Các nhà khoa học đã đi đến thống nhất, trước khi xây dựng thủy điện, các khu rừng và các vùng sinh thái thật là tuyệt hảo. Nhưng khi các công trình thủy điện được xây dựng thì ngay lập tức, tất cả những gì đẹp đẽ, quý báu đó đã dần biến mất.
Hiện nay trên thế giới, người ta đã có những bước tiến rất quan trọng trong việc tạo ra năng lượng sạch từ các cối xay điện và pin mặt trời. Đi đầu trong công nghệ này là Hà Lan, sau đó lan sang Đức và Bỉ. Nước Anh và các nước Bắc Âu cũng đang hướng theo công nghệ này và các nhà máy điện chạy bằng nhiệt cũng như hạt nhân đã đang bị phá bỏ, giúp cho đất nước họ an toàn với thiên tai như động đất cũng như mọi rủi ro khác đem đến, lại giữ gìn sạch cho môi trường.
Người ta tính toán, nếu xây dựng 150 cối điện chạy bằng sức gió hay tổ hợp gồm 3.500 tấm pin mặt trời thì sẽ được công suất bằng một nhà máy điện nguyên tử cỡ bậc trung hiện nay. Trong khi đó, giá thành rẻ hơn rất nhiều.
Dưới các cối xay gió này, người ta vẫn có thể canh tác, trồng trọt được, làm đồng cỏ nuôi cừu hay bò, còn trên các bờ tường hay mái nhà, họ lắp các pin mặt trời cung cấp điện cho các khu nhà, thậm chí cho cả một khu phố, một thành phố. Ví dụ, để làm một cối điện chạy bằng gió mất 20 triệu đô-la, nếu nhân với 150 cối xay gió đó chỉ hết 3 tỷ đô-la. Trong khi đó, xây một nhà máy điện hạt nhân có thể giá sẽ lên đến từ 15 – 20 tỷ đô-la mà nguy hiểm luôn rình rập. Còn dùng pin mặt trời còn rẻ hơn rất nhiều, chỉ bằng1/5 giá thành trên đây.
![]() |
Nhà máy điện bằng năng lượng mặt trời. Nguồn ảnh : Corbis |
Tại Hà Lan, chính phủ đã khuyến khích các nhà doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ này và được miễn thuế nên hiện nay, 60% lượng điện năng của nước này là năng lượng xanh. Trong những năm tới đây, họ sẽ mở rộng năng lượng điện pin mặt trời để lấp chỗ cho 40% số luợng điện còn lại. Đáng lưu ý là dưới lòng đất của quốc gia này rất dồi dào khí gas và than nâu. Tuy nhiên, Hà Lan đã cấm khai thác than hơn 30 năm nay. Khí gas chỉ được khai thác đủ dùng cho sưởi ấm và một phần xuất khẩu sang các nước Bắc Âu.
Thủy điện và những cảnh báo tại châu Á
Các nhà khoa học đang kêu gọi các quốc gia cần phải xem lại chiến lược phản khoa học, phá hoại thiên nhiên do các công trình thủy điện đã gây ra mà hậu quả đã nhãn tiền. Họ đã đưa ra bài học tại Trung Quốc. Vừa qua, một số lượng đông đảo các nhà khoa học hàng đầu Trung Quốc đã kết hợp với các nhà khoa học có tên tuổi trên thế giới nghiên cứu tình hình thực tế về những mặt tốt và mặt tiêu cực của việc phát triển thủy điện tại nước này trong bốn thập kỷ vừa qua.
Các nhà khoa học đã đi đến thống nhất, trước khi xây dựng thủy điện, các khu rừng và các vùng sinh thái của thiên nhiên Trung Quốc thật là tuyệt hảo. Nhưng khi các công trình thủy điện được xây dựng thì ngay lập tức, tất cả những gì đẹp đẽ, quý báu đó đã dần biến mất. Thay vào đó là những khu rừng cổ, nhiều loài động vật quý hiếm, các công trình văn hóa rất lâu đời đã biến mất nhanh chóng. Dòng chảy của các con sông bị thay đổi, lượng bùn đất do rừng bị phá, bị sụt lở cộng với rác rưởi, các chất thải công nghiệp bị các đập thủy điện lưu giữ lại đã giết chết môi sinh, phá hoại sinh thái của các dòng sông và cuộc sống của người dân ở đôi bên bờ các con sông này.
Còn nhớ trận động đất kinh hoàng năm 2008 tại Tứ Xuyên đã khiến 80.000 người thiệt mạng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chiếc đập Zipingpu, cao 156 mét, đã được xây xong cuối năm 2004 với trữ lượng tổng cộng là hơn một tỷ mét khối. Nó đã đè trên một diện tích bao chứa không thể có gì bảo đảm, gây ra các vết nứt, lún của lòng đất. Khi có rung động của địa chấn do động đất gây ra đã làm cho lòng đất bị tụt xuống, gây nứt toác khu vực hàng cây số đất ở đây.
