Nguyễn Tư Nghiêm sinh năm 1922, tại xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông học khóa XV Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1941 – 1946). Theo cuốn "Mỹ thuật Việt Nam hiện đại" của họa sĩ Quang Phòng, Nguyễn Tư Nghiêm là học trò duy nhất ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thầy giáo người Pháp Imgui Berty khuyến khích vẽ sơn dầu. Lúc ấy, mới học năm thứ 3, bức sơn dầu "Người gác Văn Miếu" của Nguyễn Tư Nghiêm đã làm chấn động dư luận trong giới mỹ thuật về sự táo bạo và mới lạ của nó. "Người gác Văn Miếu" – được vẽ một cách cực kỳ giản lược, chỉ một màu trắng với những sắc độ đậm nhạt để thể hiện chi tiết và tương phản với một nền xanh – ở Hội đồng Giám khảo Salon Unique (Triển lãm Duy nhất) năm 1944 chấm giải Nhất. Cùng năm ấy, bức "Cổng làng Mộng Phụ" của ông được đánh giá cao. Năm sau, cùng với việc phát triển thể loại sơn mài, bức sơn khắc "Đánh cờ dưới bóng tre" của Nguyễn Tư Nghiêm được dành riêng một vị trí danh dự lớn ở cuộc trưng bày sáng tác của các sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương tại 45 Tràng Tiền (Hà Nội). Ông đã từng nhận được nhiều giải thưởng trong cuộc đời sáng tác của mình như Giải chính thức Triển lãm Quốc tế Sôphia (Bun-ga-ri) 1985, Giải chính thức Triển lãm Quốc tế Hội họa – Đồ họa Hà Nội 1987, Giải Nhất Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc các năm 1951, 1957, 1990… Điều ấy với ông không có ý nghĩa gì lắm. Các giải thưởng chỉ nói lên rằng, ngay từ khi mới bắt đầu sự nghiệp, tài năng, những ý tưởng táo bạo, một phong cách độc đáo ở Nguyễn Tư Nghiêm đã bộc lộ rất rõ và sớm được thừa nhận. Dường như ông sinh ra để làm một nghệ sĩ hàng đầu của nền mỹ thuật Việt Nam, có thể nói ra điều ấy mà không một ai phản đối hay nghi ngờ. Bởi lẽ, hơn ai hết, Nguyễn Tư Nghiêm đã đưa nghệ thuật truyền thống vào tranh của mình ở một mức độ đậm đặc. Ông là người nối kết tuyệt vời nhất hội họa dân tộc với hội họa hiện đại (điều mà tất cả các họa sĩ đều muốn nhưng chỉ rất ít người làm được).

"Hãy ngắm nhìn Những điệu múa cổ của ông. Đó là những tưởng niệm nhớ nhung, dập dờn nhạc điệu trong mạng lưới đường nét với tiết tấu vô cùng phong phú : những tà áo bay lệch nhịp với cơ thể và cử chỉ bàn tay vừa lắt léo, vừa ngây thơ. Rồi những cây cổ thụ xao động miên man trong hòa điệu. Toàn cục bức tranh gẩy lên một tiếng vọng xa vắng, khơi dậy cái tâm thức bồi hồi của cả một dân tộc… ". Thái Bá Vân đã thốt lên như vậy trước tác phẩm của Nguyễn Tư Nghiêm. Và chúng ta cũng đồng ý với Thái Bá Vân rằng, Nguyễn Tư Nghiêm là một trường hợp cá biệt của hội họa Việt Nam hiện đại, không gắn bó với một họa sĩ hay một trường phái nghệ thuật nào ở nước ngoài. Nói theo cách của ông là "không dám đi đâu xa, chỉ quanh quẩn ở đình làng"… mà có được những thành công vang dội.

Những tác phẩm tạo nên tên tuổi Nguyễn Tư Nghiêm từ những ngày đầu đi theo cách mạng – những tác phẩm để ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I – đều là những tác phẩm bắt nguồn từ mối giao cảm với nghệ thuật truyền thống khi "quanh quẩn với đình làng" như vậy. Các bức : "Trạm gác" (1948), "Con nghé" (1957), "Giao thừa bên Hồ Gươm" (1957), "Nông dân đấu tranh chống thuế" (1960)… của ông, đều là sơn mài khổ lớn, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tất cả đều thể hiện sự am hiểu sâu sắc tâm lý con người và đời sống xã hội hiện tại của Nguyễn Tư Nghiêm. Sự am hiểu đó đem lại cho tranh ông một chiều sâu lý trí. Nhưng lý trí ấy lại được kết hợp rất sâu sắc với tình người và thấm đượm đạo lý phương Đông. "Giao thừa bên Hồ Gươm" là một tác phẩm tiêu biểu. Ở đó, Nguyễn Tư Nghiêm giải quyết thật điêu luyện sự liên tục những mảng bạc và cánh dán trong cây, những đứt đoạn sơn then của màn đêm, tạo nhiều đổi thay đa dạng, tinh tế, để có được một không gian lung linh kỳ ảo, tràn đầy tâm cảm của một người dân Việt khi năm mới bắt đầu.

Tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm

Nguyễn Tư Nghiêm vẽ nhiều, nhưng chỉ tập trung vào một đề tài nhất định. Những chủ đề như "Điệu múa cổ", "Thánh Gióng", mười hai con vật tượng trưng cho năm, "Kim Vân Kiều"… là những chủ đề làm ông tốn nhiều công sức hơn cả. Ở Những điệu múa cổ nền vàng đất, da cam, bạc dây, hòa sắc vàng thư, đỏ cờ, cánh sen, ghi lục… khiến người ta liên tưởng đến tranh Đông Hồ dân gian cùng với một hệ thống nét linh hoạt, nổi trội. "Thánh Gióng" gợi nhớ những họa tiết trên trống đồng… cả những con vật tượng trưng cho năm đều liên quan đến truyền thuyết. Âm hưởng không gian đình chùa rất nhiều trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm, song âm hưởng ấy gợi nên không chỉ là sự hồi tưởng, mà rất mới mẻ, đa dạng nhờ một ngôn ngữ tạo hình khác, một bảng màu khác, rất hiện đại và biểu cảm hơn hẳn mà không ai khác ngoài ông mới có thể tạo ra được. Trong việc chuyển hóa tranh và tượng cổ, những mô-típ hoa văn, chạm khắc đình làng thời Lý – Trần – Lê – Nguyễn, việc khai thác không gian truyền thuyết, nhiều họa sĩ rất muốn thể hiện. Nhưng cho đến hôm nay, Nguyễn Tư Nghiêm vẫn là người đi tiên phong. Xa lánh những nơi ồn ào, ông vẫn vẽ, vẽ đến kiệt sức những đề tài ông theo đuổi. Lặng lẽ, ông sống hết mình với hiện thực và nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Lặng lẽ, ông sáng tạo và làm sống động trên tranh ông những hoài niệm về quá khứ, quá khứ đẹp đẽ, đáng trân trọng của nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Phạm Thị Thanh
Báo Nhân dân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *