“Cái thúng mà thủng hai đầu… ”

“Theo tôi, đến nay ở Việt Nam chưa có “văn minh váy”, hình như vẫn trong tình trạng ai thích thì may, rồi mặc đại lên người, trong khi đa số lại chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu cần thiết của sự mặc váy. Có chị người thấp béo lại mặc váy quá chật nên dễ tạo nên hình ảnh… “bụng cao ba ngấn”! Có chị ngồi trên xe máy hay ngồi trên ghế không cẩn trọng nên đôi khi hơi bị… hớ hênh!”



Bàn về mode ở Việt Nam hiện nay, có lẽ “váy” cũng là một đề tài thú vị và làm tôi nhớ đến một chuyện. Chẳng là hôm mới rồi, sau khi uống nước ngoài quán, bọn tôi đứng dậy ra về, rồi tất cả cùng phá lên cười vì thấy phía sau chiếc váy của một cô bạn lại lủng liểng một chiếc ghế nhựa. Té ra vải may váy hơi mỏng mà ghế thì bị nứt, vải giắt vào vết nứt và “đính” luôn chiếc ghế lên váy, phải gỡ mãi mới xong!

Hôm nay, dường như nhiều người trong chúng ta vẫn cho rằng váy là loại trang phục du nhập từ phương Tây, nhưng nếu liên hệ tới câu ca dao từ thời Minh Mạng rằng : “Tháng tám có chiếu vua ra – Cấm quần không đáy người ta hãi hùng – Không đi thì chợ không đông – Đi thì phải lột quần chồng sao đang – Có quần ra quán bán hàng – Không quần ra đứng đầu làng trông qua” thì hẳn là trước đó, phụ nữ Việt Nam mặc váy chứ không mặc quần. Tôi chưa tìm hiểu tại sao thời ấy người ta lại cấm phụ nữ mặc váy, song xem ra, “chiếu” của vua ban rồi mà vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đến cuối những năm 50 của thế kỷ XX, nhiều phụ nữ ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ vẫn mặc váy. Liệu có phải là nói lấy được nếu nhận xét câu đố : “Cái thúng mà thủng hai đầu – Bên ta thì có, bên Tầu thì không” còn chuyển tải cả thông điệp về sự khác nhau trong văn hóa, như ngày trước Nguyễn Trãi viết : “Phong tục Bắc, Nam cũng khác”(?). Trong thực tế, váy đã in dấu ấn của nó vào cuộc sống thường nhật của người Việt, nên đánh giá một anh đàn ông nhu nhược, người ta thường ví là “đàn ông mặc váy!”. Còn khi các bà, các chị mà “xắn váy quai cồng” thì tình hình xem ra đã có phần căng thẳng! Phải chăng xưa kia, phụ nữ Việt Nam mặc váy là từ yêu cầu của tập quán canh tác lúa nước với nhiều công việc do phụ nữ đảm nhiệm. Làm ruộng nước mà mặc váy thì thuận tiện hơn chăng? Cũng như sự ổn định của đa số các giá trị vật chất – tinh thần khác, chiếc váy truyền thống của người Việt dường như bất biến với hai màu thâm (đen) và nâu. Váy “lĩnh” là loại sang trọng thì cũng màu đen. Dù khác nhau về kích thước ngắn hay dài, dù phía dưới xòe ra nhiều hay xòe ra ít, có trang trí hoa văn hay không có trang trí hoa văn… thì về cấu trúc, chiếc váy của phụ nữ người Kinh xưa kia không khác nhiều so với chiếc váy của phụ nữ người Mông, người Thái hôm nay, nói cách khác thì đúng là… “cái thúng mà thủng hai đầu”! Ngày trước, đến một bản nằm ở chân dãy Tam Đảo, thấy các cô gái người Trại (còn gọi là Sán Dìu) mặc váy xẻ đến tận hông, tôi “liếc trộm” những chiếc váy phơi trên bờ rào, thì phát hiện ra đó là loại váy gồm hai mảnh nối với nhau. Một mảnh phía trước một mảnh phía sau, mỗi khi các cô bước nhanh trông rất… khêu gợi!

Đến đầu thế kỷ XX, chưa thấy phụ nữ người Việt mặc váy theo kiểu Tây một cách phổ biến, kể cả vùng đô thị là nơi quá trình Âu hóa diễn ra rất sớm. Xem ảnh tư liệu thấy thời đó thì nam giới mặc đồ Âu nhiều hơn, có lẽ vì họ làm việc trong các sở Tây, là trí thức Tây học, là doanh nhân… Khi áo dài bắt đầu xuất hiện thì phụ nữ đô thị coi áo dài như một kiểu loại mode. Trong album ảnh của gia đình, tôi thấy cha tôi bận complê, mẹ tôi mặc áo tứ thân, vấn khăn, để răng đen. Các anh chị tôi khi ấy còn nhỏ, xem ảnh thấy anh trai lúc quần trắng áo the, lúc lại mặc complê, chị gái lúc mặc quần lụa trắng áo cánh trắng, lúc áo dài bay phất phới. Lớn lên, thấy mẹ có một chiếc áo dài may bằng dạ mỏng màu đen, tôi hỏi, bà bảo may từ thời Pháp thuộc, để mặc vào dịp lễ tết hoặc hôm trời rét đi đâu đó.

