Chính những chiếc "mặt nạ" đa dạng quá mức sẽ làm mất hẳn niềm tin nơi người khác dành cho bạn, quan hệ luôn luôn bị đặt vào tình trạng báo động vì tính khéo léo vượt khung. Nếu bạn biết chiếc "mặt nạ" của mình không làm hại ai, mà còn đem lại niềm vui cho người khác thì cớ sao lại không?
Tôi cần "mặt nạ"
Tươi cười, ngoan ngoãn "dạ vâng" khi gặp sếp, sau đó lại quay ngoắt rủa thầm "ông nọ", "lão kia"; tỉ tê hỏi chuyện với vẻ tình thương mến thương cô đồng nghiệp, rồi sau đó đem chuyện đi "buôn" với cả công ty. "Gia đình anh không hạnh phúc vì anh không có tình yêu. Hãy cho anh thời gian để giải quyết chuyện gia đình" – lý lẽ của các ông "ăn chả" thuyết phục người tình để níu kéo một mối quan hệ ngoài luồng… là những chuyện chẳng mới, nhưng luôn là nỗi bức xúc về cái sự giả dối, vờ vịt của con người. Chúng ta, có khi là nạn nhân, có khi lại chính là thủ phạm tạo ra những bộ mặt khác nhau cho chính mình.
![]() |
"Mặt nạ" chỉ có thể là yếu tố trang điểm chứ không thể làm nên cốt cách con người – Nguồn: leahbudin.com |
Thật ra, trong cuộc sống này, việc phải "võ trang" cho mình nhiều vỏ bọc khác nhau là điều cần, thậm chí đôi khi lại mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Điều đơn giản trong ý nghĩa tích cực của vấn đề là "mặt nạ" giúp mỗi người tự bảo vệ chính mình cũng như tạo ra sự thích ứng cần thiết trong cuộc sống – giao tiếp và chủ động trong các mối quan hệ xã hội.
Vì sao phải đeo "mặt nạ"? Rất nhiều những lý do khác nhau tùy thuộc vào suy nghĩ của mỗi cá nhân. Vì mỗi chiếc "mặt nạ" được tạo ra và sử dụng đều nhằm mục đích cụ thể. Khi gặp gỡ những người chưa quen biết, sao có thể nói năng vô tư và thoải mái hết cỡ? Khi gặp sếp, sao có thể không "thưa gửi" như một nhân viên gương mẫu? Khi "cua" gái, sao có thể bộc lộ hết những tật xấu của mình?
Việc trang bị "mặt nạ" là hoàn toàn hợp lý để có thể "phòng thủ" hay thậm chí là tạo sức hút cho đối phương. Khi gặp nhiều đối tượng khác nhau, chắc chắn, việc che chắn mặt thật không được hoàn hảo của mình bằng những chiếc "mặt nạ" khác nhau mang tính đa sắc sẽ vô cùng cần thiết để đảm bảo sự tương hợp ban đầu thì… tại sao không?
Khuynh hướng phản đối việc sử dụng vỏ bọc vẫn có thể âm ỉ hoặc ồn ào trong suy nghĩ và quan điểm của mỗi người. Lẽ đương nhiên, việc đeo "mặt nạ" không có gì là to tát, mà vấn đề là người ta sử dụng mặt nạ vào mục đích gì. Đóng giả để dựng lên một hình tượng anh hùng, mỹ nhân hay quân tử, đóng giả để "moi" tiền, lợi dụng lòng tốt của người khác, đóng giả để trốn tránh sự thật… đó là những kiểu "mặt nạ" không chỉ đáng lên án, mà giá trị tích cực và những ảnh hưởng tiêu cực của nó trong cuộc sống còn thể hiện ở từng hoàn cảnh và tình huống thực tế. Khi bạn biết chiếc "mặt nạ" của mình không làm hại ai, mà còn đem lại niềm vui cho người khác thì cớ sao lại không?
