Mode trang phục – Đẹp không chỉ vì thích
“Theo tôi, dường như trong xã hội còn một điều gì đó không bình thường, khi thấy có nhiều người thích đội mũ bảo hiểm giống y xì mũ sắt nhà binh? Thậm chí có anh còn sắm một chiếc xe Zeep sơn loang lổ, thân xe ngất nghểu cần ăng-ten lại buộc mảnh vải dù nguỵ trang và mấy đoạn dây thép gai loằng ngoằng, hai bên sườn treo xẻng cuốc cùng vài chiếc bi-đông to đùng”.
![]() |
Thời xưa, mốt là một cái gì đó xa lạ |
Trang phục ra đời trước hết là nhằm bảo vệ thân thể, và khi ý thức về bản thân con người tăng lên thì trang phục còn đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ, đôi khi là sự thoả mãn ý muốn được khẳng định trước đám đông. Trong xã hội Việt Nam truyền thống, các giá trị, chuẩn mực, quan niệm, tập quán… ra đời và tồn tại khá ổn định. Dựa vào đó, tiền nhân đi tìm sự thích nghi với thế giới và hầu như không có khát vọng đi tìm phương pháp, công cụ để làm thay đổi thế giới. Nói cách khác, thói quen “Ôn cố tri tân” không thúc đẩy cha ông đặt các câu hỏi có ý nghĩa phát hiện, giải thích để tìm ra cái mới. Vì thế, mọi sự vật, hiện tượng của xã hội – con người thường được nhìn nhận như là “bất biến hiển nhiên”. Với trang phục cũng vậy, cha ông không tính đến việc phải thay đổi kiểu lối cho đẹp hơn, mà thường quan tâm hoàn thiện cái đã có. Ngay cả vật liệu làm ra quần áo như vải vóc, nếu liệt kê thì có vẻ nhiều, nhưng vẫn chỉ là từng ấy thứ lụa, nhiễu, gấm, the… khó có thể xem là phong phú khi so với lịch sử hàng nghìn năm. Thông qua việc thể chế hoá, quần áo còn phải mang thêm chức năng biểu thị vị trí xã hội, nên quần áo của vua khác với quần áo của quan, quần áo của quan lại khác với quần áo của thứ dân… đến mức người giàu có, tiền nong rủng rỉnh dẫu có muốn cũng không dám vi phạm các chế định nghiêm ngặt trong trang phục, chẳng vị nào dám sắm chiếc áo kiểu “long bào” màu vàng, có thêu rồng. Bên cạnh đó, sự khắc kỷ của lễ giáo cùng với vai trò khá mờ nhạt của cá nhân trong quan hệ cộng đồng đã không tạo điều kiện, thậm chí không cho phép mỗi người được khẳng định, được phô diễn ưu thế về hình thể, hay quảng bá sở thích riêng. Trong bối cảnh đó, nhu cầu nói chung khá ổn định, nên nhu cầu thẩm mỹ trong trang phục cũng rất ít biến động. Khi kinh tế chưa phát triển, quan niệm xã hội chưa cởi mở, cá tính thẩm mỹ chưa được coi trọng… thì mode trở thành cái gì đó xa lạ.
Với trình độ phát triển của công nghiệp may mặc, ngày nay, con người có khả năng sản xuất hàng loạt, vừa hạ thấp giá thành, vừa đáp ứng nhu cầu “mặc” một cách nhanh chóng và trên quy mô lớn… do vậy mà sự “mặc” của con người ngày càng đẹp hơn, phong phú, sinh động hơn. Tuy nhiên, để tổ chức và quản lý, xã hội vẫn duy trì các bộ đồng phục có ý nghĩa là quy ước, là dấu hiệu nghề nghiệp của một số nhóm xã hội, hay chỉ dành cho một số đối tượng đặc biệt sử dụng như quân đội, công an (trang phục loại này vừa là dấu hiệu, vừa là nhắc nhở ý thức trách nhiệm của người mặc) thì hiện tại ở Việt Nam, trang phục kiểu nhà binh như đang được nhiều người hâm mộ. Thực tế cho thấy, từ hải quan, kiểm lâm đến nhân viên khách sạn, dân phòng, vệ sĩ… cũng mặc bộ đồng phục hao hao quân phục, nếu có khác thì chỉ khác về màu sắc, tua rua, có ngù, nẹp ống. Đến khi mấy bác nhạc công “phường bát âm” cũng sắm đồng phục rồi mặc một cách cẩu thả, nhàu nhĩ thì xem ra vấn đề đã hơi bị… dễ dãi. Theo tôi, dường như trong xã hội còn một điều gì đó không bình thường, khi thấy có nhiều người thích đội mũ bảo hiểm giống y xì mũ sắt nhà binh? Thậm chí có anh còn sắm một chiếc xe Zeep sơn loang lổ, thân xe ngất nghểu cần ăng-ten lại buộc mảnh vải dù nguỵ trang và mấy đoạn dây thép gai loằng ngoằng, hai bên sườn treo xẻng cuốc cùng vài chiếc bi-đông to đùng. Ông chủ ngồi sau tay lái thì mặc không khác gì thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ trong chiến dịch Bão táp sa mạc. Cũng mũ sắt, cũng quần áo rằn ri túi hộp to nhỏ, cũng quần bó ống và đi “gệt” cổ cao, đeo kính đen to bản… Nhìn họ phóng xe ngoài đường mà ngỡ ngàng!
