 USD mỗi ngày để thuê một chiếc xe ba gác. Anh ta thu được 30 cent từ một hành khách trung bình và cuối cùng kiếm lãi được một đôla mỗi ngày. Vợ anh ta cũng kiếm được một số tiền tương tự từ việc đập đá trải đường, trong khi những đứa con họ đi nhặt và chọn lọc rác ra khỏi đống đá vụn. Tại Bangladesh, 70% số dân sống với mức dưới 2 USD mỗi ngày.

Không giống với Pakistan hay Iraq, Bangladesh là một đất nước thuần nhất về chủng tộc, và Hồi giáo không phải là chất hồ gắn kết các nhóm lại với nhau. Hơn nữa, bản sắc dân tộc đã được xây dựng trên nền một lịch sử chung của đấu tranh bạo lực.

Do chiếm phần lớn diện tích của tiểu lục địa – giữa dãy Himalaya và Ấn Độ Dương – Ấn Độ được hưởng lợi thế về địa lý, Bangladesh thì không được như vậy. Song, tuy nhỏ, nhưng Bangladesh lại rộng lớn theo nghĩa riêng của nó. “Bất cứ ai lên nắm quyền lực ở Dhaka đều bỏ mặc chúng tôi ở Chittagong”, Emdadul Islam – một luật sư trong vùng – giải thích. “Chúng tôi có thổ ngữ Chittagong riêng của mình – một sự kết hợp giữa các tiếng Bồ Đào Nha, Arakan, Miến Điện, Bengal… Trong lịch sử, chúng tôi được gắn với một số vùng của Miến Điện và Ấn Độ. Ai mà biết được điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày nào đó chúng tôi có những con đường bộ và đường sắt mới nối với Ấn Độ và Tây Nam Trung Quốc… ”.

Ấn Độ và Trung Quốc đang dõi theo Bangladesh bằng con mắt đầy lo lắng, vì nước này nắm trong tay chiếc chìa khóa cho việc thiết lập trở lại một tuyến đường buôn bán từng tồn tại rất lâu trong lịch sử. Tuyến đường này, như vị luật sư ở Chittagong đã chỉ ra, sẽ vượt qua Miến Điện và miền Đông Ấn Độ, trước khi đi ngang qua Bangladesh trên đường đến Kolkata, giúp tạo cho miền Tây Nam Trung Quốc vốn không có đường ra biển một tuyến đường đã từ lâu được mong mỏi dẫn tới Vịnh Bengal và Ấn Độ Dương. Điều này có xảy ra hay không còn phụ thuộc vào tình hình chính trị ở Dhaka. Một nước Bangladesh ổn định là điều kiện cần thiết cho tuyến đường thương mại này, ngay cả khi, cùng với thời gian, tuyến đường này có thể làm suy yếu bản sắc dân tộc của Bangladesh.

Hệ thống cảnh báo “tinh vi”

Vào giai đoạn cuối khi tôi ở Bangladesh, tôi ngồi trên một chiếc xe buýt từ Cox’s Bazar ở Đông Nam đất nước đi về phía Bắc, gần với biên giới với Ấn Độ và Miến Điện, đến Chittagong, đi qua hết đầm lầy mới hình thành này đến đầm lầy mới hình thành khác.

Mới chỉ một tuần kể từ khi gió mùa đến : đã không còn bão lốc, không bão nhiệt đới, chỉ còn những cơn mưa nặng hạt và các dòng bùn lở đã làm thiệt mạng hơn 120 người trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Dọc theo hai bên con đường đắp nổi mà xe buýt đi qua, dòng nước mầu nâu đặc sệt đã dâng lên tới mép các mái tôn. Ở những nơi khác, những người đàn ông ôm lấy khăn quấn đầu của mình đi trong nước ngập ngang thắt lưng. Cây cối đang bị nhổ lật và cuốn theo dòng nước khi mà những con sông đã dâng lên đến cách mép cầu chỉ khoảng 30 – 40 cm. Trên những cây cầu này, từng đám thanh niên đã tụ tập với dây thừng trong tay để vớt gỗ đang trôi theo dòng nước về làm củi. Từng đống gỗ cao được chất lên, đợi khô. Những cơn mưa còn nặng hạt hơn nữa sẽ đến vào tháng Bảy và tháng Tám.

Đất nước và con người nơi đây đã đối phó với nước một cách tốt nhất có thể, thường là bằng một cách rất tài tình. Một dòng thác tin nhắn điện thoại thông báo những mối nguy hiểm phía trước. Những lá cờ hiệu được dựng lên trên các bãi biển để cảnh báo mực nước đang dâng lên. Hàng cung ứng cứu trợ lũ lụt đã được chuẩn bị sẵn đâu vào đấy như là một phần của hệ thống cảnh báo sớm ngày một tinh vi. Quân đội và hải quân Bangladesh đã có mặt để sẵn sàng đối phó với một thảm họa lớn. Nơi nào không có họ, theo nhiều cách, các làng và các tổ chức phi chính phủ được phó mặc trong cuộc đương đầu với thiên nhiên.

Robert D.Kaplan
Minh Long dịch từ The Atlantic

Theo Vietimes

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *