“Với mode, vấn đề không chỉ là trang phục. Mode được thể hiện từ việc mua sắm vật dụng, đồ trang sức, phương tiện đi lại, xây dựng nhà cửa, đến kiểu đứng dáng đi, lối để đầu tóc, lời ăn tiếng nói, chiếc mũ, cái kính, tấm khăn… Tóm lại, mode đã thâm nhập vào mọi ngóc ngách của sinh hoạt xã hội, và qua mode có thể biết thêm được nhiều điều về văn hoá”.

Như nhiều nhà nghiên cứu đã nói, văn hoá là một dòng chảy không ngừng, hay nói cách khác thì văn hóa luôn luôn vận động – biến đổi, và sự vận động – biến đổi ấy thường được nhận diện sau khi một quá trình văn hóa đã diễn ra. Nhưng quan sát trực tiếp và cụ thể, có thể thấy văn hóa chuyển dịch hàng ngày và hiển nhiên, nếu không có những chuyển dịch nho nhỏ, từng bước sẽ không có biến đổi của cả quá trình. Vì thế, nhận diện sự chuyển dịch của văn hóa trên những bình diện khác nhau trong một toàn cảnh phong phú và sinh động, như sự biến đổi và phát triển của mode, sẽ cung cấp một số tài liệu để tìm hiểu. Bởi cuộc sống với tính muôn màu của nó, từ ngôi nhà cổ lợp ngói ta, nhiều hàng cột đến toà nhà ngất ngưởng mấy chục tầng, từ chiếc xe đạp “không chuông, không phanh, không gác-đờ-bu” đến chiếc xe máy phóng vi vu, từ ti-vi đen trắng đến ti-vi màu… từ lâu không còn là chuyện riêng của mỗi cá nhân, của mỗi gia đình mà là chuyện của xã hội – con người. Với mode, vấn đề không chỉ là trang phục. Mode được thể hiện từ việc mua sắm vật dụng, đồ trang sức, phương tiện đi lại, xây dựng nhà cửa, đến kiểu đứng dáng đi, lối để đầu tóc, lời ăn tiếng nói, chiếc mũ, cái kính, tấm khăn… Tóm lại, mode đã thâm nhập vào mọi ngóc ngách của sinh hoạt xã hội, và qua mode có thể biết thêm được nhiều điều về văn hoá.

Áo mớ ba mớ bảy giờ chỉ còn được mặc trong các hoạt động văn hóa văn nghệ

Như mode trong trang phục chẳng hạn. Đã có lúc chúng ta coi đó là một loại hiện tượng bất thường, thậm chí kỳ thị, thì ngày nay mode lại trở thành bình thường. Điều này chủ yếu do quan niệm xã hội đã thay đổi và phần nào còn do điều kiện kinh tế. Làm đẹp mình, làm đẹp xã hội là nhu cầu lành mạnh và chính đáng của con người. Áo tứ thân, áo mớ ba mớ bảy, nón quai thao, yếm đào, thắt lưng hoa lý, xà tích, guốc kinh… với phụ nữ và ô đen, khăn xếp, áo the, guốc mộc… với nam giới là mode của một thời. Chúng là cái đẹp trong quan niệm của ngày hôm qua, song chưa hẳn đã đáp ứng được quan niệm của ngày hôm nay. Về tiết tấu, giữa trang phục ngày xưa với trang phục hôm nay khác nhau chủ yếu ở chỗ : ngày xưa hầu như không có mode, nếu có thì ít biến đổi và rất đơn điệu. Vào ngày trảy hội, cô gái mặc áo mớ ba mớ bảy vì cô muốn làm đẹp mình trước đám đông, nhưng xét đến cùng, đó là hành vi lặp lại. Bởi cô cũng giống như mẹ của cô, bà của cô, cụ của cô… từng mặc từ xuân này sang xuân khác, cho dù nhiều lớp áo cánh màu sắc sặc sỡ có làm cho cô gái giống như một bông hoa, ai đi qua cũng muốn ngoái cổ lại nhìn. Hôm nay, các cô gái vẫn giữ nguyên nhu cầu làm đẹp, trong khi quan niệm xã hội đã cởi mở hơn, kinh tế khấm khá hơn, vật liệu may mặc cũng phong phú hơn… Tất cả đã giúp cho mode có điều kiện biến đổi thường xuyên, tạo ra sắc diện mới của sự đa dạng. Để mô tả trang phục trong một sinh hoạt có tính lễ hội, như đêm giao thừa xung quanh Hồ Gươm chẳng hạn, có lẽ một bài báo cũng không “tải” hết được, vì mode quá sinh động và phong phú.

Mấy chục năm trước, mode trang phục ở miền Bắc cũng còn khá đơn giản. Đầu những năm 60 của thế kỷ XX ở Hà Nội, chị em thường mặc áo sơ-mi có cổ kiểu lá sen to loè xoè, nếu là áo cánh thì cổ áo được viền rất cầu kỳ. Các chị có mái tóc phi-dê bị xem là lạ lẫm, cánh trẻ con vẫn châm chọc bằng cách ngêu ngao pha phách lời của một bài hát thành : “Người phi-dê trông cao bồi, người phi-dê trông chán ghê”! Thanh niên con trai thì quần xanh, áo sơ-mi trắng, miệng túi áo gài chiếc bút Kim tinh vàng choé, lại thập thò bóng dáng đồng tiền giấy 10 đồng. Thời ấy cũng vui. Tôi thấy có cụ ông đi ở Bờ Hồ, trên mặc vét-tông dưới lại mặc quần ta màu trắng, chân đi giầy “giôn”.