Nhìn những bức ảnh, tôi liên tưởng tới tính “lưỡng phân” trong văn hóa trang phục của người Việt ở buổi giao thời, đó là lúc các cô gái như cô Kếu trong truyện Cô Kếu gái tân thời (Nguyễn Công Hoan) loay hoay đứng giữa cổ truyền với tân thời, rộng hơn là giữa truyền thống và hiện đại. Cô Kếu hướng tới cái mới, nhưng cô lại chưa có khả năng tự khẳng định sở thích, cá tính của mình. Cô phải bằng lòng với việc hàng ngày cắp rổ đi chợ, tranh thủ tạt qua nhà bạn, khoác bộ tân thời lên người, đi lại và ngắm nghía trước gương, rồi lại thay ra và… về. Khi cái cũ còn có sức mạnh trì níu thì con người phải tìm ra cách thức thích nghi, chứ chưa dám vượt thoát. Không đủ tài liệu để khẳng định, nhưng căn cứ vào những gì đã biết, tôi nghĩ sau những năm 50 của thế kỷ trước, phụ nữ ở miền Nam chưa mặc váy như một kiểu loại trang phục thịnh hành. Còn ở miền Bắc thì váy cực hiếm, ai đó sắm cũng chỉ là váy ngủ. Tôi từng nghe lỏm được một chị đi học từ nước ngoài về thì thào với chị tôi, là chị ấy tiếc huầy huậy vì từ khi về nước không d&a
acute;m mặc váy, sợ người ta cười. Còn trong mắt các cụ ngày ấy, váy như là biểu hiện của lẳng lơ, là “lai Tây”…!


Nghe nói một thời ở nước Pháp, các mệnh phụ, tiểu thư có mode mặc váy lồng gọng sắt đường kính hàng mét, đến mức có hai người đi ngược chiều trên đường phố mà không lách qua được vì… vướng váy! Được nuôi dưỡng trong môi trường mà sở thích thẩm mỹ cá nhân sớm được đề cao nên ở phương Tây, “văn minh váy” có điều kiện phát triển. Sự tái xuất hiện của váy (theo kiểu lối phương Tây) trong trang phục của người Việt Nam hôm nay chủ yếu tập trung ở vùng đô thị. Ở nông thôn, nhiều cô gái sau khi “em đi tỉnh về” có xúng xính váy áo cũng không còn bị nhìn ngó với ánh mắt kỳ thị như trước đây.

Mode váy cưới thì đang thịnh hành, đến nhiều nơi heo hút vẫn thấy có cửa hiệu cho thuê váy áo cưới. Ở Hà Nội, trên đường Nam Đồng, có một cửa hàng cho thuê váy áo cưới tên là Tuyết Lê. Đi qua tôi cứ buồn cười, nói theo kiểu ngày trước thì cái tên “tuyết lê” của cửa hàng sẽ dễ gây rắc rối! Tôi nhớ không chính xác ở phố nào, có người dùng một cái công-te-nơ đặt ngay trên vỉa hè làm cửa hàng cho thuê áo cưới, không rõ vào ngày hè oi ả, các “cô” ma-nơ-canh đang tùm hụp nào khăn, nào váy, nào áo có bị… toát mồ hôi!

Ở đô thị, thường chỉ có phụ nữ làm việc ở cơ quan hành chính mới mặc váy hàng ngày, còn với nhiều người, váy chủ yếu trưng diện trong các dịp lễ lạt, thăm viếng đó đây hay là đi chơi vào ngày nghỉ. Ngoài váy đồng phục của nhân viên một số công sở, hiện tại xem ra váy cũng chưa thật phong phú về kiểu loại, tuy nhiều người mặc váy trông rất đẹp. Các cô gái trẻ mặc jupe ngắn hay váy bò, các chị trung niên lại mặc váy hoa may theo kiểu váy liền áo rất… thông thoáng. Rồi váy bô-hê-miêng rộng, loe ra và có nhiều nếp gấp, nhìn đẹp nhưng không phải là ai mặc cũng hợp, vì phụ nữ Việt Nam vốn thấp bé. Tuy nhiên với nhiều chị, chiếc váy dài chấm gót lại có khả năng khắc phục sự thấp bé bằng cách đi giầy cao gót, đôi lần gặp người quen, tôi thấy họ cao lên một cách bất bình thường!

Theo tôi, đến nay ở Việt Nam chưa có “văn minh váy”, hình như vẫn trong tình trạng ai thích thì may, rồi mặc đại lên người, trong khi đa số lại chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu cần thiết của sự mặc váy. Có chị người thấp béo lại mặc váy quá chật nên dễ tạo nên hình ảnh… “bụng cao ba ngấn”! Có chị ngồi trên xe máy hay ngồi trên ghế không cẩn trọng nên đôi khi hơi bị… hớ hênh! Có chị lại hình như không chú ý đến chất liệu vải nên khi ra đường mặc chiếc váy nhăn nhúm, nhìn rất phản cảm. Có chị gày tong teo, chân lại vòng kiềng hoặc người bé tí ti mà cũng váy áo loà xoà. Có hôm trời rét đậm, mọi người quần áo sù sụ lớp trong lớp ngoài mà tôi vẫn thấy có chị mặc váy mỏng, đi tất giấy. Tôi tò mò hỏi chị không thấy lạnh à, chị bảo không lạnh gì cả. Quả là đáng khâm phục!

(Còn nữa)
Nguyễn Hòa – Theo Vietimes

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *