Từ tủ chè đến… tủ tường…

“Lâu nay, số người biết chữ Hán ở Việt Nam hầu như là rất hiếm hoi, vậy mà lại thấy có sự lên ngôi của mode treo chữ Hán trong nhà. Toàn là Phúc, Đức, Thọ, Tâm, Nhẫn. Có vị tôi biết tỏng là “quan tham” lại treo trong nhà chữ Liêm hoành tráng, sơn son thếp vàng đàng hoàng, nhìn chỉ biết lắc đầu”.

Ngày trước, tại gian giữa trong ngôi nhà người Việt là bàn thờ tổ tiên đặt ở chỗ trang trọng. Kế đó, với nhà giàu có, quyền quý là sập gụ, tủ chè. Nhà có tý “máu mặt” thì có hòm gian, tràng kỷ bằng gỗ. Nhà bình dân hoặc nghèo thì chỉ có chiếc phản gỗ hoặc tràng kỷ bằng tre. Tủ chè được trạm trổ cầu kỳ, đồng bộ với sập gụ vững chãi, bề thế, nhìn oai và sang. Nhưng sập gụ hay tràng kỷ thì cũng là chỗ dành cho đàn ông và phụ nữ lớn tuổi có vai vế trong nhà như bà nội, cụ nội, còn cánh con gái, con dâu, trẻ con chỉ được ghé ngồi khi không có khách. Ngủ trên sập gụ hay phản giữa nhà, dưới bàn thờ thì dứt khoát chỉ có đàn ông, phụ nữ không được phép lai vãng. Về sau, mode này vắng bóng ở thành phố, chỉ thấy trong một số gia đình còn giữ nếp cũ, ở nông thôn cũng vậy.

Quãng những năm 60 của thế kỷ trước, đồ đạc kê trong nhà của các gia đình ở miền Bắc cũng đơn giản, hẳn là vì khi ấy còn nghèo. Nhiều nhà sắm sửa tủ sách như mode tượng trưng cho tri thức, hiềm một nỗi là nhìn các gáy sách thì thấy có chủ nhà cũng ít đọc. Vài năm sau, tủ buýp-phê xuất hiện. Tủ buýp-phê hạng sang phải có cánh tủ bằng gỗ lát. Gỗ lát hiếm, người ta xẻ gỗ mỏng chỉ độ hai ba “ly” rồi đem dán lên gỗ thường để làm cánh tủ, trông cũng đẹp. Rồi đến lúc mode tủ buýp-phê bị thay thế bằng mode tủ ly. Tủ ly chắc là một kiểu tủ chè cách tân, ở giữa có lắp kính để nhìn rõ huân chương, huy chương, ấm chén bày biện bên trong, có nhà bày cả bát đĩa Giang Tây, thìa, nĩa, đồng hồ Trung Quốc có biểu tượng vệ tinh chạy vòng tròn. Tủ ly thịnh hành được vài năm rồi bị thay thế bằng mode tủ lệch. Tủ lệch là một kiểu lai pha giữa tủ đứng với tủ ly, vừa giải quyết được việc treo quần áo cho phẳng phiu, vừa có thể bày biện, lại vừa có thể đặt vô tuyến truyền hình hoặc radio cassette. Thời này, bàn ghế kê giữa nhà là sa-lông hoặc sa-lông “nan”, loại sang phải có khung bằng gỗ lim với thành phần khác bằng gỗ lát. Có nhà mua bộ sa-lông làm bằng gỗ xà cừ, vài tháng là đã nứt toác, phải lấy dầu luyn phết ra phía sau để chống… hanh khô!

Về hình thái tồn tại, mode thường ra đời ở các trung tâm kinh tế – văn hoá lớn, rồi từ đó lan toả ra mọi miền. Sự lan toả của mode tỷ lệ thuận với tốc độ giao lưu kinh tế – văn hoá. Trước đây, tốc độ giao lưu chậm, tính chất tự trị và bảo thủ về văn hoá ít nhiều còn nặng nề, nhiều khi mode đã trở nên lỗi thời ở đô thị thì mới xuất hiện ở các vùng xa. Ngày nay không còn như vậy, một mode mới ra đời, chỉ ít ngày sau là các vùng khác đã du nhập được ngay. Mode bàn ghế, giường tủ xuất hiện và thay thế lẫn nhau, đồng thời cũng làm nảy sinh ở đô thị hiện tượng ứ đọng đồ đạc đã “lỗi mode”. Thời gian đầu, người ta còn gọi anh em bè bạn để cho, tới khi cho cũng không ai nhận thì chuyển về quê. Tới lúc quê cũng không lấy thì tống vào gầm cầu thang, quẳng trên sân thượng, hoặc đem tặng cho trụ sở của khu dân cư để các cụ ngồi lúc họp hành. Có buổi sáng trên đường đi làm, tôi thấy nhân viên môi trường đô thị đang khệ nệ bê vác ném lên xe chở rác cả bộ ghế đệm còn rất mới. Thế mới biết, khi mức sống được nâng cao thì con người cũng dễ chia tay các vật dụng tưởng như “bất biến”! Rồi khi các vật liệu công nghiệp như gỗ ép, nhôm kính… được sử dụng để sản xuất vật dụng gia đình ngày càng phổ biến, thì “vấn nạn” như trên lại càng nan giải. Khi “lỗi mode” rồi thì muốn hủy cũng khó. Nhà cửa rộng rãi, nhiều gia đình làm phòng khách riêng, đấy là nơi bày biện như “bộ mặt” của gia đình. Quãng chục năm trước, mode tủ tường ra đời quả là một bước tiến đi đến sự hiện đại và tính ích dụng của đồ đạc. Cấu trúc có tính mô-đun của loại tủ này cho phép lắp ghép, xếp đặt theo ý muốn mà vẫn đẹp và sang. Rồi nữa là các loại “kệ” to nhỏ, cao thấp khác nhau đã làm cho tính hiện đại của các phòng khách tăng lên, nhất là khi chúng đi kèm với các thiết bị nghe – nhìn điện tử đắt tiền. Đó là chưa kể mode bài trí phòng khách theo kiểu Tây, với tủ rượu, quầy bar nhỏ cùng đi-văng la liệt gối và đệm…