Lãng mạn với xe đạp Phượng Hòang thời những năm 1970 – 1980

Cuối những năm 60 đầu năm 70, mode của các thanh niên đứng đắn là quần kaki, anh nào sang thì may bằng simili. Quần may theo lối cạp liền, có ly hoặc “xăng” ly, có anh lại dùng quai-nhê và nhất thiết quần phải có túi nắp. Áo sơ-mi trắng cũng có túi nắp. Anh nào ngổ ngáo, tay chơi thì quần xanh công nhân ống “tuýp” bó chặt lấy ống chân, trên mặc áo Tô Châu của bộ đội dài lụng thụng đến tận đầu gối, đầu đội mũ lưỡi trai kiểu công nhân. Đi xe đạp Phượng Hoàng xích hộp phải chìa đầu gối ra hai bên, có anh chân tay ống lau ống sậy vẫn cố chìa đầu gối “củ lạc”, nhìn như hai cái… tên lửa! Sau 1975, xuất hiện quần ống loe, áo đuôi tôm may chẽn bó lấy eo, trông hơi ẻo lả. Chị em thì mặc quần “ống xéo”. Mẹ tôi làm thợ may, thấy có chị đến may chiếc quần có ống rộng tới hơn 40 cm. Ấy là chưa kể đến mode áo “phông Lào”, dép “tông Thái”… Những mode này kéo dài tới vài ba năm mới thấy thay đổi. Nhưng từ quãng giữa những năm 90 trở lại đây thì đôi khi phải… bó tay. Dù chú ý quan sát, cũng khó lòng theo kịp với sự biến đổi nhanh chóng của mode trong trang phục. Nhớ ngày còn nhỏ, ngoài giờ học, tôi hay ngồi bên máy khâu để “trần quả trám” áo lót của chị em. Mẹ tôi may hàng trăm chiếc rồi đi giao ở Hàng Ngang, Hàng Đào. Áo này có hai loại, loại “xịn” thì lớp bên ngoài may bằng vải pôpơlin trắng, loại bình thường thì lớp ngoài may bằng vải phin trắng. Chỉ có lớp ngoài là khác, còn ba lớp bên trong thì giống y hệt nhau, đó là hai lớp bằng vải vụn ghép lại, còn một lớp bằng… ni-lông dày! Bốn lớp đều cắt theo hình lục lăng, trần quả trám xong thì cuốn lại, trông như cái phễu. Vừa nhọn vừa cứng nên áo sơ-mi hay áo cánh của nhiều chị bị thủng hai lỗ phía trước và phải… mạng! Còn bây giờ, có hôm tò mò ngó vào shop bán quần áo lót mà hoa hết cả mắt, tuy nhiên, xem chừng mức độ “nguy hiểm” vẫn chưa thuyên giảm, vì thấy có loại áo lót có lồng cả gọng sắt!

Và mốt cạp trễ thời hiện đại

 
Về trang phục, có lẽ cho đến nay, nhiều người trong chúng ta chưa được trang bị những tri thức cơ bản về điều mà tôi xin tạm gọi là “văn hoá mode”, và còn phải kế đến việc chúng ta chưa có thói quen tự đánh giá về mình. Sùng bái mode, chạy theo mode đang là xu hướng có thật, nhất là trong giới trẻ. Mà thường thì khi đã sùng bái mode, đã chạy theo mode thì người ta không chú ý tới sự lựa chọn thẩm mỹ có ý nghĩa cá tính. Nói cách khác là không coi mode đã tham gia vào sự hoàn thiện thẩm mỹ của cá nhân và cộng đồng. Ví dụ, có cô gái người cao ráo, cân đối, trắng trẻo mặc quần bò trễ, áo phông ngắn trông cực đẹp, nhiều lúc đi ngoài đường ngắm không biết chán, may mà chưa có lúc húc đầu phải cột điện! Nhưng lại có cô mặc quần bò trễ, áo phông ngắn, người lại gầy tong teo, eo ót đầy sẹo với cả dãy nốt gì đo đỏ như muỗi đốt mà cũng khoe ra thì quá là phản cảm.

Một hôm, tụ tập với bạn bè ở một nhà hàng, ngồi dưới sàn với bàn thấp theo kiểu Nhật Bản, cô gái ngồi mâm đối diện quay lưng lại phía tôi. Mỗi lần nhìn thẳng là đập vào mắt tôi một khoảng lưng bằng nửa tờ giấy A4 vừa đen vừa loang lổ, ăn mất cả ngon! Mà không chỉ các cô gái, mode quần trễ cũng tham gia vào trang phục của các chị nạ dòng. Nhìn họ mặc quần trễ chỉ biết lắc đầu. Nhiều chị nạ dòng ở đô thị thời nay thường rất núng nính, các chị mặc quần trễ nên “các thứ” phòi hết cả ra, rất phản cảm. Tâm lý đám đông chi phối sở thích mode làm cho nhiều người không biết rằng mode còn có vai trò hạn chế đến mức tối thiểu các điểm yếu và khuếch trương đến mức có thể các điểm mạnh của hình thể mỗi người, tạo nên sự hấp dẫn. Ngay cả màu sắc, đường kẻ, khuy, khuyết… cũng tham gia vào sự hạn chế hay khuếch trương. Vì thế chạy theo mode, thiếu hiểu biết cơ bản về mode sẽ đẩy tới cái “phản thẩm mỹ”, đó là sự thật.

(Còn nữa)
Nguyễn Hòa – Theo Vietimes

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *