Mẹ không chồng không con nên dành hết tình cảm cho cách mạng. Mẹ thương cán bộ như con. Nhất là những người từ vùng tạm chiến vào đây. Có anh thư sinh chưa trọn nợ sách đèn đã vội xếp bút nghiên vào chiến khu chiến đấu, đạn bom không sợ lại sợ lội nước đỉa đeo. Có anh con nhà khá giả quen sống trong sung sướng đủ đầy, giờ phải ngủ bụi nằm hầm, ăn uống kham khổ.Tất cả đã vì quê hương mà chịu thiệt thòi nên mẹ mong sao được bù đắp phần nào cho họ.

Nói đến mẹ Sáu, điều làm người ta nhớ nhất là việc mẹ giúp cán bộ liên lạc móc nối với gia đình – một công việc mà rất nhiều người mẹ miền Nam đã làm trong thời chiến tranh chia cắt. Đó là một nhiệm vụ không phải được sự phân công của một tổ chức hay của cá nhân nào, mà là nghĩa vụ từ trái tim. Mẹ thương các chú các anh nên mẹ tự nguyện làm. Mỗi người khi tham gia cách mạng đều để lại quê nhà gia đình và người thân. Lúc bình thường, vì nhiệm vụ chung mà họ tạm gác chuyện riêng tư, nhưng những khi tiếng súng yên hay lúv bóng đêm phủ mờ vạn vật thì nỗi nhớ nhung lại cứ tràn về. Người thì nhỏ to tâm sự nhớ mẹ nhớ cha, người thỏ thẻ chuyện vợ con bao năm dài chưa gặp… Thế là mẹ đi liên lạc. Cái dáng liêu xiêu của mẹ quê rong ruổi khắp các nẻo đường, từ Trà Vinh, Đồng Tháp đến Long An, Chợ Lớn, Sài Gòn… Lúc giả bộ đi đám giỗ hay thôi nôi, lúc giả làm người giúp việc để vượt qua tai mắt kẻ thù. Mẹ đã đi là đến, đã tìm là gặp. Những việc ấy tưởng chừng đơn giản, nhưng trong hoàn cảnh lúc bấy giờ không phải là một chuyện giản đơn. Tất cả đều nhờ vào bản lĩnh và sự khéo léo của mẹ.

Mẹ đã đi biết mấy đoạn đường, biết mấy con sông. Mẹ phải vượt qua bao trạm gác của địch để rước cha rước mẹ vào thăm con, để vợ đến được với chồng, để người yêu gặp mặt người yêu. Mẹ khơi lại mạch máu ngầm tưởng như đã ngưng chảy. Mẹ giúp cán bộ yên lòng chiến đấu diệt thù. Mẹ giúp người thân vững tin dù đang sống trong lòng địch. Ai bảo rằng việc ấy không có ý nghĩa lớn lao.

Ông Chín Khương là cán bộ của quân khu. Năm trước, ông đã lên tận nhà rước mẹ về quê ông ở Vị Thanh chơi vì nhớ đến công ơn năm xưa.

Bao nhiêu năm làm phúc cho người mà đời mẹ chẳng chút riêng tư. Mẹ lấy niềm vui, hạnh phúc của người làm lẽ sống cho mình. Nhưng cuộc đời nào chỉ có niềm vui. Trong những chuyến đi, đã đôi lần mẹ đưa tin báo tử, bởi, chiến tranh và bom đạn có chừa ai. Mẹ nhớ, có một anh tên Thành – quê ở Chợ Lớn, Sài Gòn – nước da trắng như con gái, nghe lời cô giáo động viên mà đi kháng chiến, chưa quen cực khổ đã sớm hy sinh. Nỗi đau của người thân cũng chính là nỗi lòng của mẹ.

Năm nay, bà đã bước qua tuổi 83, nhưng vẫn khỏe mạnh minh mẫn, khác hẳn vóc dáng nhỏ nhắn của bà. Bà hay kể chuyện xưa cho cháu nghe. Nó cắc cớ hỏi thế bà giúp đỡ mọi người bà có nghĩ rằng sau này bà được đền ơn không? Bà nói nếu ai nghĩ thế thì không làm cách mạng được. Bà làm tất cả cũng là để góp phần giải phóng bản thân mình, gia đình mình, làng xóm quê hương mình. So với việc người ta lìa bỏ quê hương, xa cha mẹ vợ con, xả thân cứu nước thì những việc làm của bà có thấm thía gì? Suy nghĩ của bà cũng là của hàng vạn người dân, tất cả đã không tiếc công sức, của cải máu xương để góp phần cùng nhau làm nên những chiến thắng lẫy lừng.

 Người đã làm ơn thì không mong đền đáp, nhưng người chịu ơn thì phải biết báo đáp. Đó là đạo lý làm người. Đạo lý ấy đang được gìn giữ. Ngôi nhà nghĩa tình của bà sắp hoàn thành. Ai cũng hiểu công sức của bà không thể tính bằng vật chất, mà chỉ là chút tấm lòng của những đứa con xa… Từ nay, bà và đứa cháu họ mà bà đã đem về nuôi từ thuở nhỏ đã có ngôi nhà mới thật ấm cúng. Bà vui không phải chỉ có được ngôi nhà dù bà bảo mấy đời nhà bà cũng chưa có được, mà chính vì biết mấy anh em, mấy đứa con cách mạng vẫn nhớ đến bà. Bà thấy mình không cô đơn hiu quạnh…

Tuyết Mai

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *