Những người hay tiếp xúc với Lê Thiết Cương đều có chung nhận xét : Đó là một gã đàn ông có bề ngoài lạnh lùng khó gần, thậm chí hơi cao ngạo. Ngôn từ của gã cũng cao ngạo và cộc cằn không kém, nghe vừa có vẻ thách thức, vừa ngạo nghễ, có chút văng mạng, nhưng nghe xong, ngẫm lại thấy gã… đúng, dù tức!
Gã nhà giàu cao ngạo
Lê Thiết Cương là cái tên không xa lạ trong giới hội họa, là một trong số ít những người không chỉ sống được, mà còn giàu có với nghề ở Việt Nam. Thế nhưng, với rất nhiều người, nhiều giới khác, Lê Thiết Cương không chỉ là một họa sĩ thành công, mà con người này còn "nổi tiếng" ở rất nhiều mặt, đôi khi chẳng giống ai.
Những người hay tiếp xúc với Lê Thiết Cương đều có chung nhận xét : Đó là một gã đàn ông có bề ngoài lạnh lùng khó gần, thậm chí hơi cao ngạo. Ngôn từ của gã cũng cao ngạo và cộc cằn không kém, nghe vừa có vẻ thách thức, vừa ngạo nghễ, có chút văng mạng, nhưng nghe xong, ngẫm lại thấy gã… đúng, dù tức!
Nói gì thì nói, dù tài hoa nổi tiếng, nhưng với những sự "xấu tính" kể trên, Lê Thiết Cương không thể nào là người đàn ông trong mộng của đa số chị em phụ nữ được. Đã lạnh lùng cộc tính, lại thêm ngạo nghễ ghê gớm thì "nường" nào chẳng ngại, phàm đã là phái yếu thường thích sự dịu dàng, đôi khi chỉ là một lời nói hay một cử chỉ nhỏ… Nhưng với Lê Thiết Cương, những thứ ấy là của hiếm. Cho dù (có thể) bên trong vẻ ngoài lạnh lùng ấy chứa đựng một tâm hồn nồng nàn chan chứa đi nữa, thì người phụ nữ nào đủ kiên nhẫn đi tìm phần trong đó cũng phải là người rất đặc biệt.
Chính Lê Thiết Cương cũng tự nhận : "Phụ nữ ít thích tôi vì tôi không galang". Nhưng lấy làm an ủi, cô nào "làm chủ" được chàng rồi lại khá yên tâm chăng (!)
Thôi thì tạm gạt sang một bên những gì người ta thường nói về gã đàn ông này : nào thì một bức tranh của gã tính bằng cả trăm con trâu, nào thì gã sở hữu cả cái nhà to tổ chảng giữa một phố chính Hà Nội, nào thì đồ trên người gã chẳng món gì không là hàng hiệu, nào thì… đủ thứ.
Những kẻ "xấu bụng" ghen ăn tức ở nghe vậy thì xì… một tiếng : "Ôi giời, tưởng gì chứ Lê Thiết Cương chẳng qua là thằng… thất học", vì rằng ngày xưa, đang học đại học thì gã bị đuổi ngang.
Thì vài dòng nhận xét trên cũng thấy tính cách này chắc chắn là một thành phần cá biệt rồi. Thế nhưng, gã vẫn đàng hoàng học hết PTTH, thi vào trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, Khoa Hội họa. Thế rồi, sự nghiệp học hành của gã đột nhiên tạm dừng vì những lý do chỉ có gã mới biết và không chịu tiết lộ. Nghe đâu, trong một cuộc phỏng vấn, gã đường hoàng tuyên bố : Bị đuổi học cũng là một may mắn của tôi, vì nó thức tỉnh một phong cách sáng tạo mới lạ, bứt phá để trở thành Lê Thiết Cương hôm nay (!)
Ngang tàng đến thế thì thầy nào dạy nổi. Lần giở lại lịch sử xa hơn, hóa ra, gã này xuất thân từ con nhà tư sản Hà Nội gốc. Ở mức nào đó, gã là một thiếu gia lừng lẫy. Thảo nào, khẩu khí của gã ghê gớm thế. (Nghe đồn) gia đình gã từng lừng lẫy một thời với biệt thự nhà xưởng, xe cộ. Sau năm 1954, tất cả nhà xưởng của gia đình Lê Thiết Cương đều bị công tư hợp doanh, trở thành "giai cấp vô sản" như mọi gia đình khác.
Thế nhưng giờ đây, gã lại đường hoàng cưỡi BMW, ngồi vẽ trong ngôi nhà cả trăm mét vuông mặt phố, ngửa mặt nói chuyện thế sự… Thế mới biết, thế thời phải thế, nhưng chưa chắc đã thế.
Dường như chưa yên tâm với vẻ phớt đời ngạo nghễ bề ngoài của mình, thi thoảng, gã lại lên báo phán vài câu về cung cách quản lý nhà nước; thi thoảng, gã lại phản biện về sự nghiệp về công tác bảo tồn di sản; thậm chí có lần, gã lên "cãi nhau" tay bo cùng Cục trưởng Cục Bảo tồn di sản trên báo; và gần đây nhất, gã lại tạo nên một vụ ầm ĩ làm xôn xao cả giới Phật tử nhân vụ rước Xá lợi.
Có người bảo, gã thích "làm hàng" để nổi tiếng, người lại cho rằng, gã có trách nhiệm với cộng đồng, có người lại buông thõng : Thằng điên. Mặc kệ, ai nói cứ nói, người làm cứ làm, và gã vẫn đang chuẩn bị sẵn nhiều vụ ầm ĩ khác.
![]() |
Lê Thiết Cương – Ảnh SGTT |
Ông Trời đã cho mình một nghề…
Gã giải thích về "sứ mạng" của mình như thế. "Tôi tự bắt mình cõng cái tù và hàng tổng lên vai, không thể chỉ sáng mở mắt ra, tối nhắm mắt ngủ rồi làm ngơ trước tất cả".
Sinh sự thì sự sinh. Có lẽ không nói ra, nhưng không ít nhà quản lý đau đầu, nhiều người khó chịu và chắc chắn không ít người ghét gã. Nhưng có vẻ như gã đàn ông này không ngán mấy chuyện đó, mà dường như tần suất "gây sự" của gã có vẻ ngày càng dày lên.
Trong buổi người viết bài này gặp gỡ gã, dù đã được trình bày sẽ viết bài chân dung, rằng anh là người thế này thế nọ, viết vẽ như này như kia, yêu đương hôn nhân thế kia thế khác… nhưng cuối cùng, phần lớn thời gian để nghe gã vung tay chém gió và một "mớ" ngôn ngữ vừa ngang tàng đanh đá, vừa bức xúc cáu kỉnh tuôn ra về cái mà gã gọi là "thương mại hóa" chốn linh thiêng hay là "hạ cấp hóa" di sản văn hóa dưới áo khoác trùng tu, nâng cấp, cải tiến hay gì gì đó.
"Động đến di sản đầu tiên phải đòi hỏi có tri thức, sau đấy là có tâm rồi mới có tiền. Tôi đi hầu hết các ngôi chùa Việt Nam hiện nay, hầu như không thể nào tìm được một ngôi nào chưa bị đụng chạm sửa chữa".
"Chùa nào hiện nay cũng dựng tượng Phật bà Quan âm đứng trên tòa sen ngoài trời, đấy không phải là văn minh của chùa miền Bắc, như thế là phá hoại toàn bộ không gian kiến trúc. Nếu có thì chỉ vài chùa trong miền Nam có kiến trúc đó, không phải văn hóa kiến trúc miền Bắc".
Hoặc : "Chùa nào cũng có hàng loạt hòm công đức, rải từ cổng vào trong nhà chùa, trong khi đã có quy định mỗi chùa không quá 5 hòm. Như thế không phải là thương mại hóa thì là gì?"