![]() |
Mốt áo rằn ri – Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn : photobucket.com |
Cũng phải nhấn mạnh rằng việc sản xuất hàng loạt không triệt tiêu cá tính thẩm mỹ, bởi quần áo được sản xuất từ nhiều cơ sở khác nhau, mẫu mã màu sắc khác nhau, người tiêu dùng được tự do lựa chọn, nên ít khi gặp vài ba người ăn mặc giống nhau. Cách đây hơn chục năm, tôi từng gặp trên đường phố vài tốp chàng trai hoặc cô gái cùng mặc một loại quần áo y hệt, từ kiểu dáng đến màu sắc, mà xem chừng họ có vẻ thích thú với việc này, dù không phải là người nào mặc cũng đẹp. Nhìn họ, tôi thấy buồn, cá tính thẩm mỹ của mỗi người đã giảm thiểu ý nghĩa trước sự lôi cuốn của sở thích nhóm. Ngày nay khó bắt gặp một hiện tượng như vậy, trừ khi là một nhóm tiếp viên hàng không, hay một nhóm nhân viên của công sở nào đó có quy định chặt chẽ về trang phục. Vả lại, với tư cách là biểu thị của một ý tưởng thẩm mỹ, mode thường được cụ thể hoá qua từng con người. Từ một mode nào đó, người thợ may tìm cách sáng tạo ra sự tương ứng với kích thước, đặc điểm hình thể riêng của từng cá nhân. Nên chúng ta thấy giá thành may đo thường đắt hơn giá thành may sẵn, vì người tiêu dùng đã phải trả tiền cho việc “đầu tư thẩm mỹ”. Nói cách khác, đó là kinh phí trả cho việc người thợ may cố gắng tìm tiếng nói chung giữa một mode với từng khách hàng cụ thể. Thợ may giỏi phải là người biết giải quyết một cách hoàn hảo mối quan hệ này, còn nếu chỉ “áo có tay, quần có ống” thì chẳng mấy lúc mà… sập tiệm!
Trên truyền hình, trên sách báo, chúng ta thường gặp những chương trình, các trang báo dành cho trình diễn thời trang. Và trình diễn thời trang đã trở thành một bộ phận trong sinh hoạt của xã hội hiện đại. “Trừ hao” vẻ quyến rũ về thân hình và nhan sắc của các cô, các anh người mẫu, vẫn phải công nhận là có kiểu, có mode trông rất đẹp. Nhưng cũng có kiểu, có mode nhìn hơi “kinh dị”. Có lần tôi nói đùa với bạn bè rằng : “Mặc bộ ấy ra đi đường có khi người ta lại tưởng IC có vấn đề!”. Nhưng nếu để nắm bắt tính mục đích thì vấn đề không đơn giản. Các kiểu, mode đó ra đời trước hết là sự cụ thể hoá các ý tưởng, là gợi ý thẩm mỹ cho người tiêu dùng, chúng không có tính cưỡng bức. Ai thấy thích, thấy hợp thì theo. Ai thấy không thích, không hợp thì thôi. Ngay cả khi thấy thích, thấy hợp rồi thì người ta vẫn cải tiến cho thật sự phù hợp với con người cụ thể của mình. Tôi thích ngắm các kiểu, các mode này để được hiểu, hoặc khám phá ý tưởng của nhà tạo mode, và nhiều khi thấy cũng… trừu tượng!