Vì… cần thế thôi!
Sao có thể giữ mãi bộ mặt nghi ngờ hay "đằng đằng sát khí" khi gặp một người mà mình vẫn còn tiếp tục cộng tác, làm việc lâu dài? Sao có thể kiêu ngạo đến mức làm lơ với những fan hâm mộ chưa bao giờ mua nổi một cái đĩa gốc của mình mà phủi tay đi thẳng? Thế nhưng, nếu có quá nhiều "mặt nạ" đến mức không cho người khác hiểu mình, hay thậm chí chính người trong cuộc cũng không biết đâu là mặt thật của mình thì sự nguy hiểm sẽ trùng trùng. Chính những chiếc "mặt nạ" đa dạng quá mức sẽ làm mất hẳn niềm tin nơi người khác dành cho bạn, quan hệ luôn luôn bị đặt vào tình trạng báo động vì tính khéo léo vượt khung. Vì đâu phải ai cũng có thể đeo "mặt nạ" suốt đời.
Một số bạn trẻ được sinh ra trong một gia đình mà sự khéo léo được xem là tiêu chí hàng đầu. Phải cố gắng "thảo mai" để làm vừa lòng mọi người, phải luôn biết thể hiện mình một cách tốt nhất để có thể nắm trong tay những mối quan hệ đặc biệt… là tiêu chuẩn căn cơ. Thậm chí, một số bạn trẻ nhìn thấy cả sự "giả tạo" mà những người thân của mình đối xử với nhau. Điều đó khiến họ nghiệm ra, để "thấm" được vào môi trường nào đó, phải liên tục cố để khéo, ráng để… khéo, nên mọi chuyện dần trở thành sự thật.
Không loại trừ trường hợp một số cá nhân đã từng gặp thất bại trong cuộc sống do chính mình trải nghiệm, hoặc là người trong cuộc, nên nhu cầu "tự bảo vệ" chuyển hướng thành "cuộc chinh phục" là điều bình thường. Quá thật nên bị "lừa", quá "thẳng" nên thất bại… những bài học "xương máu" của cuộc đời thôi thúc mọi người quyết chí thay đổi cách ứng xử.
Từng "rơi đài" khi phê bình đồng nghiệp, từng bị "tẩy chay" chỉ vì băng băng vượt lên phía trước khi mọi người cứ thủng thẳng đi sau nên nỗi ám ảnh này thật khó quên. Đôi lúc, những thất bại nặng nề đến mức không còn cơ hội để chúng ta hiện thực hóa cái tâm niệm trong sáng rất con người. "Lần sau đừng thế!". "Mặt nạ" sẽ là một hệ quả tất yếu.
Trong cuộc chạy đua với thời cuộc, tiền bạc, công việc, địa vị hay thậm chí chỉ là những bữa cơm qua ngày, "mặt nạ" cũng dần là chuyện tất nhiên. Đòi hỏi "được an toàn", "được sung sướng" hay "đi chinh phục"… là những nhu cầu rất chính đáng. Tuy nhiên, sự khéo léo hay tinh tế cũng chỉ nên ở trong một chừng mực nhất định.
"Mặt nạ" chỉ có thể là yếu tố trang điểm chứ không thể làm nên cốt cách con người. Điều quan trọng nhất vẫn là sự chân thật, sự hết lòng một cách tỉnh táo trong những mối quan hệ khác nhau để đạt đến những mục đích nhất định. Giả hay thật, "mặt nạ" hay mặt thật là sự lựa chọn hoàn toàn chủ quan của mỗi người. Nhưng chắc chắn cuộc sống sẽ thật thú vị biết bao nếu những nét chấm phá của chiếc "mặt nạ" chỉ là những nét điểm tô làm đẹp hơn cuộc sống và các mối quan hệ chứ không làm "biến màu"
hay "biến chất" những giá trị sâu xa.
TS Huỳnh Văn Sơn – Theo Mỹ thuật