Ngày lại ngày, các mạch nước nhỏ ngầm trong lòng đất do áp lực của trọng lượng hàng tỷ mét khối nước đã khiến dòng chảy tự nhiên mạnh lên, tăng gấp nhiều lần với dòng chảy ban đầu và càng mạnh dần lên mỗi dịp mưa bão đã chở theo cát đất từ đây ra biển, tạo ra các lỗ hổng lớn, gây ra tụt hẫng đất ở trên mặt có suối ngàn chảy.
Khi mưa đến, mực nước trên sông dâng cao, khiến đập bị đe dọa, người ta đã phải cho xả lũ và đây đã gây ra lũ lụt mà hậu quả là nhiều ngôi làng đã bị nước cuốn trôi, nhiều người dân và động vật ở đây đã bị chết trong lũ.
Các đập lớn chẳng khác gì quả bom nước treo lơ lửng trên đầu người dân thành phố. Một khi động đất lớn xảy ra khiến đập vỡ thì tai họa không thể lường trước được. Giả định, đập Tam Hiệp của Trung Quốc vỡ thì chắc chắn, 1/3 nhà cửa và công trình của Trung Quốc sẽ bị tan hoại và chìm trong nước. Ngăn bít nước làm điện lại gây ra hậu quả nhiều vùng đầu nguồn đã bị hạn hán rồi hoang mạc hóa luôn. Bản thân Trung Quốc cũng đang bị sa mạc hóa tấn công.
Theo tờ Le Figaro của Pháp, trong số 45.000 chiếc đập được xây cất trên thế giới, gần một nửa là của Trung Quốc và hậu quả không chỉ gây ra cho đất nước và nhân dân quốc gia này, mà còn làm ảnh hưởng rất lớn đến các quốc gia sinh sống xung quanh mình (trong đó có Việt Nam, Mông Cổ, Ấn Độ và các quốc gia thuộc khu vực sông Mê-kông). Tờ báo cũng cho hay, hiện nay, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu thế giới về công trình xây đập, có mặt tại khoảng 30 nước ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ. Thông thường, Bắc Kinh tài trợ cho việc xây cất đập và để đổi lại, Bắc Kinh được cung ứng về tài nguyên hầm mỏ của các quốc gia này.
Tờ Wall Street Journal cho biết thêm, chính quyền và một phần trong dân chúng của các nước Phi Châu được Trung Quốc xây đập rất "biết ơn" Bắc Kinh đã đem lại cho họ một nguồn năng lượng sạch và tái tạo. Nhưng đến nay, hậu quả của thiên tai và môi sinh tại các nơi này cũng đang bị tàn phá đã khiến họ đang phải tính toán lại kế hoạch xây các con đập thủy điện này.
Để tự cứu mình, trước tiên hãy cứu môi sinh
Tại Việt Nam, những ảnh hưởng của các đại kế hoạch thủy điện của Trung Quốc cùng với sự phát triển nhanh chóng của các đập thủy điện tràn lan ở các tỉnh như "cộng gộp" với thiên tai bão, gió, mưa xối – gây ra hậu quả liên tục về lũ, lở đất ở đất nước này. Nhưng bít nước để làm điện lại gây ra hạn hán ở các khu đầu nguồn, cạn kiệt môi trường sống.
Người ta tổng kết, mặt trái
mà thủy điện mang lại cho nền kinh tế đất nước, ngoài chuyện tai họa lũ lụt chết người thì sự tán phá kinh tế đã vượt gấp nhiều lần so với lợi ich nó đem đến. Và hậu quả còn lâu dài và rất khó lường. Các nhà khoa học thế giới và Việt Nam giờ cũng đang cất cao tiếng cảnh báo tai họa do đập thủy điện đang gây ra, đó là chưa kể mỗi lúc bão lụt thì các nhà máy điện xả lũ, nước sẽ chảy về đâu?
Trung Quốc cho biết, đất nước này cũng đang tính đến việc cho phá bỏ nhiều con đập, trả lại môi sinh ban đầu và phải áp dụng công nghệ tạo "điện năng xanh" vì không còn cách nào khác, để tự cứu mình thì trước tiên phải cứu môi sinh.
Đất nước ta nằm ở vùng xích đạo nhiều nắng và gió, nếu áp dụng công nghệ sản xuất "điện năng xanh" thì đạt hiệu quả cao, lại tạo ra môi trường sạch cho các thành phố, giữ gìn rừng và bảo vệ tốt thiên nhiên. Điều cần nhớ là, trong mọi tình huống, những lời cảnh báo luôn cần được nghe một cách đúng mực.
Nguyễn Hoàng Hà – TVN