Trong tiếng Pháp, mode có nghĩa là thị hiếu, thời thượng, thời trang. Tự thân nội hàm ấy đã cho thấy mode là một cái gì đó rất không ổn định, vì không có cái thời thượng nào lại bất biến. Nguyên nhân cuối cùng quyết định sự biến đổi của mode là từ nhu cầu. Cũng như các nhu cầu khác, nhu cầu thẩm mỹ luôn nằm trong xu thế vận động phát triển để đáp ứng đòi hỏi phải làm sao cho hình thức ngày càng đẹp hơn, và về mặt vật chất thì càng tốt hơn. Bên cạnh đó, nhu cầu thẩm mỹ của mỗi cộng đồng, mỗi nhóm, mỗi cá nhân, mỗi lứa tuổi… lại có nét riêng, và làm cho nhu cầu thẩm mỹ của xã hội – con người ngày càng thêm đa dạng và phong phú. Để đáp ứng sự gia tăng không ngừng, sự phong phú, đa dạng ấy, tất nhiên mode cũng liên tục biến đổi. Nhất là khi khả năng đáp ứng nhu cầu nói chung, nhu cầu thẩm mỹ nói riêng càng cao thì mode càng có điều kiện phát triển.
![]() |
Mốt hiện đại |
Như đã nói, mode liên quan đến lứa tuổi. Thử hình dung nếu một thanh niên ở độ tuổi mười tám đôi mươi mà cha mẹ yêu cầu phải mặc theo kiểu quần áo của các cụ thì hẳn là có người sẽ không dám ra đường. Xét theo lớp tuổi, mode dành cho lứa tuổi trẻ thường nhiều hơn, phong phú hơn. Có lẽ vì đó là tuổi luôn khát khao cái mới, luôn hướng tới sự thay đổi, muốn thể hiện mình, muốn khẳng định mình, thích được người khác chú ý. Khi nhu cầu thể hiện mình đạt tới ngưỡng thái quá sẽ dễ dẫn đến sự lố lăng. Thật ra, mặc các bộ quần áo “khác người” từ màu sắc đến kiểu dáng, thậm chí khoe da khoe thịt thì cũng chẳng có ai mặc mãi được, chỉ ở một độ tuổi, trong khoảng thời gian nhất định. Nên bên sự nghiêm khắc về mặt thẩm mỹ, đôi khi chúng ta cũng cần thông cảm với những người trẻ tuổi còn xốc nổi, có ham thích thể hiện bản thân. Điều quan trọng là phải làm thế nào để nâng cao năng lực thẩm mỹ của mọi người.
Sinh thời, học giả Đoàn Văn Chúc đã định nghĩa một cách thú vị rằng : “Áo là vật dụng che nửa trên của cơ thể. Quần là vật dụng che nửa dưới của cơ thể”. Vậy mà để đi từ chiếc áo làm bằng vỏ sui đến bộ comple, để đi từ chiếc yếm hay chiếc “gáo dừa” úp lên sinh thực khí đến những bộ đồ lót giá hàng triệu đồng như hôm nay, loài người đã phải mất hàng vạn năm. Khí hậu khắc nghiệt, nắng mưa thất thường… quần áo dù còn ở dạng sơ khai thì vẫn là một phương tiện bảo vệ quan trọng. Tới thời ông A-đam và bà E-va biết thế nào là xấu hổ, hay đến khi con người đã manh nha khả năng nhận thức về bản thân mình, về đồng loại, về thế giới xung quanh thì quần áo đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của hoạt động sống, cũng từ đó trang phục từng bước phát triển, song hành cùng trình độ phát triển của mỗi cộng đồng người. Dần dà, cùng với thời gian, hai vật dụng che “nửa trên và nửa dưới” của cơ thể ngày càng trở nên phức tạp, chúng không chỉ giữ các chức năng như từ lúc mới ra đời, mà còn phải chuyển tải nhiều ý nghĩa xã hội khác, đôi khi không liên quan gì đến việc che cơ thể, như cha ông chúng ta nhắn nhủ : “Y phục xứng kỳ đức” chẳng hạn. Vì thế trang phục ngày nay thật sự mang “tính đa trị”, vì qua trang phục, có thể nhận biết từ cộng đồng xuất thân, nghề nghiệp, vị trí xã hội, giới tính, khả năng kinh tế, sở thích đến trình độ, xu hướng, cá tính thẩm mỹ… của từng người. Ở đây chỉ xin bàn về những người lành mạnh, vì trong cuộc sống vẫn có những kẻ lấy trang phục để “lòe” người khác, hay lợi dụng trang phục để đạt một mục đích thiếu lương thiện nào đó.
(Còn nữa)
Nguyễn Hòa – Theo Vietmes