Toàn những vấn đề nóng hổi và đầy bức xúc. Có vẻ như máu dân tộc, hoặc bản tính khe khắt kiểu "sĩ phu Bắc Hà" lúc nào cũng tràn đầy trong phổi gã đàn ông này, lúc nào cũng chỉ chực dịp để trào ra.
Lang thang không biết mệt mỏi qua các chùa chiền miếu mạo, ngâm nga mân mó, nghiên cứu ngẫm ngợi. Gã thuộc làu làu kiểu tượng này phải tô bằng sơn ta, thếp vàng, làm bóng ra sao; hoặc ngồi kể vanh vách những địa phương nào, nghệ nhân nào nắm giữ những bí quyết nghề nghiệp tinh xảo đã lưu truyền cả vài trăm năm; hoặc kể vanh vách quy trình sơn son thếp vàng tượng quý thế nào…
Nói một thôi một hồi, gã lại tự "giải trình" : "Những kiến thức đó "thằng" họa sĩ nào chả biết, nhưng biết rồi để đấy, cho qua, hoặc nhìn thấy người ta hủy hoại hoặc quay lưng với báu vật dân tộc, rồi chạy theo những thứ nhố nhăng khác mà vẫn làm thinh thì biết để làm gì?"
Cứ nghe ngóng ngôi chùa nào, miếu điện nào, di sản nào đang được lên kế hoạch, nào chùa Trăm Gian, chùa Mía, nào đền Và, gã lại đến mục kích bằng được, rồi lại ôm một đống bức xúc mang về. Nào thì : "Cổng chùa xây lại thế thì khác gì cổng làng", rồi thì : "Điện mà sơn xanh sơn đỏ như lầu công chúa", hoặc : "Chùa thời Lý mà tu sửa thế thành thời gì?", vân vân và vân vân…
Kèm theo đó lại sẽ có những phản biện, những phát ngôn, những bức xúc ăm ắp. Cứ như thể ai đó khoán cho gã nhiệm vụ tuần tra canh gác và… đá thúng đụng nia vì di sản vậy.
Ai đó khuyên can hay thắc mắc, "vui" thì gã vặc lại, tranh luận gay gắt chán chê với chùm lý luận lao vù vù như tên bắn. Hoặc khi "không có hứng" thì gã phớt lờ tỉnh queo. Gã nói gã không muốn sống như mấy "thằng" dù có kiến thức, biết mười mươi người ta đang làm sai cũng cứ bàng quan ngồi yên, dĩ hòa vi quý hay hèn cũng là cách nói.
Gã triết lý : Vấn đề không phải tôi vẽ thế nào, anh viết ra sao, mà tôi và anh sống thế nào mới là quan trọng, vì cuộc sống mới bao hàm hết những tầng bậc cao nhất của tri thức, nhân cách hay văn hóa… Nghệ thuật hội họa chỉ là phương tiện.
"Tôi có nói trong một bài báo : "Nghệ thuật cuối cùng chính là cuộc sống". Sống mới khó chứ làm nghệ thuật dễ lắm. Đến một tầng bậc nào đó, người ta sẽ hiểu sống khó hơn vẽ, cũng không ai chỉ vẽ mà không sống".
"Tôi ví dụ thế này : Nếu có ai đó được thả trên một hoang đảo với đủ toan và màu, nhưng chưa chắc người ta đã vẽ được vì không có đời sống. Vẽ đâu phải chỉ bằng tay, càng không phải bằng sự ngu dốt. Năng khiếu chỉ là bước đầu tiên, cũng như bằng đại học chỉ có giá trị xin việc, còn muốn tiến xa phải có tri thức thực sự. Làm gì có thằng nào vẽ bằng sự ngu dốt?".
Nghe khẩu khí ấy thì chẳng thể lẫn đi đâu ngoài "bản quyền" Lê Thiết Cương. Những tuyên ngôn nghe giật mình tho
n thót. Nghe đâu, gã lại đang chuẩn bị lên đường tới một ngôi chùa to nhất Việt Nam vừa mới xây…
Hoàng Hường – Theo TVN