Trong bối cảnh ấy, sự trở lại của sập gụ, tủ chè, của những bộ bàn ghế tạo dáng theo lối cổ, chạm khắc cầu kỳ lại là một hiện tượng độc đáo, giống như một số người xây nhà theo lối nhà sàn. Mode cũ đã tái xuất như kết quả của một lần “phủ định biện chứng”. Nó làm liên tưởng tới mối liên hệ giữa quần ống “tuýp” với quần ống bó mà một số chị hiện vẫn mặc cùng chiếc áo phông hay áo len rộng lùng thùng, dài đến tận đầu gối! Một dạo, mode đặt tủ lạnh trong phòng khách khá thịnh hành, như là muốn thể hiện sự giàu sang, lúc đầu là tủ lạnh Saratop, sau thêm tủ lạnh Sanyo, Hitachi… Có hôm đang ngồi chơi với ông chủ, lại thấy bà chủ ra mở tủ lạnh, nhìn thông thống thấy cả mắm muối dưa cà. Xét cho cùng thì tủ lạnh vẫn là cái chạn ngày xưa, chỉ khác nhau ở chỗ có điện và không có điện, có khả năng bảo quản thực phẩm và không có khả năng bảo quản, vậy thì vị trí của nó phải ở trong bếp. Và thật lòng thì tôi cứ ghê ghê khi đến nhà nào đó lại thấy chủ nhà lôi từ gầm bàn ra một vật dụng nhem nhuốc, loang lổ dùng đổ bã chè, vật này có tên gọi là… “bô”! Đánh giá theo lý thuyết chức năng của Malinôpxki thì việc làm này quả đáng quan ngại.

Lâu nay, số người biết chữ Hán ở Việt Nam hầu như là rất hiếm hoi, vậy mà lại thấy có sự lên ngôi của mode treo chữ Hán trong nhà. Toàn là Phúc, Đức, Thọ, Tâm, Nhẫn. Có vị tôi biết tỏng là “quan tham” lại treo trong nhà chữ Liêm hoành tráng, sơn son thếp vàng đàng hoàng, nhìn chỉ biết lắc đầu. Thời còn khó khăn, vô tuyến truyền hình cũng giữ một vị trí trang trọng trong phòng khách. Mà đâu phải nhà nào cũng có, chủ yếu là vô tuyến đen – trắng, tuổi thọ đã khá cao, nên có nhà vừa mời khách xem TV vừa thi thoảng thấy hình ảnh loằng ngoằng hay âm thanh loẹt xoẹt lại chạy tới vỗ đánh “bộp” một cái, đâu vào đấy ngay! Giờ thì vô tuyến truyền hình không còn là của hiếm, nhiều gia đình chuyển vô tuyến vào phòng ăn, hay vào buồng ngủ. Nên khi đến chơi nhà, chủ và khách đỡ phải gào to để át tiếng vô tuyến! Mode tiếp khách bằng vô tuyến không còn thịnh hành, nhiều người chuyển sang mode uống rượu, bia. Một dạo vào ngày Tết, ở Hà Nội có mode sắm rượu vang Thăng Long, sau chuyển sang mode sắm bia, nhà phong lưu cũng phải có một vài thùng. Ngày Tết trời rét căm căm, chủ nhà nâng cốc chúc mừng, chẳng nhẽ lại không nâng, làm ngụm bia vào là tê tái hết cả người. Đi thăm được vài nhà là chỉ muốn chuồn về, không thì chúc tụng nhau xong là lúng búng hỏi gia chủ xem toilette ở đâu. Sau rồi mode uống bia cũng phai nhạt, có lẽ do thiếu hợp lý và buồn cười. Mấy năm nay, thấy mời nhau ly rượu thuốc hoặc chút rượu ngoại, nhà nào thanh đạm thì mời chén chè sen ấm nóng. Như một cách thức lựa chọn mô hình, nhưng trong quan hệ với khả năng kinh tế, những mode trên chỉ xuất hiện trong các gia đình từ trung lưu trở lên mà thôi, còn với gia đình bình dân hoặc nghèo thì trong rất nhiều trường hợp, mode vẫn chỉ là mong ước. Không phải ngẫu nhiên xưa kia các cụ có câu thành ngữ “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Hoàn toàn không “đãi môi”, nhiều lúc tôi chạnh lòng khi thấy bên gia đình sắm sanh vật dụng một cách dễ dàng thì lại có gia đình đang nhìn vật dụng ấy như thuộc về một thế giới khác. Mong sao sẽ có ngày mức sống của mọi người không chênh lệc nhau nhiều.

(Còn nữa)
Nguyễn Hòa – Theo Vietimes

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *